Chuyên gia: Trung Quốc đang 'chen chân' vào Bắc Cực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bằng cách đảm bảo các tuyến đường thương mại mới và tiếp cận quân sự ở Bắc Cực, ĐCSTQ đang tìm cách mở rộng năng lực của mình trong việc “phóng chiếu sức mạnh toàn cầu”, ông Rick Fisher, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế nhận định hôm 15/9.

“Đối với Trung Quốc, Bắc Cực mang đến một cơ hội chiến lược và chiến thuật", ông Fisher nói trong cuộc phỏng vấn với đài NTD, một kênh truyền thông chị em của The Epoch Times, phát sóng vào ngày 15/9.

“Băng đang tan chảy nhanh chóng, mở ra các tuyến đường biển vùng cực mới, cho phép Nga và Trung Quốc khai thác một trữ lượng lớn hydrocacbon. Tài nguyên này trở nên vô cùng hấp dẫn khi đi kèm với tính kinh tế của vận tải đường biển", ông Fisher cho hay.

Bắc Cực có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên rộng lớn, bao gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, kim loại đất hiếm, kim cương và các ngư trường hoang sơ. Do đó, khu vực trước đây vốn không bị kiểm soát có thể sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng đối với địa chính trị toàn cầu trong những năm tới, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng tài nguyên toàn cầu tiếp tục diễn ra.

ĐCSTQ đã tuyên bố Trung Quốc là một “quốc gia cận Bắc Cực” vào năm 2012, với hy vọng tạo ra một số dấu hiệu về tính hợp pháp cho những nỗ lực của họ để thúc đẩy việc họ tiến vào khu vực này. Trong số những nỗ lực đó có cái gọi là Con đường Tơ lụa Địa cực (Polar Silk Road-PSR), một tuyến đường được cho là sẽ kết nối châu Á và châu Âu thông qua các tuyến đường thủy mở ra của Bắc Cực.

Tuy nhiên, để có thể tiến vào Bắc Cực và đảm bảo các tuyến đường thương mại như vậy, ĐCSTQ cần phải xoa dịu người chơi quyền lực nhất trong khu vực: Nga.

Tàu phá băng Tor tại cảng Sabetta trên bờ biển Kara tại Bán đảo Yamal trong vòng Bắc Cực, cách Moscow khoảng 2.450 km, hôm 16/4/2015. Dự án Yamal LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) nhằm khai thác và hóa lỏng khí từ mỏ khí đốt Yuzhno-Tambeyskoye bắt đầu sản xuất vào năm 2017. Novatek của Nga nắm giữ 60% cổ phần trong liên doanh. Total của Pháp và CNPC của Trung Quốc, mỗi bên nắm giữ 20%. (Ảnh: Kirill Kudryavtsev/AFP/Getty Images)

Ông Fisher nói: “Một Con đường Tơ lụa Bắc Cực thành công sẽ kéo theo các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào Nga".

“Cùng với đó, sẽ có sự gia tăng các tàu tuần dương, tàu phá băng, tàu vận tải dầu khí của Trung Quốc, hợp tác với hải quân Nga, và nó cũng sẽ biện minh cho việc Trung Quốc điều động lực lượng hải quân của mình vào khu vực Bắc Cực".

Để đạt được mục tiêu đó, ông Fisher nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển lực lượng hải quân - vốn đã lớn mạnh nhất thế giới - để chuẩn bị cho sự hiện diện ngày càng tăng ở Bắc Cực.

"Hải quân của Trung Quốc đang phát triển", ông Fisher nói. “Lực lượng này sẽ sở hữu thêm nhiều tàu hơn nữa để dự phòng cho các hoạt động ở Bắc Cực".

Cổ phần 'rất lớn'

Ông Bruce Jones, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings, cho biết trong một cuộc phỏng vấn riêng với đài NTD rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đang bước vào giai đoạn cạnh tranh hải quân kéo dài và nguy cơ xung đột leo thang. Ông nói, Bắc Cực sẽ là tâm điểm chính của cả hai quốc gia trong cuộc cạnh tranh đó.

Ông Jones nói: “Bắc Cực đang trở thành một trong những khu vực cạnh tranh nóng nhất".

"Vấn đề lớn nhất là biến đổi khí hậu đang thay đổi nhanh chóng khả năng di chuyển qua Bắc Cực hàng năm".

Ông Jones cho biết hiện tại chỉ có thể đi qua Bắc Cực từ 5 đến 6 tháng một năm nếu không có tàu phá băng hạng nặng. Tuy nhiên, do sự tan chảy của các chỏm băng ở hai cực, việc đi lại hàng năm qua Bắc Cực có thể có thể sẽ đươc hiện thực hóa trong vòng 10 đến 15 năm tới.

Ông Jones nói rằng sự thay đổi trên sẽ mang lại ý nghĩa sâu sắc trong lĩnh vực thương mại và chiến lược toàn cầu, vì nó sẽ giảm một nửa khoảng cách giữa phương Đông sang phương Tây.

“Nếu nhìn nhận vấn đề từ góc độ thương mại, khoảng cách từ Thượng Hải tới New York sẽ bằng một nửa khoảng cách từ Kênh đào Suez qua Địa Trung Hải và sau đó qua Đại Tây Dương”, ông Jones nói.

“Bản chất của nó tương tự như những gì Kênh đào Suez đã làm trong việc giao thương giữa châu Á và châu Âu kể từ khi nó ra đời. Nó có tiềm năng trở thành một sự thay đổi lớn trong các tuyến đường thương mại toàn cầu”.

Đối với ông Jones, sự bùng nổ của giao thông hàng hải ở Bắc Cực dường như đang diễn ra ở đường chân trời cũng mang lại rủi ro lớn - thương mại đi đâu cũng vậy, quân sự cũng vậy.

Ông Jones nói: “Đây nơi mà Nga hiện sự tập trung lớn nhất về sức mạnh hải quân của mình".

"Hoa Kỳ đã bắt đầu đưa tàu ngầm hạt nhân trở lại Bắc Cực lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc".

“Trung Quốc đang triển khai các sứ mệnh khoa học lặp đi lặp lại, tính chất lưỡng dụng. Vì vậy, đây thực sự đang trở thành một khu vực xây dựng quân sự căng thẳng”.

Ông Jones nói rằng rủi ro và phần thưởng của việc đạt được sự thống trị ở Bắc Cực sẽ là vô cùng to lớn đối với bất kỳ quốc gia nào theo đuổi mục tiêu này.

Ông nhận định rằng, Bắc Cực sẽ mang lại cổ phần thương mại, cổ phần năng lượng cũng như cổ phần chiến lược vô cùng to lớn.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Trung Quốc đang 'chen chân' vào Bắc Cực