Chính phủ Anh bị chỉ trích vì mời Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ đăng quang của Vua Charles III

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak đã bị chỉ trích vì mời một quan chức cấp cao của Trung Quốc - người chịu trách nhiệm về các hoạt động vi phạm nhân quyền tại Hong Kong - đến dự lễ đăng quang của Vua Charles III.

Phó chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính là một trong số các chức sắc từ khắp nơi trên thế giới được mời đến Tu viện Westminster để tham dự lễ đăng quang của Vua Charles III vào hôm thứ 7 (06/05).

Ông Hàn là người của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chịu trách nhiệm chỉ đạo các vấn đề về Hong Kong từ năm 2018 đến tháng 3 năm nay. Trong thời gian đó, ĐCSTQ đã áp đặt luật an ninh quốc gia, đàn áp phe đối lập và phạt án hình sự những người bất đồng chính kiến tại Hong Kong.

Chính phủ Anh bị chỉ trích vì mời Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ đăng quang của Vua Charles III
Sau khi giải tán đám đông biểu tình phản đối luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong, cảnh sát chống bạo động đã bắt giữ một nhóm người dân, tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 01/07/2020. (Ảnh: Dale De La Rey/AFP qua Getty Images)

Việc chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak mời ông Hàn đến dự lễ đăng quang của Vua Charles III đã nhận phải chỉ trích mạnh mẽ từ những người thuộc đảng Bảo thủ của Anh và bởi ông Chris Patten - Thống đốc người Anh cuối cùng của Hong Kong.

Đáp lại, chính phủ Anh nói rằng họ muốn duy trì mối quan hệ với quốc gia siêu cường châu Á bất chấp những khác biệt về chính trị.

‘Không thể chấp nhận được’

Cuối tháng trước, khi biết tin ông Hàn sẽ nhận được lời mời tham dự lễ đăng quang của Hoàng gia Anh, ông Iain Duncan Smith - cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ của Anh - đã nói rằng: “Đây là người đàn ông phải chịu trách nhiệm về việc phá vỡ hiệp ước quốc tế — hiệp ước Trung - Anh; trong quá trình đó, chính quyền Hong Kong đã bức hại những người vận động dân chủ ôn hòa”.

“Với những gì ông ấy đã làm, việc để người đàn ông này đến đây [đến Anh] là điều không thể chấp nhận được”.

Còn theo ý kiến của Nghị sĩ đảng Bảo thủ Tim Loughton thì sự hiện diện của ông Hàn sẽ là "sự xúc phạm đối với những người yêu tự do" của Hong Kong.

Tháng 9 năm ngoái, những lo ngại tương tự cũng xuất hiện khi lời mời dự tang lễ Nữ hoàng Elizabeth II được gửi tới các đại diện chính quyền Trung Quốc. Bắc Kinh sau đó đã gửi người tiền nhiệm của ông Hàn, ông Vương Kỳ Sơn, đến dự lễ tang cấp nhà nước của Nữ hoàng Anh.

‘Cái gai trong mắt’

Ông Chris Patten - Thống đốc người Anh cuối cùng của Hong Kong - cho biết việc Bắc Kinh quyết định cử ông Hàn đến lễ đăng quang của Vua Charles III là dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ coi thường Vương quốc Anh.

Ông nói với chương trình World At One của BBC Radio 4 hôm thứ 5 rằng ông Hàn "thực sự là người phải chịu trách nhiệm về chính sách ở Hong Kong".

“Quý vị không thể phớt lờ sự thật rằng ông ấy ở đó, và đó là cái gai trong mắt 140.000 người Hong Kong, hoặc hơn, đang sống lưu vong ở đây [ở Anh] với sự trợ giúp từ chương trình cấp hộ chiếu BNO”.

“Tôi cũng nghĩ rằng đó là dấu hiệu cho thấy, dù quý vị có cúi đầu trước Trung Quốc đến đâu, dù quý vị có cố gắng tôn trọng họ đến mức độ nào, thì họ cũng sẽ không tôn trọng chúng ta một chút nào”.

Ông nói thêm: “Nếu họ không cố ý, thì điều đó cũng cho thấy rằng họ thực sự đối xử với chúng ta tùy tiện như thế nào”.

‘Thông điệp nguy hiểm’

Lời mời dự lễ đăng quang của Hoàng gia Anh được gửi tới hầu hết mọi nguyên thủ quốc gia mà Vương quốc Anh có quan hệ ngoại giao đầy đủ.

Nhưng Nga đã không có đại diện tại buổi lễ, và cả Belarus - đồng minh của Nga - cũng vậy.

Các quốc gia khác không được mời tham dự buổi lễ bao gồm Iran, Myanmar, Afghanistan, Syria và Venezuela.

Tổ chức Ân xá Quốc tế Vương quốc Anh - một tổ chức nhân quyền - đã đặt câu hỏi về việc Anh quyết định mời đại diện của Trung Quốc.

Bà Polly Truscott, cố vấn chính sách đối ngoại của tổ chức, cho biết: “Nếu việc không mời một số quốc gia nhất định là biểu hiện của sự phản đối ngoại giao của Vương quốc Anh, thì quý vị phải đặt câu hỏi: Tại sao ông Hàn Chính của Trung Quốc lại tham dự lễ đăng quang?”.

“Lời mời tới ông Hàn Chính gửi đi thông điệp nguy hiểm rằng chính phủ Vương quốc Anh sẵn sàng bỏ qua hồ sơ nhân quyền đáng sợ của Trung Quốc để đổi lấy ảnh hưởng và thương mại”.

Vua Charles III đăng quang với nghi lễ long trọng nhất nước Anh trong 7 thập kỷ

Chính phủ Anh bị chỉ trích vì mời Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ đăng quang của Vua Charles III
Vua Charles III đội vương miện, tại lễ đăng quang của ông ở Tu viện Westminster, London, Anh, ngày 06/05/2023. (Ảnh: Richard Pohle - WPA Pool/Getty Images)
Chính phủ Anh bị chỉ trích vì mời Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ đăng quang của Vua Charles III
Lễ đăng quang của Vua Charles III tại Tu viện Westminster ở London, Anh, ngày 06/05/2023. (Ảnh: Richard Pohle – WPA Pool/Getty Images)

Vua Charles III đã có lễ đăng quang hoành tráng nhất nước Anh trong vòng 7 thập kỷ qua tại Tu viện Westminster ở London.

Trước khoảng 100 nhà lãnh đạo thế giới và hàng triệu khán giả truyền hình, Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby đã đặt Vương miện Thánh Edward (chiếc vương miện đã 360 tuổi) lên đầu Vua Charles. Vua Charles ngồi trên ngai vàng có từ thế kỷ 14 ở Tu viện Westminster để nhận vương miện.

Vua Charles trở thành vị vua trị vì thứ 40 đăng quang tại tu viện - nơi tổ chức lễ đăng quang của Hoàng gia Anh kể từ năm 1066.

Ở tuổi 74, ông là vị vua lớn tuổi nhất từng lên ngôi tại Anh.

Tiếp theo buổi lễ, người vợ thứ hai của ông, bà Camilla, 75 tuổi, đã lên ngôi vương hậu.

Xuân Hoa tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Chính phủ Anh bị chỉ trích vì mời Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ đăng quang của Vua Charles III