Cỗ máy chiến tranh của Trung Quốc đang đặt vận mệnh vào máy bay không người lái

Giúp NTDVN sửa lỗi

ĐCSTQ đang xây dựng và phát triển năng lực của hệ thống máy bay không người lái ở những khu vực căng thẳng nhất trên thế giới với tham vọng thống trị không gian chiến lược là đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tiến tới hợp nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục. Câu hỏi đặt ra là, chìa khóa để chiến thắng trong việc đẩy lùi cuộc xâm lược Đài Loan của ĐCSTQ là gì?

Một dàn bay không người lái lướt qua màn đêm trên bầu trời Thái Bình Dương.

Ẩn mình trong màn đêm và cách bờ biển California chưa đầy 100 dặm (hơn 160km), phi đoàn bay này đi theo nhóm 4 hoặc 6 chiếc, săn đuổi các tàu Hải quân Hoa Kỳ. Chúng lượn lờ trước mũi tàu, thu thập thông tin tình báo cung cấp cho các chỉ huy giấu mặt.

Phi đội này bay cùng tốc độ của các tàu hải quân mà không có trở ngại ở tầm nhìn thấp với tần suất cứ bốn giờ một lần. Các thủy thủ đoàn của con tàu được báo động khi không hề biết chúng đến từ đâu hoặc có mục đích gì.

Đây không phải là cốt truyện của một bộ phim ly kỳ về điệp viên sắp ra mắt mà là một chuỗi các sự kiện thực tế diễn ra hồi tháng 07/2019.

Các cuộc chạm trán kinh hoàng đã dấy lên báo động trong toàn lực lượng Hải quân và thành lập một bộ máy điều tra gồm các thành phần của Hải quân Hoa Kỳ, lực lượng Tuần Duyên, và FBI.

Các thành viên của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương luôn được thông báo phòng bị với những thông tin cập nhật về tình hình.

Một báo cáo điều tra dựa trên nhật ký của các con tàu cho biết: “Nếu các máy bay không người lái này không do quân đội Hoa Kỳ vận hành thì sẽ vi phạm rất nghiêm trọng về an ninh".

Tuy nhiên, nguồn gốc của các máy bay không người lái này, chúng đến từ đâu và ai đã điều động chúng vẫn còn là một bí ẩn trong hơn hai năm qua.

Tuy nhiên, một báo cáo điều tra mới do trang web The Drive phát hành hồi tháng 6/2022 đã làm sáng tỏ các vụ va chạm trên, trong đó có ít nhất 8 cuộc chạm trán liên quan đến một số vật thể bay không người lái (UAV) mà trước đây được báo chí gọi đơn giản là UFO.

Báo cáo này, dựa trên các tài liệu của Hải quân mới thu thập được thông qua các yêu cầu của Đạo luật Tự do Thông tin (FIA), xác định chính xác điểm phóng của các máy bay không người lái này là một tàu chở hàng dân dụng hoạt động trong khu vực vào thời điểm đó. Con tàu đó, gọi là MV Bass Strait, thuộc sở hữu và điều hành của công ty Pacific Basin, được gắn cờ Hồng Kông.

“Hải quân [Hoa Kỳ] đánh giá rằng con tàu chở hàng thương mại này có khả năng đang tiến hành giám sát các tàu Hải quân bằng cách sử dụng bay không người lái", báo cáo cho biết. Trong chuyến đi đầu tiên, con tàu này có thể sẽ xảy ra các sự cố chưa từng xuất hiện trước đó hồi tháng 3 và tháng 4/2019, bao gồm “hoạt động thu thập thông tin tình báo” nhắm vào tàu khu trục tiên tiến nhất của Hoa Kỳ USS Zumwalt.

Báo cáo cho biết: “Hoạt động giám sát tăng cường đối với các khí tài hải quân quan trọng đang được tiến hành ở những khu vực mà họ huấn luyện và sử dụng các hệ thống nhạy cảm nhất của họ, thường là tiệm cận các bờ biển của Hoa Kỳ".

Một mô hình máy bay không người lái FL-71 được trưng bày tại triển lãm Công nghệ và Thiết bị Thông tin Quốc phòng Trung Quốc ở Bắc Kinh, hôm 18/06/2019. (Ảnh: Wang Zhao/AFP qua Getty Images)

Lực lượng máy bay không người lái ngày càng tăng của Trung Quốc

Còn quá sớm để đưa ra kết luận chính xác về việc, mối quan hệ giữa thủy thủ đoàn của tàu Bass Strait, công ty Pacific Basin và ĐCSTQ là gì. Tuy nhiên, vụ việc nhấn mạnh vai trò trọng tâm của các máy bay không người lái trong giai đoạn tiếp theo của chiến tranh hiện đại và cách lực lượng này đang định hình chiến trường và quy trình thu thập thông tin tình báo.

Nếu như chuyện này thực sự xảy ra, vậy nghĩa là ĐCSTQ đang đặt cược lớn vào chiến tranh bằng máy bay không người lái. Trong hơn một thập niên qua, Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào các thiết bị không người lái quadcopter thương mại giá rẻ có thể tiêu hủy được và máy bay không người lái có độ bền cao, bay ở độ cao lớn, tốn nhiều tài nguyên.

Thật vậy, ĐCSTQ và lực lượng quân sự của nước này, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), đã thực hiện nhiều dự án UAV kể từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, quân đội nước này lần đầu tiên ra mắt một máy bay không người lái tàng hình quy mô lớn do Trung Quốc chế tạo ngay sau khi nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình nhậm chức.

Căn cứ theo dữ liệu thu thập được từ vụ Iran bắt một bay không người lái tân tiến của Hoa Kỳ hồi năm 2011, có giả thuyết cho rằng “Sharp Sword” của Trung Quốc chỉ là chiếc đầu tiên trong số nhiều chiếc UAV tiên tiến, được chế tạo thông qua sự hỗ trợ của các công nghệ ngoại quốc gom nhặt như một phần của chương trình đánh cắp công nghệ toàn diện của nhà cầm quyền.

Kể từ đó, ĐCSTQ đã tài trợ cho hàng chục loại UAV sử dụng rất nhiều tập đoàn quốc doanh vốn cũng chế tạo các công nghệ về tên lửa và không gian vũ trụ của chính quyền nước này. ĐCSTQ mua mọi thứ liên quan đến bay không người lái, từ máy bay không người lái chiến đấu lớn hơn như Sharp Sword đến thiết bị không người lái quadcopter nhỏ như đã được phát hiện gần California cho đến các phương tiện bay bội siêu thanh dùng động cơ tên lửa lướt qua bầu trời để thu thập thông tin nhắm mục tiêu.

Tàu sân bay thứ ba và mới nhất của Trung Quốc, với tên gọi Phúc Kiến (Fujian), dự kiến ​​sẽ có nhiều loại máy bay không người lái. Hệ thống máy phóng điện từ của tàu sân bay này sẽ rất hữu ích trong việc phóng các máy bay không người lái có trọng lượng khác nhau một cách nhanh chóng với mô-men xoắn có thể điều chỉnh được.

Theo phân tích của một báo cáo về các hình ảnh xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, nỗ lực đó có thể sẽ dựa vào các bài giáo huấn về cách hoạt động đã rút ra được trong vài năm qua, khi tàu khu trục thứ hai của Trung Quốc, có tên là Sơn Đông, được phát hiện vào đầu tháng Sáu năm nay với một phi đội nhỏ “máy bay không người lái phái sinh thương mại trên sàn đáp của mình".

“[Những hình ảnh] này nhấn mạnh nỗ lực ngày càng tăng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong việc phát triển và khai thác nhiều loại bay không người lái khác nhau, trong đó có những máy bay có thể hoạt động cùng nhau trong các đoàn bay phối hợp, và thường có ý đồ thực hiện nhiều vai trò khác nhau trong lĩnh vực hàng hải", một báo cáo cho biết.

Nếu điều đó không đủ để nhấn mạnh tham vọng thống trị không gian chiến lược của nhà cầm quyền với một cách tiếp cận mới, ưu tiên bay không người lái để tham gia quân sự, thì sau đây là trường hợp của khu trục hạm Chu Hải Vân (Zhu Hai Yun).

Chu Hải Vân là một tàu nghiên cứu đại dương dài 290 ft (khoảng 88m) được thiết kế để triển khai các loại máy bay không người lái dưới nước và trên không cho các mục đích khác nhau. Con tàu này cũng là một phương tiện không người lái và có thể được một người hướng dẫn tàu điều khiển từ xa hoặc để [con tàu] tùy ý điều hướng [ở] các vùng biển ngoài khơi một cách tự chủ.

Theo lời của nhà sản xuất, đây là “con tàu có hệ thống không người lái thông minh đầu tiên trên thế giới".

Và mặc dù Bắc Kinh đã chính thức mô tả con tàu này là một công cụ nghiên cứu hàng hải, một bài báo của tờ South China Morning Post thừa nhận rằng, tàu khu trục này thực sự có năng lực “đánh chặn, bao vây, và đánh đuổi các mục tiêu xâm lược".

Tin tức đó có thể sẽ khiến giới lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ không vừa ý, bởi nước này không có khả năng triển khai tàu khu trục như vậy của riêng mình trong sáu năm tới.

Quan sát – học hỏi – chuẩn bị

Tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển máy bay không người lái quân sự của Trung Quốc, các vụ va chạm quốc tế liên quan đến bay không người lái cũng gia tăng.

Máy bay không người lái dưới nước HSU001 của Trung Quốc được nhìn thấy trong cuộc diễn hành quân sự tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, hôm 01/10/2019. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Hồi tháng 08/2021, Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản đã dẫn đầu các cuộc xuất kích máy chiến đấu trong nhiều ngày liền để đánh chặn các máy bay không người lái của PLA đang bay về phía nam Okinawa. Các máy bay không người lái này, có kích thước tương đương với máy bay không người lái Predator và Reaper của Hoa Kỳ, được cho là đang thu thập thông tin tình báo chiến lược trên Eo biển Miyako, vốn cung cấp cho PLA một cửa ngõ quan trọng ở Thái Bình Dương, và là nơi quân đội Trung Quốc tăng cường các chuyến hải hành trong thập niên qua.

Vụ va chạm này như một lời nhắc nhở sâu sắc về những điều mà phi đội không người lái của Trung Quốc phải làm: bảo đảm thông tin tình báo chiến lược sống còn cho việc phối hợp các hành động quân sự.

Chính điểm này dẫn chúng ta trở lại vấn đề, một số nhóm bay không người lái phóng từ một tàu chở hàng của Hồng Kông đang làm nhiệm vụ do thám các tàu Hải quân Hoa Kỳ gần bờ biển California.

Nếu những hành động đó trực tiếp hoặc gián tiếp gắn liền với bộ máy quân sự-an ninh bành trướng của ĐCSTQ thì mục đích cuối cùng của thông tin tình báo thu thập được sẽ là gì? Vậy động cơ trong “thông tin tình báo có thể bị truy tố” này là gì?

Đối với câu hỏi đó, một phân tích cho thấy rằng “máy bay không người lái đối thủ” của năm 2019 là “nhằm mục đích kích thích các hệ thống phòng không có năng lực nhất của Hoa Kỳ và thu thập dữ liệu tình báo điện tử chất lượng cực cao về những hệ thống này".

Báo cáo cho biết: “Bằng cách thu thập thông tin tình báo điện tử toàn diện về các hệ thống này, đối phương có thể phát triển các biện pháp đối phó và chiến thuật tác chiến điện tử để phá vỡ hoặc đánh bại các hệ thống đó. Họ cũng có thể ước tính chính xác và thậm chí là nhân bản các khả năng này; lưu lại và khai thác các chiến thuật".

“Đội bay đó có thể đã đang, và có khả năng thu thập hoặc giúp bệ phóng khác gần đó thu thập, tất cả dữ liệu nhạy cảm về các tàu chiến có năng lực mạnh nhất trên trái đất và ở cự ly rất gần".

Về bản chất, dàn bay không người lái của Trung Quốc đã đạt được hai điều.

Thứ nhất là thông tin tình báo tổng hợp thu thập được từ việc theo dõi các tàu hải quân Mỹ ở cự ly gần. Thứ hai là tìm hiểu xem điều gì sẽ thu hút phản ứng của Hoa Kỳ và phản ứng đó sẽ như thế nào.

Bằng cách này, các máy bay không người lái đang quấy nhiễu các tàu hải quân của Hoa Kỳ, thu thập thông tin tình báo về phản ứng (hoặc không phản ứng) của họ cho các hành động trong tương lai, vốn không chỉ có thể thông báo cho quân đội Trung Quốc về các thông số kỹ thuật của các chiến hạm Hoa Kỳ, mà còn cả cách điều khiển thủy thủ đoàn và các giao thức của họ để tìm hiểu xem quân đội Hoa Kỳ sẽ hành xử như thế nào khi có xung đột.

Giành chiến thắng trong trận chiến tiếp theo

Đối với Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác của nước này cũng như trật tự quốc tế tự do lớn hơn, những công cụ này mang lại hậu quả hết sức thiết thực. Có lẽ không nơi nào chứng kiến mối đe dọa xâm lược nghiêm trọng của ĐCSTQ ngoài Đài Loan, một quốc gia đã duy trì nền độc lập trên thực tế kể từ năm 1949.

Bất chấp nền độc lập đó, và bất chấp sự thật là ĐCSTQ chưa bao giờ cai trị hòn đảo này, chính quyền Trung Quốc đã đặt ra trọng tâm hiện tại của họ là cưỡng bức hợp nhất Đài Loan với đại lục. Hệ thống máy bay không người lái đóng một vai trò tối quan trọng trong nỗ lực đó.

Hồi cuối năm 2021, PLA đã hạ thủy một tàu khu trục cỡ nhỏ được thiết kế để triển khai và sửa chữa hàng loạt máy bay không người lái. Các phương tiện như vậy được thiết kế để phối hợp cùng với các lực lượng tác chiến mặt nước nhằm cản trở các hoạt động quân sự trong khu vực hàng hải, bằng cách bao vây các mục tiêu của đối phương hoặc làm cho chúng kém hiệu quả hơn thông qua việc đánh lạc hướng.

Xe cộ bấm còi đi ngang qua những người biểu tình lên án ĐCSTQ trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco vào Ngày Quốc Khánh Trung Quốc hôm 01/10/2020. (Ảnh: Ilene Eng/The Epoch Times)

The Drive đã thực hiện một cuộc kiểm tra năng lực của máy bay không người lái của Trung Quốc và phát hiện ra rằng, “Hàng loạt máy bay không người lái với nhiều chủng loại cho thấy, rất có thể chúng là một thành phần của các cuộc xung đột trong tương lai mà Trung Quốc có thể tham gia, cho dù những cuộc xung đột này được vận hành bởi quân đội Trung Quốc hay các bên khác".

Báo cáo cho biết, những công nghệ bay không người lái như vậy sẽ mang lại “những lợi thế quyết định … trong các kịch bản xoay quanh việc bảo vệ Đài Loan trước sự xâm lược của Trung Quốc".

Do đó, chúng ta không có gì phải ngạc nhiên khi Bắc Kinh tập trung quá nhiều tư tưởng chiến lược vào vô số loại máy bay không người lái với mục đích quân sự.

Thật vậy, theo kết quả của một cuộc diễn tập tác chiến do Không quân Mỹ tiến hành, Trung Quốc có khả năng sẽ triển khai hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn máy bay không người lái thành hàng dàn tự động trong một cuộc xâm lược Đài Loan. Được thiết kế để phối hợp với các máy bay không người lái khác trong mạng lưới này, hàng dàn máy bay không người lái như vậy sẽ cung cấp cả khả năng ứng phó lẫn khả năng tấn công mà nhiều loại vũ khí thông thường hơn của Trung Quốc không thể sánh được.

Điều này đặc biệt đúng khi nói đến tham vọng chiến lược của Trung Quốc là đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tránh xa việc bảo vệ Đài Loan.

Tuy nhiên, Đài Loan và Hoa Kỳ không phải hoàn toàn vô vọng. Thật vậy, sau nhiều năm diễn tập tác chiến cho thấy những tổn thất khủng khiếp của Hoa Kỳ trong một kịch bản phòng thủ giả định ở Đài Loan, thì trong trận giả gần đây nhất vào năm 2021 Hoa Kỳ đã ghi được một chiến thắng chắc chắn, mặc dù là chiến thắng kiểu Pyrrhic (bên thắng chịu thiệt hại rất nặng nề).

Vậy chìa khóa để chiến thắng trong việc đẩy lùi cuộc xâm lược Đài Loan của ĐCSTQ là gì? Chính là dàn bay không người lái của họ.

Như một bản tóm tắt cho biết, “Các nhà tư vấn hàng đầu của Hoa Kỳ và Lầu Năm Góc coi năng lực dàn trận đối với các cuộc xung đột trong tương lai quan trọng đến mức chúng sẽ mang tính quyết định trong một cuộc chiến tương quan lớn, chẳng hạn như một cuộc chiến với Đài Loan".

Điều mà các chiến lược gia ở khắp mọi nơi cần phải đặt lên hàng đầu, đó là Không quân Hoa Kỳ đã chiến đấu với một cuộc chiến giả định với Trung Quốc bằng một lực lượng ước định. Mà lực lượng đó sở hữu những công nghệ bay không người lái mà Hoa Kỳ chưa thực sự triển khai.

Lam Giang

Theo The Epoch Times

Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.



BÀI CHỌN LỌC

Cỗ máy chiến tranh của Trung Quốc đang đặt vận mệnh vào máy bay không người lái