Chương trình không gian của Trung Quốc có thể đe dọa Mỹ nếu nổ ra chiến tranh không gian

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần phải đưa ra một chiến lược không gian tốt hơn, một chuyên gia không gian và an ninh cảnh báo, sau khi Trung Quốc cử một phi hành đoàn 3 thành viên lên trạm vũ trụ chưa hoàn thành của nước này.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình NTD hôm 19/6, ông Brandon Weichert cho biết: “Để chiến đấu và giành chiến thắng trong một cuộc chiến không gian chống lại người Mỹ, điều đầu tiên mà [Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)] sẽ làm là đánh sập hoặc làm mù các vệ tinh của chúng ta trong một sự kiện kiểu Trân Châu Cảng trong không gian". Ông Weichert là tác giả của cuốn sách “Chiến thắng không gian: Làm thế nào Mỹ vẫn là một siêu cường" (Winning Space: How America Remains a Superpower).

Ông nhận định: "Chúng ta vẫn chưa chuẩn bị để tự vệ, chứ chưa nói đến việc trả đũa, theo cách có thể ngăn cản Trung Quốc hoặc Nga sẽ thử làm điều này trong một cuộc khủng hoảng địa chính trị".

Cơ quan phụ trách chương trình không gian có điều khiển của Trung Quốc là Văn phòng Kỹ thuật Không gian có người lái Trung Quốc (CMSEO) không phải là một cơ quan dân sự như NASA. CMSEO trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC), một cơ quan trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc vốn luôn giám sát quân đội Trung Quốc.

Hiện tại, CMSEO hiện do ông Hao Chun đứng đầu, mặc dù chương trình không gian có người lái của đất nước do Tướng Li Shangfu chỉ huy, người cũng là giám đốc bộ phận của CMC.

Hiển nhiên khi chương trình không gian có người lái của Trung Quốc không thể tách rời với quân đội Trung Quốc, 3 thành viên phi hành đoàn — Nie Haisheng, Liu Boming và Tang Hongbo — đều là những cựu phi công không quân của quân đội Trung Quốc.

Họ sẽ ở trong mô-đun sinh hoạt chính của trạm không gian trong 3 tháng, thời gian ở lại lâu nhất đối với bất kỳ công dân Trung Quốc nào trong không gian kể từ khi Bắc Kinh phóng một phi hành gia vào quỹ đạo Trái đất vào năm 2003. Trạm vũ trụ Trung Quốc có tên là Thiên Cung, sẽ nhận thêm các mô-đun vào năm 2022.

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), được phóng vào năm 1998, là sự hợp tác giữa Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Nga và các quốc gia thành viên của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu. Trung Quốc đã bị cấm tham gia ISS kể từ năm 2011, khi Hoa Kỳ thông qua luật cấm hợp tác không gian giữa NASA và các tổ chức Trung Quốc, do lo ngại về an ninh quốc gia.

Các hành động của Trung Quốc cũng gây mất lòng tin dẫn đến việc nước này bị ISS cấm. Vào tháng 1/2007, Trung Quốc đã bắn một tên lửa chống vệ tinh để pha bỏ một trong những vệ tinh thời tiết không hoạt động của họ, khiến quốc tế lo ngại.

Tác giả Weichert chỉ ra 2 công nghệ vũ trụ của Trung Quốc có thể làm tê liệt các vệ tinh của Mỹ. Đầu tiên, ông cho biết một cánh tay robot khổng lồ - dài 10 mét, có thể nâng vật nặng tới 20 tấn, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc - được gắn vào trạm vũ trụ của Trung Quốc và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng.

Ông nhận định: “Vì vậy, Trung Quốc trong thời bình có thể sử dụng cánh tay khổng lồ đó để giúp tàu cập cảng. Nhưng trong thời chiến, họ có thể sử dụng điều đó để tóm lấy vệ tinh của chúng ta từ các quỹ đạo lân cận và đẩy chúng ra khỏi quỹ đạo hoặc phá hoại chúng".

Vào tháng Tư, Tướng quân đội James Dickinson là chỉ huy Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ đã nói trước một phiên điều trần tại Thượng viện (pdf) rằng, công nghệ cánh tay robot của Trung Quốc trong không gian “có thể được sử dụng trong một hệ thống tương lai để vật lộn với các vệ tinh khác”.

Ông Weichert cho biết, công nghệ thứ 2 của ĐCSTQ gây ra mối đe dọa cho các vệ tinh của Mỹ là tia laser.

Ông khẳng định: “Các nhà hoạch định Trung Quốc đã nói về việc lắp đặt một tia laser lớn khi trạm [không gian] của họ hoàn thành trên quỹ đạo. Giờ đây, họ nói rằng trong thời bình, tia laser sẽ được sử dụng để quét các mảnh vỡ quỹ đạo. Tuy nhiên, trong thời chiến, tia laser đó có thể được sử dụng để làm mù các vệ tinh nhạy cảm của Mỹ trên quỹ đạo".

Vào năm 2018, các nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Không quân Trung Quốc đã xuất bản một tài liệu đề xuất cách một tia laser khổng lồ sẽ có hiệu quả làm sạch rác không gian và các vệ tinh cũ.

Thông tin liên lạc qua vệ tinh là yếu tố quan trọng không chỉ để Washington triển khai lực lượng của mình một cách hiệu quả mà còn quan trọng đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Ông Weichert cho biết, Hoa Kỳ sẽ chứng kiến ​​nền kinh tế của mình quay trở lại “thời kỳ trước những năm 1970” mà không có vệ tinh, khi mà hầu hết các giao dịch điện tử hiện đại, chẳng hạn như các quỹ giao dịch trao đổi (ETF), đều dựa vào chúng.

Quan trọng hơn, Trung Quốc đang giành được vị trí dẫn đầu của Mỹ trong không gian, theo tác giả Weichert.

Ông nói: “Họ vẫn ở phía sau chúng ta. Nhưng thay vì đi sau chúng ta 18 năm, [hay] chậm hơn chúng ta 20 năm, họ chỉ chậm hơn chúng ta khoảng 6 hoặc 7 năm".

Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ đang "quá nhỏ nhen" đối với các chính sách về không gian của họ, ông Weichert đánh giá. Họ cần “phát triển các hệ thống và học thuyết” không chỉ để bảo vệ các vệ tinh của Hoa Kỳ mà còn cả các lợi ích thương mại của Hoa Kỳ trong tương lai.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Chương trình không gian của Trung Quốc có thể đe dọa Mỹ nếu nổ ra chiến tranh không gian