Cuộc chiến của giới tinh hoa phương Tây hay một cuộc nội chiến?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu xem xét cuộc xung đột Nga-Ukraine ở một cấp độ cao hơn, thì đó cũng chính là xung đột giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc. Đó có thể là chiến tranh nóng hoặc chiến tranh lạnh. Sự cạnh tranh có thể thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp (chiến tranh ủy nhiệm). Không những thế, nó còn liên đới đến các xung đột kinh tế, chính trị, ý thức hệ và văn hóa. Vậy, hệ luỵ của nó là gì, và nạn nhân của nó là ai?

Phương Tây đang bị tấn công cả trong và ngoài nước.

Ở một khía cạnh khác, chủ đề của cuốn sách mới của tác giả Douglas Murray, "The War on the West" (Cuộc chiến ở phương Tây), cho rằng đây là cuộc chiến tranh nội bộ chứ không chỉ do tác động của giới tinh hoa “thức tỉnh” hay chủ nghĩa cấp tiến. Cuộc chiến này tấn công vào tất cả các phương diện của chúng ta, từ lịch sử đến văn hóa, tất cả các tổ chức, từ giáo dục, kinh doanh cho đến truyền thông, và "xoá sổ" những người bất đồng chính kiến.

Một tuyên bố gần đây của các nhà lãnh đạo phe bảo thủ nổi tiếng tóm tắt chương trình "thức tỉnh", hay còn gọi là chương trình chống chủ nghĩa bào chữa phương Tây, sự biện hộ và suy sụp tinh thần. Nó bắt đầu như sau:

“Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự thiếu tự tin về quốc gia ngày càng tăng".

“Hoa Kỳ đang bị tấn công. Lịch sử của chúng ta là đề tài của một cuộc phê bình theo chủ nghĩa xét lại một cách toàn diện và không khoan nhượng. Những anh hùng trong lịch sử của chúng ta đang đối mặt với nguy cơ biến mất khỏi đền thờ quốc gia. Các tổ chức của chúng ta, từ bầu cử, từ thị trường việc làm cho đến cơ quan thực thi pháp luật, luôn bị cáo buộc tồn tại một hệ thống phân biệt chủng tộc không thể xóa sổ. Hệ thống giáo dục của chúng ta, từ mẫu giáo đến cao học, ngày càng giống một diễn đàn phục vụ cho mục đích tuyên truyền thô kệch. Hệ thống chính phủ của chúng ta bị cho là cổ hủ, không công bằng và có thành kiến ​​về chủng tộc. Các giá trị truyền thống của chúng ta về tính công bằng, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo bị chà đạp bởi những hệ tư tưởng quyết tâm đàn áp ý chí của người dân bằng vũ lực và gieo rắc nỗi sợ hãi”.

So sánh với điều gì?

Bà Susan Sontag (1933–2004), một nhà văn và nhà hoạt động nhân quyền, cho rằng “chủng tộc da trắng là căn bệnh ung thư của lịch sử”. Vào thời điểm năm 1967, cũng là cao trào của một cuộc chiến tranh không được ủng hộ ở Việt Nam, nhận xét của bà Sontag đã bộc lộ một kiểu tự chế giễu bản thân có sức hấp dẫn hạn chế đối với giới tinh hoa và thậm chí còn ít hơn nữa đối với những người dân lao động. Bà Camille Paglia - là một nhà phê bình nghiêm khắc - lúc đầu rất ngưỡng mộ bà Sontag, tuy nhiên về sau đã nhận định rằng, bà ấy (Sontag) “đã đánh đồng với một kiểu tư duy nông cạn".

Cuộc chinh phạt phương Tây hiện nay có quy mô và tầm vóc đáng kể. Quý vị có thể chứng kiến các tác phẩm hủy diệt văn hóa ở khắp mọi nơi, trên các chương trình truyền hình, trong các quảng cáo, tại các sự kiện thể thao, trong việc giáo dục con cái của chúng ta, cũng như trong các phòng họp của quân đội và các doanh nghiệp.

Ông Murray mô tả, đây là cuộc chiến của giới tinh hoa ở phương Tây về văn hóa, lịch sử và văn minh. Được áp đặt từ trên xuống dưới một cách có hệ thống, trong các thể chế tinh hoa, cuộc chiến đã thức tỉnh phương Tây này được so sánh với một tôn giáo nhiệt thành nhưng không khoan nhượng và không có bất đồng quan điểm.

Một khía cạnh đặc biệt của cuộc chiến này là cách nó đối xử với phương Tây như một kẻ tàn ác nhất. Và các quốc gia, các dân tộc khác trở thành là những nạn nhân thụ động của nó. Các tệ nạn phát sinh được giải thích là nhằm ứng phó với các hành động của phương Tây hoặc được bào chữa là bởi vì mọi thứ ở phương Tây đang ngày một tồi tệ hại.

Phản ứng kỳ lạ của người dân châu Âu đặt nặng sự tham gia của phương Tây vào chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ. Nó bỏ qua quy mô của thương mại Ả Rập ở châu Phi, cũng như buôn bán và vận chuyển nô lệ về phía đông chứ không phải phía tây.

Chế độ nô lệ chắc chắn là một thể chế khủng khiếp và vô nhân đạo. Nhưng nó đã và đang tồn tại trên khắp thế giới cho đến ngày nay. Hơn 40 triệu nô lệ trên toàn thế giới, chủ yếu ở châu Phi và châu Á. Không có cách nào biện minh về mọi hình thức nô lệ ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào.

Ít nhất thì chế độ nô lệ không phải là đặc biệt đối với phương Tây hay chủ nghĩa tư bản. Cũng không phải là nạn diệt chủng, trại tập trung, nghèo đói, bệnh tật, phân biệt chủng tộc, đàn áp tôn giáo, đàn áp tự do ngôn luận, chiến tranh, hoặc bạo lực dưới mọi hình thức. Chúng ta đang bóp méo lịch sử của chính mình cũng như mối quan hệ của chúng ta với các quốc gia và nền văn hóa khác nếu chúng ta không sớm nhận ra điều này.

Một món quà cho đối thủ của chúng ta

Sự ngờ vực và tự trách bản thân trong cuộc chiến nội bộ của phương Tây này là một món quà cho những đối thủ của chúng ta. Trong sự cạnh tranh giữa phương Tây dân chủ và các chế độ độc tài hoặc toàn trị như Trung Quốc và Nga, phương Tây bị chính các nhà lãnh đạo của mình lên án.

Sự lên án của phương Tây đối với vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc hay cuộc chiến tàn bạo của Nga chống lại Ukraine bị gạt sang một bên và bị coi là đạo đức giả (Quý vị là ai mà có quyền lên tiếng?) Hay nạn phân biệt chủng tộc cũng vậy. Ngay cả những câu hỏi 'nhẹ nhàng' nhất về sự ngược đãi của đối thủ cũng bị ném lại về phía chúng ta.

Ông Murray đã đưa ra vài ví dụ gần đây về chiến lược tự làm xấu mặt bản thân này của Mỹ trên trường quốc tế và phản ứng của quốc tế đối với nó.

Đại sứ Mỹ hiện tại tại Liên Hiệp Quốc, Linda Thomas-Greenfield, có một cách tiếp cận độc đáo về công việc của mình. Không giống như các đại sứ của các quốc gia khác, bà ấy không hề tự hào về đất nước bà đang đại diện. Bà nhấn mạnh “nguyên tội” của chế độ nô lệ, “quyền tối cao của người da trắng” và nhu cầu “khiêm tốn” trong việc giải quyết các vấn đề công bằng và công lý ở quy mô toàn cầu.

Như ông ông Murray đã nói, "Không rõ là các đối thủ của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc có chia sẻ bất kỳ quan điểm chiến lược hay đạo đức nào của Đại sứ Thomas-Greenfield hay không". Vào cuối bài phát biểu của mình tại Liên Hiệp Quốc, bà đã tạm dừng lời tuyên bố phân biệt chủng tộc của người Mỹ trong một thời gian ngắn để thừa nhận sự áp bức của người Rohingya ở Myanmar và tội ác diệt chủng mà chế độ Trung Quốc gây ra đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Đại sứ Trung Quốc, Dai Bing không những không thấy xấu hổ hay hối hận, mà còn đáp trả bằng sự hiếu chiến. Như ông Murray mô tả về nó:

“Có một trường hợp ngoại lệ", Đại sứ Dai Bing nói, người đồng cấp Mỹ của ông đã thực sự “thừa nhận hồ sơ nhân quyền đáng kinh ngạc của đất nước bà ấy”. Và vì vậy, ông nói, "chính điều đó đã không cho đất nước của bà ấy quyền để 'dạy dỗ' các quốc gia khác cần phải làm gì".

Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, đã vấp phải phản ứng gay gắt hơn 18 phút đến từ người đồng cấp Trung Quốc tại cuộc đàm phán Mỹ - Trung ở Alaska vào tháng 5/202. Bởi vì ông Blinken dám đề cập đến "mối quan ngại sâu sắc" của mình đối với các hành động của Trung Quốc. Người đồng cấp Trung Quốc sau đó nói rằng, Hoa Kỳ có những vấn đề sâu xa liên quan đến nhân quyền, nhưng nó không giống như Trung Quốc, nước này không đạt được bước tiến để giải quyết các vấn đề đó. Hoa Kỳ nên tự quản các vấn đề nội bộ của riêng đất nước mình và tránh xa “các vấn đề nội bộ” của Trung Quốc.

Tất nhiên, Nga cũng có quan điểm tương tự, coi cuộc chiến của họ ở Ukraine như một vấn đề nội bộ và khiến người dân Nga phản đối những chỉ trích đến từ nội bộ phương Tây. Việc đi chệch hướng và chuyển hướng như vậy, có lẽ là phản ứng của một quan chức Nga cho rằng cuộc chiến của ông Putin — và đặc biệt là tuyên truyền của chính phủ, kiểm soát tin tức và trấn áp bất đồng chính kiến ​​— gợi nhớ đến cuốn tiểu thuyết loạn luân “1984” của Orwell (xuất bản năm 1949). Câu nói nổi tiếng nhất của nó là, “Chiến tranh là hòa bình. Tự do là chế độ nô lệ. Ngu dốt là sức mạnh”. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga nhận định, cuốn tiểu thuyết của Orwell không phải nói về Liên Xô (như mọi người nghĩ), mà nó thực sự phê phán vào chủ nghĩa tự do của phương Tây.

Đối mặt với thực tế, Đối mặt với thế giới

Đồng tác giả quá cố của tôi, Michael Novak, người từng là đại sứ nhân quyền Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, từng nói đùa rằng ông nổi tiếng với sự khiêm nhường. Đối với ông, đó là một trò đùa, không phải là một cách tiếp cận nghiêm túc trong ngoại giao. Ông luôn khuyến khích nước Nga theo hướng tôn trọng các quyền cơ bản của con người, nhưng không phải bằng cách khiêm nhường thiếu khôn ngoan giống như Uriah Heep, nhân vật Dickens trong cuốn tiểu thuyết thế kỷ 19 “David Copperfield”.

Không có xã hội nào mà lịch sử của nó không nhuốm máu hay áp bức với nhu cầu tìm hiểu và sữa chữa những sai lầm và tệ nạn mà nó đã tạo ra.

Nhưng cũng không có xã hội nào có thể phát triển bền vững hay tự vệ trước những kẻ xâm lược nếu nó không chú trọng giáo dục cho mầm non tương lai của đất nước về việc phát triển bản thân, tìm hiểu lịch sử, văn hóa và nuôi dưỡng đức tin của họ.

Học cách tự xem thường bản thân giống như tôn giáo giả mang bản sắc chính trị. Nó không những không mang lại ích lợi gì mà còn cung cấp một thứ vũ khí mạnh mẽ nhất cho kẻ thù của chúng ta.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả bài viết là ông Paul Adams - giáo sư danh dự về công tác xã hội tại Đại học Hawai‘i, đồng thời là giáo sư và phó trưởng khoa về các vấn đề học thuật tại Đại học Case Western Reserve. Ông là đồng tác giả của cuốn sách "Công bằng xã hội không phải như bạn nghĩ" (Social Justice Isn’t What You Think It Is), và đã viết nhiều về chính sách phúc lợi xã hội cũng như đạo đức nghề nghiệp và phẩm chất.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc chiến của giới tinh hoa phương Tây hay một cuộc nội chiến?