Chiến dịch TT Trump đệ đơn kiện hệ thống bầu cử ‘2 cấp’ ở Pennsylvania

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chiến dịch của ông Trump khẳng định, hệ thống bầu cử "2 cấp" của Pennsylvania đã vi phạm Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng cùng với Điều khoản Bầu cử và Đại cử tri của Hiến pháp Mỹ.

Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đã đệ đơn kiện cáo buộc quy trình bầu cử ở Pennsylvania đã vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ, bằng cách tạo ra các tiêu chuẩn xác minh và minh bạch khác nhau cho các cử tri bỏ phiếu qua thư với các cử tri bỏ phiếu trực tiếp.

Trong một tuyên bố ngày 9/11, chiến dịch của ông Trump khẳng định, hệ thống bầu cử "2 cấp" tại Pennsylvania đã vi phạm Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng cùng với Điều khoản Bầu cử và Đại cử tri của Hiến pháp Mỹ.

Tổng cố vấn Matt Morgan cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump nêu rõ: “Các cử tri ở Pennsylvania được sắp xếp theo các tiêu chuẩn khác nhau chỉ vì cách thức họ chọn để bỏ phiếu, và chúng tôi tin rằng hệ thống bầu cử 2 cấp này dẫn đến việc các phiếu bầu có khả năng gian lận sẽ được kiểm đếm mà không có sự xác minh hoặc giám sát thích hợp, cũng như nhiều cử tri bị tước quyền bầu cử chỉ vì đã đi bỏ phiếu trực tiếp".

Trong đơn kiện, ban vận động của Tổng thống Trump tuyên bố, cả hệ thống này và cách thức nó được áp dụng đã tạo ra một rào cản dưới tiêu chuẩn đối với các lá phiếu gửi qua thư, và “làm suy yếu” giá trị của các lá phiếu bầu trực tiếp hợp pháp.

Tổng cộng có hơn 6,7 triệu phiếu bầu đã được kiểm đếm ở Pennsylvania, với hơn 2,6 triệu phiếu bầu gửi qua thư hoặc vắng mặt. Hơn 1,7 triệu trong số 2,6 triệu phiếu bầu qua thư là thuộc thành viên đảng Dân chủ, và chỉ 0,6 triệu trong số đó thuộc đảng Cộng hòa.

Đây là vụ kiện mới nhất mà ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump đang thực hiện ở nhiều bang khác nhau kể từ cuộc bầu cử vào ngày 3/11.

Hàng trăm người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tập trung tại thủ phủ bang Pennsylvania để thể hiện sự tức giận của họ trước kết quả của cuộc bầu cử, vài giờ sau khi giới truyền thông kết luận ông Joe Biden đã thắng cử ở Pennsylvania trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, tại Harrisburg, Pennsylvania, vào ngày 7/11/2020. (Spencer Platt / Getty Iamages)
Hàng trăm người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tập trung tại thủ phủ bang Pennsylvania để thể hiện sự tức giận của họ trước kết quả của cuộc bầu cử, vài giờ sau khi giới truyền thông kết luận ông Joe Biden đã thắng cử ở Pennsylvania trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, tại Harrisburg, Pennsylvania, vào ngày 7/11/2020. (Spencer Platt / Getty Iamages)

Trước cuộc bầu cử, ban vận động của đương kim Tổng thống đã đệ đơn yêu cầu Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xem xét lại tính hợp lý của phán quyết từ Tòa án Tối cao của bang Pennsylvania, khi tòa án này cho phép kiểm đếm cả những phiếu bầu qua thư được gửi đến sau Ngày bầu cử (3/11) 3 ngày. Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vẫn chưa quyết định có tiếp nhận vụ kiện hay không.

Trong lời kêu gọi của họ lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, ban vận động của Tổng thống Trump khẳng định, phán quyết của tòa án tiểu bang đã vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ, vì chỉ có các cơ quan lập pháp tiểu bang mới được phép thiết lập hệ thống để quyết định cử tri đoàn, chứ không phải tòa án.

Đơn kiện ngày 9/11 đưa ra lập luận tương tự, nhưng bổ sung thêm tuyên bố rằng hệ thống này đã vi phạm các quyền hiến định của nguyên đơn.

Ban vận động của Tổng thống Trump cho biết, theo quy định của bộ luật bầu cử tại bang Pennsylvania, các cử tri bỏ phiếu trực tiếp phải ký vào sổ đăng ký với chữ ký của họ sau đó sẽ được kiểm tra đối chiếu với danh sách cử tri. Việc này phải được thực hiện “tại một địa điểm bỏ phiếu được giám sát bởi những quan sát viên cuộc bầu cử có thẩm quyền theo luật định, và việc kiểm phiếu của các cử tri [phải diễn ra] một cách minh bạch với sự kiểm chứng và giám sát công khai”.

Ngược lại, ban vận động của Tổng thống Trump cáo buộc rằng, những tiêu chuẩn về việc xác minh thấp hơn nhiều đối với cử tri bỏ phiếu qua thư, được thực hiện trong một hệ thống “được che giấu trong bóng tối”.

Tin liên quan:

Đơn kiện khẳng định, hệ thống này cho phép các lá phiếu "được tiếp nhận tối đa 3 ngày sau cuộc bầu cử, mà không cần có bất kỳ bằng chứng nào về việc gửi thư kịp thời, chẳng hạn như dấu bưu điện". Ban vận động của đương kim Tổng thống nhận định, các lá phiếu gửi qua thư không đủ tiêu chuẩn về "sự giám sát đầy đủ đối với việc xem xét và kiểm đếm các lá phiếu" gửi bằng đường bưu điện.

Đơn kiện dài 105 trang đưa ra nhiều ví dụ về các nhân chứng cho các cáo buộc trên ở nhiều địa hạt khác nhau.

Phân tách phiếu bầu tại Pennsylvania

Cuối ngày 6/11, Thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Samuel Alito đã lệnh cho các quan chức bầu cử của Pennsylvania phải tách biệt các lá phiếu được gửi đến sau Ngày bầu cử (3/11).

Thẩm phán Alito đã chấp thuận yêu cầu từ phía Đảng Cộng hòa của bang này, yêu cầu tách các lá phiếu gửi qua thư nhận được kể từ sau 8 giờ tối ngày 3/11 cho đến 5 giờ chiều ngày 6/11, không để chung với những lá phiếu được bưu điện vận chuyển đến trước 8 giờ tối ngày 3/11, theo hướng dẫn của tiểu bang.

Tuy nhiên, vị Thẩm phán này đã không ra lệnh cho các hạt ngừng kiểm phiếu, mà thay vào đó ra lệnh rằng “tất cả các lá phiếu như vậy, nếu được đếm, thì phải được đếm riêng”.

Hôm 9/11, một nhóm 10 Tổng Chưởng lý tại các tiểu bang đã đệ trình một bản tường trình đồng minh ủng hộ một vụ kiện từ các thành viên đảng Cộng hòa Pennsylvania, và yêu cầu Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ lật lại phán quyết kéo dài thời hạn tiếp nhận các lá phiếu gửi qua đường bưu điện ở bang này.

Nhân viên bầu cử kiểm phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 tại Trung tâm Hội nghị Philadelphia ở Philadelphia, Pennsylvania, vào ngày 6/11/2020. (Chris McGrath / Getty Images)
Nhân viên bầu cử kiểm phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 tại Trung tâm Hội nghị Philadelphia ở Philadelphia, Pennsylvania, vào ngày 6/11/2020. (Chris McGrath / Getty Images)

Một số hãng tin truyền thông đã tuyên bố ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden là Tổng thống đắc cử vào ngày 7/11, sau khi dự đoán ông Biden đã chiến thắng ​​ở Pennsylvania và Nevada, đồng thời nhận được đủ lượng phiếu bầu Đại cử tri đoàn để vượt qua ngưỡng 270 phiếu Đại cử tri.

Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng cáo buộc hành vi gian lận cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Ông khẳng định, bất kỳ tuyên bố chiến thắng nào vào lúc này đều là quá sớm, nhất là khi chiến dịch của ông đã chính thức công bố những tranh chấp pháp lý ở một số bang.

Ban biên tập The Epoch TimesNTD Việt Nam sẽ không tuyên bố người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, cho đến khi tất cả các kết quả được xác nhận và mọi thách thức pháp lý được giải quyết trên toàn nước Mỹ.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Chiến dịch TT Trump đệ đơn kiện hệ thống bầu cử ‘2 cấp’ ở Pennsylvania