Đại sứ Trung Quốc chỉ trích 'Hoa Kỳ là một nền dân chủ thất bại'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại sứ Trung Quốc tại New Zealand Vương Tiểu Long (Wang Xiaolong), đã gửi một lá thư tới các nghị sĩ New Zealand để chỉ trích thế giới dân chủ do Hoa Kỳ lãnh đạo và tuyên bố rằng Trung Quốc có một hệ thống dân chủ hoàn toàn khác biệt.

Ông Vương cáo buộc Hoa Kỳ kiêu ngạo và truyền bá những câu chuyện "sai sự thật" về dân chủ và chủ nghĩa độc tài.

Ông lập luận rằng những quốc gia từng có sai sót thì có "rất ít uy tín" để “lên lớp” nước khác và tuyên bố rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã và đang theo đuổi các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền.

Ông cho biết ĐCSTQ sẽ “rất vui” được chia sẻ các giá trị và quan điểm của mình với bất kỳ ai quan tâm, nhưng ĐCSTQ không thích bị “lên lớp” và để “các nước khác” - chủ yếu ám chỉ Hoa Kỳ - “áp đặt” các giá trị của họ lên ĐCSTQ.

Trong bức thư dài ba trang, ông cũng đính kèm hai báo cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có tiêu đề "Tình trạng dân chủ ở Hoa Kỳ năm 2022" và "Sự bá quyền của Hoa Kỳ và những nguy cơ của nó". Cả hai báo cáo đều khẳng định rằng nền dân chủ Hoa Kỳ là một hệ thống thất bại đã chia rẽ thế giới.

Báo cáo "Tình trạng dân chủ ở Hoa Kỳ năm 2022", được công bố vào ngày 20/3, cáo buộc Hoa Kỳ đã chia thế giới thành hai phe, dân chủ và phi dân chủ, đồng thời cung cấp vũ khí cho Ukraine để đổi lấy tiền.

Trích dẫn các phương tiện truyền thông nhà nước từ Belarus, Singapore và Nga, báo cáo cho biết, nền dân chủ ở Mỹ đang thất bại và không còn là “tiêu chuẩn vàng” nữa. Belarus và Singapore duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga và Trung Quốc.

Báo cáo nhắc lại rằng ĐCSTQ coi chuyến thăm Đài Loan của cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi là một “hành động khiêu khích chính trị nghiêm trọng” nhằm thách thức chủ quyền của ĐCSTQ.

Theo đó, báo cáo này cũng gọi hiệp ước an ninh lịch sử giữa Mỹ, Anh và Úc (AUKUS) là một “bè phái phân biệt chủng tộc”, mà Mỹ đã “liên kết” với Úc và Vương quốc Anh. Quad và Five Eyes là các “liên minh dựa trên giá trị” khác do Hoa Kỳ thành lập.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) tham gia cuộc gặp ba bên với Thủ tướng Úc Anthony Albanese (trái) và Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) trong hội nghị thượng đỉnh AUKUS ở San Diego, California, ngày 13/3/2023. (Ảnh: Leon Neal /Getty Images)

Báo cáo "Sự bá quyền của Hoa Kỳ và những nguy cơ của nó", được công bố vào ngày 20/2, nói rằng Hoa Kỳ đã chi “số tiền khủng” vào việc thiết lập các phương tiện truyền thông ở các nước xã hội chủ nghĩa nhằm hỗ trợ “sự xâm nhập ý thức hệ” và phát đi “tuyên truyền kích động” về dân chủ, tự do và nhân quyền.

“[ĐCSTQ] phản đối mọi hình thức bá quyền và chính trị cường quyền, đồng thời bác bỏ việc can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác”, báo cáo viết.

Ông Luke De Pulford, phát ngôn viên của Liên minh Nghị viện về Trung Quốc, nói với tờ The Age rằng, bức thư đã phản tác dụng.

“Giữa [lời lẽ] đầy hoài nghi của những chiến lang và sự tuyên truyền thiếu suy nghĩ của những lá thư này, Bắc Kinh đã chứng tỏ cho chúng ta thấy một đẳng cấp ngoại giao kém cỏi”.

Cuộc xâm lược toàn cầu của ĐCSTQ

Bức thư của Đại sứ Trung Quốc tại New Zealand Vương Tiểu Long được đưa ra trước thềm cuộc tổng tuyển cử ở New Zealand, dự kiến diễn ra vào ngày 14/10.

Theo báo cáo của Cơ quan Tình báo An ninh Canada, ĐCSTQ đã phát động chiến dịch phá rối cuộc bầu cử quốc gia năm 2021 ở Canada và đánh bại các chính trị gia chỉ trích Bắc Kinh.

Tương tự, một cuộc đánh giá nội bộ của Đảng Tự do cho thấy các đối thủ của họ đã thúc đẩy nhận thức rằng sự chỉ trích mạnh mẽ của họ đối với ĐCSTQ đã lan sang cả cộng đồng người Hoa nói chung trong cuộc bầu cử liên bang Úc năm 2022, dẫn đến những thay đổi đáng kể nhất chống lại Đảng Tự do trong các cộng đồng có đông người Hoa sinh sống.

Chưa dừng lại ở đó, ĐCSTQ đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Biển Đông trong những năm qua, bao gồm cả việc quân sự hóa các đảo nhân tạo và tuyên bố chủ quyền đối với vùng không phận của nước này.

Hoa Kỳ, Úc, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều bác bỏ các yêu sách chủ quyền của ĐCSTQ đối với các vùng biển ở Biển Đông.

Chính phủ Trung Quốc cũng bị cáo buộc truyền bá tuyên truyền của ĐCSTQ cho sinh viên Úc thông qua các trường dạy tiếng Trung Quốc và tài liệu giảng dạy.

“Sinh viên từ các trường ngôn ngữ tham dự nhiều trại đông - trại hè do ĐCSTQ tài trợ và tiếp thụ rất nhiều tuyên truyền của ĐCSTQ trong suốt chuyến đi”, Tiến sĩ Lâm Tùng (Bin Lin), Hiệu trưởng Học viện Văn hóa Trung Hoa (Academy of Chinese Culture) do ông thành lập, cho biết.

Ông Lâm Tùng trước đây từng nói với The Epoch Times rằng vì hầu hết các giáo sư đều là người Trung Quốc, nên việc họ giáo dục trẻ em theo cách duy nhất mà họ biết là phương pháp của ĐCSTQ là điều đương nhiên.

Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ

Bức thư trên được công bố ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ lần II do Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chủ trì.

"Hôm nay chúng ta có thể tự hào tuyên bố rằng các nền dân chủ trên thế giới đang trở nên mạnh hơn chứ không phải yếu đi. [Ngược lại] chính các chế độ độc tài trên thế giới đang dần suy tàn. Đây là kết quả của việc tất cả chúng ta cùng nhau đoàn kết”.

Ông cho rằng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào tháng 11/2022 là một dấu hiệu cho thấy cử tri "ngày càng bác bỏ tiếng nói của chủ nghĩa cực đoan".

Trong khi đó, trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh đảng Dân chủ, ông Biden xác nhận rằng Hoa Kỳ sẽ chi 690 triệu USD để thúc đẩy các sáng kiến về dân chủ.

Ông Biden nói: “Khi chúng ta tập trung tại đây vào tháng 12/2021, rất nhiều nơi trên thế giới đều cho rằng những ngày tươi đẹp nhất của các nền dân chủ đã bị bỏ lại phía sau”.

“Nhưng năm nay, chúng ta có thể khẳng định rằng, nhờ vào quyết tâm của các nhà lãnh đạo có mặt tại đây ngày hôm nay và sự kiên trì của người dân ở các khu vực trên thế giới, quyền của người dân đã được tôn trọng và tiếng nói của họ đã được lắng nghe”.

Nhà Trắng xác nhận trong một tuyên bố rằng cuộc họp tiếp theo sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đại sứ Trung Quốc chỉ trích 'Hoa Kỳ là một nền dân chủ thất bại'