Các nhà khoa học nêu chi tiết về những bất cập trong báo cáo điều tra nguồn gốc COVID-19 của WHO 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước báo cáo điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19 hồi tháng Hai của WHO rằng, giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là cực kỳ khó xảy ra, các nhà khoa học đã viết một bức thư ngỏ ngày 7/4 để nêu chi tiết những sai phạm và mâu thuẫn của báo cáo, trong đó viết rằng, "các kết luận được đưa ra không đạt được một số tiêu chuẩn cơ bản nhất đáng tin cậy về phân tích và đánh giá". Bức thư cũng nhấn mạnh rằng, báo cáo có 12 điểm không chính xác, có biểu hiện tranh chấp, trong đó các tuyên bố mâu thuẫn và không chính xác được sử dụng để hạ thấp lý thuyết rằng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Ngày 7/4, một nhóm gồm 24 nhà khoa học đã phát hành một bức thư ngỏ yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về nguồn gốc của COVID-19, bao gồm việc kiểm tra kỹ lưỡng khả năng virus có thể rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.

“Hơn một năm sau đợt bùng phát đầu tiên, các nhà khoa học của WHO vẫn không thể tiếp cận được các hồ sơ quan trọng và các mẫu sinh học vốn có thể cung cấp những hiểu biết cần thiết về nguồn gốc đại dịch”, bức thư nêu rõ. “Việc [nhà chức trách Trung Quốc] che giấu các tài liệu quan trọng mà có đáng lẽ thể và phải được cung cấp khiến kết quả nghiên cứu chung của đoàn chuyên gia WHO thiếu độ tin cậy”.

Các nhà khoa học nói rằng, cần tiến hành một cuộc điều tra mới để tìm hiểu nguồn gốc của đại dịch, và thành phần của các nhà khoa học được chọn sẽ không bị Trung Quốc và bất kỳ chính phủ nào khác phủ quyết và cản trở. Chính phủ Trung Quốc đã có quyền phủ quyết như vậy đối với cuộc điều tra nguồn gốc của WHO đầu năm nay.

Họ nói thêm rằng cần có các quy trình bảo vệ người tố giác để đảm bảo các nhà khoa học Trung Quốc có thể “chia sẻ thông tin liên quan mà không sợ bị trả thù”.

Các nhà khoa học đã gắn cờ nhiều nhận xét từ Tiến sĩ Thạch Chính Lệ, nhà nghiên cứu virus corona gốc dơi hàng đầu của Trung Quốc, rằng báo cáo của WHO đã hạ thấp lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm. Các kết luận đưa ra có nhiều mâu thuẫn, cũng như không chính xác.

Mặc dù báo cáo của WHO nói rằng, "tất cả các nghiên cứu thực địa được thực hiện với thiết bị phòng hộ cá nhân (PPE) đầy đủ", nhưng theo nhà virus học Thạch Chính Lệ được trích dẫn trong báo cáo, tuyên bố này mâu thuẫn với các hình ảnh và video cho thấy đồng nghiệp của bà Thạch tại phòng thí nghiệm rất ít khi sử dụng PPE trong khi làm việc.

Bức thư cũng nhấn mạnh rằng, báo cáo của WHO dựa trên những tuyên bố không chính xác và mâu thuẫn, mà bà Thạch đã đề cập liên quan đến cơ sở dữ liệu của Viện Virus học Vũ Hán (WIV) bị xóa từ tháng 9/2019. Dữ liệu bị xóa này chứa ít nhất 16.000 mẫu virus mà Viện đã nghiên cứu trước khi đại dịch bùng phát.

Báo cáo của WHO cho biết cơ sở dữ liệu bị xóa là một bảng tính excel, nhưng các nhà khoa học cho biết, trên thực tế, nó là một cơ sở dữ liệu MySQL. Báo cáo cũng cho biết cơ sở dữ liệu bị tin tặc tấn công và được đưa vào chế độ ngoại tuyến. Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng, theo tuyên bố rất rõ ràng của bà Thạch, vụ hack xảy ra trong đại dịch, nhưng cơ sở dữ liệu đã được thực hiện ngoại tuyến từ vài tháng trước khi đại dịch chính thức bùng phát.

Trong quá trình điều tra, nhóm của WHO thậm chí không đưa ra yêu cầu xem xét cơ sở dữ liệu của WIV đã bị xóa, vì thành viên duy nhất của Hoa Kỳ trong phái đoàn là Tiến sĩ Peter Daszak đã tự mình xác nhận cho phòng thí nghiệm và nói rằng, không có thông tin “liên quan” trong cơ sở dữ liệu.

Việc ông Daszak tham gia cuộc điều tra của WHO đã khiến cuộc điều tra bị sa lầy với những cáo buộc về xung đột lợi ích. Ông Dazsak đã hợp tác chặt chẽ với WIV trước đại dịch và tổ chức phi lợi nhuận của ông, EcoHealth Alliance, đã quyên góp 600.000 USD tiền thuế của người Mỹ cho WIV để nghiên cứu các loại virus corona gốc dơi ở Trung Quốc trước đại dịch.

Bức thư ngỏ được đăng lần đầu tiên trên tờ New York Times.

Người đồng tổ chức của bức thư, Jamie Metzl, nói với Daily Caller News Foundation trong một tuyên bố rằng, các chính phủ nên phát triển một quy trình mới và độc lập để điều tra nguồn gốc của đại dịch, nếu chính phủ Trung Quốc từ chối hợp tác và WHO từ chối cải tiến các quy trình điều tra hiện hành.

"Mặc dù hầu hết mọi người sẽ sửng sốt khi biết rằng, một năm rưỡi sau khi đại dịch bắt đầu, với hàng triệu người chết và cuộc sống của hàng tỷ người bị gián đoạn, lại không có quy trình nào được đưa ra để tiến hành điều tra toàn diện đối với tất cả các giả thuyết về nguồn gốc dịch bệnh. Điều này thật đáng tiếc", ông Metzl nói.

Ông cho biết, như đã nêu trong bức thư ngỏ, một cuộc điều tra đầy đủ về nguồn gốc của đại dịch bằng các phương tiện tốt nhất hiện có không nhằm mục đích cáo buộc hay trách cứ bất kỳ quốc gia nào, mà là để nỗ lực tìm ra căn nguyên của thảm họa này, để nỗ lực giải quyết những thiếu sót lớn nhất của chúng ta trong đại dịch vì lợi ích của toàn nhân loại.

Không chỉ các nhà khoa học kêu gọi cuộc điều tra mới về nguồn gốc của đại dịch, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho biết vào ngày 30/3 rằng, cần thiết phải tiến hành các nghiên cứu sâu hơn về lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, bởi vì đoàn nghiên cứu của WHO chưa hoàn thành nhiệm vụ điều tra đầy đủ.

Bộ Ngoại giao của Tổng thống Joe Biden đã ban hành một tuyên bố chung với 13 quốc gia dân chủ khác vào ngày 30/3, bày tỏ quan ngại về cuộc điều tra nguồn gốc của WHO.

Tuyên bố viết: “Chúng tôi, các quốc gia dân chủ cùng ủng hộ và hỗ trợ một nghiên cứu và đánh giá minh bạch và độc lập, không chịu các ảnh hưởng không cần thiết về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Về vấn đề này, chúng tôi cùng bày tỏ mối quan ngại chung về nghiên cứu hồi tháng Hai của WHO được tiến hành ở Trung Quốc”.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà khoa học nêu chi tiết về những bất cập trong báo cáo điều tra nguồn gốc COVID-19 của WHO