Cựu Tổng thư ký NATO kêu gọi EU tăng cường quan hệ với Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU), cựu Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen đã chỉ ra rằng, chính quyền Trung Quốc thường xuyên thể hiện sự công kích với thế giới và kêu gọi các nước EU chống lại bằng cách tăng cường quan hệ với Đài Loan.

Theo Hãng thông tấn Trung ương (CNA) của Đài Loan đưa tin, ông Rasmussen từng đảm nhiệm chức Thủ tướng Đan Mạch kiêm Tổng thư ký NATO. Sau khi rời nhiệm sở, ông đã thành lập Tổ chức Phi chính phủ Liên minh các nền Dân chủ (Alliance of Democracies) và đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen vào tháng Sáu năm nay. Ông đã mời bà Thái Anh Văn - Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan), đọc diễn văn tại Hội nghị.

Ông Rasmussen đã viết trên trang “Tuần báo Thời đại” (Die Zeit) của Đức rằng, tham vọng toàn cầu của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể được nhìn thấy rõ, thông qua lời đe dọa của họ đối với chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Thượng viện Czech và vụ bắt giữ nhà dân chủ Hong Kong Hoàng Chi Phong. Chế độ này không hề quan tâm đến những chỉ trích từ ngoại giới.

Ông chỉ ra rằng, trước việc ĐCSTQ thường xuyên gây hấn với bên ngoài, các nhà lãnh đạo EU có 2 lựa chọn: hoặc chấp nhận việc ĐCSTQ phá hủy nền pháp trị của Hong Kong và bắt nạt Đài Loan, hoặc hợp tác phát triển mang tính xây dựng với Đài Loan.

Ông Rasmussen nhận định, mô hình "một Trung Quốc" của EU không nhất thiết phải loại trừ việc công khai ủng hộ nền dân chủ ở Đài Loan, mà nên để tiếng nói của Đài Loan được quốc tế lắng nghe. Nếu EU thực sự muốn đóng một vai trò nhất định về địa chính trị, thì mối quan hệ của họ với Đài Loan không thể thụ động và bế tắc như trong quá khứ nữa.

Ông Rasmussen kiến nghị EU có thể sử dụng 3 biện pháp cụ thể để hỗ trợ Đài Loan. Thứ nhất là tái khởi động hiệp định đầu tư song phương (BIA) với Đài Loan. Ban đầu, EU nghĩ rằng họ sẽ có thể ký hiệp định này với ĐCSTQ trước; nhưng chính quyền Bắc Kinh đã từ chối cam kết cải cách. Lời từ chối này cùng tiến độ đàm phán bị đình trệ hiện tại đã khiến các quan chức EU và Đức rất thất vọng.

Biện pháp thứ hai, là ủng hộ Đài Loan làm quan sát viên tại hội nghị sắp tới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cuối cùng là tổ chức một nhóm không chính thức với các nước dân chủ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả Đài Loan.

Ông Rasmussen chỉ ra rằng, EU đã tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế với Nhật Bản, Việt Nam, Singapore, Australia và New Zealand trong những năm gần đây. Pháp và Đức gần đây cũng đã phát triển các chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của riêng mình. Vậy nên, hiện giờ là thời cơ hợp tác dựa trên các giá trị cơ bản, như tính minh bạch và thượng tôn pháp luật, giữa các quốc gia dân chủ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (bao gồm cả Đài Loan) và châu Âu.

Việc EU tăng cường quan hệ với Đài Loan có thể sẽ bị ĐCSTQ đáp trả. Về vấn đề này, ông Rasmussen cho rằng, cho dù nhà lãnh đạo ĐCSTQ có uy hiếp, gây áp lực, trừng phạt và giả vờ tức giận cỡ nào, thì mấu chốt vẫn là liệu các nước châu Âu có thể đứng vững chung trong một chiến tuyến hay không. Dù sao thì khả năng để Bắc Kinh đồng thời khai mở chiến tranh thương mại với cả Hoa Kỳ và Châu Âu là không cao.

27 nguyên thủ của các nước EU đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Brussels vào ngày 1/10. Mối quan hệ của EU với Belarus, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và ĐCSTQ là trọng tâm của các cuộc thảo luận về các vấn đề ngoại giao tại hội nghị thượng đỉnh này.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Cựu Tổng thư ký NATO kêu gọi EU tăng cường quan hệ với Đài Loan