Chuyên gia: Việc Đài Loan đánh mất độc lập sẽ cản trở Mỹ phóng chiếu sức mạnh ở châu Á

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đài Loan là một mắt xích quan trọng trong 'chuỗi đảo thứ nhất'. Với vị thế địa chiến lược trọng yếu như vậy, một khi hòn đảo tự quản này rơi vào tay Trung Quốc thì Mỹ sẽ khó có thể phát huy sức mạnh ở châu Á, ông James Carafano, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Douglas và Sarah Allison nhận định.

Đài Loan là một mắt xích quan trọng trong “chuỗi đảo thứ nhất” (first island chain), bao gồm những quốc gia và vùng lãnh thổ thân Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, đảo Đài Loan, Philippines. Những đảo và bán đảo này tạo thành một lá chắn, giúp Mỹ kiểm soát tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

“Nếu Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát được chuỗi đảo đầu tiên bằng vũ lực, kéo dài từ Đài Loan cho đến Biển Đông, đó sẽ là một đòn chí mạng đối với Mỹ. Đây cũng là dấu chấm hết cho vị thế siêu cường của Mỹ ở châu Á”, ông Carafano nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình "China in Focus" của đài NTD, một kênh truyền thông anh em của The Epoch Times.

Ông khẳng định rằng: “Nền độc lập của Đài Loan mang lại lợi ích to lớn cho Washington".

Ông James Carafano, Giám đốc của Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại Douglas & Sarah Allison và Phó chủ tịch của Viện nghiên cứu quốc tế Kathryn & Shelby Cullom Davis tại Quỹ Di sản, phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ tại Hilton Anatole ở Dallas ngày 6/8/2022. (Ảnh: Bobby Sanchez/The Epoch Times)

Theo vị chuyên gia này, biện pháp tốt nhất để tăng cường năng lực phòng thủ của Đài Loan đến từ việc Mỹ phải đảm bảo cho giao thông vận tải ở Eo biển Đài Loan được tự do.

“Mỹ cần phải tăng cường năng lực phòng thủ của không quân và hải quân. Đó chính là đóng góp lớn nhất mà Washington có thể mang lại cho hòn đảo này”, ông nhấn mạnh.

“Nếu Trung Quốc kiểm soát được toàn bộ vùng lãnh hải ở hai bờ giữa Đài Loan và Trung Quốc, thì Bắc Kinh có thể lén đưa tàu ngầm của họ ra khỏi cảng và giấu chúng ở đó. Lúc này Mỹ không thể tiếp cận được khu vực đó vì Washington không thể tiến hành cái gọi là năng lực tác chiến chống tàu ngầm (anti-submarine warfare)”, ông lưu ý.

Vị chuyên gia này nói thêm rằng, "Vào thời điểm đó, cho dù Mỹ có điều động lực lượng bộ binh (American troops on the ground) đến Đài Loan cũng chẳng giúp ích gì về mặt quân sự".

Ông cho biết, bên cạnh phương diện quân sự, Mỹ có thể thực hiện cam kết bảo vệ hòn đảo dưới nhiều hình thức khác, “bao gồm hỗ trợ ngoại giao, chính trị, can dự kinh tế”.

Tương quan sức mạnh quân sự Mỹ - Trung

Ông Carafano chỉ ra rằng, năng lực chiến đấu của ĐCSTQ có thể bị hạn chế đáng kể, bởi vì Trung Quốc đã không tham gia vào bất kỳ trận chiến lớn nào trong một thời gian dài.

Ông phân tích, quân đội Trung Quốc thiếu kinh nghiệm thực chiến và không trải qua cuộc xung đột vũ trang lớn nào kể từ cuộc chiến tranh với Việt Nam cách đây nhiều thập kỷ. Rõ ràng, đây là một lực lượng quân sự chưa từng tham chiến trên thực tế.

Trước đây, quân đội của ĐCSTQ chủ yếu tập trung vào củng cố an ninh nội địa và răn đe chiến lược, nay đang dần chuyển hướng sang nâng cao năng lực triển khai và tác chiến, ông cho hay.

Do đó, vẫn chưa rõ ĐCSTQ sẽ ứng phó với các cuộc giao tranh tầm xa và các chiến dịch quân sự lâu dài ra sao nếu họ tiến hành xâm lược hòn đảo.

Lực lượng quân sự Trung Quốc chưa từng chiến đấu trên thực địa trong một thời gian rất dài. Trong đó bao gồm một cuộc xung đột ở khoảng cách xa, ví như từ Trung Quốc đến Đài Loan ở trên không, trên biển, trong không gian, trên đất liền và dưới đáy biển; thậm chí là trong các chiến dịch quân sự lâu dài đòi hỏi triển khai nhiều hoạt động hậu cần như vận chuyển quân nhu,…

"Vì vậy, xét theo một phương diện nào đó, năng lực thực chiến của quân đội Trung Quốc chưa được kiểm chứng", ông nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cũng lưu ý thêm về lợi thế của ĐCSTQ so với Mỹ nếu xảy ra xung đột vũ trang ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông nhấn mạnh rằng, Mỹ sở hữu năng lực quân sự trên phạm vi toàn cầu vượt trội hơn so với Trung Quốc. Đồng thời Mỹ cũng là một cường quốc trên toàn cầu với các lợi ích toàn cầu và gánh vác trách nhiệm trên phạm vi toàn cầu.

Trong khi đó, từ góc độ quân sự, Trung Quốc vẫn là một cường quốc trong khu vực, ông nói.

Ông nhận định: “Vì vậy, Trung Quốc có thể tập trung toàn bộ năng lực quân sự của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đổ dồn vào chuỗi đảo đầu tiên, nhưng Mỹ thì không thể làm được điều đó".

“Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không chỉ là chiến trường duy nhất của hai bên. Đó là sân nhà đối với Trung Quốc. Còn đối với Mỹ, đó là trận chiến trên sân khách", vị chuyên gia cho hay.

Đề cập đến sức mạnh quân sự của hai cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông cho rằng, ở một số phương diện thì năng lực quân sự của Mỹ và Trung Quốc ngang nhau, một số phương diện khác thì không.

“Trung Quốc có thể khởi động một chiến dịch quân sự lớn và tự tin khi cho rằng họ có thể vượt mặt Mỹ. Tôi thì không cho là như vậy", ông Carafano kết luận.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Việc Đài Loan đánh mất độc lập sẽ cản trở Mỹ phóng chiếu sức mạnh ở châu Á