Chỉ huy tàu khu trục Mỹ ung dung ngồi nhìn tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Truyền thông nước ngoài đưa tin, quân đội Mỹ bắt đầu áp dụng “chiến tranh nhận thức” (Cognitive Warfare, hay chiến tranh tâm lý thông tin), tức là gửi thông điệp tới Trung Quốc qua hình ảnh. Cách làm này đã phát huy tác dụng khi khiến các cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phản ứng gay gắt.

Vào ngày 3/4, tàu sân bay Liêu Ninh cùng ba tàu khu trục, một tàu hộ vệ và một tàu tiếp nhiên liệu của Trung Quốc đã đi qua các đảo Okinawa và Miyako-jima của Nhật Bản và tiến về Thái Bình Dương. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ cũng tiến vào Biển Đông qua eo biển Malacca hôm 4/4. Theo truyền thông ĐCSTQ, hai quân đội đã gặp nhau trên biển.

Chủ nhật tuần trước (hôm 11/4), Hải quân Hoa Kỳ đã công bố một bức ảnh cho thấy, chỉ huy của tàu khu trục USS Mustin (DDG-89) là Trung tá Robert Briggs và Trung tá Richard Slye đang nhàn nhã ngắm nhìn tàu sân bay Liêu Ninh cách đó vài km. Trung tá Briggs còn ung dung gác chân trên mạn tàu, dựa lưng vào ghế và nhìn ra xa, còn Trung tá Slye thì khoanh tay đứng nhìn.

Các nhà phân tích cho rằng, động thái này là một "cuộc chiến tranh nhận thức" của Hoa Kỳ nhắm vào ĐCSTQ, Mỹ đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng tàu Liêu Ninh không đủ để gây ra sự sợ hãi. Mặc dù thuật ngữ "chiến tranh nhận thức" xuất hiện khá muộn nhưng thực tế khái niệm này đã có từ rất lâu. Hiểu theo nghĩa rộng chính là chiến tranh tâm lý thông tin.

Hôm 11/4, tờ South China Morning Post dẫn lời ông Lục Lập Thời (Lu Li-shih), cựu sĩ quan huấn luyện của Học viện Hải quân Cao Hùng Đài Loan, cho rằng bức ảnh này chắc chắn là một phần của "cuộc chiến tranh nhận thức" do Mỹ khởi xướng, cho thấy Mỹ không coi ĐCSTQ là mối đe dọa trực tiếp. Tư thế của hai quân nhân Mỹ "cho thấy họ xem nhẹ quân đội ĐCSTQ”, ông Lục nói.

Ông Andrei Chang, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Kanwa (Kanwa Defense Review), có trụ sở tại Canada, cho rằng bức ảnh này là một "lời cảnh báo đối với quân đội Trung Quốc", tức là Hoa Kỳ đã hoàn toàn nắm được tình hình của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh.

Hãng Thông tấn Trung ương (CNA) của Đài Loan cũng dẫn lời ông Lã Lễ Thi (Lu Lishi), cựu chỉ huy chiến hạm Tân Giang (606) của hải quân Đài Loan, cựu giảng viên Khoa Quân sự học của Học viện Hải quân Đài Loan, nói rằng quân đội Hoa Kỳ đang tiến hành một "cuộc chiến tranh nhận thức" chống lại ĐCSTQ. Bức ảnh này có nghĩa là quân đội Hoa Kỳ đang đặt câu hỏi về khả năng tác chiến thực tế trên biển của ĐCSTQ. Cũng có chuyên gia nhiếp ảnh phân tích rằng, tư thế của quân đội Mỹ rõ ràng là đang tạo dáng chụp ảnh, nhằm truyền tải thông điệp “Quân đội Mỹ đang theo dõi Quân giải phóng nhân dân”.

Mặc dù sau đó quân đội Mỹ đã gỡ bức ảnh này nhưng nó vẫn gây ra cuộc tranh luận sôi nổi.

Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, nói trên Weibo vào ngày 12/4 rằng, bức ảnh này được Hoa Kỳ tung ra để động viên các đồng minh của mình. Ông cũng tuyên bố rằng ĐCSTQ có thể "xua đuổi quân đội Hoa Kỳ cách xa bờ biển 1.500 km nếu khai chiến". Còn vào chiều ngày 11/4, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã chiếu video về cuộc tập trận hải quân có bắn đạn thật của “ba chiến khu lớn” của quân đội Trung Quốc, gọi đây là "huấn luyện tập trung" và "khai hỏa toàn lực".

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Chỉ huy tàu khu trục Mỹ ung dung ngồi nhìn tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc