‘Chiến dịch Bóng tối’ chống lại cựu Tổng thống Trump

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc Tổng tuyển cử Hoa Kỳ năm 2020 là một cuộc bầu cử lịch sử được biết đến với những bất thường và gian lận cử tri, cùng những thách thức pháp lý chống lại kết quả bầu cử từ ban vận động của cựu Tổng thống Trump và các luật sư của ông. Đằng sau cuộc bầu cử này có những bí mật gì? Bài viết "Lịch sử bí mật của Chiến dịch Bóng tối đã cứu vớt cuộc bầu cử năm 2020" đăng trên tạp chí Time đã vén bức màn bí mật này. Dưới đây là bài bình luận của tác giả Jeff Carlson về bài báo này của Time. 

“Họ không gian lận bầu cử; mà là họ đang củng cố cuộc bầu cử", tạp chí Time cho biết.

Trong một bài báo trơ trẽn đáng ngạc nhiên có tiêu đề “Lịch sử bí mật của Chiến dịch Bóng tối đã cứu vớt cuộc bầu cử năm 2020”, tạp chí Time đã ghi chép lại vô số hành động trước và sau cuộc bầu cử năm 2020, được thực hiện bởi một liên minh của các thành viên Đảng Dân chủ, các nhà hoạt động cấp cơ sở, phương tiện truyền thông dòng chính, các công ty công nghệ và CEO của các doanh nghiệp.

Theo bài báo, nỗ lực này bao gồm "một nhóm được nhiều nguồn tài trợ gồm những nhân vật quyền lực thuộc nhiều ngành và nhiều hệ tư tưởng cùng phối hợp ở hậu trường để tác động đến nhận thức, thay đổi các quy tắc và luật pháp, điều khiển các hãng truyền thông đưa tin và kiểm soát luồng thông tin".

Trong giai đoạn sau Ngày bầu cử, tác giả định nghĩa sự liên kết của nhóm này là "âm mưu phơi bày nơi hậu trường, một âm mưu vừa ngăn chặn các cuộc biểu tình vừa dàn xếp sự phản kháng từ các CEO" dẫn đến một "liên minh không chính thức giữa các nhà hoạt động cánh tả và những nhà kinh doanh khổng lồ".

Mặc dù các từ “bè đảng” và “âm mưu” được sử dụng để mô tả các hoạt động sâu rộng của các nhóm này, được gọi chung là Chiến dịch Bóng tối, tác giả của bài báo cố gắng hết sức để nhấn mạnh rằng những nỗ lực này không nhằm mục đích “gian lận bầu cử; mà là họ đã củng cố nó".

Thật vậy, xuyên suốt bài báo, có một số tuyên bố lặp đi lặp lại rằng những nỗ lực này được thực hiện không phải với mục đích đảo ngược cuộc bầu cử, mà là một phần của phong trào anh hùng cơ sở nhằm cứu vãn nền dân chủ của chúng ta và duy trì tính trung thực của cuộc bầu cử này và các cuộc bầu cử trong tương lai.

“Tình huống mà các nhà vận động bóng tối đã liều lĩnh ngăn chặn không phải là chiến thắng của ông Trump. Đó là một cuộc bầu cử vô cùng thảm khốc mà không có kết quả nào có thể phân biệt được, một sự thất bại của hành động tự quản dân chủ tập trung vốn là dấu ấn của nước Mỹ kể từ thuở khai thiên lập địa”, bài báo viết.

Mặc dù bài báo coi các hành động được thực hiện bởi "Chiến dịch Bóng tối" này là các bước cần thiết để cứu vãn nền dân chủ của chúng ta, nhưng đối với một người đọc có cái nhìn khách quan hơn về các sự kiện, thì đây chính là sự chà đạp lên nền dân chủ.

Theo những người tham gia vào các hành động trong câu chuyện này, mối đe dọa đối với nền dân chủ của chúng ta là sự đòi hỏi mạnh mẽ phải có "một nỗ lực ở quy mô chưa từng có" và một biện pháp hợp tác chưa từng thấy trong quá trình bầu cử. Mối đe dọa này cũng bao hàm một liên minh quyền lợi rộng lớn đáng ngạc nhiên gồm có “Quốc hội, Thung lũng Silicon và Hạ viện của các tiểu bang”.

Như được nhấn mạnh trong bài báo, những nỗ lực đoàn thể này “đã động chạm đến mọi khía cạnh của cuộc bầu cử” bao gồm cả luật bầu cử của chúng ta. Các nhóm này tham gia vào một mặt trận pháp lý thống nhất để "thay đổi hệ thống bỏ phiếu và luật" ở cấp tiểu bang, thường bỏ qua các cơ quan lập pháp của tiểu bang một cách vi hiến và chuyển giao quyền lực cho thống đốc của các bang trong quá trình này. Những nỗ lực bảo thủ nhằm chống lại quá trình này được gọi một cách thuần thục là “các vụ kiện đàn áp cử tri”.

Cách sử dụng thuật ngữ và trình bày vấn đề dẫn dắt chúng ta đến một đặc điểm riêng của bài báo. Nó được viết như thể 75 triệu cử tri ủng hộ Tổng thống Trump lúc đó đơn giản là không tồn tại, như thể một quốc gia bằng cách nào đó đã hoàn toàn đoàn kết chống lại nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump. Không có sự thừa nhận rằng Tổng thống Donald Trump khi đó đang nhận được sự ủng hộ từ một bộ phận lớn của dân chúng. Khi thuật ngữ "cử tri" được sử dụng, nó luôn ám chỉ những người đã bỏ phiếu chống lại cựu Tổng thống Trump và ủng hộ ông Biden.

Ngoài một vài đoạn ngắn, còn lại độc giả có thể nghĩ rằng cuộc bầu cử thậm chí đang có rất nhiều nghi vấn cần được làm rõ thì cũng không có gì là sai cả.

Trong khi tập trung cao độ vào ban vận động của cựu Tổng thống Trump, một điều ngạc nhiên là bài báo hầu như không thảo luận chút gì về chiến dịch của ông Biden. Như bài báo nêu rõ, Chiến dịch Bóng tối "tách biệt với chiến dịch của ông Biden và vượt qua các luồng tư tưởng". Thật vậy, chỉ một số ít lần ông Biden được đề cập đến trong bài báo và không bao giờ liên quan trực tiếp đến bất cứ điều gì mà ông ta hoặc ban vận động của ông ta đang làm để chuẩn bị cho cuộc đua.

Cách truyền thông định hình thông tin, nỗ lực trực tuyến và các công ty công nghệ

Song song với việc tập trung vào cựu Tổng thống Trump, có một chủ đề khác về lạm dụng tâm lý gần như thống nhất theo cách của nó trong suốt bài báo. Bất kỳ hoạt động, ý kiến hoặc phản ứng nào từ những người theo trường phái bảo thủ hoặc từ chính quyền cựu Tổng thống Trump đều tự động bị dán nhãn và sau đó bị quy chụp là bất chính, thậm chí là phản diện. Trong khi đó, một ý niệm về sự cao quý giả tạo đã gắn liền với mọi hành động của phe cánh tả.

Theo bài báo, các cảnh báo trước cuộc bầu cử từ ban vận động "và những tay sai" của Tổng thống Trump khi đó về những rủi ro của việc chuyển đổi phương thức bỏ phiếu bằng thư chưa từng có trong tiền lệ, được thiết kế để "làm hỏng cuộc bầu cử". Sự phản đối hợp pháp của những người theo trường phái bảo thủ truyền thống chống lại những thay đổi vi hiến đối với luật bầu cử tiểu bang được gọi là “giả mạo”. Mặc dù là những người xúi giục pháp lý, bài báo nói rằng "Các luật sư của Đảng Dân chủ đã chiến đấu với làn sóng kiện tụng lịch sử trước cuộc bầu cử".

Trong khi đó, thông tin từ phía cánh hữu nhiều lần bị coi là “lời nói dối của Trump”, “thuyết âm mưu” hoặc “Những kẻ xấu phát tán thông tin sai lệch”. Theo bài báo, những nỗ lực này cùng với “sự tham gia của những kẻ can thiệp nước ngoài đã khiến những thông tin vốn sai lệch trở thành mối đe dọa sâu rộng hơn đối với cuộc bầu cử năm 2020”.

Ngược lại, khi các tổ chức cánh tả như Voting Rights Lab và IntoAction tạo ra "meme (hiện tượng lan truyền quan niệm, hành vi, hoặc phong cách) và đồ họa dành riêng cho từng tiểu bang", được thiết kế để tuyên bố rằng bỏ phiếu qua thư là an toàn và không bị gian lận, thì hành động của họ được coi là "chống lại thông tin xấu". Đây cũng không phải là một nỗ lực nhỏ. Như bài báo lưu ý, những meme và đồ họa này đã được “phổ biến rộng rãi qua email, văn bản, Twitter, Facebook, Instagram và TikTok” và được xem “hơn 1 tỷ lần”.

Một trọng tâm khác của chiến dịch này là thuyết phục công chúng rằng kết quả bầu cử sẽ bị trì hoãn, có lẽ trong một số ngày. Những nỗ lực này được thiết kế để công chúng cử tri không mong đợi, hoặc thậm chí không chấp nhận kết quả trong đêm bầu cử. Như bài báo lưu ý, “các cuộc thăm dò theo dõi của tổ chức cho thấy thông điệp đang được lắng nghe: tỷ lệ công chúng không mong đợi biết ai là người chiến thắng trong đêm bầu cử tăng dần cho đến cuối tháng 10, là hơn 70%. Đa số cử tri đều tin rằng quá trình kiếm phiếu kéo dài không phải là dấu hiệu của vấn đề. "

Nhận thức và thông tin là rất quan trọng trong một cuộc bầu cử và để công nhận điều này, trước cuộc bầu cử, các thành viên đảng Dân chủ đã thành công trong việc “gây sức ép với các công ty truyền thông xã hội”. Những nỗ lực này phần lớn đã thành công khi một số lượng lớn các tài khoản của người theo trường phái bảo thủ truyền thống bị hủy và những câu chuyện quan trọng có thể gây tổn hại cho chiến dịch của ông Biden bị đàn áp, trong khi giới truyền thông không ngừng công kích chiến dịch của cựu Tổng thống Trump.

Trong khi ghi nhận sự tham gia của các công ty công nghệ trong nỗ lực này, bài báo đã miêu tả kết quả là sự đàn áp thông tin và hủy tài khoản của người dùng thuộc trường phái bảo thủ. Khi những câu chuyện chẳng hạn như liên quan đến hoạt động kinh doanh của Hunter Biden ở Trung Quốc bị bác bỏ hoặc đơn giản là không được đăng trên các phương tiện truyền thông dòng chính, thì những chiến thuật này được coi là “đường lối cứng rắn hơn để chống lại thông tin sai lệch” trong một nỗ lực không ngừng, nhằm “chống lại sự lây lan của các hành vi bôi nhọ”.

Có một câu hỏi ngoài lề được đặt ra bởi sự tham gia của các công ty công nghệ trong việc trấn áp thông tin trực tuyến. Nếu các tài khoản bị YouTube và Twitter hủy hoàn toàn vì mục đích chính trị, thì điều này có làm dấy lên quan ngại về việc vi phạm nghĩa vụ ủy thác của các cổ đông đối với công ty không?

Phiếu bầu qua thư và tài trợ cho chiến dịch bóng tối

Các nhóm này cũng tham gia vào các “chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng quốc gia” quy mô lớn được thiết kế để thuyết phục người Mỹ rằng “việc kiểm phiếu sẽ diễn ra trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần” vì số lượng các lá phiếu gửi qua thư lớn chưa từng có đã tràn vào hệ thống bầu cử của chúng ta một cách có hệ thống.

Với 100 triệu lá phiếu gửi qua thư được gửi đi trong nỗ lực thu hút “hàng triệu người lần đầu tiên bỏ phiếu qua thư”, liên minh đã tuyển dụng “đội quân phục vụ bầu cử” để đối phó với lượng phiếu bầu vắng mặt. Sẽ cần một số tiền lớn để giải quyết việc xử lý và để chuẩn bị cho việc này, nhóm đã “giúp đảm bảo nguồn tài trợ hàng trăm triệu đô-la từ nhà nước và tư nhân”.

Có hai nguồn tài trợ quan trọng cho số tiền này. Nguồn đầu tiên, đáng ngạc nhiên, đến từ vòng đầu tiên của gói cứu trợ COVID-19 vào tháng 3/2020. Như bài báo nhấn mạnh, các nhà hoạt động đã vận động Quốc hội vào tháng 3/2020, “tìm kiếm 2 tỷ đô la tài trợ cho cuộc bầu cử”. Nỗ lực này được dẫn dắt bởi Hội nghị Lãnh đạo về Nhân quyền và Dân sự.

Mặc dù nhóm không đạt được mục tiêu cao nhất là 2 tỷ đô la tiền viện trợ, nhưng họ vẫn thành công rực rỡ. Khi Đạo luật CARES (Viện trợ Coronavirus, Cứu trợ và An ninh Kinh tế) được thông qua vào tháng 3/2020, nó bao gồm “400 triệu đô la tài trợ cho các nhà quản lý bầu cử tiểu bang”.

Từ đó, nhóm chuyển sang tìm kiếm nguồn tài trợ tư nhân; các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon là trọng tâm chính. Theo bài báo của Time, “một loạt các tổ chức đã đóng góp hàng chục triệu đô la để tài trợ cho cuộc bầu cử và quản lý. Sáng kiến ​​Chan Zuckerberg đã thu về 300 triệu đô la".

Những đóng góp này được trình bày như một nỗ lực nhằm lấp đầy “khoản tài trợ không đầy đủ” từ chính phủ liên bang, trong khi không hề đề cập đến việc chính các thành viên Đảng Dân chủ là người đang thúc đẩy các nỗ lực bỏ phiếu qua thư.

Thật vậy, các nhóm tập trung được tổ chức bởi Trung tâm Tham gia của Cử tri (VPC), được thiết kế để “tìm hiểu điều gì sẽ khiến mọi người bỏ phiếu qua thư”. Vài tháng sau, VPC sẽ gửi đơn đăng ký bỏ phiếu cho “15 triệu người ở các bang quan trọng.” Nhóm đã theo dõi các chiến dịch bỏ phiếu qua thư và quảng cáo kỹ thuật số kêu gọi những cử tri được nhắm mục tiêu này “đừng đợi Ngày Bầu cử”.

Những nỗ lực này đã thành công và có tác động thay đổi mang tính lịch sử. Như bài báo nhấn mạnh, “Cuối cùng, có gần một nửa số cử tri bỏ phiếu qua đường bưu điện vào năm 2020, thực tế là một cuộc cách mạng về cách bỏ phiếu. Khoảng một phần tư cử tri đã bỏ phiếu sớm. Chỉ có một phần tư số cử tri trực tiếp bỏ phiếu vào Ngày bầu cử theo cách truyền thống”.

Sự kiểm soát của phe cánh tả đối với đám đông

Có một số điểm được thừa nhận trong bài báo không kém phần quan trọng là phe cánh tả đã thực sự kiểm soát hoạt động của các nhóm như Antifa, Black Lives Matter, và những nhóm khác gây bạo loạn trong suốt năm bầu cử. Như bài báo lưu ý, "Nhiều nhà tổ chức của những hoạt động đó là một phần mạng lưới của [Mike] Podhorzer", người đàn ông được ghi nhận trong bài báo của Time là "kiến trúc sư" của toàn bộ nỗ lực bầu cử.

Bài báo lưu ý rằng hơn 150 nhóm tự do đã tham gia vào liên minh "Bảo vệ kết quả bầu cử" và tuyên bố rằng, "Trang web [hiện tại đã bị khóa vĩnh viễn] của nhóm này có bản đồ liệt kê 400 cuộc biểu tình sau bầu cử đã được lên kế hoạch, sẽ được kích hoạt qua tin nhắn ngay sau ngày 4/11 để ngăn chặn cuộc đảo chính mà họ lo sợ sẽ xảy ra và khi đó, phe cánh tả đã sẵn sàng tràn xuống đường phố”.

Có một sự thừa nhận bất thành văn khác ở đây. Nguyên nhân cho cuộc bạo loạn được lên kế hoạch trước là do ông Biden thua, chứ không phải là “cuộc bầu cử bị đánh cắp”. Hay nói một cách khác, phe cánh tả sẽ xác định điều gì bao gồm một cuộc bầu cử bị đánh cắp kết quả.

Vấn đề này đã được nhấn mạnh hơn nữa trong một câu chuyện kể lại các sự kiện xảy ra trong đêm bầu cử sau khi Fox News xướng tên Joe Biden ở Arizona. Angela Peoples, giám đốc của Liên minh Bảo vệ Dân chủ, nói với Time rằng "Chúng tôi muốn lưu ý chờ thời điểm thích hợp để kêu gọi hàng loạt người xuống đường".

Nhưng sau khi Fox xướng tên Arizona cho ông Biden, họ đã quyết định "trì hoãn". Như Podhorzor lưu ý, “Họ đã dành rất nhiều thời gian để sẵn sàng xuống đường vào ngày 4/11. Nhưng họ đã làm được điều đó… không có một sự cố nào xảy ra giữa hai nhóm Antifa và Proud Boys. ”

Nói cách khác, Podhorzor và nhóm của ông ta đã kiểm soát hành động của Antifa và Black Lives Matter, nếu không nói là hoàn toàn, thì ít nhất là trong những ngày và thời điểm quan trọng này.

Tầm quan trọng của việc Fox xướng tên Arizona cho ông Biden

Mặc dù ngắn gọn, những mô tả xung quanh đêm bầu cử đang nói lên một vấn đề và làm dấy lên những vấn đề khác nữa. Bất chấp giọng điệu chung của bài báo, rõ ràng là Đảng Dân chủ nghĩ rằng họ đã thua trong cuộc bầu cử vào những giờ sau của ngày 3/11/2020:

“Đêm bầu cử bắt đầu với nhiều thành viên Đảng Dân chủ tuyệt vọng. Tổng thống Trump khi đó đã chạy trước trong cuộc bỏ phiếu thăm dò, giành chiến thắng dễ dàng ở Florida, Ohio, Texas và ngang ngửa ông Biden ở Michigan, Wisconsin và Pennsylvania”.

Theo bài báo, “liên minh tự do đã tập hợp trực tuyến vào lúc 11 giờ đêm trên Zoom. Hàng trăm người đã tham gia; nhiều người đã hoảng sợ". Trong khi Podhorzor đang phát biểu, Fox News “khiến mọi người ngạc nhiên khi xướng tên Arizona cho ông Biden”.

Động thái của Fox News đã làm thay đổi tình hình. Như bài báo đã đưa tin, “Chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng đã hoạt động: những người dẫn chương trình truyền hình đang cố gắng hết sức để khuyến cáo mọi người thận trọng và điều chỉnh số phiếu bầu một cách chính xác. Câu hỏi sau đó là làm gì tiếp theo”.

Có một điểm khác cũng cần phải nhấn mạnh. Podhorzor đang chia sẻ dữ liệu của mình liên quan đến “Blue Shift”, thuật ngữ được sử dụng để mô tả sự gia tăng muộn trong số phiếu bầu của Đảng Dân chủ từ các lá phiếu bầu qua thư, và “các tổ chức truyền thông sẽ xướng tên người thắng trong cuộc bầu cử”.

Một nhà phân tích, được mô tả là "thành viên của một mạng lưới chính trị lớn, người đã nói chuyện với Podhorzer trước Ngày bầu cử", nói với Time rằng, việc có quyền truy cập vào dữ liệu của Pordhorzor và có thể "ghi lại mức độ dao động lớn nhỏ của của làn sóng cử tri vắng mặt và sự khác biệt theo tiểu bang là điều cần thiết”.

Arnon Mishkin, một nhà thầu và là thành viên Đảng Dân chủ, là người xướng tên Arizona lúc 11:20 tối (giờ New York) tại Fox. Theo một báo cáo, “Không có thông báo nào được đưa ra cho đến khi Bill Hemmer xem xét tình trạng mới nhất của bản đồ bầu cử có vẻ tích cực cho cựu Tổng thống Trump, liếc nhìn về phía Tây Nam, nơi “bàn quyết định” (nhóm người theo dõi và phỏng đoán kết quả bầu cử) và để lại dấu kiểm màu vàng để báo hiệu việc Arizona trao phiếu bầu của tiểu bang cho ông Biden".

Sau khi xướng tên Arizona, ông Mishkin nói rằng ông Trump "có khả năng chỉ nhận được khoảng 44% số phiếu chưa kiểm ở đó". Ông ta đã sai. Ông Trump có tỷ lệ phiếu bầu còn lại cao hơn đáng kể và mặc dù việc xướng tên Arizona cuối cùng vẫn đứng vững, nhưng nó gần hơn nhiều so với dự đoán của ông Mishkin. Thật vậy, hiện đang có một cuộc thanh tra được tiến hành ở Hạt Maricopa, nơi đông dân nhất của Arizona.

Những tác động sau cuộc bầu cử

Trong khi các nhóm cử tri phe cánh hữu biểu tình dường như không có tổ chức, thì phe cánh tả dường như đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Vào khoảng 10 giờ tối giờ địa phương vào đêm bầu cử, một chiếc xe buýt chở các quan sát viên của Đảng Cộng hòa đã đến Trung tâm TCF của Detroit. Bài báo đưa ra một mô tả khá thiên lệch, nói rằng các quan sát viên của Đảng Cộng hòa “đang ngồi chật kín các bàn kiểm phiếu, từ chối đeo khẩu trang, và chất vấn hầu hết nhân viên kiểm phiếu người Da đen”.

Khi các quan sát viên của Đảng Cộng hòa đến, ông Art Reyes III, lãnh đạo của "We the People Michigan" đã nhắn tin trong nhóm của mình.

“Trong vòng 45 phút, hàng chục quân tiếp viện đã đến. Khi họ bước vào khu vực kiểm phiếu để tạo đối trọng cho các quan sát viên Đảng Cộng hòa bên trong tòa nhà, ông Reyes đã liệt kê số điện thoại di động của họ trong tin nhắn".

Ban bầu cử là một "điểm gây áp lực" khác. Các nhà hoạt động kêu gọi “chú ý đến tác động chủng tộc của việc tước quyền đầu phiếu của những người da đen ở Detroit. Họ hầu hết đều ủng hộ chứng nhận kết quả ngày 17/11 của Ban Bầu cử hạt Wayne”. Phiếu bầu của Detroit đã được chứng nhận bởi các thành viên Ban bầu cử Đảng Cộng hòa.

Cuối cùng, các cơ quan lập pháp tiểu bang bị gây áp lực rất dữ dội. Ngày 20/11, ông Trump đã mời các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa của cơ quan lập pháp Michigan đến Nhà Trắng. Theo bài báo, phe cánh tả đã "hùng hồn" tấn công và "Các liên hệ địa phương của tổ chức Bảo vệ Dân chủ đã nghiên cứu động cơ cá nhân và chính trị của các nhà lập pháp".

Các nhà hoạt động của ông Reyes đã tập hợp tại các điểm xuất phát và điểm đến của các nhà lập pháp tiểu bang của Đảng Cộng hòa tới Thủ đô Washington.

Bước cuối cùng để chứng nhận cuộc bỏ phiếu ở Michigan là một cuộc bỏ phiếu trong thành viên Ban bầu cử của tiểu bang, bao gồm hai thành viên Đảng Cộng hòa và hai thành viên Đảng Dân chủ. “Các nhà hoạt động của ông Reyes đã tràn về buổi phát trực tiếp và lấp đầy Twitter bằng hashtag #alleyesonmi. Một hội đồng quen thuộc với việc tham dự của vài người đột nhiên phải đối mặt với hàng nghìn khán giả".

Cuộc bỏ phiếu được chứng nhận là 3-0, với một thành viên Đảng Cộng hòa bỏ phiếu trắng.

Thông điệp của Chiến dịch Bóng tối

Việc tường thuật trực tiếp các sự kiện một cách chi tiết trong bài báo của Time, trong chừng mực nào đó đem đến một kết luận đáng báo động. Các nhà lãnh đạo của Chiến dịch Bóng tối muốn bạn biết những gì họ đã làm. Điều này phải chăng xuất phát từ sự kiêu ngạo hay là do quyền thế? Câu trả lời không hoàn toàn rõ ràng, nhưng có một số người quan trọng sẵn sàng đóng góp cho bài viết này và được trích dẫn công khai.

Tương tự như ông Podhorzer, ông Norman Eisen được trích dẫn ở một số điểm trong bài báo. Ngoài việc tuyển dụng các thành viên cho Chương trình Bảo vệ Cử tri, ông Eisen là một trong những kiến ​​trúc sư và tác giả của hai Báo cáo của Viện Brookings được viết trong cuộc điều tra của ông Mueller.

Ngày 10/10/2017, Viện Brookings đã đưa ra một báo cáo dài 108 trang dưới tiêu đề: “Sự cản trở công lý của Tổng thống: Trường hợp của Donald J. Trump” của các tác giả Barry Berke, Noah Bookbinder và Eisen. Ngày 22/8/2018, họ tái bản ấn phẩm lần 2, dài 177 trang cùng một phụ lục dài.

Ông Eisen, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings, từng là cố vấn đặc biệt của Nhà Trắng về đạo đức và cải cách chính phủ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và là người sáng lập CREW (Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức) ở Thủ đô Washington. Theo trang cá nhân của ông Eisen tại Viện Brookings, ông đã khuyên ông Obama “về quy định vận động hành lang, luật tài chính chiến dịch và các vấn đề cởi mở của chính phủ”. Ông cũng từng là đại sứ tại Cộng hòa Séc từ năm 2011 đến năm 2014.

Ông Eisen và ông Berke sau đó được Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler mời làm cố vấn giám sát đặc biệt cho phe đa số của Đảng Dân chủ.

Như ông Nadler đã nhấn mạnh trong một thông báo, hai người này sẽ đặc biệt tập trung vào việc xem xét cuộc điều tra của ông Mueller và sẽ cố vấn cho ủy ban. Có vẻ như ông Nadler dự định để hai luật sư thẩm vấn Tổng chưởng lý William Barr, người cuối cùng đã từ chối tham dự phiên điều trần, để tổ chức một cuộc bỏ phiếu bày tỏ sự khinh thường đối với ông Barr của đảng Dân chủ.

Cuộc biểu tình ngày 6/1 không thành công

Vào ngày 6/1, hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống Trump khi đó đã đến Thủ đô Washington để tham gia cuộc biểu tình 'xấu số', với đỉnh điểm là cuộc tấn công vào Điện Capitol. Hậu quả từ sự kiện này sẽ rất nghiêm trọng và toàn bộ các tác động vẫn chưa được xác định đầy đủ.

Chính quyền mới, cùng với nhiều người trong Quốc hội, dường như coi các mối đe dọa khủng bố trong nước là ưu tiên hàng đầu. Giám đốc An ninh Nội địa Hoa Kỳ mới được ông Biden bổ nhiệm là Alejandro Mayorkas đã tuyên bố công khai rằng “một trong những mối đe dọa lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay trên quê hương của mình… là mối đe dọa khủng bố trong nước”.

Bất chấp phỏng đoán của nhiều người, dường như không có sự hiện diện đáng kể nào của người biểu tình từ phe cánh tả ngày 6/1.

Tác giả bài báo của Time dường như đã tiếp tục liên hệ với các thành viên của “Chiến dịch Bóng tối”, bao gồm cả Podhorzer, “kiến trúc sư” của nhóm. Vào sáng ngày 6/1, Podhorzer đã nhắn tin cho cô ấy, nói rằng ông đã "hết sức ngăn cản hoạt động chống đối."

Thông điệp của ông ấy kết thúc bằng “biểu tượng cảm xúc đan chéo ngón tay” để chúc điều may mắn.

Tác giả: Jeff Carlson

Jeff Carlson là người thường xuyên đóng góp cho The Epoch Times. Ông là Chủ nhân của CFA® và đã làm việc trong 20 năm với tư cách là nhà phân tích và quản lý danh mục đầu tư trong thị trường trái phiếu lợi suất cao. Ông ấy cũng điều hành trang web TheMarketsWork.com và có thể được theo dõi trên Twitter @themarketswork

Nguyên Hương

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

‘Chiến dịch Bóng tối’ chống lại cựu Tổng thống Trump