Chuyên gia: Thủ tướng Solomon 'không đáng tin' vì mối liên hệ với Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Malcolm Davis từ Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) nhận định rằng, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare khó có thể chống lại bất kỳ áp lực nào từ Bắc Kinh vì mối liên hệ với Trung Quốc. Do đó, ông 'nghi ngờ' về tuyên bố của quần đảo Solomon rằng, Australia vẫn là đối tác an ninh hàng đầu của nước này.

"Tôi không nghĩ ông Sogavare có khả năng chống lại bất kỳ áp lực nào từ Trung Quốc vì ông ấy phụ thuộc vào tiền của Trung Quốc để duy trì quyền lực", ông Davis nói với hãng tin AAP tại Canberra vào ngày 10/10.

“Họ đến với những chiếc vali tiền để đảm bảo rằng ông Sogavare và những người xung quanh sẽ ủng hộ ông mở rộng vị trí quyền lực và duy trì vai trò thủ tướng”.

Một cuộc điều tra của Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Australia công bố vào tháng 8 cho thấy, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hối lộ 3 triệu AUD cho các nhà lập pháp của đảng cầm quyền ở quần đảo Solomon hồi năm ngoái, mà không có bất kỳ lời giải thích nào về số tiền này.

Các bình luận từ ông Davis được đưa ra sau khi Thủ tướng Sogavare thăm Australia và gặp Thủ tướng Australia Anthony Albanese tại Canberra vào ngày 6/10 mà không có cuộc họp báo chung nào được tổ chức.

“Là những quốc gia đáng tự hào ở Thái Bình Dương, Australia và Quần đảo Solomon có một lịch sử lâu dài và sâu sắc, được củng cố bởi các mối liên kết mạnh mẽ giữa con người với con người cùng các giá trị dân chủ", theo một tuyên bố chung sau cuộc hội đàm.

“Thủ tướng Sogavare và Thủ tướng Albanese đã tái khẳng định các cam kết an ninh chung, bước đầu tiên của gia đình Thái Bình Dương đối với hòa bình và an ninh khu vực”.

“Thủ tướng Sogavare hoan nghênh cam kết hỗ trợ 16,68 triệu USD của Australia đối với Thế vận hội Thái Bình Dương 2023 và đề nghị hỗ trợ cuộc bầu cử tiếp theo của Quần đảo Solomon".

Đề nghị tài trợ bầu cử của Australia được sử dụng để hủy hoại quan hệ song phương

Thủ tướng Sogavare đã thành công trong việc trì hoãn cuộc bầu cử quốc gia của Quần đảo Solomon dự kiến ​​diễn ra vào tháng 9 nhằm kéo dài nhiệm kỳ Thủ tướng của ông.

Thủ tướng ủng hộ Bắc Kinh cho biết lý do cho sự trì hoãn là do chính phủ của ông không đủ khả năng tổ chức cuộc bầu cử cùng thời điểm với Thế vận hội Thái Bình Dương vào cuối năm 2023.

Đáp lại tuyên bố này, Ngoại trưởng Australia Penny Wong cho biết chính phủ Australia sẽ rất vui khi được tài trợ cho cuộc bầu cử.

Theo đó, Canberra đã đóng góp 700.000 AUD (490.000 USD) thông qua Ủy ban bầu cử Australia và 5 triệu AUD (3,5 triệu USD) thông qua một sáng kiến của Liên hợp quốc nhằm tăng cường các quy trình bầu cử của quần đảo Solomon cho đến năm 2024.

Ông Sogavare đầu tiên phản ứng bằng cách cáo buộc lời đề nghị là "sự can thiệp của nước ngoài" và "cuộc tấn công" vào nền dân chủ của Solomon. Tuy nhiên, ông cho biết dù thế nào thì ông cũng sẽ chấp nhận lời đề nghị đó.

“Vì Australia đưa ra lời đề nghị nên hãy sẵn sàng tài trợ chi phí đó. Khoản chi phí này rất lớn. Ủy ban Bầu cử cần rất nhiều tiền”, ông nói. "Vì vậy, khi Australia đã đề nghị thì nên chuẩn bị đưa số tiền như đã hứa cho chúng tôi".

Động thái của bà Wong bị chỉ trích là "làm lợi cho ông Sogavare" để giúp ông đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng.

Ông Blake Johnson, một nhà phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nói với tờ The Examiner rằng, “Khi sự việc xảy ra vào thời điểm như thế này, điều đó chỉ khiến ông Sogavare nổi giận và đánh lạc hướng công chúng Quần đảo Solomon khỏi các vấn đề nội bộ".

“Ông ấy đã xoay sở để chuyển hướng sự chú ý của công chúng sang việc liệu Australia có nên tài trợ cho các cuộc bầu cử hay không. Đây không phải là vấn đề ban đầu mà Quần đảo Solomon phải đối mặt".

Thỏa thuận an ninh dẫn đến việc thiết lập căn cứ của Trung Quốc

Ông Davis tin rằng cho dù Thủ tướng Sogavare đang cố gắng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với cả hai nước, song rốt cuộc ông vẫn phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Ông nói với tờ AAP: “Tôi không hiểu làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng chúng ta là đối tác an ninh được lựa chọn nghiêm túc, trong khi ông ấy ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc".

“Ông ấy đã ký một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc mà cuối cùng sẽ giúp cho Trung Quốc có một căn cứ ở Solomon".

Hiệp ước an ninh gây tranh cãi được ký kết giữa quần đảo Solomon và ĐCSTQ và chính thức xác nhận vào tháng 4, đã gây ra những lo ngại mạnh mẽ về ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương.

Cả Mỹ và Australia đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về thỏa thuận này, bất chấp cam kết của Thủ tướng Sogavare rằng quần đảo Solomon sẽ không bao giờ được sử dụng cho các căn cứ quân sự hoặc các tổ chức quân sự khác của các cường quốc nước ngoài.

Bắc Kinh 'trấn áp sự thật và phát tán sự dối trá'

Bình luận của ông Davis được đưa ra trong bối cảnh Viện Chính sách Chiến lược Australia gần đây phát hiện ra rằng, Bắc Kinh đã lan truyền thông tin sai lệch trong các cuộc biểu tình làm rung chuyển quần đảo Solomon hồi năm ngoái.

Theo một báo cáo được Viện Chính sách Chiến lược Australia công bố vào ngày 5/10, có tiêu đề “Suppressing the Truth and Spreading Lies: How the CCP is influencing Solomon Islands’ information environment" (tạm dịch: Trấn áp sự thật và phát tán sự dối trá: ĐCSTQ đang ảnh hưởng như thế nào đến môi trường thông tin của Quần đảo Solomon). Theo đó, ĐCSTQ đã lan truyền một “câu chuyện bịa đặt” về Australia, Hoa Kỳ và Đài Loan, xúi giục bạo loạn ở Quần đảo Solomon trong các cuộc biểu tình hàng loạt ở thủ đô của quần đảo vào tháng 11/2021.

“Câu chuyện đó đã được phát tán bởi các phương tiện truyền thông đảng-nhà nước (cả bằng tiếng Anh và tiếng Trung), thông qua các tuyên bố của các quan chức Trung Quốc được Đại sứ quán Trung Quốc chia sẻ, đăng tải trên các phương tiện truyền thông địa phương và được các nhà báo địa phương trích dẫn”.

Ông David Yeau-Tarn Lee, Giáo sư thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Phát triển Sau đại học của Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Loan, cũng đồng thuận với quan điểm của ông Davis rằng Quần đảo Solomon khó có thể chống lại áp lực từ Bắc Kinh.

“Quần đảo Solomon từng có một mối quan hệ tốt đẹp với Úc!”, ông Lee trước đây nói với The Epoch Times. “Nhưng bất kể quý vị đối xử tốt với họ như thế nào, ĐCSTQ vẫn sẽ hối lộ các quan chức của quần đảo".

Ông nói: “Việc đối mặt với hậu quả của sự bành trướng nguy hiểm của ĐCSTQ là điều không thể tránh khỏi đối với Australia".

“Vì vậy, tôi nghĩ Australia cần thức tỉnh hơn nữa. Điều này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đối đầu giữa dân chủ tự do và chế độ chuyên quyền”.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Thủ tướng Solomon 'không đáng tin' vì mối liên hệ với Bắc Kinh