Chính khách Thượng viện Hoa Kỳ nhất trí tôn vinh bác sĩ Lý Văn Lượng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thượng viện Hoa Kỳ đã vinh danh vị bác sĩ Trung Quốc, người đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự bùng phát của virus Corona vào hồi cuối năm ngoái tại thành phố Vũ Hán thuộc miền trung Trung Quốc.

Bằng sự nhất trí tuyệt đối, vào ngày 03/03 Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua nghị quyết của Thượng nghị sĩ Tom Cotton để tưởng nhớ cuộc đời của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), một bác sĩ nhãn khoa đã cảnh báo bạn học cũ của trường y rằng bệnh viện nơi anh làm việc đã cách ly 7 bệnh nhân vì một căn bệnh tương tự như SARS - căn bệnh hô hấp chết người đã tàn phá Trung Quốc năm 2003.

Bác sĩ Lý sau đó đã cập nhật nhóm WeChat riêng của mình với thông tin rằng căn bệnh này thực sự gây ra bởi một loại virus Corona tương tự như SARS, nhưng đó là một dạng virus mới.

Như nghị sỹ Cotton đã nói trong bài phát biểu tại Thượng viện về nghị quyết của mình: “Điều đáng tiếc là bác sĩ Lý đã trở thành nạn nhân của chính căn bệnh rất nguy hiểm đó, nhưng thậm chí trước đó anh ấy đã là nạn nhân của chính phủ nước mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

Nghị quyết của ông Cotton được đồng ủng hộ bởi một nhóm gồm 5 thượng nghị sĩ khác tới từ cả 2 Đảng.

Có lẽ điều trớ trêu nhất đối với bác sĩ Lý là anh ấy được coi là thành viên của ĐCSTQ - chính là tổ chức đã buộc anh phải phủ nhận những “tin đồn” mà anh đã lan truyền.

Nhật báo Kinh doanh Thành Đô, trong một bài báo ra ngày 7/2 - ngày bác sĩ Lý qua đời, đưa tin rằng anh đã gia nhập ĐCSTQ trong năm thứ 2 đại học. Có ít hơn 6% số công dân Trung Quốc được báo cáo là đảng viên có mang thẻ.

Nghị quyết có tiêu đề là “Tưởng niệm về cuộc đời của bác sĩ Lý Văn Lượng và Kêu gọi sự Minh bạch và Hợp tác từ Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đảng Cộng sản Trung Quốc”, đã miêu tả chi tiết về những nỗ lực của bác sĩ Lý để đảm bảo các bạn học cũ tại trường Y của anh biết về sự xuất hiện của một loại bệnh SARS mới đã tấn công vào Vũ Hán.

Sau khi thông báo về loại virus mới trong nhóm WeChat của mình vào chiều muộn ngày 30/12, bác sĩ Lý kêu gọi bạn bè cần đề phòng cho bản thân và gia đình. Vào ngày 31/12, chính quyền Trung Quốc cho biết ở Vũ Hán xuất hiện một loại bệnh viêm phổi mới chưa xác định. Khoảng ngày 8/1, có thông báo về một loại bệnh viêm phổi do virus. Mãi đến ngày 20/1, người dân Trung Quốc mới được biết rằng bệnh viêm phổi mới này có thể lây lan khi tiếp xúc giữa người với người.

Như đã đưa tin trên tờ Tin tức Bắc Kinh vào ngày 31/1, bác sĩ Lý nói:

“Vào thời điểm đó, 7 người từ Chợ hải sản Hoa Nam Trung Quốc đã đến bệnh viện của chúng tôi để điều trị và sau đó được cách ly. Ban đầu, kết quả xét nghiệm của 7 cá nhân này cho thấy họ bị nhiễm virus SARS Corona. Tôi đã gửi những tin nhắn này trong nhóm để nhắc nhở mọi người và người thân của họ đề phòng. Tôi cũng nói với mọi người trong nhóm không lưu hành tin tức và kết quả xét nghiệm này. Tôi không ngờ rằng tin tức lại được lan truyền sớm như vậy”.

Thời báo kỹ thuật số Trung Quốc đưa tin: “Cái chết của bác sĩ Lý đã gây xôn xao dư luận Trung Quốc, với số lượng cư dân mạng Trung Quốc chưa công khai kêu gọi tự do ngôn luận, đầu tiên là với hashtag #WeWantFreeSpeech (Chúng tôi Muốn Tự do Ngôn luận), và sau khi hashtag này bị gỡ xuống do kiểm duyệt, họ dùng hashtag mới là #WeDemandFreeSpeech (Chúng tôi Yêu cầu Tự do Ngôn luận)”.

Theo South China Morning Post, các học giả tại Đại học Sư phạm Trung ương Trung Quốc ở Vũ Hán đã trích dẫn Hiến pháp Trung Quốc nói về sự đảm bảo quyền tự do ngôn luận, và đăng một bức thư trực tuyến kêu gọi ĐCSTQ thừa nhận sai lầm, xin lỗi và gọi bác sĩ Lý là một người anh hùng hy sinh vì lẽ phải.

Thúc đẩy sự cởi mở và minh bạch

Bài phát biểu của nghị sỹ Cotton và bản thân nghị quyết bày tỏ sự ủng hộ và lòng biết ơn đối với nhân viên y tế cũng như những công dân Trung Quốc đang hoạt động ở tuyến đầu trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh.

Nghị quyết tiếp tục thúc giục chính quyền Trung Quốc cần “cởi mở và minh bạch” trong cuộc điều tra và ứng phó với dịch bệnh, để đảm bảo rằng “các công dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế có quyền truy cập tự do và không bị kiểm soát, không cần thông qua kiểm duyệt” đối với các thông tin về căn bệnh này.

Nghị quyết này cũng kêu gọi Trung Quốc hợp tác hoàn toàn với Hoa Kỳ, các tổ chức y tế quốc tế và các quốc gia có hệ thống y tế “đã phải đối mặt với gánh nặng lớn”.

Kèm theo đó là lời kêu gọi Trung Quốc “chấm dứt nỗ lực loại trừ Đài Loan khỏi các tổ chức quốc tế”, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.

Chính sách Đối ngoại lưu ý vào ngày 22/1 rằng Bắc Kinh đã ngăn chặn thành công Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế kể từ năm 2016, khi Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) lần đầu tiên đắc cử. Trung Quốc viện dẫn nghị quyết của Hoa Kỳ vào tháng 10/1971 nói rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc như là công cụ để ngăn chặn Đài Loan gia nhập WHO, mặc dù quốc đảo này cũng đang phải đối mắt với các trường hợp nhiễm COVID-19.

Nghị sỹ Cotton đã kêu gọi chính quyền Bắc Kinh rút lại những cáo buộc ban đầu của họ đối với bác sĩ Lý trong bài phát biểu của mình. Ông đánh giá: “Ngay từ đầu đó là quy trình cách thức ĐCSTQ phản ứng với các vấn đề liên quan tới virus Corona: Ban đầu là che đậy, để sau đó là thảm họa”.

Nghị quyết kết thúc bằng sự ủng hộ mạnh mẽ đối với “người dân Trung Quốc trong cuộc đấu tranh giành quyền tự do ngôn luận của mình”, và khẳng định rằng “tự do ngôn luận là một lợi ích xã hội cho phép các chuyên gia đưa ra những cảnh báo về sức khỏe cộng đồng”.

Bác sĩ Lý nguyên quán ở tỉnh Liêu Ninh thuộc vùng đông bắc Trung Quốc, qua đời ở tuổi 34. Anh đã kết hôn và là cha của một đứa trẻ 5 tuổi. Vợ anh đang mang thai đứa con thứ hai.

Du Miên
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chính khách Thượng viện Hoa Kỳ nhất trí tôn vinh bác sĩ Lý Văn Lượng