Chiến thuật 'nồi hầm' khét tiếng của Nga giải thích cảnh báo chiến tranh kéo dài nhiều năm của NATO

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người đứng đầu khối NATO hôm nay, Chủ Nhật (19/6/2022), cảnh báo các nước Châu Âu rằng hoà bình ở Ukraine không phải là điều có thể trông đợi trong ngắn hạn; cuộc chiến có thể kéo dài nhiều năm và Châu Âu cần tăng cường hỗ trợ Ukraine chiến đấu chống lại Nga.

Người đứng đầu NATO, trong một phát ngôn vào ngày Chủ Nhật (19/6/2022) cho biết cuộc chiến ở Ukraine có thể kéo dài nhiều năm và các lực lượng Ukraine phải đối mặt với các cuộc tấn công dữ dội của Nga. Nhận định này đưa ra sau khi giám đốc điều hành EU khuyến nghị rằng Kyiv nên được cấp tư cách thành viên khối EU.

Trang Bild am Sonntag của Đức đưa tin Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng việc cung cấp vũ khí tối tân cho quân đội Ukraine sẽ làm tăng cơ hội giải phóng khu vực phía đông Donbass khỏi sự kiểm soát của Nga.

Ông nói: “Chúng ta phải chuẩn bị cho thực tế là cuộc chiến có thể kéo dài nhiều năm. Chúng ta không được từ bỏ việc hỗ trợ Ukraine".

Thông điệp này của NATO và truyền thông phương Tây đã đi ngược hoàn toàn với nhận định của họ trong 100 ngày kể từ khi Nga đổ quân xâm lược Ukraine.

Khi Nga bắt đầu đưa quân vào Kyiv, phương Tây cho rằng Nga sẽ chiếm xong Ukraine trong 72 giờ. Nhưng đó là chiến thuật "đánh nhanh, thắng nhanh", kiểu rải thảm bom mà Mỹ và phương Tây ưa sử dụng trong chiến tranh. Với ưu thế vượt trội về công nghệ, vũ khí, chiến thuật "đánh nhanh, thắng nhanh" tạo ra vị thế chiến thắng nhanh, rõ nét hơn và ít tiêu hao quân sĩ hơn.Tuy nhiên, các chiến thuật rải thảm bom như vậy gây ra chết chóc và huỷ diệt hàng loạt.

Những nhầm tưởng

Khi Nga không thể chiếm Kyiv trong 72 giờ, không sử dụng tới không quân hay tên lửa trong giai đoạn đầu mà tiến công vào Kyiv mà bao vây bằng xe tăng, vũ khí lạc hậu từ thời Liên Xô cũ, toàn bộ truyền thông phương Tây đã đồng loạt phát đi thông điệp về sự yếu kém của quân đội Nga. Tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraine dâng lên mạnh mẽ với sự ủng hộ gần như vô điều kiện về vũ khí chế tài từ Mỹ và Châu Âu.

Sau khi thiết giáp của Nga bị quân phòng thủ Ukraine ở phía bắc Kyiv và Kharkiv "đánh bại" trong vài tuần đầu tiên của cuộc chiến, nhiều chuyên gia đã đánh giá quân đội Nga là "bất tài" và cho rằng Nga không có khả năng đánh bại Lực lượng vũ trang Ukraine (UAF). UFA và những người lính có bản lĩnh và kỹ năng tuyệt vời đã được ca ngợi rộng rãi. Niềm tin Ukraine cuối cùng sẽ đánh bại Nga miễn là họ được cung cấp đủ vũ khí, đạn dược cho cuộc chiến này gần như là phổ biến ở Mỹ, phương Tây cũng như phần đa người Việt Nam; những người đồng cảm sâu sắc với Ukraine khi phải trải qua cuộc chiến chống lại quân xâm lược.

Quân nhân Ukraina cưỡi xe tăng tiến về chiến tuyến với lực lượng Nga ở vùng Lugansk, 25/02/2022. (Anatolii Stepanov / AFP, qua Getty Images)

Vào cuối tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Lloyd Austin đã đến thăm Kyiv và nói với Zelensky rằng phương Tây có thể cung cấp cho quân đội của ông “thiết bị phù hợp” và “sự hỗ trợ phù hợp”. Lý do là Hoa Kỳ muốn giúp Ukraine giành chiến thắng và thấy “Nga suy yếu". Bên cạnh việc viện trợ trực tiếp trên chiến trường, Mỹ và phương Tây đồng thời sử dụng các công cụ kinh tế nhằm cắt đứt các mạch máu tài chính của Nga, tước bỏ khả năng tiếp tục tiến hành chiến tranh của ông Putin.

Trong những ngày đầu của cuộc chiến, Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mà Nhà Trắng cho là “những đòn trừng phạt kinh tế có tác động lên tổng thể, sâu rộng nhất trong lịch sử". Vào ngày 3/6, Liên minh châu Âu ban hành đợt trừng phạt thứ sáu, bao gồm lệnh cấm một phần việc nhập khẩu hầu hết dầu (cả tinh luyện và thô) và khí đốt của Nga vào khu vực kinh tế này.

Mục đích đằng sau các viện trợ vũ khí, đạn dược tại chiến trường cũng như các biện pháp kinh tế là làm suy yếu hoặc ngăn chặn khả năng tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine của ông Putin. Tuy nhiên, phương Tây đang thất bại trên cả hai chiến trường: khói lửa ở Ukraine và ép khô dòng tài chính đổ vào Nga.

Trong suốt ba tháng đầu tiên của cuộc chiến, các tuyên bố từ Hoa Kỳ và Ukraine hầu như rất tích cực. Niềm tin quân đội Kyiv sẽ "đánh đuổi Nga khỏi lãnh thổ Ukraine" và Kyiv sẽ không chấp thuận bất kỳ thoả thuận thương lượng nào, không nhượng bất kỳ phần lãnh thổ nào cho Nga.

Chiến thuật 'nồi hầm' khét tiếng

Trong lịch sử chiến tranh cận đại, Nga chưa bao giờ dùng chiến thuật "đánh nhanh, thắng nhanh", rải thảm bom như Mỹ và Nga chưa bao giờ thất bại. Chiến thuật 'nồi hầm' của Nga trở nên khét tiếng và giúp Nga bất bại trong lịch sử can thiệp quân sự trong thời đại Tổng thống Vladimir Putin. Mỗi khi kết thúc các đợt 'can thiệp quân sự', sự thật là lãnh thổ Nga lại rộng thêm một ít.

Đây là sự thật mà lịch sử ghi lại, dù bạn là người yêu hay ghét nước Nga. Thứ chúng ta đang bàn là lịch sử. Đôi khi, lịch sử không chiều lòng người.

Chiến thuật "nồi hầm" khét tiếng của Nga đã áp dụng cho việc can thiệp quân sự vào Syria tháng 9/2015, Lybia năm 2011 và Gruzia năm 2008.

Chiến thuật "nồi hầm" trong các cuộc chiến này cũng như ở Ukraine là chiến thuật bao vây bằng xe tăng thiết giáp, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trước đó bằng không kích hoả lực công nghệ cao từ xa. Đối phương bị co cụm tại một căn cứ, bị bao vây bởi tăng thiết giáp, cắt đứt nguồn viện trợ lương thực và vũ khí, tiêu hao lực lượng của đối phương dần dần cho tới khi đối phương mất toàn bộ sức chiến đấu và buộc phải đầu hàng.

Theo truyền thông phía Nga, chiến thuật này tuy tốn kém thời gian, huy động lực lượng lớn bộ binh, tăng thiết giáp và phối hợp với không kích công nghệ cao từ xa, nhưng lại có ưu điểm là không tạo ra thảm hoạ nhân đạo lớn như chiến dịch 'đánh nhanh, thắng nhanh'. Kèm theo bao vây là các hành lang nhân đạo được mở ra cho dân thường di tản khỏi khu vực chiến tranh. Thông thường, các chiến dịch chiến tranh mà Nga có mặt đều không phá huỷ liên lạc, truyền thông. Nga để ngỏ truyền thông và liên lạc cũng là để đàm phán với đối phương; một cách tiếp cận vô cùng 'tự tin và khá ngạo nghễ'.

Và mọi sự đã xảy ra đúng như vậy ở Ukraine với chiến thuật "nồi hầm" ở Mariupol và giờ là Donbas.

'Nồi hầm' Mariupol

Để thực thi chiến thuật này, Nga tấn công vào Ukraine bằng hoả lực tầm xa có độ chính xác cao kết hợp với bộ binh tràn vào Ukraine. Vũ khí tên lửa tầm xa của Nga là tên lửa hành trình Kalibr, được phóng từ các tầu chiến trên Biển Đen. Đây là loại tên lửa Nga từng sử dụng cho cuộc can thiệp quân sự ở Syria. Ngoài ra, Nga còn lần đầu tiên sử dụng tới tên lửa siêu vượt âm Kinzhal để có thể công phá các mục tiêu quân sự dưới lòng đất của Ukraine.

Theo các chuyên gia quân sự, việc sử dụng tên lửa hiện đại, tầm xa không kích vào Ukraine để triệt phá các kho vũ khí, chế tài, cơ sở quân sự, làm suy yếu Ukraine. Phía Nga có thống kê với số liệu rất đáng kinh ngạc về khả năng huỷ diệt các mục tiêu quân sự của Ukraine. Tuy nhiên, phía Ukraine bác bỏ và đưa ra các hình ảnh, bằng chứng pháo kích, tên lửa của Nga nhắm vào chung cư, trường học và bệnh viện. Cuộc chiến truyền thông cả hai chiến tuyến đều rất nóng và khốc liệt trong hơn 100 ngày chiến tranh.

Sau khi không kích mở đường cho bộ binh tràn vào Ukraine, Nga chơi đòn nghi binh. Ngay từ đầu, mục tiêu lớn nhất của Nga ở Ukraine là tiểu đoàn Azov khét tiếng thiện chiến, tiểu đoàn mà Nga tố cáo cáo nhóm cực hữu, diệt chủng người Nga trên đất Ukraine. Tố cáo này của Nga không phải hoàn toàn không có cơ sở.

Theo Wikipedia, "Binh đoàn Azov đã gây tranh cãi về các cáo buộc tra tấn và tội ác chiến tranh, cũng như mối liên kết với hệ tư tưởng tân Quốc xã với việc Binh đoàn Azov sử dụng các biểu tượng gây tranh cãi (theo BBC, 2014) kể cả việc sử dụng biểu tượng sói (Wolfsangel) được lực lượng SS của Đức Quốc xã trước đây từng sử dụng (theo một bài báo của BBC đăng ngày 18/3/2022)."

Không chỉ tiểu đoàn Azov, Mariupol là trung tâm công nghiệp với các nhà máy luyện kim, trung tâm tài chính và xuất khẩu của Ukraine. Đây cũng là thành phố nối liền Crimea với hai tỉnh đang có quân ly khai mà Nga muốn can thiệp quân sự. Mất Mariupol, Ukraine không chỉ mất đi tiểu đoàn Azov khét tiếng, mà còn bị cách ly hoàn toàn với Biển Đen, Biển Azov; Ukraine mất đi nguồn kinh tế và tài chính chủ yếu.

Một bức ảnh vệ tinh cho thấy đoàn xe thiết giáp của Nga đang tiến về Thủ đô Kyiv Ảnh: Getty Images

Nhưng Nga đã đánh lừa toàn bộ truyền thông phương Tây bằng màn nghi binh với đoàn xe tăng dài tới 65km. Giới phân tích quân sự Mỹ và NATO cho rằng Nga chuẩn bị chiến dịch tổng tấn công chiến lược theo hướng tới thủ đô Kiev. Ukraine bố trí một lực lượng lớn để đánh chặn xe tăng của Nga và bảo vệ thủ đô Kiev. Thấy đoàn xe tăng của Nga ỳ ạch, truyền thông của Nga lần lượt bình luận sôi nổi về Nga thiếu xăng dầu phải bỏ lại xe tăng trên đường, người dân Ukraine đốt xe tăng của Nga... , Nga dùng vũ khí lạc hậu và không có "cơ hội" thắng vũ khí tối tân của Ukraine được trang bị bởi Mỹ và EU...

Trong khi đó, lực lượng tinh nhuệ của Nga tập trung bao vây Mariupol, chiến lược nồi hầm khét tiếng của Nga lúc này mới thực sự bắt đầu. Rất nhanh, ngày 23/3/2022, quân Nga tuyên bố giành quyền kiểm soát toàn bộ thành phố Mariupol, cắm cờ Nga trên nóc tòa thị chính của thành phố này.

Tiếp tế vũ khí, đạn được từ phương Tây là hy vọng sống còn

Hơn ai hết, Mỹ và NATO muốn làm suy yếu Nga. Ukraine đã trở thành nơi uỷ nhiệm cho lực lượng này thực thi chiến lược của họ. Ukraine cần vũ khí và đạn dược, thậm chí cả lính đánh thuê trước đối thủ quá mạnh; đây là hy vọng sống còn.

Đến giờ phút này, khả năng và tính sẵn sàng trong việc cung cấp vũ khí, đạn dược cho cuộc chiến là hy vọng duy nhất, là ánh sáng duy nhất của Ukraine. Đương nhiên, đây cũng là rào cản lớn nhất với Nga. Hãy tưởng tượng, Ukraine có tên lửa hiện đại tầm xa, có thể bắn vào các mục tiêu chính trị, quân sự ở Moscow. Điều này có thể kích hoạt một trận chiến toàn diện, thậm chí là viễn cảnh chiến tranh thế giới thứ III, thậm chí là chiến tranh hạt nhân là điều có thể.

Trước thực trạng này, Tổng thư ký NATO ngoài việc cảnh báo chiến tranh sẽ kéo dài trong nhiều năm đã không ngừng kêu gọi các nước thành viên NATO, EU không được ngừng tài trợ vũ khí, đạn dược và tiền bạc cho Ukraine.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đã đến thăm Kyiv hôm thứ Sáu (lần thứ hai khi cuộc chiến bắt đầu), cũng đưa ra nhận xét tương tự về sự cần thiết phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài, theo Sunday Times của Anh.

Phát biểu với các phóng viên hôm thứ Bảy, ông Johnson nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh "Ukraine mệt mỏi" và với các lực lượng Nga đang "tiến lên từng inch", các đồng minh cần phải cho Ukraine thấy rằng EU luôn ở đó và sẽ ở đó để hỗ trợ Ukraine trong một thời gian dài.

"Thời gian là yếu tố sống còn", ông Johnson nói. "Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào việc liệu Ukraine có thể tăng cường khả năng phòng thủ đất liền nhanh hơn việc Nga có thể đổi mới năng lực tấn công hay không" (theo Reuters)

Ukraine đã nhận được một động lực thúc đẩy đáng kể vào thứ Sáu khi Ủy ban châu Âu khuyến nghị rằng nước này được cấp tư cách ứng viên EU - điều mà các nước Liên minh châu Âu dự kiến ​​sẽ tán thành tại hội nghị thượng đỉnh trong tuần này.

Nước xa có cứu được lửa gần?

Không thể không thừa nhận rằng cuộc chiến Nga - Ukraine đã trở thành một cuộc chiến về công nghệ; nơi thế mạnh về công nghệ quyết định phần nhiều tổn thất, thương vong và cơ hội chiến thắng.

Nga không những dày dặn kinh nghiệm trên chiến trường với lịch sử can thiệp quân sự phong phú, chưa từng thất bại, suốt 20 năm qua. Dù kinh tế Nga yếu và thu nhập của người Nga ảm đạm hơn nhiều so với phương Tây, nhưng ngành công nghiệp vũ khí của Nga đã rất phát triển. Nói cách khác, Nga vẫn luôn duy trì cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ trong nhiều thập kỷ sau khi Liên Xô tan rã. Đây là lý do khiến xuất khẩu vũ khí trở thành một trong những ngành công nghiệp trụ cột của Nga. Công nghệ vũ khí và kho vũ khí mà Nga có trong tay đã trở thành điểm mạnh của Nga trong trận chiến này.

Một tên lửa chống tăng Javelin do các binh sĩ thuộc Lữ đoàn Stryker số 2 bắn về phía mục tiêu trong một cuộc tập trận vào ngày 28/4/2022 tại Fort Carson, Colorado, Hoa Kỳ. (Ảnh: Michael Ciaglo/Getty Images)

Chưa kể, việc Mỹ tự trừng phạt ngành khai thác dầu trong nước của họ vì chạy theo "biến đổi khí hậu" và "zero Carbon" đã khiến Mỹ mất tự chủ về năng lượng, cần nguồn cung từ OPEC +, một tổ chức nơi Nga có tiếng nói. Kết hợp với việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và vị thế cung dầu khí, lúa mì, phân đạm chưa thể thay thế của Nga, Nga hoàn toàn được hưởng lợi từ giá năng lượng hoá thạch, lúa mì, phân đạm tăng cao. Điều này phần nào làm vô hiệu hoá các đòn trừng phạt kinh tế mà Mỹ và EU nhắm vào Nga.

Khác với Nga, Ukraine có thế mạnh là sự hỗ trợ hào phóng về vũ khí, chế tài, đạn dược và tài chính từ Mỹ và EU. Ukraine cũng chiếm được thiện cảm của phần đa dân số toàn cầu vì Nga đã đưa quân xâm lược đất nước này.

Nhưng đáng tiếc, để tham gia một cuộc chiến tranh công nghệ thì nhất định phải làm chủ về công nghệ. Ukraine, nhất thời trong ngắn hạn, đã gặp khó khăn trong việc làm chủ vũ khí công nghệ cao. Ví dụ sống động nhất gần đây là rắc rối của Ukraine trong việc sử dụng loại tên lửa vác vai Jevelin khét tiếng, có giá tới 200,000 USD/chiếc, hiện đại nhất thế giới.

Theo một báo cáo của tờ The Washington Post trong tuần này, mặc dù Lầu Năm Góc đã gấp rút gửi hơn 5.000 tên lửa chống tăng Javelin đến Ukraine, nhưng nhiều chiếc không hoạt động được. Các loại vũ khí đã đến tay, nhưng thiếu những yếu tố cơ bản đi kèm với hệ thống Javelin như thiết bị huấn luyện, pin điện dự phòng và hỗ trợ hậu cần kỹ thuật kịp thời.

Trang tin này mô tả vũ khí chống tăng công nghệ cao vô cùng phức tạp, không hề dễ sử dụng, mỗi chiếc có giá trị lên tới hàng triệu USD, biểu tượng của quyết tâm uỷ nhiệm chiến tranh phía Mỹ và đồng minh dành cho Ukraine, tất cả đang bị vô hiệu hoá vì phía Ukraine không được hỗ trợ kỹ thuật đủ và kịp thời.

Tờ báo này dẫn lời ông Mark Hayward, một cựu quân nhân và huấn luyện viên tình nguyện của Quân đội Hoa Kỳ đặt câu hỏi, "Hoa Kỳ gửi vũ khí cho Ukraine nhưng phải chăng Hoa Kỳ đã quyết định không hỗ trợ kỹ thuật?"

Ông Hayward cho biết, binh lính Ukraine đã phải tháo linh kiện điện tử từ một tay cầm chơi game để sửa một tổ hợp Javelin.

Chắc chắn Mỹ và EU sẽ tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và chiên đấu của binh sĩ Ukraine. Nhưng cái gì cũng cần có thời gian trong khi thời gian, như Thủ tướng Anh Boris Johnson nói "là yếu tố sống còn" trong cuộc chiến này. Ukraine có thể chạy đua với thời gian?!

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Hữu Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Chiến thuật 'nồi hầm' khét tiếng của Nga giải thích cảnh báo chiến tranh kéo dài nhiều năm của NATO