"Cuộc điều tra" kéo dài 8 tháng về The Epoch Times của New York Times: Sự thật ít, thiên kiến nhiều

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 24/10, tờ New York Times đăng một bài viết của Kevin Roose, một cây bút của chuyên mục công nghệ về The Epoch Times. Bài viết đã được đăng trên trang nhất của ấn bản Chủ nhật của NY Times đề ngày 25/10.

Kevin Roose đã mất tám tháng để viết bài báo này về The Epoch Times. Tuy nhiên, kết quả thật đáng thất vọng. Thay vì cố gắng phác họa một cách công bằng về The Epoch Times như một hãng truyền thông mới nổi, Roose lại sử dụng các dữ liệu sai thực tế, ám chỉ bóng gió và xuyên tạc nhằm bôi nhọ hãng truyền thông đối thủ.

Hơn nữa, các bình luận trên mạng xã hội trước đây của Roose và Ben Smith, một cây viết của chuyên mục truyền thông của NY Times (người đã đóng góp cho bài viết của Roose) về The Epoch Times, trong đó họ dường như thảo luận về nỗ lực tập thể chống lại The Epoch Times, đã làm dấy lên câu hỏi về mục đích đứng đằng sau bài báo này (xem phần “Thiên kiến ​​Cá nhân” bên dưới).

Trọng tâm của bài báo là sự bất bình đầy rõ ràng của NY Times trước thực tế là The Epoch Times đã trở thành — theo cách nói của NY Times— “một trong những kênh truyền thông kỹ thuật số mạnh nhất của đất nước”. Lẽ ra, Roose có thể viết bài báo này như một câu chuyện về sự thành công của một nhóm người Mỹ gốc Hoa, những người trân trọng quyền tự do báo chí trong Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ và đã phát triển thành một kênh truyền thông độc lập lớn mạnh.

Thay vào đó, Roose dựa vào những từ ngữ như “bí hiểm” và cố gắng gắn The Epoch Times vào một kênh truyền thông không liên quan để đặt câu hỏi về chất lượng của những bài viết đạt giải thưởng báo chí của The Epoch Times.

Roose đặt vấn đề đặc biệt với lập trường phê phán của The Epoch Times đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và những hành động ngang nhiên vi phạm nhân quyền của họ. Để lấp liếm các câu chuyện về hành vi lạm dụng nhân quyền đang diễn ra ở Trung Quốc, Roose tuyên bố rằng chúng "bị phóng đại". Sự biện hộ và xoa dịu bất thường này đối với tội ác của ĐCSTQ là hành động thật sự đáng ngờ về mặt đạo đức. Trong nhiều năm qua, NY Times đã tìm cách tiếp cận và mở rộng sang thị trường Trung Quốc, cũng như đã nhận được hàng triệu USD doanh thu quảng cáo từ các đơn vị truyền thông của nhà nước Trung Quốc.

Sai thực tế và xuyên tạc

Mặc dù đã được thông báo về những dữ liệu sai thực tế, Roose vẫn đưa vào bài viết một số dữ liệu sai sự thật một cách rõ ràng.

Đơn cử, Roose viết rằng “có lẽ thử nghiệm táo bạo nhất là một trang web chính trị cánh hữu mới có tên là America Daily”.

The Epoch Times không có mối liên hệ nào với tổ chức truyền thông này, như đã được nêu trong email hồi đáp các câu hỏi của Roose.

Bản thân Roose không đưa ra bằng chứng nào để chứng minh cho tuyên bố này, mà chỉ nhắm vào một cựu nhân viên của The Epoch Times đang làm việc cho America Daily. Tuy nhiên, người nhân viên này chuyển sang làm ở America Daily sau khi đã rời khỏi The Epoch Times. Việc này không có liên hệ gì tới The Epoch Times.

Việc quy trách nhiệm cho The Epoch Times về hành động của một nhân viên cũ đang làm việc cho một công ty truyền thông khác là một điều hết sức vô lý. Đồng thời, điều này cho thấy mức độ mà Roose đã cố gắng bôi nhọ The Epoch Times bằng cách gắn The Epoch Times với các tổ chức không liên quan.

Roose trong bài viết của mình cũng sử dụng những lời bóng gió để ám chỉ rằng sự phát triển của The Epoch Times trên Facebook theo cách nào đó là kết quả của “click farms”. Tuy nhiên, Roose cũng không có bằng chứng cho tuyên bố này. Như đã trình bày trong email hồi đáp các câu hỏi của Roose, The Epoch Times cho biết họ “sử dụng các công cụ quảng cáo của chính Facebook để tăng số lượng người theo dõi, chứ không phải thông qua ‘bot’ hoặc ‘tài khoản giả’” như Roose nói.

Roose cũng viết trong bài báo của mình rằng The Epoch Times “là một trong những nhà quảng bá nổi bật nhất cho ‘Spygate’ (Bê bối Nghe lén), một thuyết âm mưu vô căn cứ liên quan đến những tuyên bố rằng các quan chức chính quyền cựu Tổng thống Obama đã theo dõi phi pháp chiến dịch tranh cử năm 2016 của Tổng thống Trump”.

Đây là một sự xuyên tạc có chủ ý đối với bài báo của The Epoch Times về cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử năm 2016 của Tổng thống Donald Trump (Cross Huricane) của FBI. The Epoch Times thực sự đã dẫn đầu trong việc đưa tin về vụ việc này, đã được các phương tiện truyền thông khác trích dẫn — bao gồm cả NY Times. Hơn nữa, vụ việc này vẫn đang được công tố viên John Durham tiếp tục điều tra.

Roose cũng tuyên bố rằng “các ấn phẩm và chương trình liên quan đến The Epoch Times đã quảng bá thuyết âm mưu QAnon và truyền bá những tuyên bố xuyên tạc về hành vi gian lận cử tri và phong trào Black Lives Matter”. Hãy để ý cách ông ấy viết “các ấn phẩm và chương trình liên quan đến” The Epoch Times. Không thể trực tiếp tấn công The Epoch Times, Roose đã viện dẫn các “ấn phẩm và chương trình liên quan” này mà không nói rõ đó là thứ gì.

Trên thực tế, The Epoch Times chưa bao giờ “quảng bá thuyết âm mưu QAnon” cũng như chưa từng đăng thông tin không chính xác về “gian lận bầu cử và phong trào Black Lives Matter”.

Xem thêm: Vì sao ĐCS Trung Quốc muốn che giấu cuộc đàn áp Pháp Luân Công (P1): Pháp Luân Công là gì?

Trích dẫn có chọn lọc

Trong bài viết của mình, Roose chỉ trích dẫn các nhân viên cũ bất mãn để tấn công The Epoch Times, mà bỏ qua những bình luận tích cực từ các đối tượng được phỏng vấn.

Chẳng hạn, Roose đã phỏng vấn nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc Quách Văn Quý, nhưng lại không đưa những bình luận của ông ấy vào bài báo. Trong một video trên YouTube, ông Quách nói rằng ông ấy đã nói với Roose (người đã nói với ông Quách rằng sẽ viết bài về ông ý và chỉ đặt câu hỏi về The Epoch Times trong cuộc phỏng vấn) rằng The Epoch Times là “xuất sắc” và “tuyệt vời”.

Ông Quách cũng ca ngợi The Epoch Times vì mặc dù bị ĐCSTQ đe dọa, The Epoch Times vẫn dũng cảm đưa tin về Hong Kong.

“Tôi rất tôn trọng họ. The Epoch Times đang đứng trên đường phố Hong Kong với máy quay của họ, trực tiếp nhắm vào ĐCSTQ, tường thuật trực tiếp. Ông nghĩ làm được như vậy có dễ không?", Ông Quách hồi tưởng lại những gì ông đã nói với Roose.

Ông Quách cũng cũng hỏi Roose: “Tại sao ông không nhắm mục tiêu vào ĐCSTQ? … Ông là phương tiện truyền thông chính thống kiểu gì vậy?".

Không có bình luận nào của ông Quách được Roose đưa vào bài báo. Liệu có phải tờ NY Times chỉ đưa vào những ý kiến tiêu cực về một chủ đề mà họ đề cập? Điều này có bình thường không? Đó phải chăng chính là một ví dụ của sự thiên vị nghiêm trọng?

Thành kiến ​​cá nhân

Các bài đăng trên mạng xã hội của Roose cho thấy ông ấy đã có thành kiến với The Epoch Times từ trước khi viết bài báo này. Trong một loạt các tweet hiện đã bị xóa được đăng vào tháng 11/2019, ông ta đã chế nhạo The Epoch Times và lập trường phê phán của The Epoch Times đối với chủ nghĩa cộng sản.

Trong một loạt tweet riêng biệt vào tháng 12/2019, Roose và ba nhà báo khác cho rằng họ đáng lẽ phải nhận được “tiền thưởng” từ Facebook vì đã yêu cầu công ty cấm quảng cáo của The Epoch Times.

Roose đã mua vui bằng cách bình luận, "Chúa ơi lẽ ra bây giờ tất cả chúng ta đều có rất nhiều nhà nghỉ cuối tuần".

Trong khi giọng điệu của các dòng tweet là vui vẻ, ba trong số bốn nhà báo - Roose, Smith, và Ben Collins của NBC News - đã tham gia vào các cuộc tấn công công khai vào The Epoch Times. Smith cũng đóng góp cho bài báo của Roose.

Việc Roose sử dụng từ “chúng ta” trong nhận xét này và một thực tế đơn thuần là các phóng viên của các tờ báo cạnh tranh cùng nhau hả hê trước vụ tấn công mà The Epoch Times phải gánh chịu. Điều này khiến người ta phải đưa ra câu hỏi thế này: Có phải là họ cùng tham gia vào một chiến dịch có tổ chức và có kế hoạch để chống lại The Epoch Times?

Còn nữa, vai trò của các biên tập viên của NY Times ở đâu trong những biểu hiện của thiên vị và dấu hiệu của sự hợp tác này?

Bao biện cho sự bức hại nhân quyền của Trung Quốc

Trong bài báo của mình, Roose tìm cách bao biện cho cuộc bức hại đang nhắm vào Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Cuộc đàn áp đã được đưa tin rộng rãi bởi các tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng như các cơ quan chính phủ như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Thay vì trích dẫn bất kỳ thông tin công khai nào này, Roose tìm cách để giảm nhẹ những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.

Roose cũng phớt lờ một lượng lớn bằng chứng cho thấy ĐCSTQ giết hại các tù nhân lương tâm, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công, để thu hoạch nội tạng, và mô tả những hành động trên chỉ là “lời cáo buộc”.

Những gì Roose làm với bài báo này phù hợp với những gì ĐCSTQ trong nhiều năm đã nỗ lực để gây ảnh hưởng đến các hãng truyền thông Hoa Kỳ.

Những bài báo như thế này cực kỳ có giá trị đối với ĐCSTQ, vì ĐCSTQ có thể sử dụng chúng cho nỗ lực tuyên truyền trong nước để biện minh cho các chiến dịch bức hại đang diễn ra ở trong nước Trung Quốc. Trước đây, chính tờ NY Times đã dịch một bài báo của Roose về The Epoch Times sang tiếng Trung Quốc.

Nguyên Hương
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

"Cuộc điều tra" kéo dài 8 tháng về The Epoch Times của New York Times: Sự thật ít, thiên kiến nhiều