Chuyên gia: Hải quân Trung Quốc 'tạt đầu' tàu Mỹ, thử thách giới hạn của Washington ở Eo biển Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một tàu hải quân Trung Quốc gần đây đã chặn một tàu hải quân Mỹ ở Eo biển Đài Loan, làm leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan. Một chuyên gia quân sự cho biết động thái này phù hợp với mục tiêu của chính phủ Trung Quốc là chiếm giữ Đài Loan và ‘thử thách giới hạn’ của Mỹ trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải của nước này.

Hôm 3/6, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Chung-Hoon lớp Burke và tàu khu trục nhỏ HMCS Montreal của Canada đang đi qua Eo biển Đài Loan thì bất ngờ tàu hải quân Tô Châu của Trung Quốc đã "tạt đầu" tàu USS Chung-Hoon và buộc tàu này phải thay đổi hướng đi. Tại điểm gần nhất, hai con tàu chỉ cách nhau khoảng 137 mét và suýt va chạm.

Ông Carl Schuster, cựu Giám đốc hoạt động của Trung tâm Tình báo Liên hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tại Hawaii, nói với The Epoch Times vào ngày 4/6 rằng động thái này là một hành động khiêu khích có chủ ý từ Trung Quốc và tạo ra một tình huống nguy hiểm.

Ông Schuster lập luận: “Bất cứ khi nào các tàu cách nhau trong phạm vi 500 mét, thì đó là một tình huống nguy hiểm vì một con tàu phải mất khoảng 200 mét để quay đầu". Ông tin rằng động thái này do Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ đạo, vì hải quân Trung Quốc sẽ không hành động nếu không có mệnh lệnh từ cấp trên.

Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc thực hiện pha đánh chặn nguy hiểm. Theo đài VOA, vào ngày 26/5, một máy bay chiến đấu J-16 của Trung Quốc đã bay tạt ngang phía trước một máy bay do thám của Hoa Kỳ trong không phận quốc tế ở Biển Đông trong trong một thao tác “gây hấn không cần thiết”.

Năm 2001, một máy bay Trung Quốc đã chặn một máy bay trinh sát của Hoa Kỳ trên Biển Đông, dẫn đến một vụ va chạm khiến phi hành đoàn Trung Quốc thiệt mạng. Sau khi hạ cánh khẩn cấp, phía Trung Quốc đã bắt giữ các phi công Mỹ.

Vấn đề tự do hàng hải

Sau sự cố ngày 3/6, Hạm đội 7 của Hoa Kỳ tuyên bố: "Việc quá cảnh song phương của hai tàu Chung-Hoon và Montreal qua Eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ cũng như các đồng minh và đối tác của chúng tôi đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Sự hợp tác này là trọng tâm trong chiến lược của chúng tôi vì một khu vực hòa bình và thịnh vượng, nơi máy bay và tàu từ tất cả các quốc gia có thể bay, đi lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".

Vào những năm 1970, Liên Xô cũ bắt đầu đưa ra "những tuyên bố chủ quyền thái quá" đối với các vùng biển quốc tế, coi vùng biển cả là lãnh hải của mình. Để bảo vệ quyền tự do hàng hải, Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Jimmy Carter đã khởi động Chương trình Tự do Hàng hải (FONOP) vào năm 1979 để “thực thi và khẳng định các quyền và tự do hàng hải của mình trên toàn thế giới theo cách phù hợp với sự cân bằng lợi ích được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển”.

Kể từ năm 2015, các tàu chiến Hoa Kỳ thường xuyên thực hiện các sứ mệnh tự do hàng hải ở Biển Đông. Khi năng lực quân sự của Trung Quốc ngày một lớn mạnh, chế độ này đã công khai tranh giành quyền kiểm soát Biển Đông. ĐCSTQ đã biến một số đảo ở Biển Đông thành đảo nhân tạo, sau đó chuyển đổi thành căn cứ quân sự được trang bị tên lửa, hệ thống radar và đường băng. Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia của Đài Loan, ĐCSTQ cũng đã thành lập một lực lượng bảo vệ bờ biển khổng lồ để can thiệp vào hoạt động đánh bắt cá và khoan dầu khí ngoài khơi của các nước Đông Nam Á.

Chính phủ Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng trong việc thể hiện tham vọng xâm lược và chinh phục Đài Loan bằng vũ lực. Vào tháng 2/2023, Giám đốc CIA William Burns đã chỉ ra rằng thông tin tình báo từ Washington cho thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ thị cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chuẩn bị cho một cuộc xâm lược Đài Loan vào năm 2027.

Eo biển Đài Loan

Năm 2017, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) đã thừa nhận rằng Eo biển Đài Loan là một tuyến đường thủy quốc tế được chia sẻ bởi cả hai bên của eo biển.

Tuy nhiên, vào ngày 14/6 năm ngoái, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân tuyên bố rằng Trung Quốc có "chủ quyền" đối với Eo biển Đài Loan.

“Vùng biển của Eo biển Đài Loan kéo dài từ bờ biển ở cả hai bên eo biển đến đường trung tuyến của eo biển, theo thứ tự là nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc", ông Vương khẳng định.

Ông Schuster lập luận: “ĐCSTQ đang thay đổi định nghĩa về lãnh hải của mình. Tôi cũng không ngạc nhiên nếu họ khẳng định rằng vùng biển xung quanh Đài Loan là vùng biển của Trung Quốc. Tôi cho rằng họ muốn tuyên bố chủ quyền đối với chuỗi đảo thứ nhất càng sớm càng tốt".

Tham vọng chính trị của ĐCSTQ

Theo ông Schuster, vụ đánh chặn gần đây của hải quân Trung Quốc là một hành động quân sự, nhưng mục đích chính trị cơ bản là ngăn chặn các tàu nước ngoài, đặc biệt là tàu chiến, Eo biển Đài Loan.

“Mục tiêu của họ là tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển này. Nếu Hoa Kỳ ngừng điều tàu chiến qua Eo biển Đài Loan để đáp trả chiến thuật của ĐCSTQ, Eo biển Đài Loan trên thực tế sẽ trở thành vùng biển của Trung Quốc".

Theo ông Schuster, Mỹ đang sử dụng quyền tự do hàng hải để thách thức chương trình nghị sự của Trung Quốc, đồng thời cho thế giới thấy rằng tất cả các quốc gia đều có thể tự do đi lại trong vùng biển quốc tế. Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ từ bỏ quyền tự do hàng hải vì đây là một trong những chính sách đối ngoại lâu đời nhất của Washington.

Các binh sĩ của Lực lượng Không quân đứng trước một máy bay chiến đấu F-16V được trang bị vũ khí phía sau hai tên lửa chống hạm Harpoon AGM-84 do Mỹ sản xuất trong một cuộc tập trận tại căn cứ Không quân Hoa Liên ở Đài Loan, hôm 17/8/2022. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)
Các binh sĩ của Lực lượng Không quân đứng trước một máy bay chiến đấu F-16V được trang bị vũ khí phía sau hai tên lửa chống hạm Harpoon AGM-84 do Mỹ sản xuất trong một cuộc tập trận tại căn cứ Không quân Hoa Liên ở Đài Loan, hôm 17/8/2022. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Trung Quốc thử thách giới hạn của Mỹ ở Eo biển Đài Loan

Theo ông Schuster, vụ đánh chặn ở Eo biển Đài Loan chỉ là một trong những phép thử của Bắc Kinh đối với giới lãnh đạo Mỹ. Các hành động gây hấn khác bao gồm vụ xâm nhập gần đây của ĐCSTQ vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở đảo Guam và trường hợp gián điệp Trung Quốc cải trang thành khách du lịch để đột nhập căn cứ quân sự Mỹ ở Alaska.

Ông cho biết việc Trung Quốc gia tăng các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan và sự cố khinh khí cầu do thám của Trung Quốc càng chứng tỏ rằng ĐCSTQ đang thử xem Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào trước các chiến thuật gây hấn của họ

Theo ông Schuster, “phép thử” kiểu này là một trong những phương pháp mà ĐCSTQ dùng để đo lường ý định và ý chí chính trị của các đối thủ. Phản ứng của các đối thủ sẽ cho Bắc Kinh một cái nhìn thoáng qua về tư duy chính trị, kế hoạch hành động mà đối thủ đang cân nhắc, cũng như năng lực và khả năng đáp trả của đối thủ.

“Những hành động này của [ĐCSTQ] nên được coi như một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nhà lãnh đạo và công chúng Mỹ. Chính phủ ở Bắc Kinh chống lại hệ thống quốc tế nói chung và chống lại Hoa Kỳ nói riêng. Phản ứng của Washington sẽ không 'mềm mỏng', nhưng chúng ta phải đáp trả bằng kinh tế, ngoại giao và quân sự", ông Schuster kết luận.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Hải quân Trung Quốc 'tạt đầu' tàu Mỹ, thử thách giới hạn của Washington ở Eo biển Đài Loan