Chuyên gia: Sự ủng hộ của Palestine đối với Chính sách 'Một Trung Quốc' cho thấy bất ổn ở Trung Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong hội nghị thượng đỉnh Ả Rập - Trung Quốc đầu tiên tại Riyadh, Ả Rập Xê Út, diễn ra vào ngày 9/12, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố rằng, Palestine sẽ tiếp tục ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” để bảo vệ Bắc Kinh trước các cuộc tấn công tại các diễn đàn quốc tế. Một chuyên gia nhận định rằng, tuyên bố của Palestine đánh dấu những khó khăn và bất ổn đang leo thang ở Trung Đông.

“Nhà nước Palestine sẽ kiên quyết sát cánh với Trung Quốc và ủng hộ chính sách 'Một Trung Quốc' của nước này, đồng thời đáp trả các cuộc tấn công chống lại Trung Quốc trên tất cả các diễn đàn quốc tế", ông Abbas nói trong bài phát biểu trước sự chứng kiến ​​của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Giáo sĩ Yaakov Menken, Giám đốc điều hành của Liên minh các Giá trị Do Thái (Coalition for Jewish Values), tin rằng, bài phát biểu của ông Abbas là dấu hiệu cho thấy những khó khăn và bất ổn đang leo thang ở Trung Đông.

Hình thức nối lại quan hệ giữa Palestine và Trung Quốc là có mục đích. Theo đó, nếu Trung Quốc ủng hộ chính quyền Palestine thì chủ nghĩa khủng bố và những bất ổn trong khu vực sẽ leo thang hơn nữa, ông Menken cho biết trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “China in Focus" (Trung Quốc tiêu điểm) của đài NTD, cơ quan truyền thông anh em của The Epoch Times, được phát sóng vào ngày 21/12.

Một ngày trước hội nghị thượng đỉnh, ông Abbas và ông Tập đã có cuộc gặp riêng ở Riyadh. Phía Bắc Kinh cho biết trong một tuyên bố chính thức rằng, họ ủng hộ sự chính nghĩa của người dân Palestine.

Trung Quốc và Palestine đang kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, và cuộc gặp song phương giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Abbas đã chứng kiến lễ ký kết văn kiện hợp tác du lịch, thúc đẩy đàm phán nâng cao về Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - Palestine.

Đây cũng là phiên họp thứ hai của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác Kinh tế, Thương mại và Kỹ thuật giữa Trung Quốc và Palestine (Chinese-Palestinian Joint Committee for Economic, Trade, and Technical Cooperation).

Theo ông Menken, giới lãnh đạo Trung Quốc mong muốn thống trị khu vực nhạy cảm về mặt địa chính trị thông qua Palestine.

Ông Menken cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách thống trị và kiểm soát bất kỳ quốc gia nào có ý định gây bất ổn cho các khu vực và chính phủ đang ổn định. Vì vậy, động thái này sẽ giúp Bắc Kinh dễ dàng xâm nhập và chiếm lĩnh các khu vực trọng yếu về địa chính trị.

Ông cũng tin rằng Palestine sẽ ủng hộ Trung Quốc vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ủng hộ chủ nghĩa độc tài và toàn trị hơn là dân chủ.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) lắng nghe Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (phải) phát biểu trong cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 18/7/2017. (Ảnh: Mark Schiefelbein/AFP/Getty Images)

“Vì vậy, cái bắt tay của Trung Quốc và Palestine không khiến chúng tôi ngạc nhiên. Tuy nhiên, mối bang giao này lại khiến chúng tôi lo ngại vì đó là một dấu hiệu khác cho thấy Trung Quốc đang tìm cách gây bất ổn cho phần còn lại của thế giới, trong khi đó người dân Ả Rập lại ủng hộ chủ nghĩa độc tài của Trung Quốc thay vì nền dân chủ", ông Menken bày tỏ.

Ông cho biết thế giới cần theo dõi sát sao mọi động thái của Trung Quốc để xem liệu nước này có đang cung cấp hỗ trợ quân sự cho Palestine một cách “bí mật hoặc công khai” hay không. Bởi vì Iran, nhà cung cấp vũ khí truyền thống của Palestine, hiện đang trong tình trạng hỗn loạn và các chuyến hàng từ quốc gia này ngày càng bị cản trở.

"Trung Quốc có tiềm năng trở thành nhà cung cấp vũ khí và khí tài mới cho Palestine. Ai mà biết được chứ? Tất nhiên, [những thương vụ này] thường đi kèm với những khoản lợi nhuận béo bở", ông nhận định.

Palestine nhắm mục tiêu vào Vương quốc Anh và Hoa Kỳ

Trong bài phát biểu của mình, ông Abbas đã chỉ trích Anh và Mỹ, nói rằng họ nợ nhân dân Palestine một khoản bồi thường.

“Chúng tôi nhấn mạnh rằng, Anh và Mỹ phải xin lỗi và bồi thường cho người dân Palestine về Tuyên bố Balfour (Balfour Declaration) mà họ đã hợp tác, cũng như hệ thống ủy thác (mandate) [của Vương Quốc Anh]", ông Abbas nói trong bài phát biểu được phát sóng trên đài truyền hình Alghad TV.

Vào năm 1917, Ngoại trưởng Arthur James Balfour đã viết một lá thư quan trọng cho công dân gốc Do Thái nổi tiếng nhất Anh Quốc, Nam tước Lionel Walter Rothschild, bày tỏ sự ủng hộ của chính phủ nước này đối với việc thành lập nhà nước Do Thái ở Palestine. Bức thư sau này được gọi là Tuyên bố Balfour (Balfour Declaration).

Ảnh hưởng của Tuyên bố Balfour đối với các sự kiện sau chiến tranh đã diễn ra tức thì: Theo hệ thống “ủy thác” (mandate) được tạo ra bởi Hiệp ước Versailles năm 1919, người Anh được trao quyền quản lý Palestine, với điều kiện họ sẽ điều hành đất nước thay mặt cho cả cư dân gốc Do Thái lẫn Ả Rập.

Ông Menken bày tỏ, nếu ông Abbas quan tâm đến người Hồi giáo thì ông ấy sẽ đứng về phía người Duy Ngô Nhĩ mà ĐCSTQ đang bức hại, thay vì nhắm mục tiêu vào Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, bởi vì cả hai nước này đều không ủng hộ Israel.

“Gần đây xuất hiện các cáo buộc về nạn thu hoạch nội tạng từ những người còn sống và không sẵn sàng hiến tặng, chúng được lấy từ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và chuyển sang [cấy ghép cho] người gốc Hoa trong đảng cầm quyền. Đây rõ ràng là hành vi vi phạm nhân quyền! Bất cứ ai quan tâm đến vấn đề nhân quyền đều sẽ quan tâm đến người dân Trung Quốc!”, ông Menken nói.

Ông nói thêm rằng, “rất may mắn" là có không ít người Ả Rập đã hiểu rõ chân tướng về câu chuyện của Chính quyền Palestine đổ lỗi cho Israel đối với tất cả các vấn đề của thế giới.

Ông đề cập đến Hiệp định Abraham và nói, “Mọi người đang nhận ra rằng hòa bình, đặc biệt là hòa bình với các nền dân chủ đang phát triển, thực sự là điều tốt đẹp đối với thế giới".

Ông Menken cho biết, trong tương lai, ông muốn thấy Ả Rập công nhận Đài Loan là một quốc đảo độc lập với tự do và dân chủ.

"Đài Loan sản xuất nhiều hơn [tổng sản phẩm] bình quân đầu người. Mặc dù thực tế là có rất nhiều mặt hàng Trung Quốc trên thị trường, nhưng Đài Loan sản xuất nhiều hơn [tổng sản phẩm] bình quân đầu người, thu nhập bình quân đầu người cũng cao hơn và họ có chất lượng cuộc sống tốt hơn nhiều. Và nhân tiện, họ không dành bất kỳ nỗ lực nào để bức hại chính người dân của họ, ví như bức hại các nhóm thiểu số người Tây Tạng, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và người Nội Mông", ông Menken nhận định.

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Sự ủng hộ của Palestine đối với Chính sách 'Một Trung Quốc' cho thấy bất ổn ở Trung Đông