Đại dịch - triệu chứng ‘văn hóa tham nhũng và tội phạm’ của Bắc Kinh!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo cựu Bộ trưởng Tư pháp Canada Irwin Cotler, ĐCSTQ tiếp tục “đàn áp sự thật”. Đây là phần cơ bản của cuộc đàn áp trên diện rộng ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, và cũng là nguyên nhân của đại dịch viêm phổi Vũ Hán hiện đang gây họa loạn trên toàn cầu.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Cotler nói: “Đại dịch [viêm phổi Vũ Hán] thực sự được tạo ra bởi sự đàn áp sự thật của ĐCSTQ, bằng cách bắt giữ và “diệt khẩu” những người tìm cách nói lên sự thật - họ là những bác sĩ y khoa hoặc nhà bất đồng chính kiến, và bằng một chiến dịch tuyên truyền thông tin lừa đảo trên toàn thế giới để che giấu sự thật và đổ lỗi cho quốc gia khác về những gì đã xảy ra”.

Đại dịch toàn cầu là triệu chứng mới nhất của “văn hóa tham nhũng và tội phạm” của ĐCSTQ, ông Cotler nói về các hành vi vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Trung Quốc, như việc bắt giữ tù nhân lương tâm Pháp Luân Công, đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng, cũng như việc đàn áp các nhà báo và nhà hoạt động dân chủ.

Bắc Kinh đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng tăng do sự vô trách nhiệm của họ trong giai đoạn bùng phát ban đầu của dịch bệnh, không có sự minh bạch và chính xác đối với con số chính thức lây nhiễm và tử vong, cũng như đã cung cấp thiết bị và vật dụng y tế chất lượng kém hoặc “hét giá” cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do họ gây ra. Một số quốc gia Tây phương, bao gồm Hoa Kỳ và Úc, đã yêu cầu thế giới tiến hành điều tra nguồn gốc của virus Corona Vũ Hán và con đường lây truyền của chủng virus mới này.

Nhưng dù sao, một trong những nguyên nhân khiến virus Corona Vũ Hán lây lan thành đại dịch toàn cầu là do cộng đồng quốc tế chưa đồng lòng đứng lên phản đối và bắt buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho những hành động lạm dụng y tế có hệ thống trong nhiều năm qua, ông David Matas, một luật sư nhân quyền nổi tiếng của Canada cho biết.

Ông Matas nói: “Nếu hệ thống toàn cầu đồng lòng yêu cầu ĐCSTQ minh bạch và chịu trách nhiệm đối với hành động lạm dụng cấy ghép nội tạng; theo đó, Trung Quốc [ĐCSTQ] phải chịu áp lực toàn cầu về những vấn đề này, thì giờ đây [thế giới] chúng ta sẽ không có đại dịch virus Corona này”.

“Chúng ta đang phải trả giá cho việc nhắm mắt làm ngơ [trước tội ác của ĐCSTQ]”.

Luật sư David Matas là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên về vấn đề mổ cướp nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công. Năm 2006, The Epoch Times bắt đầu đưa tin về nạn lạm dụng cấy ghép tạng và tội ác mổ cướp nội tạng trên cơ thể sống của tù nhân lương tâm Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về đại dịch viêm phổi Vũ Hán

Hoa Kỳ gần đây tuyên bố sẽ dừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới WHO và tiến hành điều tra về việc xử lý sai lầm của WHO trong đại dịch. WHO có quan hệ mật thiết với Trung Quốc, liên tục hạ thấp nguy cơ lây lan của virus Corona Vũ Hán, mù quáng sử dụng dữ liệu sai lệch về dịch bệnh của ĐCSTQ để liên lạc với thế giới, kể cả khi đã xuất hiện nhiều bằng chứng về sự che giấu dịch bệnh của ĐCSTQ.

Theo ông Matas, trong những nỗ lực không ngừng giải quyết vấn đề về đại dịch, thế giới cần dừng tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng của ĐCSTQ, cũng như cần tăng cường các hệ thống pháp lý để truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ.

Ông Matas nói.“Chúng ta phải cảnh giác với hệ thống y tế của Trung Quốc, cũng như phải thận trọng với thông tin từ chính phủ Trung Quốc; chúng ta không thể dựa vào dữ liệu của họ, không thể tin vào những công bố của họ”.

“ĐCSTQ đang cố gắng gây ảnh hưởng trên thế giới với chiến dịch tuyên truyền, gây áp lực, đe dọa sử dụng đòn bẩy kinh tế và chính trị để che đậy, phủ nhận, che giấu thông tin và viết lại lịch sử của đại dịch ngược với thực tế”. Và có quá nhiều người trên thế giới đã lựa chọn “tặc lưỡi” chấp nhận để không ảnh hưởng về mặt chính trị và kinh tế.

Ngày 17/4, Trung Quốc báo cáo bổ sung 50% con số tử vong ở Vũ Hán, tâm chấn của đại dịch, nâng con số này lên 3.869 ca. Lý do họ đưa ra là do thiếu nguồn lực ý tế nên đã bỏ sót các trường hợp này. Tuy nhiên, giống như tất cả các dữ liệu mà ĐCSTQ cung cấp, con số cập nhật này cũng đang bị hoài nghi.

Khác với một số quốc gia phương Tây công khai chỉ trích việc xử lý đại dịch của ĐCSTQ, giới chức Canada đã giữ im lặng.

Tại một cuộc họp báo ngày 17/4, các phóng viên đã hỏi Thủ tướng Justin Trudeau liệu ông có nhìn nhận việc Trung Quốc sửa đổi con số tử vong là một bằng chứng của việc Bắc Kinh che đậy về dịch bệnh. Ông Trudeau đã không trả lời trực tiếp mà nói rằng bây giờ “không phải là thời điểm” để đàm luận về cách quản lý dịch bệnh của “các quốc gia khác”.

Cựu thượng nghị sĩ Consiglio Di Nino cho rằng Canada cần có lập trường cứng rắn hơn về sự thiếu minh bạch và giả dối thông tin xung quanh sự bùng phát dịch bệnh của chính quyền Trung Quốc, cũng như Canada cần tiến hành điều tra độc lập đối với các dữ liệu của ĐCSTQ.

Ông nói: “[ĐCSTQ] thậm chí ra sức không cho phép thế giới hiểu rõ hơn về những gì đang diễn ra. Nếu chúng ta hợp tác cùng nhau như một gia đình nhân loại và có thể giải quyết hầu hết các vấn đề của mình… thì Trung Quốc sẽ không thể coi chúng ta là đối tác ngang hàng trong gia đình này”.

Ông Di Nino phát biểu rằng ông mong muốn Ủy ban nghị viện Canada-Trung Quốc mới thành lập sẽ tiến hành điều tra về sự ứng phó của Trung Quốc trong giai đoạn đầu bùng phát của dịch bệnh.

Ông nói: “Theo tôi, chính phủ Canada nên hoàn toàn tán thành và ủng hộ Ủy ban này, cung cấp điều kiện thuận lợi để họ tiến hành nghiên cứu, khai thác nhân chứng ở bất cứ nơi nào cần thiết trên thế giới. Điều này có thể giúp chúng ta có được kết luận chính xác hơn về những gì đang diễn ra”.

Ông Cotler cho biết, Canada tối thiểu có thể sử dụng Đạo luật Magnitsky để áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ĐCSTQ vi phạm nhân quyền như che giấu dịch bệnh có chủ ý và đàn áp những người tố giác.

Ông nói: “Những cá nhân này phải chịu trách nhiệm cho việc gây rađại dịch toàn cầu bi thảm như bây giờ”.

Ông Cotler cũng cho rằng có thể áp dụng những sáng kiến ​​mang tính pháp lý khác để truy cứu trách nhiệm của Bắc Kinh, giống như một số nhà lập pháp Mỹ đang làm. Ví dụ, một nhà lập pháp của Hoa Kỳ đang yêu cầu Bộ Ngoại giao kiện Trung Quốc trước Tòa án Công lý Quốc tế, và trong một trường hợp khác, một nghị sĩ đã đưa ra dự luật để người Mỹ có thể dễ dàng khởi kiện ĐCSTQ về đại dịch. Ngày 20/4, tiểu bang Missouri đã khởi kiện ĐCSTQ vì những sai lầm trong cách xử lý gây ra đại dịch toàn cầu.

Theo ông Cotler, việc truy cứu trách nhiệm này là sự phân biệt rõ ràng giữa ĐCSTQ - thủ phạm gây ra đại dịch và người dân Trung Quốc - cũng là nạn nhân của đại dịch. Ông nói: “Điều quan trọng là chúng ta ủng hộ người dân Trung Quốc”.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đại dịch - triệu chứng ‘văn hóa tham nhũng và tội phạm’ của Bắc Kinh!