Chúng ta phải chăng đang sụp đổ như La Mã?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiến sĩ Julie Ponesse cho rằng, nếu nền văn minh của chúng ta sụp đổ, thì đó là do chính đạo đức của chúng ta sụp đổ - giống như con đường sụp đổ mà đế chế La Mã hùng mạnh đã đi.

Đồng hồ dường như đang điểm. Chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, khủng hoảng nhà ở và khí đốt, triết học siêu nhân học tiến triển phi mã, thái độ khiếm nhã được tán dương, và mối đe dọa liên tục từ các loại virus "phương pháp chữa trị" có thể còn tệ hơn cả bệnh tật mà chúng gây ra. Những ngày này, chính trị toàn cầu cảm giác giống tận thế đến kỳ lạ, và trong thế giới nhỏ bé của chúng ta, nhiều người chúng ta quá lạc lối, quá cách xa những tiện nghi của cuộc sống trước đại dịch, đến nỗi chúng ta không biết kết cục nào sẽ xảy đến hay tương lai sẽ ra sao. Nhà báo điều tra Trish Wood gần đây đã viết rằng chúng ta đang trải qua sự sụp đổ của La Mã (mặc dù điều này đang được tuyên truyền cho chúng ta như thể là một hiệu quả tốt).

Tôi tự hỏi, chúng ta phải chăng đang sụp đổ như La Mã đã từng? Có lẽ nào nền văn minh của chúng ta đang trên đà sụp đổ? Có lẽ sự sụp đổ chưa xảy ra đến nơi, nhưng phải chăng chúng ta đang tiến hành những bước đầu tiên mà các nền văn minh trước chúng ta đã tiến hành trước khi sụp đổ? Liệu chúng ta có phải chịu số phận của những người thuộc nền văn minh sông Ấn, người Viking, người Maya, và các triều đại đã sụp đổ của Trung Quốc?

Là một nhà triết học, trước tiên tôi cần phải hiểu ý của chúng ta là gì khi nói đến "nền văn minh" và việc điều đó sụp đổ sẽ có nghĩa gì.

Đây là một trở ngại quan trọng về mặt khái niệm. "Nền văn minh" ("civilisation" trong tiếng Anh, bắt nguồn từ "civitas" trong tiếng Latinh có nghĩa là một nhóm người) được các nhà nhân chủng học sử dụng đầu tiên để chỉ một "xã hội được tạo thành từ các thành phố" (ví dụ như thành cổ Pylos, Thebes, và Sparta thời kỳ văn minh Mycenae). Các nền văn minh cổ đại thường là những khu định cư phi du mục, với các phức hợp bao gồm những người phân chia lao động với nhau. Các nền văn mình này có kiến ​​trúc đồ sộ, cấu trúc phân chia tầng lớp theo tôn ti, và có những phát triển công nghệ và văn hóa to lớn.

Nhưng nền văn minh của chúng ta là gì? Không có một ranh giới rõ ràng nào giữa nền văn minh phương Tây và nền văn minh khác, như đại dương ngăn cách nền văn minh Maya với nền văn minh Hy Lạp. Liệu khái niệm nền văn minh phương Tây bắt nguồn từ nền văn hóa xuất hiện từ lưu vực Địa Trung Hải hơn 2.000 năm trước vẫn còn ý nghĩa? Hay toàn cầu hóa đã khiến bất kỳ nét độc đáo nào của các nền văn minh đương đại trở nên vô nghĩa? "Tôi là công dân của thế giới", như nhà triết học Diogenes từng viết vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Nhưng tất nhiên, thế giới của ông không hẳn rộng lớn như thế giới của chúng ta.

Bây giờ về vấn đề thứ hai: nền văn minh sụp đổ. Các nhà nhân loại học thường định nghĩa đó là sự mất mát nhanh chóng và lâu dài về dân số, về độ phức tạp kinh tế xã hội, và về bản sắc.

Phải chăng chúng ta sẽ bị mất dân số hàng loạt hoặc mất đi độ phức tạp về kinh tế xã hội? Có lẽ sẽ thế. Nhưng đó không phải là điều tôi quan tâm. Điều làm tôi thực sự lo lắng là việc chúng ta mất đi bản sắc. Tôi lo rằng chúng ta đã trở nên phi lý và phát điên rồi, và rằng với tất cả sự tập trung của chúng ta vào khả năng cứu rỗi của khoa học, chúng ta đã đánh mất lý tưởng, tinh thần, và lý do tồn tại của mình. Tôi lo rằng chúng ta đang phải chịu cái mà Betty Friedan gọi là "cái chết từ từ của tâm trí và tinh thần". Tôi lo rằng chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa bề ngoài, chủ nghĩa cấp tiến của chúng ta đang tạo ra một món nợ mà chúng ta có thể không trả nổi.

Như nhà nhân chủng học lỗi lạc John Glubb từng viết, "Tuổi thọ trung bình của một cường quốc dường như bắt đầu với một sự bùng phát năng lượng mãnh liệt, và thường là không lường trước được, và kết thúc với việc hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức, với sự bất chấp lề lối, sự bi quan, và phù phiếm".

Hãy nghĩ về một nền văn minh như bậc trên cùng của cầu thang, với mỗi bậc thang bên dưới đã sụp xuống. Nền văn minh phương Tây ngày nay phần lớn được xây dựng dựa trên những lý tưởng nền tảng của Hy Lạp và La Mã cổ đại. Những lý tưởng này tồn tại dài lâu sau khi các cấu trúc vật chất và chính phủ của chúng đã biến mất. Nhưng chúng tồn tại dài lâu vì chúng ta thấy chúng có ý nghĩa. Chúng tồn tại dài lâu thông qua văn học và nghệ thuật và hội thoại và lễ nghi. Chúng tồn tại dài lâu trong cách chúng ta kết hôn, cách chúng ta viết về nhau, và cách chúng ta chăm sóc những người già yếu của mình.

Một bài học mà lịch sử cố gắng dạy cho chúng ta là, các nền văn minh là những hệ thống phức tạp — công nghệ, kinh tế, quan hệ đối ngoại, miễn dịch học, và dân sự — và những hệ thống phức tạp thường dẫn đến thất bại. Sự sụp đổ của nền văn minh chúng ta gần như chắc chắn là không thể tránh khỏi; câu hỏi duy nhất là khi nào, tại sao, và cái gì sẽ thay thế chúng ta.

Nhưng điều này dẫn tôi đến một luận điểm nữa. Ban đầu khi sử dụng từ "nền văn minh", các nhà nhân chủng học dùng nó như một thuật ngữ chuẩn mực để phân biệt "xã hội văn minh" với những người thuộc bộ lạc hoặc man rợ. Các nền văn minh có đặc tính phức tạp, huy hoàng, và có đạo đức tốt đẹp; các xã hội khác thì không văn minh, lạc hậu, và thiếu đạo đức.

Nhưng sự phân biệt trước kia giữa văn minh và man rợ đã mang một hình thức mới trong thế kỷ 21. Chính từ bên trong nền văn hóa "văn minh" của chúng ta đã nảy sinh một sự đảo ngược các khái niệm về phép lịch sự và tính hung ác. Chính các nhà lãnh đạo, các nhà báo, và các chuyên gia của chúng ta đã mặc kệ các tiêu chuẩn của nghị luận có lý trí, đã thể chế hóa thù hận và kích động chia rẽ. Ngày nay, chính giới tinh hoa mới là những kẻ man rợ thực sự trong chúng ta.

Theo một gợi ý từ Walt Whitman, người cho rằng nước Mỹ ở thế kỷ 19 của mình đang suy tàn, thì "chúng ta tốt nhất nên nhìn xuyên thấu vào thời đại và xứ sở của mình, giống như một bác sĩ chẩn đoán bệnh sâu kín nào đó".

Nếu nền văn minh của chúng ta sụp đổ, đó không phải là do một cuộc tấn công từ bên ngoài, như người Ả-rập du cư tấn công vào từ sa mạc. Mà đó sẽ là bởi vì những người trong chúng ta, những kẻ giống như ký sinh trùng tiêu diệt chúng ta từ bên trong. Nền văn minh của chúng ta có thể sụp đổ và có thể do bất kỳ yếu tố nào chiến tranh, kinh tế, thiên tai nhưng kẻ giết người thầm lặng, kẻ cuối cùng có thể khiến chúng ta sụp đổ, là thảm họa đạo đức của chính chúng ta.

Do đó, vấn đề căn bản không phải là giữa các cá nhân, mà là bên trong cá nhân. Nếu nền văn minh của chúng ta đang sụp đổ, đó là bởi vì điều gì đó trong mỗi chúng ta đang sụp đổ. Và chúng ta cần phải xây dựng lại chính mình trước, bằng từng viên gạch, để có thể có cơ hội cùng nhau xây dựng lại chính mình.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Cao Dương

Theo Julie Ponesse — The Epoch Times

Tiến sĩ Julie Ponesse là một giáo sư đạo đức học đã giảng dạy tại Huron University College ở Ontario, Canada, trong 20 năm. Bà đã bị cho tạm nghỉ và bị cấm vào khuôn viên trường mình do lệnh bắt buộc tiêm chủng COVID-19. Bà đã diễn thuyết tại Loạt sự kiện về Đức tin và Dân chủ (The Faith and Democracy Series) vào năm 2021. Bà hiện đã đảm nhận vai trò mới là học giả về đạo đức đại dịch tại Quỹ Dân chủ (The Democracy Fund) — một tổ chức từ thiện đã đăng ký tại Canada với mục tiêu thúc đẩy quyền tự do dân sự. Bà là tác giả của cuốn sách "Lựa chọn của tôi: Tình huống về mặt đạo đức làm cơ sở cho việc từ chối lệnh bắt buộc tiêm chủng COVID-19".



BÀI CHỌN LỌC

Chúng ta phải chăng đang sụp đổ như La Mã?