Đại dịch virus Vũ Hán là “Hồi chuông cảnh tỉnh”, phương Tây cần nhanh chóng chống chọi với chính quyền Trung Quốc 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che giấu về sự bùng phát của COVID-19, khiến dịch bệnh đã lan rộng toàn cầu và trở thành đại dịch. Đây là “hồi chuông cảnh tỉnh” cho các chính phủ phương Tây về quan hệ của họ với chính quyền cộng sản Trung Quốc, một chuyên gia và là nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc nói.

Benedict Rogers là nhà hoạt động nhân quyền người Anh, và là người sáng lập Hong Kong Watch - tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Vương quốc Anh, chuyên giám sát các điều kiện về quyền con người, quyền tự do và luật pháp ở Hồng Kông. Ông nói với tờ The Epoch Times rằng cuộc khủng hoảng sẽ khiến các nước phải xem xét lại quan hệ của họ với chính quyền Trung Quốc, “vì đáng lẽ thế giới sẽ không có đại dịch nếu chính quyền Trung Quốc lắng nghe điều các bác sĩ ở Vũ Hán cảnh báo, thay vì đàn áp, trừng phạt, và buộc họ im lặng”.

“Đại dịch coronavirus toàn cầu nên là một hồi chuông cảnh tỉnh cho thế giới, và đặc biệt là các chính phủ phương Tây và các tổ chức đa phương như Tổ chức Y tế Thế giới WHO, vì họ đã ngây thơ phục tùng chính quyền Trung Quốc, tin tưởng một cách mù quáng mà không biết rằng chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hoạt động trên cơ sở của sự dối trá và đàn áp”, ông Rogers cho biết.

Virus ĐCSTQ, gây ra căn bệnh có tên gọi là COVID-19, khởi phát từ thành phố Vũ Hán ở miền Trung Trung Quốc vào tháng 12/2019. Mặc dù nhận thức được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, chính quyền Trung Quốc đã ngăn chặn những thông tin quan trọng về dịch bệnh này và buộc các bác sĩ phải im lặng để tránh sự chú ý từ công chúng.

Bởi vì bị che giấu thông tin ở giai đoạn đầu, virus ĐCSTQ, được gọi là chủng coronavirus mới, đã lây lan sang hơn 100 quốc gia, lây nhiễm hơn 100.000 người và giết chết hàng ngàn người ở ngoài biên giới Trung Quốc.

Ông Charles Parton, nguyên nhà ngoại giao của Anh tại Trung Quốc, và là cộng tác viên cao cấp của viện chính sách Royal United Services tại Vương quốc Anh cho rằng: Châu Âu, nơi dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng nhất bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là ở các nước Ý, Đức, Tây Ban Nha và Pháp, cần phải nhìn nhận lại quan hệ của họ với ĐCSTQ sau khi kết thúc khủng hoảng.

Vào thời điểm đó, điều quan trọng là “những nhà hoạch định chính sách cần phải biết về sự thật cũng như hiểu được ĐCSTQ đã đặt chính trị cao hơn tính mạng người dân như thế nào tại giai đoạn đầu ứng phó với COVID-19”, ông Parton cho biết trong một email.

Ông cũng cho biết rằng nhiệm vụ của các chính phủ châu Âu là nêu bật điều này cho thế giới để thế giới có thể đối phó với các mối đe dọa tương tự trong tương lai. ĐCSTQ cần phải minh bạch và sự thật cần phải được đưa ra ánh sáng.

Ông Peter Navarro đã cảnh báo dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán sẽ là một bài học cảnh tỉnh để Mỹ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc sản xuất các loại thuốc và thiết bị y tế quan trọng.
Ông Peter Navarro đã cảnh báo dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán sẽ là một bài học cảnh tỉnh để Mỹ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc sản xuất các loại thuốc và thiết bị y tế quan trọng. (Ảnh: Getty)

Quan hệ kinh tế giữa châu Âu và Trung Quốc

Trong năm qua, các nước châu Âu đã cân nhắc một lập trường cứng rắn hơn đối với ĐCSTQ, bởi những hoạt động thương mại không lành mạnh của Bắc Kinh. Trung Quốc mua lại nhiều lĩnh vực quan trọng và không mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp của châu Âu theo cách mà châu Âu đã làm đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc.

Cơ quan điều hành của EU đã gọi Bắc Kinh là “đối thủ chiến lược” trong một báo cáo tháng 3/2019 về quan hệ giữa Trung Quốc và EU. EU cũng hy vọng đạt được thỏa thuận với ĐCSTQ để giải quyết những hoạt động đầu tư không công bằng. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã bị đình trệ vì hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc dự kiến ​​vào cuối tháng 3 đã bị hoãn do đại dịch.

Trong bối cảnh thúc đẩy cho một mối quan hệ thương mại cân bằng hơn, các nước châu Âu cũng nhận thấy họ cần phải cẩn trọng không đối kháng với đối tác thương mại lớn của họ.

“Trong các cuộc họp kín, mặc dù quan chức các nước thành viên bày tỏ thất vọng về Trung Quốc, nhưng vào cuối buổi họp, chủ nghĩa cơ hội ngắn hạn lại chiếm ưu thế”, ông Jonathan Holslag, giáo sư ngành chính trị quốc tế tại Đại học Tự do Brussel và là cố vấn đặc biệt của Phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban châu Âu, nói với tạp chí The Diplomat vào tháng 1/2020.

“Chúng tôi đang bị các nhà ngoại giao Trung Quốc gây áp lực phải chấp nhận Huawei, hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc. Chúng tôi e ngại rằng các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Trung Quốc có thể sẽ bị thiệt hại vì những căng thẳng thương mại. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục cử phái đoàn đến Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội kinh doanh”.

Những lợi ích cạnh tranh này đã được minh họa trong chuyến công du của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đến Pháp hồi tháng 3/2019, giáo sư Holslag cho biết.

“Một ngày nọ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban EU cùng tới Paris để tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình. Ngày hôm sau, ông Macron đã bất chấp và bán máy bay Airbus cho Trung Quốc”.

Giáo sư lưu ý rằng Đức cũng như vậy. “Các công ty của Đức bao gồm Volkswagen, BASF và BMW đã đặt chương trình gặp gỡ đối tác Trung Quốc lên trên những quan ngại về chiến lược dài hạn hoặc lợi ích quốc gia”.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Tính đến năm 2019, các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm 7% tổng thu nhập của khu vực tư nhân Đức. Hơn 5.000 công ty của Đức đầu tư vào hơn 8.000 dự án tại Trung Quốc. Mặt khác, hơn 2.000 công ty của Trung Quốc đầu tư vào Đức.

Các nước châu Âu khác cũng mời gọi đầu tư từ Trung Quốc. Năm 2018, Bồ Đào Nha trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên đăng ký trong ‘Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường’ của Bắc Kinh (BRI, còn được gọi là ‘Một vành đai, Một con đường’). Ý đăng ký năm 2019, và trở thành quốc gia G-7 đầu tiên tham gia.

BRI, một dự án nhằm kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu qua mạng lưới đường sắt, hải cảng và đường bộ. Sáng kiến này đã bị chỉ trích vì tạo những khoản nợ khổng lồ vượt quá khả năng chi trả cho các nước đang phát triển. Trong khi đó, Hoa Kỳ lo ngại rằng Trung Quốc cũng thông qua kế hoạch này tăng cường ảnh hưởng quân sự và truyền bá công nghệ có khả năng thu nhận thông tin gián điệp để chống lại các nước phương Tây.

ĐCSTQ cũng xâm nhập vào Tây Ban Nha. Năm 2016, các doanh nghiệp Trung Quốc đã mua lại hai công ty kỹ thuật của Tây Ban Nha là Aritex và Eptisa. Sự thâu tóm này là một phần trong nỗ lực thống trị toàn cầu của Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghệ cao, như được nêu trong kế hoạch phát triển công nghiệp quốc gia “Made in China 2025”. Đây là kế hoạch chi tiết để biến Trung Quốc thành một cường quốc công nghệ.

Tháng 6/2017, công ty vận tải nhà nước Trung Quốc COSCO đã mua phần lớn cổ phần tại Noatum Port Holdings, công ty điều hành cảng container tại Valencia và Bilbao. Bắc Kinh đang kéo Tây Ban Nha tham gia vào BRI. Noatum là nhà điều hành cảng hàng hải lớn nhất ở Tây Ban Nha.

Nhiều quốc gia châu Âu đang lưỡng lự xem xét việc đưa công nghệ Huawei vào danh sách 5G của họ. Trong khi Hoa Kỳ cảnh báo các đồng minh châu Âu rằng công nghệ của Trung Quốc có thể đem lại rủi ro an ninh quốc gia, các quan chức Trung Quốc đã gây áp lực lên một số quốc gia phương Tây để ép họ chấp nhận Huawei hoặc đối mặt với sự trả đũa.

Tháng 1/2020, Vương quốc Anh thông báo rằng họ sẽ cho phép sử dụng các thiết bị 5G Huawei không thuộc phần mạng lõi. Theo Reuters, Pháp cũng có quyết định tương tự. Ở nước láng giềng Đức, liên minh cầm quyền của bà Merkel không cấm Huawei, mà áp dụng các quy tắc cứng rắn hơn đối với nhà cung cấp.

Nghị sĩ Quốc hội Ý, Maurizio Gasparri (ở giữa) (Ảnh: Franco Origlia/Getty Images)

“Tìm kiếm sự thật từ thực tế”

Kể từ khi virus corona lan rộng thành đại dịch toàn cầu, ĐCSTQ đã thể hiện nỗ lực đáng kể để tô vẽ hình ảnh của bản thân như một nhà lãnh đạo của thế giới trong cuộc chiến chống virus, cũng như điều hướng dư luận khỏi những sai lầm trong cách xử lý dịch bệnh.

“ĐCSTQ sẽ nỗ lực thông qua bộ máy tuyên truyền ở nước ngoài của mình để kể về thành công của họ cũng như để nói rằng họ đang thay mặt thế giới chiến đấu chống lại COVID-19”, ông Parton cảnh báo.

Bắc Kinh đã đưa các đoàn chuyên gia y tế đến Ý và Tây Ban Nha, và đồng thời truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ca ngợi viện trợ y tế của Bắc Kinh (như mặt nạ và đồ bảo hộ) cho các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, một số vật tư được gửi đến Ý không phải là từ thiện, mà là thương mại.

Ông Parton nói rằng các quốc gia cần chống lại những nỗ lực tuyên truyền của ĐCSTQ bằng cách “tìm kiếm sự thật từ thực tế”, và yêu cầu ĐCSTQ minh bạch hơn.

“Chúng ta cần trao đổi với chính phủ Trung Quốc về kinh nghiệm của họ và nỗ lực hợp tác để rút ra bài học kinh nghiệm tương lai của toàn thế giới”.

Theo ông Rogers, các nước châu Âu cần phải “cảnh báo thế giới về thực tế rằng chính quyền Trung Quốc đã gây ra đại dịch này”.

Ông nói: “Chính quyền Trung Quốc là tác nhân của vấn đề chứ không phải là nhà cung cấp giải pháp”.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đại dịch virus Vũ Hán là “Hồi chuông cảnh tỉnh”, phương Tây cần nhanh chóng chống chọi với chính quyền Trung Quốc