Chuyên gia: Vụ ám sát ông Shinzo Abe - một cuộc tấn công vào nền dân chủ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thế giới không khỏi kinh hoàng trước vụ ám sát cố Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe. Tuy nhiên trong lịch sử cũng có không ít vụ ám sát nhắm vào các chính trị gia có tầm nhìn xa trông rộng và quan điểm mạnh mẽ, từ đó gây ra sự căm phẫn và khinh miệt ở một bộ phận người dân. Do đó, họ sẽ tìm cách phá hoại các quy trình quản trị dân chủ thông thường bằng những thủ đoạn không thể chấp nhận được.

Ông Shinzo Abe từng là Thủ tướng Nhật Bản trong hai nhiệm kỳ, nhiệm kỳ đầu tiên từ năm 2006 đến 2007 và nhiệm kỳ thứ hai từ 2012 đến 2020 và từ chức vì lý do sức khỏe. Nhưng ông vẫn quan tâm đến chính trị và tiếp tục vận động thay mặt cho Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của mình.

Ông Abe bị ám sát vào ngày 8/7 tại Nara khi ông đang có bài phát biểu vận động ủng hộ một ứng cử viên trong Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền. Thủ phạm đã được xác định là Tetsuya Yamagami, kẻ thú nhận đã giết Abe bằng một khẩu súng thủ công.

Yamagami khai báo với cảnh sát rằng, ông Abe có liên kết với một tổ chức - được cho là một tổ chức tôn giáo - đã lừa gạt mẹ anh ta một số tiền lớn. Dù sao đi nữa, vụ ám sát này được thực hiện bởi một kẻ bệnh hoạn và rối loạn tâm trí. Hơn nữa, điều này xảy ra ở một quốc gia có mức độ tội phạm bạo lực vừa phải và luật kiểm soát súng nghiêm ngặt.

Chiến dịch bầu cử tiếp diễn vào ngày 9/7 và các cuộc bầu cử đã được tổ chức, theo lịch trình, vào ngày 10/7. Các chính trị gia của tất cả các đảng phái cho rằng, bạo lực không thể cản trở cũng như trì hoãn các truyền thống dân chủ của Nhật Bản.

Tuy nhiên, quá trình để tang đã tạo ra một làn sóng tiếc thương thực sự ở Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida, mô tả vụ ám sát là một "hành động man rợ, hèn nhát".

Mặc dù hầu hết các nhà bình luận và các nhà lãnh đạo chính trị bên ngoài Nhật Bản chia buồn về vụ ám sát ông Abe, những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đã tôn vinh vụ ám sát, ăn mừng cái chết của cựu Thủ tướng và ca ngợi sát thủ như một “anh hùng”.

Tâm lý chống Nhật ở Trung Quốc đã và đang lên thành cao trào, khởi nguồn từ những cuộc xung đột mang chủ nghĩa dân tộc và các cuộc chiến tranh trước đây. Ví dụ, một chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc đã lãnh đạo Trung Quốc vượt qua cuộc Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai chống lại Nhật Bản từ năm 1937 đến năm 1945. Nhiều người Trung Quốc vẫn ôm giữ thái độ 'chống Nhật' vì những tội ác chiến tranh đã gây ra trong cuộc xung đột đó và vì chiếm đoạt các vùng đất của Trung Quốc đại lục.

Phản ứng này chắc chắn là một phản ứng kinh tởm đối với một sự kiện mà tất cả các quốc gia văn minh nên lên án.

Người bạn tuyệt vời của Úc

Cố Thủ tướng Abe là một người bạn tuyệt vời của Úc. Ông đã đến thăm Úc vào năm 2014 để thúc đẩy thương mại ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đáng chú ý, ông và Thủ tướng khi đó là Tony Abbott đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật Bản-Úc (JAEPA) vào ngày 8/7/2014 - đúng tám năm trước khi ông bị ám sát - tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự do hóa thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và Úc.

Trong lời bày tỏ lòng kính trọng đối với nhà lãnh đạo bị ám sát, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho hay, cố Thủ tướng Abe đã đến thăm Úc 5 lần trong nhiệm kỳ thủ tướng. Ông cho hay, đây chính là công cụ để nhận ra tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Cụ thể, Thủ tướng Albanese cho biết: “Ông Abe hiểu các giá trị mà Úc và Nhật Bản chia sẻ về dân chủ và nhân quyền cũng như lợi ích chung mà chúng tôi có trong việc củng cố trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ".

Nhà hát Opera nổi tiếng của Úc ở Sydney, Úc, được thắp sáng dưới màu sắc của Nhật Bản vào ngày 10/7/2022, để tưởng nhớ cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: Muhammad Farooq/AFP/Getty Images)

Sau vụ ám sát ông Abe, người phát ngôn Bộ Nội vụ của phe đối lập, Karen Andrews, dự đoán rằng “chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi nước Úc cũng sẽ trải qua một vụ ám sát tương tự”. Dự đoán của ông Andrews phản ánh một cách thảm hại về nước Úc và tiết lộ sự tồn tại của một thái độ chống đối vì chấp nhận một cách vô lý rằng một sự kiện thảm khốc như vậy sẽ xảy ra ở Úc trong tương lai.

Tất nhiên, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trong tương lai. Nhưng hiện tại, những dự đoán thúc đẩy sự diệt vong và u ám không phục vụ bất kỳ mục đích hữu ích nào. Trên thực tế, câu nói của ông Andrews có thể kích thích trí óc sơ sài và thiếu cân bằng của mọi người, những người có thể muốn noi gương sát thủ Nhật Bản.

Tuy nhiên, dự đoán của ông Andrews là một lời nhắc nhở kịp thời rằng các vụ ám sát chính trị luôn có thể xảy ra và sự an toàn của các chính trị gia là một thứ hàng hóa bấp bênh, ngay cả vào thời điểm được cho là an toàn nhất.

Những vụ ám sát trong lịch sử

Thật vậy, ngay cả khi xem lại lịch sử cũng cho thấy rằng các vụ ám sát đã xảy ra ở nhiều nền dân chủ. Ví dụ, các vụ ám sát Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln vào cuối Nội chiến Hoa Kỳ và Tổng thống John F. Kennedy vào năm 1963 đều được ghi chép đầy đủ.

Trong thời gian gần đây, Vương quốc Anh bị rung chuyển bởi vụ sát hại Nghị sĩ Đảng Lao động Jo Cox, vào năm 2016 và Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Anh, Sir David Amess, vào năm 2021.

Quan điểm của các chính trị gia tạo ra cả sự ngưỡng mộ và sự khinh bỉ trong xã hội. Và những thành tựu của họ càng lớn thì càng có nhiều khả năng những kẻ sa đọa nhắm vào họ.

Tính xác đáng của quan điểm này được chứng minh bằng vụ ám sát cố Thủ tướng Shinzo Abe, người đã tìm cách cải cách Hiến pháp hòa bình của mình để công nhận quân đội của đất nước ông và quản lý tốt các nguồn lực kinh tế của Nhật Bản. Các nhà phân tích đã nhận xét điều này có lợi về thương hiệu kinh tế học của ông, Abenomics. Ông Abe cũng vun đắp mối quan hệ thân thiết với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng ông cũng phải tự bảo vệ mình trước những cáo buộc về chủ nghĩa thân hữu.

Các vụ ám sát ông Abe và các tổng thống Lincoln và Kennedy cũng cung cấp bằng chứng cho thấy, các chính trị gia có tầm nhìn xa trông rộng hơn các chính trị gia chính thống cho nên sẽ gây ra bất bình trong công chúng.

Thật vậy, Tổng thống Lincoln và Kennedy, bằng cách riêng của họ, đã có những đóng góp không nhỏ cho Hoa Kỳ và thế giới. Khi giải phóng người Mỹ gốc Phi, Tổng thống Abraham Lincoln đã hy sinh mạng sống của mình cho quyết định đầy táo bạo và can đảm. Và ông Kennedy có thể đã phải trả giá cho lập trường cứng rắn của mình chống lại việc đặt tên lửa hạt nhân của Liên Xô ở Cuba.

Cả hai vị Tổng thống đều có quan điểm mạnh mẽ, gây ra sự căm ghét và khinh miệt ở một số người, những người tìm cách trả thù bằng cách phá hoại các quy trình quản trị dân chủ thông thường bằng những thủ đoạn không thể chấp nhận được.

Bức tượng của Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, Abraham Lincoln, bên trong Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington, Hoa Kỳ, hôm 12/2/2009. (Ảnh: Karen Bleier/AFP/Getty Images)

Có thể học được gì từ sự kiện này?

Thật vậy, cần phải cải thiện việc bảo vệ các chính trị gia và các ứng cử viên chính trị bằng cách mang lại an ninh cá nhân và cảnh sát tốt hơn. Tuy nhiên, cảnh sát chỉ có thể làm được nhiều đến vậy, và không thể cung cấp cho các chính trị gia mục tiêu một hệ thống an ninh liên tục.

An ninh được nâng cao cũng sẽ đánh bại mục đích của chiến dịch tranh cử vì ý tưởng trong một nền dân chủ là mang thông điệp của các chính trị gia đến với người dân. Loại hình dân chủ này được thực hành ở Nhật Bản, nơi mà việc vận động tranh cử của các chính trị gia đã được biến thành một loại hình nghệ thuật.

Kết cục đáng buồn của vụ ám sát cố Thủ tướng Abe là một bài học, trong đó các chính trị gia nên sử dụng nhiều chiến dịch trực tuyến hơn. Tất nhiên, trong một nền dân chủ, không thể đưa ra quyết định làm hài lòng tất cả các thành viên trong xã hội. Do đó, chúng ta cần một cuộc tranh luận không bị cản trở, tự do và hợp lý về các chính sách được các chính trị gia đưa vào chiến dịch bầu cử.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Tác giả Gabriël A. Moens là giáo sư luật danh dự tại Đại học Queensland, và từng là phó hiệu trưởng và trưởng khoa tại Đại học Murdoch. Năm 2003, ông Moens được thủ tướng trao tặng Huân chương Thế kỷ Úc cho những hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Ông đã giảng dạy rộng rãi trên khắp Úc, Á Châu, Âu Châu, và Hoa Kỳ. Ông Moens gần đây đã xuất bản hai cuốn tiểu thuyết “A Twisted Choice” (“Sự Lựa Chọn Xấu Xa”) (NXB Boolarong Press, 2020) và “The Coincidence” (“Sự Trùng Hợp Ngẫu Nhiên”) (NXB Connor Court Publishing, 2021).



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Vụ ám sát ông Shinzo Abe - một cuộc tấn công vào nền dân chủ