Chính quyền TT Trump đã viết lại cách Mỹ tiếp cận với mối đe dọa từ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là những chủ đề ưu tiên trong phần lớn nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, một loạt các hành động khác được đưa ra nhằm giải quyết các mối đe dọa kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ đến từ Bắc Kinh.

Trong 4 năm, chính quyền của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đoạn tuyệt với những chính sách của các chính phủ Hoa Kỳ tiền nhiệm, để đối đầu trực diện với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đẩy lùi các hành động xấu xa nhằm mục đích tu sửa thế giới theo chủ nghĩa công nghệ độc tài toàn trị tiêu biểu của đảng này.

Các chuyên gia về Trung Quốc nhận định, chính quyền của ông Trump đã nhận ra tầm vóc vĩ mô trong chiến dịch xâm nhập của chế độ Trung Quốc, mà trên hình thế chung hầu như không ảnh hưởng đến khía cạnh nào của xã hội Mỹ. Các quan chức chính quyền Tổng thống Trump đã mô tả các mối đe dọa của Bắc Kinh là một cuộc tấn công toàn diện nhằm vào sự thịnh vượng kinh tế, an ninh quốc gia và tự do của Mỹ, cũng như của các nền dân chủ trên toàn cầu.

Khi làm như vậy, Hoa Kỳ đã bác bỏ kiểu khôn ngoan truyền thống kéo dài hàng thập kỷ vốn áp dụng trong một chính sách can dự đối với Bắc Kinh - rằng tự do hóa kinh tế sẽ dẫn khiến chế độ chính trị ở Trung Quốc trở nên dân chủ hơn. Giờ đây, rất nhiều người Mỹ đã thừa nhận suy nghĩ là sai lầm.

Nhà phân tích cấp cao về chiến lược J. Michael Waller tại Trung tâm nghiên cứu chính sách an ninh có trụ sở tại Washington, nói với The Epoch Times rằng, thành tích lớn nhất của vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ là, ông đã “thay đổi hoàn toàn các điều khoản tranh luận ở Hoa Kỳ về cách đối phó với [ĐCSTQ]”.

Cộng hòa nhân dân Trung Hoa siêu cường toàn cầu mới nổi cạnh tranh giành quyền lực tối cao giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, công nghiệp, tội phạm mạng, gián điệp công nghiệp, v.v ... (Ảnh của Ulrich Baumgarten/ Getty Images)
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa siêu cường toàn cầu mới nổi cạnh tranh giành quyền lực tối cao giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, công nghiệp, tội phạm mạng, gián điệp công nghiệp, v.v ... (Ảnh của Ulrich Baumgarten/ Getty Images)

Nhà phân tích nhận định: “Ông Trump đã xé toạc một lỗ hổng thông qua đường lối tuyên truyền của ĐCSTQ là vì hòa bình, cùng phát triển và hợp tác lẫn nhau trên toàn thế giới. ĐCSTQ đã có thể trốn tránh nhờ vào lời nói dối này trong nhiều năm, cho dù đó là dưới thời tổng thống [Mỹ] của đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ”.

Các quan chức chính quyền cấp cao, đặc biệt là cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, lần đầu tiên công nhận bản chất của ĐCSTQ (khác biệt với người Trung Quốc) là một “chế độ theo chủ nghĩa Marx-Lenin”, cũng như cách hệ tư tưởng này định hình mục tiêu để nắm quyền bá chủ toàn cầu và cách thức nó áp dụng để đạt được điều đó.

Hồi tháng 7/2020, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết: “Trung Quốc đang tham gia vào một nỗ lực toàn chính phủ để trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới bằng mọi cách cần thiết”.

Nhà phân tích Waller đánh giá, sự chuyển đổi của quan hệ Mỹ-Trung dưới thời ông Trump đã tiến đến mức "nó không bao giờ có thể trở lại như cũ”. Ông nói thêm rằng, tân chính quyền Biden hiện đang "bó tay" trong việc theo đuổi một cách tiếp cận dễ dãi hơn đối với Bắc Kinh.

Thật vậy, tại phiên điều trần xác nhận tại Thượng viện gần đây, Ngoại trưởng của Tổng thống Joe Biden là ông Antony Blinken đã thừa nhận, “ôngTrump đã đúng” khi thực hiện cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc, mặc dù ông Blinken không đồng ý về cách thức ông Trump thực hiện các chính sách.

Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump bước lên Air Force One trước khi rời Harlingen, Texas, vào ngày 12/1/2021. (Mandel Ngân / AFP qua Getty Images)
Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump bước lên Air Force One trước khi rời Harlingen, Texas, vào ngày 12/1/2021. (Mandel Ngân / AFP qua Getty Images)

Trong khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là những chủ đề ưu tiên trong phần lớn nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, một loạt các hành động khác được đưa ra nhằm giải quyết các mối đe dọa kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ đến từ Bắc Kinh. Nhưng vào đầu năm 2020, khi có bằng chứng là chế độ Trung Quốc che đậy mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát virus Trung Cộng (virus Corona Vũ Hán), để mặc cho nó lây lan ra toàn thế giới, chính quyền Tổng thống Trump đã nỗ lực tăng cường để đối đầu với Bắc Kinh. Kết quả là một cuộc đàn áp "toàn bộ chính phủ" đối với ĐCSTQ.

Theo Axios, vào cuối năm 2020, chính quyền ông Trump đã khởi động ít nhất 210 hành động tại 10 cơ quan khác nhau trong bộ máy chính phủ Mỹ.

Xử lý các Hoạt động Thương mại Bất công của ĐCSTQ

Thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử là buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hành vi thương mại không công bằng của mình, vào mùa xuân năm 2018, Tổng thống Trump đã công bố thuế quan đối với một danh sách dài các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc, khởi phát cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ông đặt ra một loạt thuế quan sau khi một cuộc điều tra thuộc "Mục 301" phát hiện ra rằng, chế độ Trung Quốc đang tham gia vào hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ do chính quyền ĐCSTQ hậu thuẫn. Cựu Tổng thống Hoa Kỳ còn tiếp tục đánh thuế đối với hàng trăm tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, trước khi thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" được ký kết vào tháng 1/2020.

cuộc chiến mỹ trung
Ông Trump đã ra đòn thuế quan đối với ĐCSTQ và phát động chiến tranh thương mại. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Thỏa thuận thương mại bao gồm việc phía Bắc Kinh cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ vào năm 2020 và 2021, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngừng chuyển giao công nghệ cưỡng bức và cung cấp sự minh bạch về các thông lệ ngoại hối. Nhưng một báo cáo tháng 1/2021 cho thấy, Trung Quốc mới chỉ mua 58% lượng hàng hóa mà họ đã hứa.

Loạt thuế quan mà ông Trump đề ra vẫn còn nguyên đối với hàng nhập khẩu trị giá 360 tỷ USD của Trung Quốc, dẫn đến việc nhiều nhà sản xuất chuyển chuỗi dây chuyền sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Xu hướng này tăng nhanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khi cuộc khủng hoảng bộc lộ tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành quan trọng.

Ngăn chặn Huawei và các hãng Công nghệ của ĐCSTQ

Trong suốt năm 2020, chính quyền Tổng thống Trump đã thuyết phục được hàng chục quốc gia loại bỏ gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei khỏi cơ sở hạ tầng 5G của họ, theo sáng kiến ​​“Mạng lưới sạch”. Vào đầu năm 2020, rất nhiều người bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng thành công của chiến dịch này. Nhưng khi đại dịch ập đến, sự che đậy của chế độ Trung Quốc và chiến dịch bóp méo thông tin sau đó đã khiến các chính phủ phương Tây phải đánh giá lại mối quan hệ của họ với ĐCSTQ.

Ra mắt vào mùa xuân năm ngoái, chương trình đã nhanh chóng thành công với khoảng 60 quốc gia hợp tác, đại diện cho hơn 2/3 nền kinh tế thế giới và 200 công ty viễn thông tham gia liên minh vào tháng Giêng.

Trao đổi với The Epoch Times vào tháng 12/2020, quan chức dẫn đầu sáng kiến này là Thứ trưởng nhà nước khi đó về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường Keith Krach tuyên bố: “Động lực của Mạng lưới sạch đã lật ngược tình thế đối với Huawei và kế hoạch tổng thể 5G của ĐCSTQ”.

Vào ngày 17/8, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã mở rộng thêm các hạn chế đối với Huawei. Các học giả Mỹ và Đài Loan phân tích rằng điều này đồng nghĩa với việc khiến Huawei “không thể không chết” (Getty Images)
Vào ngày 17/8, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã mở rộng thêm các hạn chế đối với Huawei. Các học giả Mỹ và Đài Loan phân tích rằng điều này đồng nghĩa với việc khiến Huawei “không thể không chết” (Getty Images)

Thứ trưởng Krach nói: “Các quốc gia và công ty đều khiếp sợ học thuyết đe dọa, trả đũa và trừng phạt của ĐCSTQ. Và đó, về cơ bản, là một kẻ bắt nạt. Khi bạn đối đầu với kẻ bắt nạt, họ sẽ lùi bước. Và họ thực sự lùi bước nếu bạn có đồng minh bên cạnh".

Các quan chức dưới thời ông Trump đã rất gay gắt khi cảnh báo rằng, Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc, về cả phần mềm và phần cứng, có thể bị Bắc Kinh sử dụng để làm gián điệp. Họ viện dẫn các điều luật của ĐCSTQ để ép buộc các công ty này phải hợp tác với các cơ quan tình báo khi được yêu cầu, cũng như tất cả các thực thể trong nước đều phải tuân theo chế độ này.

Năm ngoái, cựu tổng thống đã ban hành sắc lệnh hành pháp cấm các ứng dụng TikTok và WeChat thuộc sở hữu của Trung Quốc nhằm ngăn chặn quyền truy cập của Bắc Kinh vào khối lượng lớn dữ liệu Mỹ. Các quan chức cho biết, những ứng dụng giải trí tưởng vô hại này, trên thực tế có thể được sử dụng cho các hoạt động tình báo và để nâng cao các công cụ trí tuệ nhân tạo của chế độ ĐCSTQ. Những lệnh cấm đó hiện đang vướng vào các cuộc chiến tại tòa án, và vẫn còn phải xem liệu chính quyền ông Joe Biden có tiếp tục bảo vệ những sắc lệnh này hay không.

Cập nhật mới nhất của việc thực thi sắc lệnh này từ Tổng thống Trump vào tháng Giêng, là có thêm 8 ứng dụng của Trung Quốc bị cấm, bao gồm cả ứng dụng thanh toán Alipay và WeChat Pay. Các lệnh hành pháp này hiện đã được giao cho chính quyền ông Biden, và còn cần xem liệu họ sẽ hành động như thế nào.

Chống gián điệp của ĐCSTQ

Cuộc đàn áp lịch sử của Bộ Tư pháp (DOJ) đối với hoạt động gián điệp và xâm nhập của Trung Quốc trong khuôn khổ “Sáng kiến ​​Trung Quốc” là một chiến dịch khác mà hầu như ít được giới công luận chú ý. Được đưa ra vào cuối năm 2018, sáng kiến ​​này đã dẫn đến sự bùng nổ mạnh mẽ trong các vụ truy tố nhắm vào hành vi trộm cắp bí mật thương mại do chính quyền Bắc Kinh hậu thuẫn. Năm ngoái, Giám đốc FBI Wray cho biết, cứ mỗi 10 giờ đồng hồ cơ quan này sẽ mở thêm một vụ án liên quan đến Trung Quốc, và có gần 2.500 cuộc điều tra đang được tiến hành ở tất cả các cơ quan.

Một gián điệp Trung Quốc bị tình nghi đã phát triển mối quan hệ rộng rãi với các chính trị gia Dân chủ trong nước (Mỹ) và địa phương, bao gồm cả thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện Eric Swalwell
Một gián điệp Trung Quốc bị tình nghi đã phát triển mối quan hệ rộng rãi với các chính trị gia Dân chủ trong nước (Mỹ) và địa phương, bao gồm cả thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện Eric Swalwell. (Twitter)

Chiến dịch tập trung vào các tin tặc, gián điệp và nhân viên Trung Quốc tại các công ty Mỹ, những người bị cáo buộc đã đánh cắp các tài sản trí tuệ (IP) vì lợi ích của chế độ Trung Quốc. Chiến dịch này cũng vươn tầm đến các học giả và nhà nghiên cứu đang sinh sống tại Hoa Kỳ, những người đã được Bắc Kinh nhắm đến trong nhiều năm thông qua các chương trình tuyển dụng, được gọi là kế hoạch nhân tài, được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và bí quyết cho Trung Quốc. Một loạt các nhà nghiên cứu đã bị buộc tội vì đã che giấu mối liên hệ của họ với các chương trình này, người nổi tiếng nhất là cựu chủ tịch khoa hóa học Charles Leiber của Đại học Harvard.

Các công tố viên công bố, ông Lieber đã được thưởng 1,5 triệu USD để thành lập một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, trong khi đang thực hiện nghiên cứu nhạy cảm ở Hoa Kỳ và đã nhận hơn 15 triệu USD tiền tài trợ của liên bang Mỹ kể từ năm 2008.

Năm ngoái, chiến dịch này đã làm gián đoạn mạng lưới lớn các sĩ quan quân đội ĐCSTQ bí mật đóng giả là sinh viên ở Mỹ. Sáu nhà nghiên cứu Trung Quốc bị buộc tội gian lận thị thực. Cuộc điều tra của FBI, cùng với việc đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston vì các hoạt động gián điệp và gây ảnh hưởng xấu, đã dẫn đến việc hơn 1.000 nhà nghiên cứu Trung Quốc có liên hệ quân sự rời khỏi đất nước, theo trợ lý tổng chưởng lý về an ninh quốc gia John C. Demers.

Tăng cường an ninh quốc gia chống lại ĐCSTQ

Được hướng dẫn bởi Chiến lược An ninh Quốc gia 2017 và Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương 2018, chính quyền Tổng thống Trump đã tìm cách tăng cường các liên minh của mình ở châu Á - Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của chế độ ĐCSTQ ở nước ngoài. Vào năm 2018, quân đội Hoa Kỳ đã đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương, đánh dấu một sự xoay trục chiến lược. Năm ngoái, Hoa Kỳ đã tăng cường hợp tác quốc phòng với Ấn Độ, một đối trọng chính của Trung Quốc. Các hành động thù địch của chế độ Trung Quốc ở biên giới với Ấn Độ càng nhấn sâu xung đột trong mối quan hệ giữa 2 quốc gia.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chụp ảnh trước cuộc họp Quad Indo-Pacific tại văn phòng thủ tướng ở Tokyo vào ngày 6 tháng 10 năm 2020 tại Tokyo. (Ảnh của Nicolas Datiche / POOL / AFP/ Getty Images)
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chụp ảnh trước cuộc họp Quad Indo-Pacific tại văn phòng thủ tướng ở Tokyo vào ngày 6 tháng 10 năm 2020 tại Tokyo. (Ảnh của Nicolas Datiche / POOL / AFP/ Getty Images)

Chính quyền ông Trump cũng đã hồi sinh khuôn khổ không chính thức được gọi là Bộ tứ 'Kim cương' (Quad) giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ, trở thành một lực lượng quân sự và ngoại giao trong khu vực.

Mối quan hệ của Hoa Kỳ với Đài Loan cũng ấm dần lên đáng kể dưới thời chính quyền ông Trump. Năm ngoái, họ đã cử 2 quan chức cấp cao đến thăm hòn đảo dân chủ, người đầu tiên là Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar. Ông là quan chức Nội các cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan, kể từ khi Hoa Kỳ chuyển đổi mối quan hệ ngoại chính thức với Đài Bắc sang Bắc Kinh vào năm 1979. Dưới thời ông Trump, chính phủ Mỹ cũng tăng cường việc bán vũ khí cho quốc đảo tự trị này. Trong khi đó, ĐCSTQ vẫn liên tục đe dọa bằng cả lời nói và hành động, tỏ rõ quan điểm sẽ chiếm đoạt Đài Loan bằng vũ lực nếu cần.

Trong một bài đăng trên Twitter hôm 7/1, ông Pompeo nói: “Chúng tôi đã sát cánh cùng những người bạn của mình ở Đài Loan. Trong 3 năm qua, Chính quyền [Tổng thống] Trump đã bán lượng vũ khí trị giá hơn 15 tỷ USD cho Đài Loan. Còn Chính quyền Obama? 14 tỷ USD doanh thu trong vòng 8 năm”.

Trong khi đó, việc ra mắt Lực lượng Không gian Mỹ vào năm 2019 với tư cách là một nhánh mới của quân đội Hoa Kỳ, là một bước quan trọng đầu tiên trong việc đẩy lùi tham vọng vũ khí hóa không gian của Trung Quốc và Nga.

Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 cũng nhắm vào chiến lược "hợp nhất dân sự-quân sự" của chế độ Trung Quốc, trong đó điều hướng các đổi mới của ngành công nghiệp tư nhân được tận dụng để hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Các nghiên cứu sinh Trung Quốc liên kết với các tổ chức ủng hộ chiến lược này đã bị cấm xin thị thực. Hàng chục công ty Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách đen thương mại vì vai trò của họ trong việc hỗ trợ các hoạt động quân sự của Trung Quốc.

Thông tin về Quý Siêu Quần, một gián điệp Trung Quốc dưới mác sinh viên (Composite image)
Thông tin về Quý Siêu Quần, một gián điệp Trung Quốc dưới mác sinh viên (Composite image)

Trong một động thái đột phá, Tổng thống Trump đã cấm các nhà đầu tư Mỹ rót tiền vào 45 công ty Trung Quốc thuộc danh sách bị Lầu Năm Góc coi là có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Sắc lệnh này có mục đích chặn dòng vốn của Mỹ, bao gồm cả thông qua quỹ hưu trí công và quỹ hưu trí, vào các công ty hỗ trợ quân đội của chế độ ĐCSTQ — vì hoạt động đầu tư này gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Đó là một vấn đề bị bỏ qua trong nhiều năm, theo các chuyên gia về bảo mật.

“Hầu hết người Mỹ không biết rằng tiền của họ - được giữ trong các quỹ hưu trí, 401 (k) và tài khoản môi giới - đang tài trợ cho quân đội, nhà nước giám sát và vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ thông qua một mạng lưới không được tiết lộ của các công ty con, quỹ chỉ số, và các sản phẩm tài chính”, ông Krach nói hồi tháng Giêng.

Lệnh cấm có hiệu lực vào tháng Giêng và đặt thời hạn thoái vốn vào tháng 11/2021. Cho đến nay, lệnh này đã khiến các nhà cung cấp chỉ số loại bỏ một số công ty Trung Quốc khỏi chỉ số thị trường mới nổi, và Sở giao dịch chứng khoán New York cũng đã hủy niêm yết 3 công ty viễn thông Trung Quốc.

Hành động về vấn đề bức hại nhân quyền của ĐCSTQ

Trong một sự thay đổi rõ rệt so với các chính phủ trước, chính quyền Tổng thống Trump đã thẳng thắn ủng hộ luận điệu cứng rắn lên án hành động vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh. Vào năm 2020, chính phủ Hoa Kỳ đã trừng phạt 20 quan chức của ĐCSTQ và Hong Kong, bao gồm cả lãnh đạo Hong Kong là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và một thành viên trong Bộ Chính trị đầy quyền lực của ĐCSTQ. Lý do chủ yếu là vì những người này đã tiếp tay cho chế độ Trung Quốc phá hoại các quyền tự do của Hong Kong và bức hại người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương.

“Tham vọng về giám sát toàn bộ và kiểm soát xã hội không chỉ giới hạn ở mỗi Tân Cương - mặc dù đó là một khu vực mà sự kiểm soát đã vi phạm nhân quyền và quá rõ ràng. Tham vọng này ở mức độ một quốc gia”.
“Tham vọng về giám sát toàn bộ và kiểm soát xã hội không chỉ giới hạn ở mỗi Tân Cương - mặc dù đó là một khu vực mà sự kiểm soát đã vi phạm nhân quyền và quá rõ ràng. Tham vọng này ở mức độ một quốc gia”. (Tổng hợp)

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times, nhà hoạt động vì nhân quyền Benedict Rogers của Vương quốc Anh nói rằng: “Tôi thực sự hoan nghênh nhiều điều mà chính quyền [ông Trump] đã làm để thoát khỏi ý tưởng ngây thơ rằng [chúng ta] có thể ngầm hợp tác với một chế độ đàn áp như vậy chỉ bằng lời nói”.

Ông tiếp tục: "Trên thực tế, những gì bạn cần để truyền tải thông điệp là các biện pháp trừng phạt, dạng trừng phạt mà Hoa Kỳ đã đưa ra".

Vào tháng 12/2020, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã xử phạt một cảnh sát trưởng Trung Quốc vì liên quan đến “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” đối với các học viên Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện tinh thần bị ĐCSTQ đàn áp dữ dội trong hơn 21 năm qua. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ trừng phạt một quan chức Trung Quốc vì tham gia vào cuộc đàn áp này.

Xem thêm: Lệnh trừng phạt quan chức đàn áp Pháp Luân Công của Mỹ là gậy cảnh cáo đối với Bộ Công an và giới lãnh đạo tối cao của ĐCS Trung Quốc

Trong một trong những hành động cuối cùng của mình với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ, ông Pompeo tuyên bố, việc ĐCSTQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác là “tội diệt chủng”, một động thái có thể sẽ khiến các công ty phải suy nghĩ kỹ trước khi làm ăn với Tân Cương, nhà cung cấp bông hàng đầu thế giới.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền TT Trump đã viết lại cách Mỹ tiếp cận với mối đe dọa từ Trung Quốc