Cuộc chiến “tự quyết với cơ thể mình” ở Mỹ: từ quyền không tiêm vaccine tới quyền tự quyết giết thai nhi của người mẹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo tin từ Foxnews, Chỉ huy Lucian Kins của khu trục hạm, thuộc lực lượng Hải quân Mỹ đã bị miễn nhiệm vì không tiêm vaccine. Được biết, vị chỉ huy này đã đã nộp đơn xin miễn tiêm vaccine vì lý do tôn giáo; đơn của ông bị từ chối. Cuộc chiến của người Mỹ về quyền tự quyết định với cơ thể mình, từ tiêm vaccine tới nạo phá thai đang ngày một gay gắt.

Một sĩ quan chỉ huy cấp cao (đứng thứ hai) của tàu khu trục USS Winston S. Churchill, thuộc Hải quân Hoa Kỳ đã bị miễn nhiệm vào tối thứ Sáu vì từ chối tiêm vaccine phòng chống COVID-19. Chính sách bắt buộc tiêm vaccine Covid-19 được áp dụng cho quân đội Mỹ. Tuy nhiên, theo quy định, tiêm vaccine bắt buộc có thể được xem xét với trường hợp từ chối tiêm vì niềm tin tôn giáo.

Chỉ huy cấp cao Hải quân Mỹ bị miễn nhiệm vì không chịu tiêm vaccine

Phát biểu với phóng viên an ninh quốc gia của Fox News, Jennifer Griffin, một quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ, người nắm rõ tình hình, cho biết chỉ huy Lucian Kins, sĩ quan chỉ huy số hai của tàu Hải quân lớp Arleigh Burke, đã từ chối tiêm chủng hoặc thực hiện xét nghiệm hàng tuần.

Các nguồn tin nói với Fox News rằng sĩ quan Kins đã nộp đơn xin miễn trừ tôn giáo. Tuy nhiên, Hải quân từ chối xem xét lý do này. Chỉ huy Kins sau đó đã kháng cáo quyết định đó.

ANNUALEX, tập trận thường niên, hải quân Mỹ, tập trận ở biển Philippines, tập trận mỹ nhật
Các tàu khu trục của Nhật, Úc và Mỹ xuất kích trong Cuộc tập trận thường niên (ANNUALEX) hôm 21/11/2021 ở Biển Philippines. (U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist Seaman Apprentice Isaiah B. Goessl)

Trong một tuyên bố gửi cho Fox News, ông Jason S. Fischer, người phát ngôn của Hải quân, tuyên bố rằng chỉ huy Kins bị miễn nhiệm "do mất niềm tin" vào khả năng thực hiện nhiệm vụ của mình.

"Vào ngày 10 tháng 12 năm 2021, Tư lệnh Hải đội Mặt nước 14, Đại úy Ken Anderson, đã cách chức chỉ huy Lucian Kins; miễn nhiệm ông khỏi vị trí sĩ quan điều hành của USS Winston S. Churchill (DDG 81) do mất niềm tin vào khả năng thực thi nhiệm vụ của Kins", ông Fischer nói.

Trước quyết định của các quan chức Hải quân, chỉ huy Kins đang trên đường trở thành chỉ huy thứ nhất tàu khu trục trong vòng một năm rưỡi tới.

Con tàu hiện đang trong thời gian bảo dưỡng theo lịch trình 14 tháng và đóng quân tại Mayport, Fla.

Cuộc chiến chống lại vaccine gay gắt trong lòng nước Mỹ

Một bộ phận không nhỏ người Mỹ đang quyết liệt phản đối chính sách bắt buộc tiêm vaccine; họ thậm chí không chấp nhận tiêm vaccine. Những người Mỹ này tin rằng vaccine không phải là giải pháp y tế tốt nhất chống lại Covid-19. Ngoài ra, lệnh tiêm vaccine bắt buộc cũng được xem là vi hiến; xâm phạm quyền tự do thân thể của họ.

Gần đây, các chính sách bắt buộc tiêm vaccine của Nhà Trắng với khu vực kinh tế tư nhân; chính sách sa thải nhân viên y tế đã bị tòa án cấp liên bang chặn lại. Ngày càng có nhiều tiểu bang, chủ yếu tiểu bang của đảng Cộng hoà và các nghị sĩ đảng Cộng hòa, đệ đơn chống lại chính sách này của Nhà Trắng.

Gần đây nhất, 150 nghị sĩ (ở cả Hạ Viện và Thượng viện) đã phản đối chính sách sa thải nhân viên y tế vì không tiêm vaccine. Động thái này ủng hộ đơn khiếu nại của Trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid (CMS). CMS tin rằng họ sẽ thiếu trầm trọng nhân viên chăm sóc y tế nếu áp dụng chính sách này.

Điều này cho thấy, một bộ phận lớn nhân viên ngành y tế của Mỹ, những người được cho là có chuyên môn sâu sắc với dược phẩm và vaccine đã không tin tưởng vào hiệu quả của vaccine trong đại dịch.

Cuộc chiến pháp lý về chính sách buộc tiêm vaccine ở Mỹ đang diễn ra ngày một gay gắt; có xu hướng leo thang mạnh mẽ trong thời gian gần đây khi thông tin trái chiều về vaccine ngày một nhiều hơn. Mặt khác, việc kháng thể tạo bởi vaccine giảm nhanh theo thời gian. Thêm vào đó, việc kêu gọi tiêm mũi bổ sung và thay đổi khái niệm ‘tiêm đủ liều’ đã làm dấy lên cuộc tranh luận về vấn đề này.

Dù vậy, những người đang bảo vệ cho quyền được tự quyết về tiêm vaccine hay không với cơ thể mình không nhận được sự ủng hộ của chính quyền, truyền thông dòng chính.

Cuộc chiến đòi tự do nạo phá thai cũng gay gắt không kém

Đáng ngạc nhiên là một cuộc chiến khác về bảo vệ quyền tự quyết, không chỉ với cơ thể của phụ nữ, mà là tự quyết với sinh mạng của chính con họ, lại đang nhận được sự ủng hộ hết mình của Nhà trắng và truyền thông dòng chính. Đó chính là phong trào đòi quyền được tự do nạo phá thai.

Trong hàng thập kỷ, nước Mỹ không chỉ cho phép phụ nữ thoải mái nạo phá thai; dù là thủ thuật nạo phá thai trong những ngày cuối cùng của thai kỳ. Điều này có nghĩa, đứa trẻ còn sống, miễn là trong bụng mẹ, thì người mẹ có quyền quyết định ‘giết’ chết em bé. Phương pháp nạo phá thai khi thai nhi đã có tim thai thường rất tàn khốc với các thai nhi; những sinh mệnh sống độc lập.

Không chỉ cho phép nạo phá thai dưới danh nghĩa quyền lợi và sự nghiệp của người mẹ, nước Mỹ còn có chương trình bảo hiểm y tế nhà nước chi trả cho các ca nạo phá thai này. Chương trình này được đặt tên “kế hoạch làm bố mẹ” (Plan Parenthood); một dạng như kế hoạch hoá gia đình mà chúng ta quen thuộc.

Theo một báo cáo gần đây, Heritage Foundation (Quỹ Di sản Mỹ) đã phân tích dữ liệu tài chính và y tế trong nhiều năm của Planned Parenthood, theo đó cho thấy tổ chức này là một doanh nghiệp tỷ đô kiếm lời từ phá thai - với thị phần càng ngày càng tăng trong tổng số ca phá thai hàng năm ở Hoa Kỳ.

Trong khi đó, các lĩnh vực khác của Planned Parenthood, bao gồm dịch vụ trước khi sinh, khám sàng lọc ung thư và hỗ trợ khách hàng tránh thai, đã giảm đáng kể. Tổ chức này đang cung cấp ít hơn ⅓ dịch vụ phòng ngừa và tầm soát ung thư so với báo cáo cách đây hai thập kỷ.

Phá thai là ưu tiên của Planned Parenthood. Theo hồ sơ tòa án trên khắp nước Mỹ đang tiết lộ, ngành công nghiệp phá thai sẽ không dừng lại do COVID-19. Bất chấp sự thiếu hụt nghiêm trọng của các thiết bị bảo hộ và nguồn lực bệnh viện khi phải đối phó với đại dịch, Planned Parenthood sẽ vẫn tiếp tục việc phá thai. Đại dịch có thể khiến cả thế giới dừng lại - ngoại trừ Planned Parenthood.

Hơn một chục luật sư ủng hộ việc phá thai cũng đã yêu cầu Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) loại bỏ các quy định hạn chế việc tiếp cận và sử dụng thuốc phá thai. Theo họ, điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của phụ nữ?

Tuy nhiên, thực tế thì hoàn toàn trái ngược. Việc yêu cầu cung cấp thuốc phá thai mà không có sự giám sát của chuyên gia y tế là vô trách nhiệm, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch bùng phát. Những rủi ro sức khỏe của những loại thuốc này đều đã được ghi rõ và có nhiều nghiên cứu chỉ ra.

Việc nạo phá thai thường xuyên của phụ nữ cũng có thể khiến sức sống bị tổn hại nghiêm trọng
Việc nạo phá thai thường xuyên của phụ nữ cũng có thể khiến sức sống bị tổn hại nghiêm trọng. (Wikimedia Commons)

Nhưng những người ủng hộ phá thai thì lại nhấn mạnh rằng “phá thai là chăm sóc sức khỏe”. Họ nói rằng nó không khác gì bất kỳ thủ tục y tế nào khác; từ các tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn cho các phòng khám phá thai, cho đến việc hoãn các thủ tục tự chọn trong thời kỳ đại dịch.

Ngành công nghiệp phá thai muốn có sự đối xử và miễn trừ đặc biệt mà những người hành nghề khác phải tuân thủ. Không có gì đáng ngạc nhiên, ngành công nghiệp phá thai một lần nữa lại rơi vào một điệp khúc cũ: các quy tắc dành cho bạn, nhưng không phải cho tôi.

Bất chấp nhiều sự phản đối, nhưng một số tiểu bang như Washington và Massachusetts đã tuyên bố phá thai là một dịch vụ thiết yếu.

Nhưng Texas đã thổi bùng lên cuộc tranh luận gay gắt về quyền tự quyết, không phải với cơ thể mình, mà với mạng sống của thai nhi. Tiểu bang này không cho phép các bác sĩ làm thủ thuật phá thai với các thai nhi có tim thai; một bằng chứng về sự sống của con người đã hình thành.

Điều luật này đã truyền cảm hứng cho những người còn duy trì niềm tin tôn giáo ở Mỹ cũng như nhiều tiểu bang bảo thủ khác. Một số chuẩn bị ban hành các điều luật tương tự.

Tuy nhiên, quyết định này cũng bị phản đối mạnh mẽ của những người theo tư tưởng tự do. Các cuộc biểu tình rầm rộ đòi được thoải mái nạo phá thai diễn ra khắp nước Mỹ. Các cuộc biểu tình này nhận được sự ủng hộ công khai của Nhà Trắng và truyền thông dòng chính.

Cũng theo Foxnews đưa tin, thứ Sáu (ngày 10/12/2021) Tối cao Pháp viện của Mỹ đã chấp nhận đơn kiện và xem xét tính pháp lý của luật cấm phá thai ở Texas.

Chưa biết quyết định cuối cùng của Tối cao Pháp viện sẽ ra sao. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Mỹ cho thấy cùng là lo ngại ảnh hưởng tới sinh mệnh (chết vì covid-19 hay cái chết của thai nhi), cùng là quyền tự quyết với cơ thể mình nhưng lựa chọn không tiêm vaccine bị trả giá đắt hơn nhiều. Ví dụ điển hình như câu chuyện của vị sĩ quan chỉ huy cấp cao ở trên. Trong khi chính quyền liên bang, truyền thông dòng chính lại hết sức cổ vũ và cảm thông với các bà mẹ quyết định giết thai nhi khỏe mạnh; họ không thể chấp nhận quyền tự quyết trong lựa chọn tiêm hay không tiêm vaccine chống Covid-19.

Thanh Đoàn

(Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của cá nhân, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN).

 



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc chiến “tự quyết với cơ thể mình” ở Mỹ: từ quyền không tiêm vaccine tới quyền tự quyết giết thai nhi của người mẹ