Dân chủ đang bị xói mòn trầm trọng ở Mỹ và thế giới: tiến trình dân chủ của Biden có còn hy vọng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vì dân chủ do Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chủ trì đánh dấu một nỗ lực chưa từng có nhằm tập hợp các quốc gia cam kết với các giá trị như tự do và nhân quyền. Hội nghị diễn ra trong hai ngày và kết thúc với sự cam kết của Tổng thống Mỹ đối với nền dân chủ toàn cầu. Tuy nhiên, trên tiến trình này, Tổng thống Biden sẽ phải vượt qua rất nhiều khó khăn.

Nikkei Asia đưa tin, phát biểu trong phiên khai mạc hội nghị, Tổng thống Biden nói: "Nền dân chủ không tồn tại một cách ngẫu nhiên. Chúng ta phải đổi mới nó theo từng thế hệ. Và đây là vấn đề cấp bách đối với tất cả chúng ta, theo quan điểm của tôi. Bởi vì những dữ liệu chúng ta đang thấy phần lớn đều đang lệch khỏi quỹ đạo”.

"Liệu chúng ta có thể cho phép nhân quyền và nền dân chủ tiếp tục trượt dốc một cách không kiểm soát không? Hay chúng ta sẽ cùng nhau - phối hợp - đưa ra tầm nhìn ... và dũng cảm để tiếp tục dẫn đầu cuộc hành trình vì tự do và sự tiến bộ của nhân loại?”

Trong bài phát biểu kết thúc vào thứ Sáu ngày 10/12, Tổng thống Biden đã nhắc lại cam kết của mình đối với nền dân chủ.

"Chúng tôi biết công việc đang ở phía trước khó khăn như thế nào. Nhưng chúng tôi cũng biết mình phải đối mặt với thử thách", ông nói. "Bởi vì như cuộc họp này đã chứng minh, thế giới dân chủ hiện diện ở khắp mọi nơi. Các chế độ chuyên quyền không bao giờ có thể dập tắt ngọn lửa tự do rực cháy trong trái tim của mọi người trên toàn thế giới. Nó không có biên giới".

AP cho hay, vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Biden công bố kế hoạch chi 424 triệu USD để hỗ trợ truyền thông độc lập, công tác chống tham nhũng và hơn thế nữa, trên toàn thế giới. Sáng kiến ​​này được đưa ra khi ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hợp tác với Hoa Kỳ để đảo ngược điều mà ông gọi là "sự suy giảm của nền dân chủ trên toàn cầu một cách đáng báo động".

Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ nói, hội nghị này không chỉ dừng lại ở đây, các nhà lãnh đạo không chỉ công bố các cam kết, đơn phương và đa phương, mà hội nghị này giống như một tiến trình dân chủ.

Các nhà lãnh đạo từ Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan và những quốc gia tham gia hội nghị thượng đỉnh khác sẽ gặp lại nhau vào năm sau để thảo luận về tiến độ của họ trong việc bảo vệ quyền tự do báo chí, chống tham nhũng và kiềm chế vi phạm nhân quyền.

Nền dân chủ đang bị đe dọa nghiêm trọng trên khắp thế giới. Với đại dịch đang gia tăng khoảng cách chênh lệch thu nhập, công dân trên khắp thế giới đã vỡ mộng về việc các nhà lãnh đạo của họ không thể giải quyết các mối quan tâm cấp bách và với chính nền dân chủ.

Thông tin sai lệch trên các phương tiện truyền thông xã hội làm tăng thêm sự tức giận của công chúng, làm suy yếu nền tảng của nền dân chủ, vốn xoay quanh việc nhận ra sự khác biệt về quan điểm và đoàn kết đằng sau một ban lãnh đạo được bầu chọn công bằng.

Do đó, việc khôi phục lòng tin của người dân vào nền dân chủ vẫn là một thách thức to lớn.

Thách thức dân chủ khắp thế giới

Lần đầu tiên Hoa Kỳ bị hạ cấp thành "nền dân chủ trượt dốc" trong một báo cáo vào tháng 11 của Viện Quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử có trụ sở tại Stockholm, đặt quốc gia này vào số những nước đang trải qua sự suy giảm "nghiêm trọng và có chủ ý" về chất lượng dân chủ.

Báo cáo cũng cho biết 20 quốc gia đã hướng tới chủ nghĩa độc tài từ năm 2016 đến năm 2021, gần gấp ba lần con số chuyển sang chế độ dân chủ trong giai đoạn đó.

"Nền dân chủ đang có nguy cơ," báo cáo cảnh báo. "Sự tồn tại của nó đang bị đe dọa bởi một cơn bão hoàn hảo của các mối đe dọa, cả từ bên trong và từ làn sóng chủ nghĩa độc tài đang lên."

Cuộc chạy đua toàn cầu về ngoại giao vaccine chỉ làm nổi bật sức hút đang suy yếu của các nền dân chủ.

Việc Trung Quốc xuất khẩu hàng triệu liều vaccine đã cung cấp một cứu cánh cho hàng chục quốc gia đang phát triển gặp khó khăn trong việc mua vaccine của phương Tây và giúp Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng của mình thông qua “ngoại giao vaccine”. (Ảnh: Flickr)
Việc Trung Quốc xuất khẩu hàng triệu liều vaccine đã cung cấp một cứu cánh cho hàng chục quốc gia đang phát triển gặp khó khăn trong việc mua vaccine của phương Tây và giúp Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng của mình thông qua “ngoại giao vaccine”. (Ảnh: Flickr)

Vào tháng 6, nhóm G7 đồng ý cung cấp 1 tỷ liều vaccine COVID-19 cho các quốc gia có thu nhập thấp trong suốt một năm. Nhưng trong bối cảnh gia tăng của các biến thể coronavirus mới, chính họ đang phải vật lộn để có đủ mũi tiêm tăng cường ở trong nước.

Sự trì hoãn đã cho phép Trung Quốc, quốc gia độc đảng và hệ thống bầu cử không công khai, thu hút các quốc gia dễ bị tổn thương trên toàn thế giới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết vào tháng 11 sẽ cung cấp thêm 1 tỷ liều vaccine cho châu Phi, nơi tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức thấp.

Tổng thống Biden, nhằm mục đích tái khẳng định các nguyên tắc dân chủ với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, tạo ra một liên minh để ngăn chặn xu hướng toàn cầu hướng tới chủ nghĩa độc tài. Nhưng bản thân nỗ lực đó có thể dẫn đến sự chia rẽ lớn hơn trong cộng đồng quốc tế.

Đại sứ Trung Quốc Qin Gang và Đại sứ Nga Anatoly Antonov tại Mỹ dự báo trong một bài báo đăng trên mạng vào tháng 11 của National Interest, "Một sản phẩm hiển nhiên của tâm lý Chiến tranh Lạnh, điều này sẽ gây ra sự đối đầu về ý thức hệ và rạn nứt trên thế giới, tạo ra 'ranh giới phân chia' mới". Cả Nga và Trung Quốc đều không được mời tham dự cuộc họp.

Họ cũng viết: “Dân chủ không phải là đặc quyền của một quốc gia hay một nhóm quốc gia nào đó, mà là quyền phổ quát của tất cả các dân tộc".

Thái độ nghi ngại biểu hiện ngay cả trong số những quốc gia được mời tham gia hội nghị. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nói trong một cuộc họp kín với các nhà lãnh đạo khác rằng dân chủ là một giá trị phổ quát nhưng không nó không thể làm suy yếu những khát vọng chính trị độc đáo trong một cộng đồng quốc tế đa dạng, báo chí Indonesia đưa tin. Hoa Kỳ có khả năng tạo ra một vết nứt giữa các nền dân chủ trên thế giới bằng cách thúc đẩy quá mức cho các lý tưởng và lợi ích của riêng mình, theo một bình luận trên Nikkei Asia.

Nghi ngờ: Mỹ có thể là ngọn đuốc về dân chủ hay không?

Trên toàn thế giới cũng có nhiều nghi ngờ về việc liệu Hoa Kỳ có thể thực sự đóng vai trò là ngọn đuốc cho nền dân chủ hay không. Phần lớn đảng viên Đảng Cộng hòa vẫn tin rằng cựu Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố về việc gian lận cử tri phổ biến trong cuộc đua tổng thống năm 2020. Ký ức về cuộc bạo loạn ngày 6/1 tại Điện Capitol vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí mọi người.

Nhóm ông lớn công nghệ (Big Tech) đang tiến hành một âm mưu phối hợp để vô hiệu hóa cuộc bầu cử ở Mỹ, bằng cách bóp nghẹt sự thật, kiểm duyệt và chặn tất cả các tiếng nói bảo thủ trên các nền tảng trực tuyến.
Nhóm ông lớn công nghệ (Big Tech) đang tiến hành một âm mưu phối hợp để vô hiệu hóa cuộc bầu cử ở Mỹ, bằng cách bóp nghẹt sự thật, kiểm duyệt và chặn tất cả các tiếng nói bảo thủ trên các nền tảng trực tuyến. (Tổng hợp)

Còn nữa, ở Mỹ, nơi tự do ngôn luận là một trong những quyền được Hiến Pháp bảo đảm, truyền thông dòng chính và Big Tech đã kiểm duyệt thông tin về tình hình biên giới Mỹ-Mexico, về cái gọi là "thông tin sai lệch" về dịch bệnh Covid-19 và về vaccine.

Tuần trước, Phóng viên trưởng của CNN, Oliver Darcy, cho biết hôm thứ Hai trên bản tin “Reliable sources (Các nguồn đáng tin cậy)” của CNN rằng, Nhà Trắng của ông Biden “đã làm việc đằng sau hậu trường” để cố gắng “định hình lại phạm vi đưa tin” về nền kinh tế theo chiều hướng “có lợi cho chính quyền”, theo một bản ghi chép của chương trình ngày 6/12. Liệu nền dân chủ Mỹ có còn được vẹn toàn?

Theo The Time, Tổng thống Biden đã hứa sẽ thúc đẩy luật pháp để bảo vệ quyền bỏ phiếu của người Mỹ trước làn sóng hạn chế đang được đảng Cộng hòa thông qua trong các cơ quan lập pháp tiểu bang trên khắp đất nước nhưng các dự luật đã bị trì hoãn tại Quốc hội khi các thành viên Đảng Dân chủ tranh luận nội bộ về một loạt chi tiêu xã hội. Các biện pháp được thiết kế để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và trẻ em.

Các chính sách buộc tiêm vaccine của Nhà Trắng liên tiếp bị chặn lại bởi các Toà án liên bang vì vi hiến. Nhưng dù vậy, nước Mỹ, với truyền thông không độc lập, với các nền tảng mảng xã hội cấp tiến; mọi tư tưởng truyền thống và bảo thủ đang bị kiểm duyệt chặt chẽ, thậm chí là kỳ thị bởi làn sóng cấp tiến. Nước Mỹ đang trong vòng xoáy xói mòn trầm trọng về dân chủ.

Với sự ủng hộ ngày càng suy yếu ở quê nhà, với sự thách thức của các nước "phi dân chủ" như Nga và Trung Quốc, liệu nỗ lực phục hồi nền dân chủ của Tổng thống Biden có tránh được nguy cơ khiến thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn sâu sắc hơn?

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Dân chủ đang bị xói mòn trầm trọng ở Mỹ và thế giới: tiến trình dân chủ của Biden có còn hy vọng?