Chính quyền Biden phải chăng đang bắt chước chính sách độc tài của ĐCSTQ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kiểm duyệt thông tin, trấn áp bất đồng chính kiến, đánh giá công dân, phong tỏa chống COVID-19, v.v. - nước Mỹ dưới thời Tổng thống Biden đang thực thi một số chính sách mang đầy ‘đặc sắc’ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Trong cuộc chiến hỗn hợp (hybrid war) chống lại Mỹ, ĐCSTQ cùng lúc theo đuổi một số mục tiêu nhằm thống trị kinh tế thế giới trên tất cả các lĩnh vực: Thương mại, chính sách, luật pháp, công nghệ, v.v. ĐCSTQ cho rằng thống trị kinh tế là yếu tố nền tảng để đưa đến thống trị về địa chính trị và quân sự, cũng như dẫn đến mục tiêu to lớn của đảng là dẫn đầu thế giới trong tất cả các lĩnh vực của con người.

Trong cuộc chiến đa mặt trận chống lại đối thủ số một của họ, ĐCSTQ đã làm hư hỏng nhiều thành viên thuộc tầng lớp chính trị Mỹ. Tình trạng tham nhũng xảy ra ngay sau khi cố Tổng thống Richard Nixon và cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger của Mỹ “mở cửa Trung Quốc” vào năm 1972. (Ông Kissinger tiếp tục thuyết giảng về việc dỗ dành Trung Quốc gần 50 năm sau đó).

Tình trạng tham nhũng tràn lan tại Mỹ gắn liền với thói bợ đỡ thông qua hối lộ của người Trung Quốc, sự hâm mộ tuyệt đối của một số chính trị gia Mỹ dành cho chế độ cộng sản ở Bắc Kinh, cũng như sự bắt chước của chính quyền Biden đối với một số chính sách độc tài của ĐCSTQ.

Chính quyền Biden bắt chước chính sách độc tài của ĐCSTQ
Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng Lưu Hạc của Trung Quốc chụp ảnh với cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson và các thành viên của một phái đoàn từ Diễn đàn Kinh tế Mới 2019, trước khi tham gia cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 22/11/2019. (Ảnh: Jason Lee / Pool / Getty Images)

Dưới đây là một vài chính sách mà Đảng Dân chủ Mỹ đang theo đuổi. Về cơ bản, chúng giống như “chủ nghĩa độc tài chuyên chế kiểu Trung Quốc mang màu sắc Mỹ”.

Vạn lý tường lửa vs. Các gã khổng lồ công nghệ

Vạn lý tường lửa (Great Firewall) là hệ thống giám sát và kiểm duyệt Internet của Bắc Kinh. Mục tiêu của nó là duy trì sự kiểm soát về mặt tư tưởng đối với công dân Trung Quốc bằng cách hạn chế quyền tiếp cận của họ với “những ảnh hưởng xấu từ nước ngoài”. Ngoài ra, hệ thống này tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát các cuộc trò chuyện cá nhân, qua đó triệt tiêu bất đồng chính kiến.

Đảng Dân chủ Mỹ đang gia tăng khai thác - thông qua thuyết phục, làm tha hóa và ép buộc - các gã khổng lồ công nghệ để lan truyền quan điểm của họ và trấn áp thông điệp từ đối thủ chính trị của họ. Twitter, Facebook, Google, YouTube và nhiều ông lớn công nghệ khác không chỉ đơn giản là thân thiện với Đảng Dân chủ; mà còn là những yếu tố quan trọng trong chiến dịch đang diễn ra của Đảng Dân chủ nhằm trấn áp những kẻ bất đồng chính kiến ​​và nhằm ác hóa các đối thủ chính trị.

Hệ thống tín nhiệm xã hội

Mục tiêu bề ngoài ‘giả dối’ của hệ thống tín nhiệm xã hội tại Trung Quốc là chấm điểm “mức độ đáng tin cậy” của các cá nhân, tập đoàn và cơ quan chính quyền trên khắp Trung Quốc. Tất nhiên, mức độ tin cậy ở đây là do ĐCSTQ tự ý xác định.

Năm 2014, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố rằng hệ thống tín nhiệm xã hội “là một phương pháp quan trọng để hoàn thiện hệ thống kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đẩy nhanh và đổi mới quản trị xã hội; nó có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường nhận thức về tính chân thành của các thành viên trong xã hội”.

Điều đã không được nêu rõ là hình phạt dành cho những người bị nhà nước cho là không chân thành. Theo Insider, ví dụ về các hành vi vi phạm bị chính quyền Trung Quốc trừng phạt bao gồm "lái xe tệ, hút thuốc trong khu vực cấm hút thuốc, mua quá nhiều trò chơi điện tử và đăng tin giả lên mạng, đặc biệt là các cuộc tấn công khủng bố hoặc an ninh sân bay".

Điều cũng đã không được nêu rõ là hệ thống tín nhiệm xã hội có thể được mở rộng theo nhiều chiều, bao gồm giám sát và ngăn chặn các phát ngôn chính trị “bị cấm” hoặc kiểm soát du lịch thông qua hộ chiếu vaccine.

Không có gì bí mật khi các thành viên Đảng Dân chủ Mỹ say mê hệ thống tín nhiệm xã hội của ĐCSTQ, vì đối với họ, nó là một cơ chế kiểm soát chính trị mạnh mẽ có thể được sử dụng ở Mỹ để giám sát và kiểm soát hành vi người dân dựa trên các ưu tiên và mục tiêu của Đảng Dân chủ.

Như được nêu ra tại đây, các nghị sĩ Quốc hội thuộc Đảng Dân chủ đang xem xét việc đại tu hệ thống báo cáo tín dụng của Mỹ bằng cách thực hiện Đạo luật Tín dụng Toàn diện và Đạo luật Bảo vệ Điểm Tín dụng năm 2021, điều này sẽ tạo ra một hệ thống mới - tương tự như của Trung Quốc.

Và chắc chắn ĐCSTQ sẽ sẵn lòng bán công nghệ thông tin sử dụng trong hệ thống tín nhiệm xã hội của họ cho Đảng Dân chủ Mỹ.

Khẩu trang, giãn cách xã hội và phong tỏa

Các biện pháp ứng phó COVID-19 gồm khẩu trang, giãn cách xã hội và phong tỏa đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và là thành phần của chính sách “zero-COVID” hà khắc và phi khoa học của ĐCSTQ. Các thống đốc Đảng Dân chủ của Mỹ (và những người khác) đã rất vui vẻ khi áp dụng những thứ này lên người Mỹ; họ bỏ qua sự thật rằng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy khẩu trang có hiệu quả (xem 150 nghiên cứu tại đây); họ cũng không màng đến thiệt hại về kinh tế cho đất nước và cho cá nhân gây ra bởi các đợt phong tỏa.

Tuy nhiên, [may mắn thay] các quyền tự do theo hiến pháp đã hạn chế những kẻ độc tài — ít nhất là ở Mỹ. Nhưng cũng phải mất gần 2 năm, tòa án tối cao bang New York mới phán quyết rằng quy định đeo khẩu trang trên toàn bang là vi hiến.

Cũng cần lưu ý thêm, Tổng thống Joe Biden vừa gia hạn tình trạng khẩn cấp do COVID tại Mỹ.

Giấy chứng nhận tiêm chủng

Đặc điểm chính trong chính sách “zero-COVID” của Bắc Kinh là đưa “giấy chứng nhận tiêm chủng” vào trong hệ thống tín nhiệm xã hội để kiểm soát việc ra vào và đi lại của tất cả công dân Trung Quốc.

Cuộc thăm dò ý kiến ​​của công ty Rasmussen vào tháng 1 cho thấy “đa số thành viên Đảng Dân chủ chấp nhận các chính sách kiểm soát, bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với những người chưa tiêm vaccine COVID-19”. Điều này thể hiện ở việc các nghị sĩ Quốc hội thuộc Đảng Dân chủ và chính quyền Biden đang tiếp tục thảo luận về sử dụng hộ chiếu vaccine và áp dụng các tiêu chuẩn vaccine.

Chính quyền Biden bắt chước chính sách độc tài của ĐCSTQ
Thẻ theo dõi tiêm chủng COVID-19 cho trẻ em dưới 5 tuổi tại Trung tâm Y tế UW - Roosevelt ở Seattle, Washington, Mỹ, ngày 21/06/2022. (Ảnh: David Ryder / Getty Images)

Tuyên truyền và kiểm soát truyền thông

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc luôn nhại lại những gì nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu. Các thông điệp đều thống nhất và không ngừng nghỉ, đặc biệt là việc lặp lại chính xác các từ ngữ của ĐCSTQ như: Dân chủ mang màu sắc Trung Quốc, chủ nghĩa cộng sản thị trường, quản lý khép kín (liên quan đến phong tỏa do COVID), tính không thể tách rời của an ninh quốc gia [tức là đưa sự an toàn của chế độ vào mọi lĩnh vực], cũng như giới hạn nội dung (kiểm duyệt).

Trong khi theo dõi chặt chẽ các hoạt động truyền thông của Trung Quốc, liên hợp truyền thông - Đảng Dân chủ tại Mỹ không thua kém gì những người cộng sản Trung Quốc trong việc kiểm soát các câu chuyện trên truyền thông Mỹ.

Dưới đây là một số ví dụ: Gọi các tuyên bố về gian lận bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 là "vô căn cứ" dù đã có vô số bài báo và báo cáo tiết lộ thông tin mới; mô tả những người biểu tình không vũ trang vào ngày 06/01 là "những kẻ tham gia một cuộc nổi dậy có vũ trang chống lại chính quyền"; thúc đẩy lý thuyết chủng tộc phê phán và các chính sách đa dạng - bình đẳng - hòa nhập (DE&I) trong cộng đồng người Mỹ; ủng hộ lối sống LGBTQI.

Những người ở China DailyTân Hoa xã chắc hẳn đang cười sảng khoái khi chứng kiến thực trạng truyền thông tại Mỹ.

Kết luận

Những điều tương đồng kể trên không phải ngẫu nhiên mà có.

ĐCSTQ đã đạt được nhiều ‘thành tựu’ nhờ “mặt trận thống nhất” - một trong “ba vũ khí ma thuật” của Mao Trạch Đông (hai vũ khí kia là xây dựng đảng và đấu tranh vũ trang).

Ban đầu, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) tập trung vào việc thiết lập và củng cố tầm kiểm soát của ĐCSTQ đối với tất cả công dân Trung Quốc. Trách nhiệm ban đầu của nó, như được nói ở đây, là “tập hợp các nhóm xã hội và các cá nhân ủng hộ ĐCSTQ và các mục tiêu của họ - từ Ban Thường vụ Bộ Chính trị của đảng xuống các cấp ủy cơ sở. Mặt trận thống nhất đã lôi kéo sự tham gia của hàng nghìn thành viên, các tổ chức xã hội và các mặt trận”. Đây là hệ thống thực thi tín nhiệm xã hội của ĐCSTQ trước khi có Internet.

Sứ mệnh của UFWD đã được ông Tập Cận Bình mở rộng vào năm 2015, bao gồm các mục tiêu đối ngoại như “kết nạp giới tinh hoa, quản lý thông tin, thuyết phục lôi kéo, tiếp cận thông tin và tài nguyên chiến lược” với mục đích “tác động đến việc ra quyết định của các chính phủ và xã hội nước khác sao cho mang lại lợi ích cho Trung Quốc. "

Điều gì có thể mang lại lợi ích cho ĐCSTQ hơn là để đối thủ lớn nhất của họ - nước Mỹ - áp dụng các chính sách giống với những chính sách mà Bắc Kinh đang thực hiện? Còn cách nào tốt hơn để áp đặt người Mỹ tuân theo chính sách độc tài của ĐCSTQ hơn là để chính phủ Mỹ làm điều đó? ĐCSTQ đã đạt được mục tiêu trong cuộc chiến hỗn hợp chống lại nước Mỹ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Xuân Hoa

Theo Stu Cvrk - The Epoch Times

Tác giả Stu Cvrk là Thuyền trưởng/Đại úy về hưu sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Mỹ. Ông từng giữ nhiều chức vụ thường trực và dự bị khác nhau, với kinh nghiệm hoạt động dày dặn ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm khi làm nhà phân tích hệ thống kiêm nhà hải dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục truyền thống và tự do - điều đóng vai trò nền tảng cho các bài bình luận chính trị của ông.



BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền Biden phải chăng đang bắt chước chính sách độc tài của ĐCSTQ?