Chủ tịch nước Việt Nam kêu gọi Bắc Kinh ‘kiềm chế’ ở Biển Đông trước Liên Hiệp Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lời kêu gọi này được đưa ra sau nhiều tháng Bắc Kinh có những hành động hung hăng trong khu vực hàng hải đang tranh chấp.

Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi Trung Quốc kiềm chế ở Biển Đông trong bài phát biểu trực tuyến tại cuộc họp thường niên lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 24/9.

Ông Trọng nói: “Cùng với các nước trong và ngoài khu vực, chúng tôi cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và tự do hàng hải ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển [UNCLOS] năm 1982”.

Ông Trọng cũng nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan hãy kiềm chế, tránh các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình, và giải quyết các tranh chấp và khác biệt thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng các quá trình ngoại giao và pháp lý”.

Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020. ASEAN gồm 10 quốc gia thành viên được thành lập nhằm thúc đẩy hợp tác liên chính phủ trong khu vực. Một số quốc gia thành viên ASEAN có biên giới ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết khu vực hàng hải. Năm 2016, một tòa trọng tài độc lập được thành lập theo UNCLOS đã phán quyết các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông là bất hợp pháp.

Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết này và tiếp tục thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của mình đối với vùng biển.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải thuộc chủ quyền của các quốc gia khác trên biển với tần suất ngày càng tăng. Lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc thường bắt nạt các đội đánh bắt và thám hiểm của các quốc gia khác, ngăn họ khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã chiếm đóng các bãi đá ngầm và đảo nhỏ của các nước khác ở Biển Đông, xây dựng chúng thành những tiền đồn quân sự. Bắc Kinh cũng đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trên một số cơ sở này gần đây.

Đặc biệt, Trung Quốc đã nhắm vào Việt Nam trong 6 tháng qua. Vào ngày 3/4, Cảnh sát biển Trung Quốc đã đánh chìm một tàu đánh cá của Việt Nam ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, khiến chính phủ Việt Nam phải đưa ra phản đối ngoại giao chính thức với Bắc Kinh. Vào tháng Bảy, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã triển khai 8 máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm của Việt Nam.

Đảo Phú Lâm là quần đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa, bị chiếm đóng làm nơi đặt quân sự nhân tạo lớn nhất của Bắc Kinh ở Biển Đông. PLA trước đây đã xây dựng đường băng và nhà chứa máy bay trên đảo cũng như trang bị các khẩu đội tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo này.

Phản ứng trước việc Trung Quốc gia tăng hoạt động phi pháp ở Biển Đông, vào ngày 9/9, ASEAN cho biết, họ đang dự thảo một bộ quy tắc ứng xử cho khu vực biển phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.

Trong một tuyên bố, ASEAN cho biết, họ có động lực để soạn thảo bộ quy tắc ứng xử sau khi “một số Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về các hoạt động cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực đã làm xói mòn lòng tin và sự tự tin, làm gia tăng căng thẳng, và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.

Nguyễn Minh
Theo Breitbart



BÀI CHỌN LỌC

Chủ tịch nước Việt Nam kêu gọi Bắc Kinh ‘kiềm chế’ ở Biển Đông trước Liên Hiệp Quốc