Vì sao cựu thủ tướng Nhật Abe Shinzo bị ám sát?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tetsuya Yamagami, nghi phạm tấn công cựu Thủ tướng Nhật Bản vào trưa ngày 8/7 ở thành phố Nara, đã khai với cảnh sát rằng ông ta chủ ý sát hại ông Shinzo Abe.

Đài truyền hình NHK dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết nghi phạm đã khai với các nhân viên điều tra rằng ông ta không hài lòng với cựu Thủ tướng Abe Shinzo và có ý định sát hại chính trị gia này. Cảnh sát đã thu giữ tại hiện trường một khẩu súng, dường như được làm thủ công.

Tóm lược vụ ám sát cựu thủ tướng Nhật Abe

  • Cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã qua đời sau khi bị bắn khi đang có bài phát biểu tại thành phố Nara, miền Tây nước này hôm thứ Sáu.
  • Abe dường như trong tình trạng ngừng tim khi ông được vận chuyển bằng máy bay đến bệnh viện sau vụ xả súng. Dịch vụ cấp cứu cho biết ông Abe bị thương ở bên phải cổ và xương đòn trái.
  • Cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông 42 tuổi tại hiện trường, có tên là Tetsuya Yamagami, đến từ Nara. Nghi phạm là cựu thành viên của lực lượng tự vệ hàng hải, theo Fuji TV.
  • Lần cuối cùng một cựu thủ tướng Nhật bị sát hại là vào năm 1936, trước chiến tranh thế giới.

Nghi phạm ám sát cựu thủ tướng Nhật Bản Abe là ai?

Theo NHK, nghi phạm Yamagami, 41 tuổi, đã từng phục vụ cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong 3 năm và hiện đang cư trú tại thành phố Nara. Cảnh sát Nhật Bản cho biết Yamagami đã bị bắt giữ tại hiện trường với cáo buộc âm mưu giết người.

Tetsuya đã giải ngũ vào khoảng năm 2005. Khẩu súng được Tetsuya sử dụng là tự chế và đã bị thu giữ.

Nghi phạm Tetsuya đã lập tức bị bắt giữ và đang được cảnh sát thẩm vấn. Nhà chức trách cho biết nghi phạm không cố bỏ trốn sau khi nổ súng.

Văn phòng đảng Dân chủ Tự do (LDP) tại Nara cho biết sự xuất hiện của ông Abe tại sự kiện ở địa phương này mới được quyết định vào tối 7/7. Sau đó, các thông tin chi tiết được tiết lộ cho những người ủng hộ.

Cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã bị tấn công hôm 8/7 khi đang có bài phát biểu vận động tranh cử cho thành viên đảng Dân chủ Tự do Kentaro Asah ở thành phố Nara. Lực lượng chức năng đã ngay lập tức có mặt tại hiện trường để đưa cựu Thủ tướng Nhật đi cấp cứu.

Nhật Bản là nước có quy định chặt chẽ về sở hữu súng. Vì vậy, các vụ bắn súng rất hiếm khi xảy ra ở nước. Theo một sách trắng của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (NPA), năm 2020 chỉ có 21 trường hợp bị bắt giữ vì sử dụng súng ở nước này, trong đó có 12 trường hợp có liên quan tới các băng đảng.

Cựu thủ tướng Nhật Bản Abe bị bắn
Ảnh chụp cựu Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trong cuộc họp báo tại dinh thủ tướng ngày 28/8/2020 ở Tokyo, Nhật Bản Ảnh: Getty Images.

Nghi phạm vụ ám sát ông Abe Shinzo đã khai gì?

Hãng tin Nikkei cho biết theo cảnh sát, nghi phạm trả lời một cách bình tĩnh (không xúc động) các câu hỏi của điều tra viên. Yamagami Tetsuya khai mình đã gia nhập hải quân của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong 3 năm và hiện đang thất nghiệp.

Người này khai về một tổ chức đặc biệt mà anh ta thù hận. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết hiện chưa thể xác định rõ về tổ chức mà Tetsuya khai. Hiện tại họ không thể khẳng định tổ chức đặc biệt này có thật sự tồn tại hay không.

Cảnh sát tỉnh Nara cho biết họ sẽ điều tra để xác minh liệu cựu thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo có thực sự liên quan đến tổ chức mà nghi phạm khai hay không.

Ở thời điểm này, cảnh sát đang điều tra tại sao ông Abe lại bị chọn làm mục tiêu trong số nhiều mục tiêu tiềm năng khác có thể liên quan đến tổ chức đặc biệt chưa xác định nói trên. Nghi phạm khẳng định sự căm ghét dành cho ông Abe không liên quan đến chính trị.

Trong khi đó, báo Mainichi (Nhật Bản) dẫn các nguồn tin cho biết, nghi phạm tấn công ông Shinzo đã khai với cảnh sát rằng, hắn có ý định nhắm mục tiêu tới lãnh đạo cấp cao của một nhóm tôn giáo.

Về khẩu súng tự chế nghi phạm dùng để ám sát ông Abe, cảnh sát cho biết chưa thể khẳng định vũ khí tự chế này có phải là súng được in bằng kỹ thuật in 3D hay không. Họ cũng chưa biết liệu có phải nghi phạm đã mua các vật liệu để chế tạo súng từ Internet.

Vật liệu khẩu súng tự chế gồm kim loại và gỗ.

Cảnh sát đã tìm thấy nhiều mảnh kim loại tại hiện trường nhưng chưa thể khẳng định các mẩu kim loại này là từ loại đạn đã được dùng để ám sát ông Abe. Ngoài ra, họ cũng chưa thể khẳng định đạn dùng để bắn ông có phải là đạn tự chế hay không.

Tại nhà nghi phạm, cảnh sát đã phát hiện có vật liệu nổ và khuyên người dân nên đi sơ tán. Việc khám xét nhà nghi phạm vẫn đang diễn ra và cảnh sát đã tìm thấy thêm một vài khẩu súng nữa.

Nhà chức trách cũng đang điều tra để xác định nghi phạm hành động một mình hay có sự hỗ trợ nào khác.

Nhà Thờ Thống Nhất là tổ chức tôn giáo mà kẻ ám sát ông Abe thù hận?

Theo Kyodo News, Nhà thờ Thống nhất được thành lập năm 1954 bởi mục sư người Hàn Quốc Moon Myung Sun. Năm 1968, tổ chức tôn giáo này phát triển ở Nhật Bản và Mỹ.

Theo Reuters, Nhà thờ Thống nhất có quan hệ với một số chính trị gia ở Nhật Bản. Tổ chức này có khoảng 10 triệu tín đồ trên toàn cầu và ở Nhật Bản là 600.000 thành viên.

Không có bằng chứng nào cho thấy ông Abe có liên hệ với nhóm tôn giáo này.

Tomihiro Tanaka – lãnh đạo chi nhánh Nhật Bản của Nhà thờ Thống nhất – cho biết, mẹ của nghi phạm Yamagami là một tín đồ của tổ chức này. Ông Tomihiro Tanaka từ chối cho biết danh tính và số tiền mẹ nghi phạm đã đóng góp.

Hiện không rõ ông Tomihiro Tanaka có phải là mục tiêu nghi phạm Yamagami nhắm đến hay không.

“Cả ông Abe và nghi phạm đều không phải thành viên của nhà thờ. Ông Abe cũng không phải cố vấn của chúng tôi”, ông Tomihiro Tanaka tuyên bố.

Tháng 9 năm ngoái, ông Abe từng xuất hiện trong một sự kiện do Nhà thờ Thống nhất tổ chức. Tại đây, ông Abe đã ca ngợi những đóng góp của Nhà thờ Thống nhất cho hòa bình ở bán đảo Triều Tiên.

“Mẹ của nghi phạm trở thành tín đồ vào khoảng năm 1998, nhưng đã ngừng tham gia từ năm 2009. Khoảng 3 năm trước, bà ấy tiếp xúc với một số thành viên của nhà thờ. Nửa năm gần đây, bà ấy tham dự các sự kiện do nhà thờ tổ chức với tần suất khoảng một lần/tháng”, ông Tanaka nói.

Hôm 8/7, sau khi bị bắt giữ vì ám sát ông Abe, nghi phạm Tetsuya Yamagami, 41 tuổi khai rằng, mẹ hắn đã ủng hộ rất nhiều tiền cho một tổ chức tôn giáo, dẫn đến gia đình khánh kiệt. Yamagami cho rằng ông Abe có liên quan đến tổ chức tôn giáo này.

Kyodo News cho hay, nghi phạm Yamagami tin rằng, cựu Thủ tướng Nobusuke Kishi (ông ngoại của ông Abe) là người đã đưa “Nhà thờ Thống nhất” vào Nhật Bản. Tờ báo Nhật nhấn mạnh, Yamagami lấy thông tin này từ một trang web trên mạng.

Mối quan hệ giữa tổ chức Nippon Kaigi và ông Abe Shinzo

Tờ RFI của Pháp cho biết Thủ tướng Shinzo Abe là thành viên của tổ chức cánh hữu mang tên "Nippon Kaigi" (tạm dịch là Hội nghị Nhật Bản), từ năm 1997, khi còn là Nghị sĩ Quốc hội.

Ông Koichi Nakano, giáo sư ngành Khoa học chính trị, Đại học Sophia tại Tokyo, ước tính hiện có đến 289 nghị sĩ (tức chiếm đến 40% số ghế trong Quốc hội) là thành viên của tổ chức cánh hữu này.

"Nippon Kaigi" được thành lập vào năm 1997, sau khi được sáp nhập từ hai phong trào cánh hữu nhỏ, một từ các cựu sĩ quan hoàng gia – những người đã từng tham gia cuộc xâm lược Mãn Châu, và một phong trào khác từ những thành viên của giáo phái Thần đạo (Shinto).

Theo tuần san L’Obs, một trong những chủ trương hàng đầu của "Nippon Kaigi" là chấm dứt một nước Nhật Bản thời hậu chiến, được cho là có các mô hình và định chế do Mỹ áp đặt.

Trên phương diện giáo dục, dạy về "lòng yêu nước" là nền tảng chủ đạo. Đặc biệt, "Nippon Kaigi" muốn thay đổi điều số 9 trong Hiến pháp chủ hòa, được cho là thông qua "dưới áp lực của Hoa Kỳ". Những người theo chủ nghĩa dân tộc cũng như bản thân ông Shinzo Abe đều muốn rằng Nhật Bản phải có một quân đội chứ không phải là một "lực lượng tự vệ" như ngày nay.

Về mặt xã hội, các thành viên của Nippon Kaigi muốn sửa đổi điều số 24 liên quan đến quyền bình đẳng nam và nữ trong hôn nhân. Người chồng là chủ gia đình, có quyền áp đặt trên mọi lãnh vực. Về tôn giáo, tổ chức muốn xóa bỏ điều 16 quy định tách rời tôn giáo với Nhà nước. Một điều luật cản trở chính phủ quan tâm đến đền thờ Yasukuni, nơi vinh danh các sĩ tử.

Thông tin về vụ ám sát cựu Thủ tưởng Nhật Bản Abe

Phóng viên NHK có mặt tại hiện trường đã nghe thấy hai tiếng súng nổ vào khoảng 11h30, ngay sau khi ông Abe bắt đầu phát biểu. Theo nguồn tin cảnh sát, cựu Thủ tướng Abe Shinzo dường như bị bắn vào ngực và cổ.

Ông Abe có mặt tại Nara để ủng hộ một ứng viên của đảng Dân chủ Tự do (LDP) trước thềm bầu cử Thượng viện, sẽ diễn ra vào chủ nhật.

Thủ tướng Nhật Bản Abe sẽ từ chức vì vấn đề sức khoẻ
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một buổi họp báo hôm 28/3/2020. (Ảnh: KAZUHIRO NOGI/AFP via Getty Images)

Cựu Thủ tướng Abe, 67 tuổi, là lãnh đạo tại vị lâu nhất của Nhật Bản. Ông đắc cử năm 2006 nhưng phải từ chức vào tháng 9/2007 vì viêm loét đại tràng mạn tính. Ông tiếp tục tranh cử và trở thành Thủ tướng từ năm 2012 cho đến khi từ chức tháng 8/2020 vì bệnh cũ.

Tiểu sử cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo

Dưới đây là tiểu sử chính trường và những dấu ấn của ông Abe Shinzo, người đã nắm giữ vị trí cựu Thủ tướng Nhật Bản từ năm 2006 - 2020.

  • Ngày sinh: 21/9/1954
  • Nơi sinh: Tokyo, Nhật Bản
  • Cha: Shintaro Abe, cựu Tổng Thư ký LDP (đảng Dân chủ Tự do)
  • Mẹ: Yoko Kishi
  • Kết hôn: Akie (Matsuzaki) Abe từ năm 1987 đến nay. Cặp đôi không có con. Với tư cách là Đệ nhất phu nhân, bà Akie Abe tham gia vào chính trị, truyền thông đưa tin có đôi khi bà có ý kiến bất đồng với chồng, đặc biệt là về các vấn đề xã hội.
  • Học vấn: Tốt nghiệp Đại học Seiki, Cử nhân Khoa học Chính trị năm 1977. Ông cũng học tại Đại học South California, Mỹ
  • Được bầu làm thành viên Hạ viện Nhật Bản 7 lần.

Ông Abe là Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản sinh sau Chiến tranh thế giới thứ II. Vào đầu năm 2013, ông Abe đã khởi động một chiến dịch lớn để đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi hàng thập kỷ trì trệ. Được gọi là "Abenomics", bao gồm ba trọng tâm chính gồm kích thích tiền tệ, tăng chi tiêu chính phủ và cải cách kinh tế.

Liệu Trung Quốc có đang đi lại con đường của Nhật Bản những năm 1980?
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (Trái), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Giữa) và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (Phải) tham dự cuộc họp tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka hôm 28/06/ 2019. (Ảnh: Brendan Smialowski / AFP / Getty Images)

Cựu thủ tướng Abe lần đầu trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2006 và từ chức một năm sau đó vì lý do sức khỏe. Ông Abe là người nhậm chức trẻ tuổi nhất trong số các Thủ tướng Nhật Bản từ sau Thế chiến II và là Thủ tướng đầu tiên sinh ra sau Thế chiến II.

Ông quay lại làm Thủ tướng Nhật Bản thêm một nhiệm kỳ vào ngày 26/12/2012. Tính tới ngày 24/8/2020, ông Abe lập kỷ lục với số ngày tại vị Thủ tướng liên tiếp lâu nhất trong lịch sử nước này, cụ thể là 2.799 ngày.

Cựu thủ tướng Abe Shinzo và những phát ngôn ấn tượng

Trong thời gian làm Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe Shinzo đã có những phát ngôn đáng nhớ trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Là Thủ tướng có thời gian nắm quyền lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, ông Abe Shinzo đã góp công không nhỏ trong việc định hình lại một nước Nhật hiện đại, giải quyết các vấn đề kinh tế và đối ngoại. Không chỉ tạo lập được những thành tựu về xã hội, kinh tế, chính trị, ông Abe cũng là một người truyền cảm hứng thông qua những phát ngôn đáng nhớ.

  • "Tương lai của nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc vào việc chúng ta có đủ can đảm, đủ tự tin để giong buồm vào đại dương toàn cầu khốc liệt hay không".
  • "Tôi tin rằng một chính trị gia tốt không nên làm theo lịch sử, mà hãy tạo ra những quan điểm hướng tới tương lai".
  • "Tại Nhật Bản, một khi đã trở thành Thủ tướng, bạn không có cơ hội thứ hai".
  • "Tôi đã thất bại rất nhiều lần trên con đường chính trị, vì lẽ đó, tôi sẵn sàng làm mọi thứ vì lợi ích của nước Nhật".
  • "Nhật Bản sẽ đổi thay. Hãy cùng tạo ra một đất nước nơi sự sáng tạo diễn ra hàng ngày, tạo những ngành công nghiệp và công nghệ dẫn đầu thế giới".
  • "Tôi là một người yêu nước, mà có lẽ không có một chính trị gia nào không yêu nước. Nhưng là một chính trị gia, tôi thường bị chỉ trích vì những điều tôi cho là đúng đắn. Nhưng nếu tôi bận tâm tới những chỉ trích ây, tôi sẽ không bảo vệ được điều gì cả".
  • "Để giải tỏa căng thẳng trong công việc, tôi có thói quen đánh golf ít nhất một lần mỗi tháng. Tuy vậy, lần gần nhất tôi chơi golf cùng vợ, cô ấy có thành tích tốt hơn tôi, điều này khiến tôi "căng thẳng" gấp đôi".
  • "Những thế hệ đi trước của Nhật Bản đã trải qua nhiều khó khăn và đau khổ, nhưng luôn luôn vượt qua một cách mạnh mẽ".
  • "Trong nhiệm kỳ đầu tiên của tôi, tôi đã quá nóng vội và không thực hiện được những nguyện vọng của người dân. Sau khi từ chức, tôi đã dùng 6 năm đi khắp nước Nhật, chỉ để lắng nghe những chia sẻ của mọi người".
  • "Vùng biển xinh đẹp và lãnh thổ của Nhật Bản đang đối diện những thách thức về an ninh, những người trẻ thì gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hy vọng từ một nền kinh tế trì trệ. Nhưng tôi hứa, sẽ dùng toàn bộ khả năng của mình để bảo vệ những vùng biển và hòn đảo thuộc về Nhật Bản, bảo vệ cuộc sống của toàn bộ người dân".
  • "Làm Thủ tướng mà quá quan tâm tới tỷ lệ tín nhiệm thì giống như đang chơi tàu lượn. Tôi tin rằng, điều quan trọng nhất là thực hiện được điều đã hứa, tạo ra những kết quả tốt. Người dân Nhật Bản đủ sáng suốt để đánh giá những điều tôi làm".

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao cựu thủ tướng Nhật Abe Shinzo bị ám sát?