Công nhân các hãng lớn từ Boeing đến Mercedes phản đối lệnh tiêm vaccine của Tổng thống Biden

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một quan chức của Liên hiệp Thợ máy cho biết, tại Wichita, Kansas, gần một nửa trong số khoảng 10.000 nhân viên tại các hãng sản xuất máy bay Textron Inc (TXT.N) và Spirit AeroSystems (SPR.N) vẫn chưa tiêm chủng COVID-19, có nguy cơ bị mất việc làm.

Cornell Beard, người đứng đầu Liên hiệp Thợ máy địa phương cho biết: “Chúng tôi sẽ mất rất nhiều nhân viên vì chuyện này". Ông nói, nhiều công nhân không phản đối những loại vaccine như vậy, nhưng kiên quyết phản đối những gì họ cho là chính phủ can thiệp vào các quyết định sức khỏe cá nhân.

Liên hiệp đã thuê một luật sư từ Texas để hỗ trợ nhân viên và chuẩn bị các vụ kiện tiềm năng chống lại các công ty nếu các yêu cầu miễn trừ tiêm chủng liên quan đến tình trạng sức khỏe hoặc tôn giáo bị từ chối.

Ông Beard nói rằng, tuy là một thành viên Đảng Dân chủ có thâm niên, bản thân ông sẽ không bỏ phiếu cho đảng này nữa. "Họ sẽ không bao giờ nhận được một phiếu bầu nào khác từ tôi và tôi đang nói điều tương tự với những công nhân ở đây".

Theo lệnh hành pháp của Tổng thống Dân chủ Joe Biden, nếu các công ty muốn tiếp tục giành được các hợp đồng liên bang, họ phải đạt mức tiêm phòng COVID-19 đầy đủ đối với tất cả nhân viên trước ngày 8/12.

Theo đó, các nhân viên hợp đồng liên bang cần phải nhận được mũi tiêm COVID-19 cuối cùng của họ ít nhất hai tuần trước thời hạn để được bảo vệ tối đa.

Với khoảng cách ba tuần giữa các mũi tiêm vắc-xin Pfizer (PFE.N) / BioNTech, công nhân phải tiêm mũi đầu tiên vào thứ Tư ngày 3/11. Nếu chính phủ nghiêm khắc thực hiện thời hạn này, thì đã quá muộn để lựa chọn vaccine của Moderna (MRNA.O), được tiêm hai liều cách nhau bốn tuần. Người lao động có thể chọn tiêm vaccine một mũi của Johnson & Johnson (JNJ.N) cho đến ngày 24 tháng 11 để kịp thời hạn.

Một số nhà tuyển dụng lớn như Procter & Gamble (PG.N), 3M (MMM.N) và các hãng hàng không bao gồm American Airlines (AAL.O) và JetBlue (JBLU.O) đã áp đặt chính sách này. Trong một số ngành công nghiệp, bao gồm cả ngành thực phẩm, các công đoàn đều ủng hộ và hỗ trợ các yêu cầu tiêm vaccine.

Nhưng sự bắt buộc này đã làm dấy lên làn sóng phản đối của công nhân trong các ngành công nghiệp trên khắp đất nước, cũng như từ các quan chức nhà nước thuộc Đảng Cộng hòa.

Các nhà lãnh đạo công đoàn, công nhân và giám đốc điều hành công ty cho biết việc phản đối lệnh này có thể dẫn đến việc hàng nghìn công nhân Mỹ mất việc làm và đẩy nền kinh tế vốn đang bị đình trệ vào tình thế nguy hiểm hơn.

Đối với các công ty, thời gian đang ngày càng eo hẹp, mặc dù chính quyền Biden đã báo hiệu các nhà thầu liên bang sẽ không phải sa thải ngay lập tức những công nhân chưa được tiêm phòng lỡ thời hạn vào ngày 8/12.

Theo hướng dẫn của chính phủ được công bố vào thứ Hai ngày 1/11, các công ty có thể linh hoạt trong nhiệm vụ tiêm vaccine. Điều này có thể cho phép họ tránh được các vụ kiện hàng loạt.

“Một nhà thầu được bảo hiểm nên xác định các biện pháp thực thi thích hợp đối với nhân viên của mình,” hướng dẫn cho biết.

Hơn 7.000 công nhân hãng Boeing Co (BA.N) ở Hoa Kỳ đã nộp đơn xin miễn trừ vì lý do tôn giáo và khoảng 1.000 người đang xin miễn trừ vì lý do tình trạng sức khỏe. Con số này chiếm khoảng 6% trong số khoảng 125.000 nhân viên Hoa Kỳ của hãng sản xuất máy bay này.

Quy định bắt buộc tiêm vaccine là 'bất hợp pháp, trái đạo đức và phi thực tế'

Tuần trước, trong một cuộc biểu tình diễn ra dưới trời mưa bên ngoài nhà máy Boeing ở Auburn, phía Nam Seattle, hơn ba chục công nhân cho biết, họ thà bị hộ tống ra khỏi nhà máy Boeing vào ngày 8 /12 hơn là đi tiêm vaccine. Những người khác cho biết họ sẽ đâm đơn xin nghỉ hưu sớm.

Một nhà phân tích chương trình kỳ cựu của Boeing, người tham dự cuộc biểu tình mô tả nhiệm vụ tiêm vaccine là bất hợp pháp, trái đạo đức và không thực tế. Ông nói, "Chúng tôi đang cùng nhau chống lại công ty và chính phủ đã chà đạp lên quyền lợi của chúng tôi".

Nhiều chuyên gia pháp lý đã nói rằng chính sách bắt buộc tiêm vaccine là vì lợi ích của sức khỏe cộng đồng và là hợp pháp. Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã từ chối một số thách thức đối với lệnh này. Đơn kiện của một nhân viên y tế tìm kiếm sự miễn trừ tôn giáo đối với lệnh tiêm vaccine COVID-19 đã không được chấp nhận.

Cuộc biểu tình khiến các giám đốc điều hành của Boeing rơi vào tình thế khó xử. Công ty có thể mất nhân viên lành nghề, nhưng mặt khác phải tuân thủ mệnh lệnh của Tổng thống. Người phát ngôn của Boeing cho biết, hãng cam kết duy trì môi trường làm việc an toàn cho nhân viên.

Quy định về miễn trừ tôn giáo và y tế của lệnh tiêm vaccine đang khiến tình hình căng thẳng hơn. Các yêu cầu miễn tiêm chủng của nhân viên có khả năng dẫn đến nhiều xung đột pháp lý hơn.

Hai công nhân của Textron yêu cầu được miễn trừ tôn giáo nói với Reuters rằng, đại diện nhân sự của công ty đã hỏi họ về tên của những người lãnh đạo nhà thờ của họ và hỏi những câu hỏi chi tiết về đức tin của họ.

Textron từ chối trả lời các câu hỏi của báo giới, nhưng trong một tuyên bố cho biết họ có nghĩa vụ phải tuân theo lệnh của Tổng thống Biden và đang làm như vậy.

Textron nói: “Những nhân viên không thể tiêm vaccine COVID-19 do tình trạng sức khỏe hoặc có niềm tin tôn giáo đang được tạo cơ hội để thuyên chuyển công việc.

Giám đốc điều hành của Raytheon Technologies (RTX.N), Greg Hayes tuần trước cảnh báo lệnh tiêm vaccine của Tổng thống sẽ khiến công ty quốc phòng Mỹ mất "vài nghìn" nhân viên.

Một nhóm đại diện cho các hãng chuyển phát nhanh FedEx Corp (FDX.N), United Parcel Service Inc (UPS.N) và các hãng vận chuyển hàng hóa khác cho biết, họ hầu như sẽ không thể tiêm phòng tất cả nhân viên của họ trước thời hạn.

Hãng Mercedes-Benz USA, đơn vị của nhà sản xuất ô tô Đức Daimler AG (DAIGn.DE) ở Mỹ, không phải là nhà thầu của chính phủ Hoa Kỳ, đã nói với nhân viên trong một email tháng 10 rằng, bằng chứng tiêm chủng COVID-19 sẽ trở thành điều kiện tuyển dụng tiên quyết bắt đầu từ ngày 4/1.

Trong một tuyên bố, Mercedes USA cho biết, họ đã thông báo cho nhân viên trước 90 ngày để thực hiện yêu cầu vaccine. Cho đến nay, 2/3 nhân viên Hoa Kỳ của hãng - không bao gồm công nhân nhà máy ở Alabama - đã tiêm phòng.

“Chúng tôi hy vọng rằng đại đa số nhân viên của chúng tôi sẽ tiêm phòng trước thời hạn”, công ty cho biết.

Nhà sản xuất ô tô đã thực hiện động thái này do họ dự đoán về một quy định vaccine riêng của chính phủ Hoa Kỳ sẽ áp đặt lên các doanh nghiệp lớn hơn 100 nhân viên. Quy định này vốn ảnh hưởng đến khoảng 80 triệu công nhân trên toàn quốc.

Nguyên Hương

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Công nhân các hãng lớn từ Boeing đến Mercedes phản đối lệnh tiêm vaccine của Tổng thống Biden