Cựu Bộ trưởng Quốc phòng: Trung Quốc là ‘đối thủ nguy hiểm nhất’ của Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, chính quyền ĐCSTQ là mối đe dọa nước ngoài lớn nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt.

“Ngày hôm nay, tôi sẽ mô tả Trung Quốc là đối thủ của chúng ta", ông Esper nói trong một cuộc trò chuyện ngày 14/7 tại Viện Brookings, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington.

Ông Esper nhìn nhận rằng, có vô số cuộc xung đột tiềm ẩn có thể diễn ra ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó nhiều cuộc xung đột liên quan đến Trung Quốc và sẽ mang ý nghĩa toàn cầu một khi bùng phát. Do đó, Hoa Kỳ cần phải duy trì cảnh giác trong sứ mệnh ngăn chặn sự gây hấn từ ĐCSTQ.

Đáng chú ý, ông Esper cho rằng Đông Bắc Á có thể là nơi bất ổn nhất trên trái đất do sự đan xen của các tác nhân kinh tế, ngoại giao cùng tình hình quân sự phức tạp và mạnh mẽ. Ông lưu ý rằng, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là ba nền kinh tế lớn nhất trên trái đất.

Ông Esper nói: “Bất kỳ loại xung đột nào liên quan đến ba quốc gia đó đều sẽ bùng phát trên toàn cầu".

Ông nói thêm, Đài Loan và Hàn Quốc đều là pháo đài của tiến bộ công nghệ theo đúng nghĩa. Trong khi đó, Trung Quốc và Triều Tiên đều là những cường quốc được trang bị vũ khí hạt nhân và đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình.

“Điểm nóng chiến lược lớn nhất trên thế giới là Đông Bắc Á", ông tiếp tục. “Chúng ta phải nhìn vào điều đó, chú ý và kiểm soát nó tốt nhất có thể".

Để đạt được mục tiêu đó, ông Esper nhận định, Hoa Kỳ bắt buộc phải chủ động trong việc theo sát và xác định các kịch bản cấp bách nhất cho cuộc xung đột tiềm tàng trong khu vực.

Đài Loan đang ‘chiến đấu vì sự sống còn’

“Kịch bản số một là Đài Loan", ông Esper nhấn mạnh.

ĐCSTQ vẫn luôn khẳng định rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai của họ. Tuy nhiên, Đài Loan đã tự quản từ năm 1949, có quân đội, tiền tệ cùng hệ thống bầu cử riêng, và chưa bao giờ bị kiểm soát bởi ĐCSTQ.

Ông Esper nhận thấy, những nỗ lực gần đây của ĐCSTQ nhằm thúc đẩy các tuyên bố bành trướng trong khu vực là một nguyên nhân gây quan ngại. Việc Trung Quốc hành xử như thể không có vùng biển quốc tế giữa hai bên thực sự đáng lo ngại, và điều đó cũng cho thấy sự xung đột lớn hơn giữa nền dân chủ của Đài Loan và sự xâm lược của ĐCSTQ.

Điều này phụ thuộc vào “các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, cũng như các giá trị mà tất cả chúng ta chia sẻ với tư cách là các nền dân chủ với một quan điểm khác biệt mà Trung Quốc đang duy trì đối với thế giới", ông Esper cho hay.

Ông không tin rằng Trung Quốc có khả năng thực hiện một cuộc tấn công đổ bộ trực tiếp vào Đài Loan, nhưng nguy cơ này đang ngày càng gia tăng. Ông tuyên bố sẽ sớm đến thăm quốc đảo và khuyến khích lãnh đạo Đài Loan tiếp tục đầu tư vào các hệ thống vũ khí bất đối xứng và thúc đẩy hoạt động nhập ngũ để ngăn chặn sự xâm lược của ĐCSTQ.

Ông chỉ ra rằng, phần lớn người dân trên đảo hiện coi mình là người Đài Loan chứ không phải là người Trung Quốc, và bất kỳ cuộc chiến tranh giành độc lập nào của Đài Loan cũng sẽ là cuộc chiến vì sự tồn vong của người dân Đài Loan.

Ông nêu rõ: “Tôi muốn tin rằng bất kỳ ai cũng sẽ chiến đấu vì sự sống còn của chính họ, và một cuộc xâm lược của Trung Quốc là để tồn tại, bởi vì không có cái gọi là ‘một quốc gia hai hệ thống’. Điều đó đã bị Hồng Kông bác bỏ".

‘Sự mơ hồ chiến lược’ không còn hữu ích nữa

Đề cập đến những điều Hoa Kỳ có thể làm để ngăn chặn một cuộc chiến thảm khốc như vậy bùng nổ, ông Esper cho rằng sự mơ hồ chiến lược - chính sách lâu đời của Hoa Kỳ không còn hữu ích nữa.

Ông nhận định rằng, Quốc hội Hoa Kỳ nên đưa vấn đề ra tranh luận và tổ chức một cuộc bỏ phiếu để loại bỏ chính sách này. Hơn nữa, điều quan trọng là Hoa Kỳ phải đưa ra một lập trường rõ ràng chống lại chế độ chuyên chế để ngăn cản sự xâm lược ngày càng mở rộng của ĐCSTQ.

Khi được hỏi liệu ông có tin rằng Trung Quốc cần phải thay đổi chế độ trước khi tính đến chuyện đảm bảo mối quan hệ hòa bình hay không, ông Esper cho rằng, nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc có tầm quan trọng lớn hơn hình thức chính quyền tồn tại ở quốc gia này.

Ông nhận định, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đưa Trung Quốc đi theo một “hướng đen tối hơn nhiều” kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012. Các mối quan hệ tích cực sẽ khó có thể được đổi mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cho đến khi ông Tập mất quyền lực.

Tuy nhiên, ông nhận định rằng cho dù bất cứ ai nắm quyền lãnh đạo ở Trung Quốc, thì người dân Trung Quốc xứng đáng được hưởng các quyền và tự do như ở phương Tây. Điều đó có nghĩa là, một hình thức chính phủ đại diện sẽ bảo tồn các quyền và văn hóa của người Trung Quốc tốt hơn chính quyền đương thời.

Chiến lược phải nhằm giải quyết các mối đe dọa, chứ không phải thách thức

Ông Esper nhận xét về di sản của Chiến lược Quốc phòng Quốc gia 2018, chiến lược đầu tiên xác định Trung Quốc là “mối đe dọa nhịp độ” của quốc gia. Ông lưu ý, thuật ngữ đó rõ ràng đã bị chính quyền ông Biden hạ thấp, đến mức hiện nay không coi ĐCSTQ trở thành kẻ thù của Hoa Kỳ nữa.

Ông Esper giải thích: “Khi tôi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2019, trọng tâm của tôi là chiến đấu. Đó là sứ mệnh của quân đội Hoa Kỳ, chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh của quốc gia chúng ta".

“Bộ trưởng Austin hiện vẫn tiếp tục duy trì quan niệm Trung Quốc là mối đe dọa đối với nhịp độ của chúng ta, nhưng bây giờ họ gọi đó là ‘thách thức’".

Ông Esper cho biết, giới lãnh đạo hiện tại vẫn đang thực hiện những phần quan trọng theo những gì chính quyền cựu Tổng thống Trump đã thiết lập để ứng phó với Trung Quốc. “Tôi nghĩ các bạn phải công nhận chính quyền ông Trump, vì họ củng cố và hình thành sự đồng thuận trong chính phủ Hoa Kỳ rằng, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược của chúng ta".

Tuy nhiên, ông nhận thấy, chính quyền hiện tại đã không thực hiện đầy đủ như vậy. “Thông thường, các tài liệu chiến lược bị cuốn vào các từ ngữ thông dụng và cụm từ không có mấy ý nghĩa. Mọi người khó hiểu và khó thực hiện được".

Cuối cùng, ông chỉ trích việc chính quyền hiện tại chưa đưa ra được một phiên bản chiến lược quốc phòng của riêng mình, mà chỉ mới được mô tả ngắn gọn cho công chúng thông qua các bản ghi của Quốc hội.

Ông nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là phải biết chiến lược tổng thể của quốc gia để đảm bảo rằng, các đồng minh và người dân của quốc gia đó hiểu được tại sao chính phủ và quân đội lại đưa ra quyết định như vậy.

Quan trọng nhất, chính quyền cần phải rõ ràng về chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc. “Chúng ta không nên theo đuổi một cuộc chiến với Trung Quốc. Điều chúng ta nên làm là định hình sự phát triển Trung Quốc, theo cách tích cực hơn cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và trên toàn cầu".

Ông kết luận: “Trung Quốc vẫn là đối thủ nguy hiểm gây chết người nhất của chúng ta".

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng: Trung Quốc là ‘đối thủ nguy hiểm nhất’ của Mỹ