Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Mỹ: Biden tạo ra 'Môi trường chính trị và pháp lý bất lợi nhất' cho dầu khí

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc thúc đẩy phong trào năng lượng sạch, đầu tư bền vững hoặc ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị Doanh nghiệp) đang làm nghẹt vốn khai thác dầu khí tại Mỹ, ngay cả khi giá năng lượng đang tăng.

Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Mỹ Tim Stewart cho biết, ngành của ông đã phải đối mặt với sự thù địch chưa từng có từ Washington D.C. dưới chính quyền Tổng thống Biden.

Ông Stewart cho hay: "Trong 30 năm làm việc của tôi ở Washington, đây chắc chắn là môi trường chính trị và pháp lý bất lợi nhất cho ngành của chúng tôi mà tôi từng thấy". "Nó bắt đầu vào ngày đầu tiên [của nhiệm kỳ tổng thống Biden], và nó vẫn tiếp diễn".

Ông Stewart đề cập đến lời hứa của Tổng thống Joe Biden trong cuộc họp báo hôm thứ Năm tuần trước (10/2/2022) rằng, Tổng thống sẽ "làm việc như điên" để giảm giá xăng dầu. Ông Stewart cho biết, lời hứa này đi ngược lại với các hành động trước đây của chính quyền ông Biden về dầu và khí đốt, bao gồm việc đóng cửa đường ống Keystone XL, và đóng băng việc thuê đất và vùng biển công cho mục đích khai thác dầu khí.

"Lời phản hồi của tôi sẽ là: 'Ông đã làm việc như điên để tăng giá cho đến tuần trước'", ông Stewart nói.

Nhà phân tích năng lượng David Blackmon một biên tập viên của Tạp chí Dầu khí đá phiến đã lên tiếng đồng tình mạnh mẽ với ông Stewart.

"Ở Mỹ, chúng ta có một chính quyền tổng thống đã dành cả một năm để làm mọi thứ theo ý mình, nhằm cản trở sản xuất dầu khí trong nước, cũng như cản trở việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải để đưa nó ra thị trường. Chúng ta có đảng Dân chủ đang chiếm đa số ở cả hai viện của Quốc hội, họ là những người đã đưa các điều khoản mạnh mẽ chống lại nhiên liệu hóa thạch vào dự luật cơ sở hạ tầng của họ, và thậm chí còn muốn hơn thế nữa trong luật Build Back Better thất bại kia", ông Blackmon chia sẻ như vậy với tờ Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua email.

Ông thêm rằng: "Ngành công nghiệp dầu khí chưa bao giờ phải đối mặt với mức độ thù địch công khai như vậy từ cộng đồng chính trị".

Ông Blackmon và ông Stewart đã nói chuyện với tờ Epoch Times vào thời điểm giá năng lượng đang tăng mạnh.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA)Reuters, thì giá dầu thô Brent một tiêu chuẩn quốc tế quan trọng đối với giá dầu đã tăng từ 64 USD/thùng vào năm 2019, lên hơn 96 USD/thùng vào ngày 14/2/2022.

Mặc dù EIA đã dự đoán vào ngày 12/1/2022 rằng, dầu Brent sẽ giảm từ 79 USD/thùng trong quý 4 năm 2021, xuống 75 USD/thùng vào năm 2022, Báo cáo triển vọng tháng 2 của cơ quan này đã điều chỉnh mức trung bình năm 2022 lên 82 USD/thùng.

Công ty dịch vụ tài chính Raymond James dự đoán rằng, dầu có thể đạt 125 USD/thùng vào giữa năm 2022, theo Bloomberg đưa tin.

Giá xăng dầu cũng đã tăng. Hiệp hội Ô tô của Mỹ (AAA) cho hay, giá trung bình trên toàn nước Mỹ của một gallon xăng thông thường là 3,488 USD vào ngày 14/2, tăng từ 3,306 USD vào một tháng trước đó, và từ 2,505 USD vào một năm trước.

Bất chấp những tín hiệu này từ phía người tiêu dùng, nhiều công ty năng lượng đã bắt đầu bán tài sản liên quan đến nguồn cung năng lượng. Vào tháng 1, Exxon Mobil thông báo họ đang thoái vốn khỏi khu khai thác dầu khí đá phiến ở lưu vực Appalachian. Vào tháng 12/2021, Shell hoàn tất việc bán tài sản của mình ở lưu vực Permi.

Ngoài ra, vào ngày 14/2/2022, quỹ hưu trí công cộng của bang New York đã rút 238 triệu USD khỏi các công ty liên quan đến sản xuất dầu khí đá phiến.

Một số người trong ngành dầu khí, bao gồm cả Giám đốc điều hành của công ty thăm dò và khai thác dầu khí ConocoPhillips là Ryan Lance, đã nói rằng phía cung cấp đang không có đủ vốn. (ConocoPhillips đã mua lại các quyền lợi của Shell ở lưu vực Permi vào tháng 12/2021).

Ông Stewart cho biết, việc thúc đẩy phong trào đầu tư bền vững hoặc ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị Doanh nghiệp) trong ngành tài chính đã góp phần tạo ra áp lực hiện nay đối với các công ty dầu khí đá phiến. Ông chia sẻ với tờ Epoch Times rằng, những lo lắng về ESG đã cản trở các khoản đầu tư vào các hoạt động khoan đá phiến mới.

Ông Stewart cho hay: "Chúng tôi đang thấy những tác động tiêu cực của 2 hay 3 năm nỗ lực rất thầm lặng từ phía ESG, họ có những hoạt động tuyên truyền tích cực đáng kinh ngạc của các bên liên quan, nhằm gây áp lực lên Phố Wall để làm phá sản ngành dầu khí đá phiến này".

Người phát ngôn của EIA chia sẻ với tờ Epoch Times qua email rằng, cơ quan này dự đoán lưu vực Permi sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng sản xuất trong nước trong những năm tới, tạo ra 5,3 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2022, và 5,7 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2023.

Sản lượng dầu thô tại lưu vực Permi đã tăng từ 4,4 triệu thùng/ngày vào năm 2020 lên 4,8 triệu thùng/ngày vào năm 2021.

Người phát ngôn của EIA lưu ý rằng, "một số hoạt động thăm dò và sản xuất ở Mỹ trong năm 2021 đã không phản ứng nhanh nhạy với việc tăng giá như trước đây".

Trái ngược với dự đoán của EIA, tồn kho dầu toàn cầu giảm trong tháng Giêng, giúp thúc đẩy sự tăng giá.

"Giá dầu cũng tăng do thị trường lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu, đặc biệt là về căng thẳng liên quan đến Ukraina, cùng với lo ngại giảm dần của thị trường rằng biến thể Omicron của COVID-19 sẽ gây ảnh hưởng rộng rãi đến tiêu thụ dầu", người phát ngôn của EIA cho biết thêm.

Ông Stewart cho biết, các dự báo dài hạn của EIA có thể sẽ chính xác.

"Trong ngắn hạn, chúng tôi bắt đầu thấy số lượng giàn khoan tăng lên và giá vẫn sẽ tiếp tục ở mức cao cho đến khi hàng tồn kho bắt kịp", ông nói thêm.

Một nhóm phản đối công nghệ nứt vỡ thủy lực ("fracking" một phương pháp được sử dụng để khai thác nhiên liệu hóa thạch từ đá) đã được liên hệ để lấy bình luận.

Cao Dương

Theo The Epoch Times

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Mỹ: Biden tạo ra 'Môi trường chính trị và pháp lý bất lợi nhất' cho dầu khí