Chiến tranh Nga - Ukraine ngày thứ 2: Trung Quốc cử 4 chiến đấu cơ quấy rối Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cùng với cuộc chiến Nga - Ukraine, trong hai ngày 24 và 25/2, Trung Quốc đã lần lượt điều 9 và 4 máy bay quân sự tiến vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) Tây Nam của Đài Loan, và đã bị lực lượng tuần tra trên không của Không quân Đài Loan xua đuổi. Các chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh đang quan sát động thái của Mỹ trước tình hình ở Ukraine để tính toán ván cờ Đài Loan.

Bộ Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc công bố tin tức trên trang web chính thức vào tối ngày 25/2 rằng, trong ngày có 4 máy bay chiến đấu J-16 của Trung Quốc đã xâm nhập vùng ADIZ Tây Nam của Đài Loan. Trước đó vào ngày 24/2, Bắc Kinh cũng điều 8 máy bay chiến đấu J-16 và 1 máy bay trinh sát Y-8 xâm phạm vùng trời này. Lực lượng Không quân Đài Loan đã cử lực lượng tuần tra trên không tới ứng phó, phát sóng trục xuất và theo dõi, giám sát các tên lửa phòng không.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Đài Loan nhấn mạnh rằng trước những diễn biến quân sự gần đây giữa Ukraine và Nga, quân đội nước này đang tiếp tục theo dõi các diễn biến quân sự xung quanh eo biển Đài Loan, tăng cường các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát, duy trì cảnh giác cao độ, và tích cực tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu để ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.

Không giống như Ukraine, nơi từng là một phần của Liên Xô cũ, đảo Đài Loan có lịch sử bản địa lâu đời và chưa từng bị Đảng Cộng sản Trung Quốc cai trị. Nhưng không thể phủ nhận rằng với sự leo thang của cuộc khủng hoảng Ukraine, thế giới đã quan tâm nhiều hơn đến tình hình ở eo biển Đài Loan.

Câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có thể lợi dụng sự hỗn loạn này để tấn công Đài Loan?

‘Khả năng tiến hành một cuộc xâm lược quân sự quy mô lớn vào Đài Loan trong thời gian ngắn là rất thấp’

Ông Yết Trọng (Jie Zhong), một nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Tầm nhìn Chiến lược Trung Hoa (Association of Strategic Foresight) cho rằng, nếu quân đội Trung Quốc muốn tiến hành hoạt động quân sự quy mô lớn ở eo biển Đài Loan, họ cần huy động và tập hợp một lượng lớn nhân lực và vật lực. Chỉ tính riêng các loại vật tư cũng cần khoảng 30 triệu tấn. Cũng cần vận chuyển nhân lực và vật lực đến các vị trí chiến thuật, nơi họ có thể triển khai lực lượng tấn công Đài Loan, và có thể sẽ phải dùng tới hơn 3.000 chuyến tàu hỏa. Toàn bộ quy mô huy động và vận chuyển sẽ vượt qua bất kỳ cuộc chiến nào trước đây mà quân đội Trung Quốc từng tham gia.

Ông Yết nói, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện những dấu hiệu kể trên. Ở giai đoạn này, quân đội Trung Quốc chưa có khả năng "đánh nhanh rút gọn" Đài Loan bằng vũ lực. Khả năng tiến hành một cuộc xâm lược quân sự quy mô lớn vào Đài Loan trong thời gian ngắn là rất thấp. Nhưng không thể loại trừ khả năng nó sẽ tăng cường phô trương vũ lực hoặc đe dọa vũ lực xung quanh Đài Loan và thậm chí ở Biển Đông, nhằm buộc Đài Loan và Washington nhượng bộ trong một số vấn đề.

Cả Trung Quốc và Đài Loan đều quan sát phản ứng của Mỹ trước vấn đề Ukraine

Hôm 24/2, trang The Atlantic của Mỹ đăng một bài báo của ông Michael Schuman, nhà nghiên cứu cấp cao không thường trú tại "Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu" của Hội đồng Đại Tây Dương. Ông nói rằng không có quốc gia nào như Trung Quốc có thể tạo ra mối uy hiếp lớn như vậy cho trật tự thế giới tự do.

Nhiều kênh truyền thông Hoa Kỳ đưa tin rằng, một số người ở Trung Quốc coi cuộc xung đột ở Ukraine là một cuộc khủng hoảng tiềm tàng đối với Mỹ. Nó có thể làm suy yếu sự ủng hộ của Washington đối với Đài Bắc, đồng thời chuyển hướng sự chú ý và nguồn lực của Mỹ khỏi Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang ôm tham vọng quân sự.

Hoa Kỳ ngày càng tin rằng Bắc Kinh cũng đang đánh giá phản ứng của Washington trước cuộc khủng hoảng Ukraine. Đây như là một phép thử để xem Hoa Kỳ sẽ xử lý các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Đài Loan như thế nào.

Ông Schuman viết, kiểm soát Đài Loan, hay như cách mà Trung Quốc thích gọi là "thống nhất", là mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trước tình hình quốc tế hiện nay, khả năng xảy ra chiến tranh ở Đài Loan lại càng gia tăng.

Còn đối với Đài Loan, xung đột Ukraine đã trở thành một phép thử cho giả thiết chiến lược phòng ngự cốt lõi của Đài Loan. Đó chính là liệu lực lượng quân sự Mỹ có can thiệp để ngăn chặn cuộc xâm lược của Trung Quốc hay không.

Bắc Kinh đang tìm kiếm cơ sở để hành động

Ông Matthew Kroenig, cựu chiến lược gia Lầu Năm Góc và là thành viên của Ủy ban Cố vấn Liên minh Vandenberg (Vandenberg Coalition Advisory Board), nói với Fox News Digital, "Tôi nghĩ chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng để đồng thời đối phó với Nga ở Châu Âu và với Trung Quốc ở Châu Á". “Tôi cho rằng, nếu Tập Cận Bình nhận thấy rằng phản ứng (của Hoa Kỳ) ở Ukraine rất yếu, ông ta có thể coi đó là bật đèn xanh (cho cuộc xâm lược Đài Loan)".

Tuy nhiên, ông Isaac Stone Fish, Giám đốc Điều hành của Strategy Risks, một công ty chuyên theo dõi rủi ro đối với các vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ - Trung, lại có quan điểm khác. Ông nói với Fox News rằng, Trung Quốc có thể cắt nghĩa việc quân đội Mỹ gia tăng can thiệp quân sự trong xung đột Nga - Ukraine là thời cơ thích hợp để xâm lược Đài Loan.

“Họ (chính phủ Trung Quốc) sẽ tính toán rằng, Mỹ khó có thể vừa khai chiến với Nga trong vấn đề Ukraine, vừa khai chiến với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan. Từ góc độ quân sự, Mỹ càng bị cuốn vào cuộc khủng hoảng Ukraine, thì Trung Quốc càng có cơ sở để hành động".

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Chiến tranh Nga - Ukraine ngày thứ 2: Trung Quốc cử 4 chiến đấu cơ quấy rối Đài Loan