Chuyên gia tôn giáo Đại học Melbourne: Lo sợ bảo vệ tự do tôn giáo sẽ dẫn đến lạm dụng là ‘sai’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều nhóm LGBTQIA+, doanh nghiệp, và nghị sĩ đang nỗ lực phản đối dự luật về phân biệt tôn giáo do chính phủ Úc đề xuất. Họ cho rằng việc cho phép những người theo tôn giáo đưa ra ‘những phát biểu dựa trên đức tin’ là ‘nguy hiểm’. Tuy nhiên, Tiến sĩ Denis Dragovic thuộc Đại học Melbourne cho rằng, lập luận đó là ‘sai’ vì nó chỉ ‘mang tính suy đoán’, dựa trên ‘những ví dụ giả định không có cơ sở thực tế’, và vì ‘hiểu lầm về tôn giáo’.

Tiến sĩ Denis Dragovic, một học giả đã có nhiều bài viết về tôn giáo và xã hội, đồng thời là thành viên danh dự cấp cao tại Đại học Melbourne đã bác bỏ những luận điệu rằng, dự luật về phân biệt đối xử tôn giáo của chính phủ Úc sẽ dẫn đến một “làn sóng lạm dụng”. Thay vào đó, ông nói rằng, những người chống đối dự luật này thật ra là muốn tạo ra sự sợ hãi, và việc họ chống đối dự luật là kết quả của thiên kiến văn hóa chống lại tôn giáo.

Phát biểu dựa trên đức tin là nguy hiểm?

Các bình luận trên được đưa ra sau khi những nhóm chống đối dự luật - các nhóm LGBTQIA+ (đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính, chuyển giới, đồng tính luyến ái hoặc đặt câu hỏi về giới tính, lưỡng tính, vô tính hoặc những ai đồng cảm với những người này), các nhóm doanh nghiệp, và một số nghị sĩ - nỗ lực loại bỏ dự luật về phân biệt tôn giáo do chính phủ của Thủ tướng Morrison đưa ra. Những người chống đối dự luật cảnh báo về những gì mà theo họ là tác động "nguy hiểm" của việc cho phép những người theo tôn giáo đưa ra "những phát biểu dựa trên đức tin".

Tờ Sydney Morning Herald đưa tin, một số tình huống giả định đã được các nhà phê bình nêu ra, ví dụ như trường hợp một nhà trẻ nói với một bà mẹ đơn thân rằng sinh con ngoài hôn nhân là xấu xa, hoặc một ông chủ nói với nhân viên đồng tính rằng người này sẽ xuống địa ngục vì giới tính của mình, hay một bác sĩ nói với bệnh nhân rằng bệnh tật của họ là quả báo cho tội lỗi của họ.

Tuy nhiên, ông Dragovic lập luận rằng, những giả thuyết như vậy là để "làm suy yếu lòng tin" vào dự luật vì "các tình huống [như vậy] trên thực tế không tồn tại."

“Không có ví dụ nào về việc chuyện này xảy ra ở các tiểu bang, những nơi không hề có các biện pháp trừng phạt chống lại chuyện đó”, ông cho biết trong một bản đệ trình trước Quốc hội, "nỗi lo sợ rằng dự luật này sẽ dẫn đến một loạt các lạm dụng là sai."

Ông Dragovic nói: “Cuộc tranh luận xung quanh dự luật này rất yếu kém vì những tuyên bố mang tính suy đoán, những ví dụ giả định không có cơ sở thực tế, và vì hiểu lầm về tôn giáo”.

Ngay cả khi các tình huống giả định trên xảy ra, chúng cũng sẽ không vi phạm luật hiện hành ở các khu vực pháp lý chính của Úc, và dự luật có "những điều khoản bảo đảm an toàn rộng rãi" bao gồm cả việc mọi phát biểu dựa trên đức tin đều được đưa ra với mục đích tốt, ông Dragovic lưu ý.

Ông nói: “Điều quan trọng là phải xem xét những tổn hại mà mọi người lo sợ cộng đồng LGBT sẽ gặp phải do dự luật này trong bối cảnh mà những tổn hại đó vốn đang giảm dần, so với nguy cơ ngày càng tăng đối với những người có đức tin, và cái giá mà điều này gây ra cho xã hội”.

Các giả thuyết mắc lỗi suy luận về bằng chứng không đầy đủ

Ông Dragovic lưu ý thêm rằng, các biện pháp bảo vệ trong dự luật cũng được áp dụng bình đẳng cho những người nêu lên “những phát biểu dựa trên việc không có đức tin”, mà những phát biểu đó phân biệt đối xử những người theo tôn giáo.

“Tình huống hợp lý không kém sau đây sẽ được bảo vệ theo dự luật đang được đề xuất: Một nhà trẻ nói với một bà mẹ đơn thân rằng khắc sâu tôn giáo vào một đứa trẻ là xấu xa, hoặc một bác sĩ nói với bệnh nhân rằng bệnh tật của họ là quả báo vì họ tin vào tôn giáo, hay một ông chủ nói với nhân viên rằng người này sẽ xuống địa ngục vì đức tin của mình”, ông nói.

Ông Dragovic cho biết, nhóm giả thuyết thứ hai “có nhiều khả năng xảy ra hơn”, nhưng lưu ý rằng sẽ có rất ít người lên tiếng bảo vệ các tín đồ tôn giáo khỏi những ý kiến ​​như vậy. Ông cho rằng, đây là "điều đáng chú ý và đại diện cho khuynh hướng văn hóa chống lại tôn giáo hiện nay."

Ông nói: “Cách tiếp cận tương tự trong việc định ra các tình huống giả định mù mờ, để làm suy yếu các biện pháp bảo vệ được đề xuất, có thể được áp dụng cho các luật chống phân biệt đối xử khác.”

Dự luật này là một 'đóng góp khiêm tốn'

Để đáp lại những lời chỉ trích về dự luật, chính phủ Úc đã loại bỏ một số điều khoản gây tranh cãi về thẩm quyền từ chối thực hiện một số thủ tục y khoa của các bác sĩ, và điều khoản Folau yêu cầu các doanh nghiệp từ vừa đến lớn, trước khi thực hiện biện pháp gì, phải chứng minh rằng phát biểu dựa trên đức tin của một người đã dẫn đến tổn hại tài chính cho doanh nghiệp.

Chính phủ cũng đã đồng ý sửa đổi Đạo luật Phân biệt Giới tính để bảo vệ học sinh đồng tính khỏi bị phân biệt đối xử trong các trường liên kết với tôn giáo. Tuy nhiên, dự luật vẫn vấp phải sự phản kháng gay gắt.

Chuyên gia luật hiến pháp George William nói rằng “về nguyên tắc”, việc ưu tiên phát biểu tôn giáo hơn các hình thức phát biểu khác là “vấn đề sâu sắc ở một nhà nước trung lập về các vấn đề tôn giáo”.

Ông William cũng mô tả dự luật là "đầy những vùng xám, đầy các điều khoản không rõ ràng, và đầy sự không chắc về phạm vi của nó."

Ông nói: “Thật không may, dự luật này sẽ làm gia tăng vấn đề này một cách đáng kể, bao gồm cả sự tác động qua lại đầy vấn đề của nó với các luật chống phân biệt đối xử khác của liên bang và tiểu bang”.

Ông Dragovic cho biết, mặc dù là như vậy, dự luật này là một “đóng góp khiêm tốn” nhằm bảo đảm các nghĩa vụ của Úc đối với nhân quyền quốc tế. Đồng thời ông lưu ý rằng, xã hội “không nên để cho sự hoàn hảo trở thành kẻ thù của cái tốt”.

Ông nói: “Việc đóng góp từng bước vào cơ quan lập pháp sẽ tốt hơn là việc chờ đợi một Tuyên ngôn Nhân quyền toàn diện”.

Ông Dragovic cũng đề xuất, cách tốt hơn để tiết chế hành vi của mọi người là “cho phép một số ý tưởng, ngay cả khi chúng không được hoan nghênh, được lên tiếng và để cho xã hội tự cân bằng mọi thứ”.

Ông nói: “Là một xã hội, chúng ta cần chấp nhận rằng không phải mọi lời nói đều có thể, hay nên, được kiểm soát”.

Cao Dương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia tôn giáo Đại học Melbourne: Lo sợ bảo vệ tự do tôn giáo sẽ dẫn đến lạm dụng là ‘sai’