Chuyên gia: Tốc độ đáng ngạc nhiên của Hàn Quốc trong phát triển Tên lửa Bội siêu thanh là biện pháp hiệu quả răn đe Triều Tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, quân đội Hàn Quốc tiết lộ họ đã đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc phát triển tên lửa bội siêu thanh và đang xúc tiến thử nghiệm chúng vào năm tới. Giới chuyên gia đánh giá loại vũ khí này, nếu thành công, sẽ trở thành con bài răn đe mới đối với Triều Tiên và tác động đáng kể đến hiện trạng trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo một bài viết ngày 24/01 của hãng thông tấn Yonhap, quân đội Hàn Quốc vào cùng ngày đã tiết lộ kế hoạch lắp ráp tên lửa bội siêu thanh không đối đất (AGM) vào nửa cuối năm nay và sẽ phóng thử vào năm sau.

Một tên lửa AGM di chuyển với tốc độ Mach 5 có thể tới Bình Nhưỡng chưa đầy 2 phút sau khi được phóng từ máy bay trên bầu trời Seoul.

Vũ khí bội siêu thanh là vũ khí cơ động có thể di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5), tương đương 3.836 dặm (6173 km)/giờ. Đây cũng là tốc độ phân định giữa tốc độ siêu thanh (dưới Mach 5) với tốc độ bội siêu thanh (trên Mach 5).

Ưu điểm của vũ khí bội siêu thanh (còn gọi là vũ khí siêu vượt âm) bao gồm: khoảng cách bay dài, tốc độ bay cao, tấn công tức thì vào các mục tiêu tầm xa, khả năng cơ động tốt và khả năng bị vệ tinh và radar phòng không phát hiện thấp. Tên lửa bội siêu thanh có khả năng cao để xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa.

Chuyên gia và nhà bình luận quân sự Tony Xia nói với The Epoch Times vào ngày 26/01 rằng “Hàn Quốc phải luôn luôn, ít nhất là trong nhận thức của mọi người, duy trì lợi thế quân sự chiến lược đối với Triều Tiên, bởi Triều Tiên đang sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt trong khi vẫn tiếp tục phát triển những vũ khí đó”.

Ông nói rằng Hàn Quốc đang chịu áp lực không ngừng nghỉ trong việc đảm bảo rằng vũ khí của họ phải tiên tiến và hiện đại, không chỉ để đánh bại kẻ thù mà còn để giảm thiểu thương vong ngay cả khi có được một chiến thắng quân sự. Quan trọng hơn, ưu thế quân sự của Hàn Quốc có thể có tác dụng ngăn chặn hiệu quả một cuộc xung đột với Triều Tiên.

“Mục tiêu của tên lửa bội siêu thanh là đảm bảo xuyên thủng hệ thống phòng không của kẻ thù và tiêu diệt mục tiêu một cách chính xác trong thời gian ngắn nhất. Loại vũ khí này sẽ trở thành lực lượng răn đe mới đối với Triều Tiên, đặc biệt là đối với các mục tiêu nhạy cảm về thời gian và có giá trị cao. Cái gọi là mục tiêu có giá trị cao có thể là hệ thống phóng tên lửa hạt nhân của Triều Tiên hoặc người đứng đầu chịu trách nhiệm ra quyết định. Tóm lại, chế độ Kim Jong-un không thể coi thường khả năng này”, ông Xia nói.

“Nhờ tính năng diệt trọn trong một lần (one-hit-kill), tên lửa bội siêu thanh sẽ tác động đến hiện trạng ở Bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là trong tình huống quân sự khi hai miền Triều Tiên đối đầu nhau ở cự ly gần. Hiệu quả răn đe mà tên lửa bội siêu thanh tạo ra không thua kém gì vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, chúng không chịu hạn chế của ngưỡng hạt nhân bởi vì chúng là một loại vũ khí thông thường [vũ khí phi hạt nhân]”.

Ông Kim Taewoo, từng là người đứng đầu Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc tại Seoul và là cựu nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết vào ngày 25/01 rằng Triều Tiên từng phóng thử tên lửa bội siêu thanh trong quá khứ. Những tên lửa đó vẫn sẽ là thách thức đối với hệ thống phòng thủ hiện tại của Hàn Quốc.

“Khi Hàn Quốc phát triển thành công tên lửa bội siêu thanh, nó sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì chiến lược cân bằng quân sự với Triều Tiên”, ông Kim nói.

Kỷ lục số lần phóng tên lửa

Triều Tiên đã tăng cường thử tên lửa lên mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2022, với tổng cộng khoảng 92 tên lửa đạn đạo và các tên lửa khác. Có thời điểm, nước này phóng 23 tên lửa trong cùng một ngày.

Tốc độ đáng ngạc nhiên của Hàn Quốc trong phát triển Tên lửa Bội siêu thanh là biện pháp hiệu quả răn đe Triều Tiên
Bức ảnh này được Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố qua KNS vào ngày 07/03/2017, cho thấy vụ phóng 4 tên lửa đạn đạo của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) trong một cuộc tập trận tại một địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Bình Nhưỡng tuyên bố họ đã phóng thử tên lửa bội siêu thanh Hwasong-8 vào tháng 09/2021, cũng như phóng thử thành công các tên lửa bội siêu thanh khác trong những năm tiếp theo, theo Yonhap.

Kể từ năm 1984, Triều Tiên đã hoàn thành hơn 270 vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân, trong đó hơn ¼ được tiến hành vào năm 2022, theo thông tin từ Dự án Phòng thủ Tên lửa của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Những vũ khí chiến lược của Triều Tiên bao gồm vũ khí hạt nhân chiến thuật, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, đầu đạn lướt bội siêu thanh, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và vệ tinh trinh sát.

Theo một báo cáo do Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ (CRS) công bố vào tháng 1 (pdf), Mỹ, Nga và Trung Quốc đang sở hữu các chương trình vũ khí bội siêu thanh tiên tiến nhất. Một số quốc gia, bao gồm Úc, Ấn Độ, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản, đang phát triển công nghệ vũ khí bội siêu thanh.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Tốc độ đáng ngạc nhiên của Hàn Quốc trong phát triển Tên lửa Bội siêu thanh là biện pháp hiệu quả răn đe Triều Tiên