Đài Loan có thể bắn hạ máy bay không người lái của Trung Quốc ở Biển Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đài Loan đã phát hiện máy bay không người lái của Trung Quốc lượn quanh quần đảo Đông Sa (Pratas), hiện do Đài Bắc kiểm soát tại Biển Đông và có thể bắn hạ nếu chúng tiến quá gần, một quan chức của chính phủ Đài Loan cho biết hôm 07/04. Động thái trên có thể gia tăng đáng kể những căng thẳng với Bắc Kinh.

Phát biểu tại Quốc hội, ông Lý Trọng Vỹ - người đứng đầu Hội đồng các vấn đề Đại dương, thuộc Lực lượng Hải quân biên phòng cho biết; họ đã phát hiện ra máy bay không người lái Trung Quốc bay vòng quanh quần đảo Đông Sa mặc dù chúng không bay ngang qua các hòn đảo này.

"Chúng chưa xâm phạm vào vùng cấm của lãnh hải và không phận của Đài Loan, chúng chỉ bay xung quanh khu vực với một khoảng cách nhất định", ông Lý cho hay.

Tuy Trung Quốc không công nhận tuyên bố chủ quyền của Đài Loan, nhưng máy bay và tàu Trung Quốc thường xuyên xuất hiện bên ngoài khu vực nhận diện của Đài Loan, trải dài 3,7 hải lý từ bờ biển nước này.

Khi được hỏi liệu Hải quân biên phòng sẽ phản ứng như thế nào nếu máy bay không người lái của Trung Quốc xâm nhập khu vực cấm này, ông Lý cho hay họ có các quy tắc riêng để xử lý,

“Sau khi máy bay xâm nhập khu vực cấm, nó sẽ bị xử lý theo quy tắc. Nếu cần khai hỏa, chúng ta sẽ khai hỏa.”

Quần đảo Đông Sa nằm ngay vùng trên cùng của tuyến đường thủy đang bị tranh chấp, và đã trở thành một mối bận tâm khá mới mẻ giữa Đài Loan và Bắc Kinh.

Trong những tháng gần đây, Đài Loan đã cảnh báo về các hoạt động thường xuyên của Không quân Trung Quốc gần quần đảo này, nơi Hải quân biên phòng Đài Loan chỉ phòng thủ ở mức vừa phải mặc dù có sự triển khai định kỳ của Thủy quân lục chiến. Đây là khu vực hạn chế dân thường lui tới, thỉnh thoảng chỉ có một số nhà khoa học đến khu vực này.

Vào tháng 10, bộ kiểm soát không lưu của Hồng Kông đã cảnh báo một chuyến bay dân sự Đài Loan tiến gần đến quần đảo Đông Sa trên một hành trình thường xuyên diễn ra hàng tuần và buộc nó phải quay trở lại.

Quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát là khu vực gần với lãnh thổ Hồng Kông nhất, nó cũng gia tăng tầm quan trọng từ khi các phong trào biểu tình chống chính phủ xuất hiện tại thành phố do Trung Quốc cai trị này.

Đài Loan đã chặn ít nhất một chiếc thuyền đến gần quần đảo Đông Sa đem theo người tị nạn chạy trốn khỏi Hồng Kông đang cố gắng tìm đường đến Đài Loan.

Một đảo chính khác của Đài Loan chiếm giữ tại Biển Đông là đảo Ba Bình, nó còn có tên khác là Itu Aba và Đảo Taiping. Đây là một đảo có tranh chấp tại quần đảo Trường Sa. Ông Lý nói rằng họ đã không phát hiện ra máy bay không người lái Trung Quốc tại đó

Ngoài Trung Quốc và Đài Loan, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam cũng đưa ra các yêu sách tranh chấp với các quần đảo và các thực thể tại Biển Đông.

Lực lượng máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc với máy bay không người lái vũ trang giống Predator. Các công ty Trung Quốc đang khai thác trí thông minh nhân tạo để xuất khẩu máy bay không người lái tự hành có khả năng gây chết người sang các nước khác, chẳng hạn như máy bay không người lái Blowfish A3 của Ziyan đến Trung Đông. (Hình ảnh: Asitimes qua Flickr CC BY 2.0 )
Lực lượng máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc. (Hình ảnh: Asitimes qua Flickr CC BY 2.0 )

Tàu chiến của Hoa Kỳ băng qua Eo biển Đài Loan giữa bối cảnh đang căng thẳng với Trung Quốc

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S. McCain đã thực hiện một chuyến hải trình “theo thường lệ” qua Eo biển Đài Loan vào hôm 07/04, khi Trung Quốc điều nhiều máy bay chiến đấu hơn vào khu vực phòng không của Đài Loan và một nhóm tác chiến tàu ​​sân bay Trung Quốc tập trận gần Đài Loan, Hải quân Hoa Kỳ cho biết.

"Việc tàu của chúng tôi đi qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cất cánh, ra khơi và vận hành ở bất cứ đâu mà luật quốc tế hiện hành cho phép", Hải quân Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.

Khải Anh
Theo The Epoch Times

Thế giới


BÀI CHỌN LỌC

Đài Loan có thể bắn hạ máy bay không người lái của Trung Quốc ở Biển Đông