Cổ phiếu nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC giảm mạnh sau thông tin Mỹ xem xét cấm 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cổ phiếu của công ty này giảm gần 23% xuống mức 2.35 USD/cổ phiếu; tổng giá trị tại thị trường Hong Kong mất khoảng 3,6 tỷ USD.

Cổ phiếu của SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, đã giảm hơn 20% trên Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong vào ngày 7/9, sau khi Lầu Năm Góc cho biết, họ đang xem xét lệnh cấm xuất khẩu đối với công ty Trung Quốc này.

Cổ phiếu của công ty này giảm gần 23% xuống 18,24 đô-la Hong Kong (2.35 USD), như vậy tổng giá trị tại thị trường Hong Kong mất khoảng 28 tỷ đô-la Hong Kong (khoảng 3,6 tỷ USD). Cổ phiếu của SMIC được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải giảm khoảng 11%, đóng cửa ở mức 58,8 nhân dân tệ/cổ phiếu (8,61 USD).

Vào ngày 4/9, Reuters đưa tin rằng Lầu Năm Góc có thể đưa công ty SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corp.) vào danh sách đen để ngăn các công ty Mỹ kinh doanh với nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc này trừ khi họ có được giấy phép đặc biệt do chính phủ Hoa Kỳ cấp.

Ngày 5/9, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sue Gough nói với tờ Washington Post rằng, các hành động chống lại SMIC đang được xem xét.

“Một hành động như vậy sẽ đảm bảo rằng tất cả các mặt hàng xuất khẩu sang SMIC sẽ được đánh giá toàn diện hơn”, ông Gough nói.

Hiện nay, chip bán dẫn được sử dụng trong nhiều thứ, từ máy tính, điện thoại di động đến tên lửa và máy bay chiến đấu. Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào công nghệ sản xuất chip nước ngoài trong dây chuyền sản xuất của mình. Nhưng Bắc Kinh đặt mục tiêu sản xuất nội địa 70% nhu cầu chip bán dẫn vào năm 2025, theo chính sách công nghiệp “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”.

Nếu lệnh cấm đối với SMIC trở thành sự thật, thì tham vọng công nghệ của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng.

Tại một cuộc họp báo hàng ngày vào ngày 7/9, khi được hỏi về lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với SMIC, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã cáo buộc Hoa Kỳ “lạm dụng quyền lực” để áp đặt các hạn chế đối với các công ty Trung Quốc.

Một ngày trước đó, tờ Thời báo Hoàn cầu thuộc nhà nước Trung Quốc, trích dẫn lời của một nhà phân tích viễn thông Trung Quốc, cho biết, lệnh cấm này sẽ “giáng một số cú đấm vào công ty [SMIC] cũng như ngành bán dẫn của Trung Quốc”.

Lệnh cấm xuất khẩu này sẽ ảnh hưởng đến việc liệu SMIC có thể mua thiết bị sản xuất chip quan trọng từ các công ty Hoa Kỳ như Applied Materials, Lam Research, và KLA hay không. Lệnh cấm cũng có thể ảnh hưởng đến ông trùm công nghệ Trung Quốc Huawei, một trong những khách hàng của SMIC.

TSMC có trụ sở tại Đài Loan là nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu thế giới, cho biết, họ sẽ ngừng bán chip cho Huawei sau ngày 14/9, tuân theo các hạn chế của Hoa Kỳ được công bố vào tháng Năm về việc ngăn chặn Huawei mua chip từ các công ty toàn cầu được sản xuất bằng công nghệ của Hoa Kỳ.

SMIC là một xưởng đúc chip bán dẫn có trụ sở chính tại Thượng Hải, được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. Trang web chính thức của công ty này đăng tải thông tin về 2 trong số các cổ đông lớn nhất của SMIC tính đến tháng 4/2018 là Datang Telecom Technology do nhà nước điều hành, với khoảng 16% cổ phần; và Quỹ đầu tư công nghiệp vi mạch tích hợp do nhà nước hậu thuẫn, với khoảng 15% cổ phần.

Bắc Kinh đã thành lập quỹ đầu tư vào năm 2014 để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của mình. Một báo cáo năm 2018 của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, trích dẫn thông tin từ trang web riêng của SMIC, cho thấy, công ty đã nhận được 400 triệu đô-la từ quỹ vào năm 2015.

SMIC đi sau TSMC về mặt công nghệ đến vài thế hệ và có thị phần nhỏ.

SMIC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ 5 trên thế giới, với thị phần gần 5% tính đến quý 2 năm nay, thấp hơn nhiều so với thị phần của TSMC là 54%, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Topology Research Institute có trụ sở tại Đài Loan.

Nếu SMIC bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen, khoảng cách về công nghệ của TSMC trước SMIC sẽ mở rộng hơn nữa, hãng thông tấn Trung ương Đài Loan đưa tin, trích dẫn lời của một nhà phân tích địa phương.

Bất kỳ lệnh cấm xuất khẩu nào chống lại SMIC sẽ có lợi cho cả TSMC và nhà sản xuất chip Hàn Quốc Samsung Electronics, Doh Hyun-woo, nhà phân tích của công ty chứng khoán NH Investment & Securities của Hàn Quốc viết trong một bài báo đăng ngày 7/9 trên cổng thông tin Business Korea.

Nhà phân tích chứng khoán Doh nói rằng lệnh cấm sẽ khiến SMIC “gần như không thể” có được thiết bị từ các công ty thiết bị bán dẫn của Hoa Kỳ. Về dài hạn, các công ty bán dẫn Trung Quốc, bao gồm cả SMIC, có thể sẽ phải đối mặt với sự tụt hậu về công nghệ sản xuất chip tiên tiến.

Trong khi đó, TSMC của Đài Loan đang thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ; vào tháng Năm, công ty này đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 12 tỷ đô-la ở Arizona.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cổ phiếu nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC giảm mạnh sau thông tin Mỹ xem xét cấm