Dân số thế giới biến động trái chiều - Kết quả cuối cùng sẽ định đoạt số phận các nền văn minh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc khủng hoảng dân số không phải là một dự báo, nó đang xảy ra ngay lúc này. Trong 4 phút tới, cứ 1.000 trẻ em được sinh ra sẽ có 172 trẻ ở Ấn Độ, 103 ở Trung Quốc, 57 ở Nigeria, 47 ở Pakistan — nhưng toàn bộ châu Âu thì chỉ có 52 trẻ. Trong tình huống ông Putin sụp đổ, đạo Hồi sẽ có được cơ hội độc nhất vô nhị để hiện thực hóa ước mơ về nhà nước Hồi giáo bằng cách tạo ra một chuỗi liên tục các thực thể Hồi giáo từ Pakistan và Afghanistan đến Bắc Caucasus và sông Volga. Cán cân quyền lực giữa các nền văn minh đang thay đổi.

Ở châu Âu, “với tốc độ mà mọi thứ đang diễn ra, dân số sẽ giảm một nửa trước năm 2070, và châu lục này có nguy cơ mất 400 triệu dân vào năm 2100”, ông James Pomeroy - chuyên gia kinh tế của ngân hàng HSBC tại Trung Quốc cho biết. Số trẻ được sinh ra trên toàn châu Âu sẽ ít hơn so với số trẻ được sinh ra tại Nigeria.

Sự gia tăng dân số thế giới đã đạt mức thấp nhất kể từ năm 1950 và dân số châu Âu sẽ tiếp tục giảm cho đến cuối thế kỷ này, Financial Times trích dẫn báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới của Liên hợp quốc.

Năm tới, Ấn Độ dự kiến vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Ấn Độ sẽ có 20% dân số là người Hồi giáo và sẽ là cộng đồng Hồi giáo lớn nhất thế giới. Xu hướng nhân khẩu học này sẽ tác động như thế nào đến việc chung sống (vốn khó khăn) giữa người Hồi giáo và người Ấn Độ giáo (còn gọi là Hindu giáo)?

Năm 2021, dân số châu Âu giảm 1,4 triệu người, mức giảm lớn nhất trên bất kỳ châu lục nào kể từ năm 1950 - khi chỉ số này được thống kê lần đầu tiên. Dân số Trung Quốc dự kiến ​​sẽ giảm 6 triệu người mỗi năm vào giữa những năm 2040 và 12 triệu người mỗi năm vào cuối những năm 2050 - mức sụt giảm lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử của một quốc gia. Dân số Trung Quốc sẽ giảm một nửa trong vòng 45 năm tới và nước này sẽ trở thành một quốc gia rất già; hậu quả là GDP của nước này sẽ giảm chưa từng thấy và xã hội sẽ phải đối phó với một dân số già chưa từng gặp phải trước đây.

Sự già hóa dân số của Nhật Bản đang có tác động đáng sợ lên quân đội nước này. Kể từ năm 1994, số lượng thanh niên từ 18 đến 26 - độ tuổi chiêu mộ - đã giảm dần. Giai đoạn 1994-2015, con số này giảm 11 triệu người, tương đương 40%. Forbes viết: “Nhật Bản không còn người để gây chiến nữa”. Lần đầu tiên [được cho là vào năm 2011], người Nhật mua nhiều tã cho người già hơn là cho trẻ sơ sinh.

Hàn Quốc cũng đang phải đối mặt với thực trạng tương tự. Tờ Wall Street Journal đưa tin vào năm 2019: “Tình trạng giảm sinh ở Hàn Quốc đã trở thành thách thức đối với an ninh quốc gia”. “Ngày càng ít thanh niên đi nghĩa vụ quân sự. Đó là lý do tại sao các quan chức Seoul nói rằng quân đội của Hàn Quốc sẽ giảm xuống còn nửa triệu người vào năm 2022, từ tổng số 600.000 người hiện tại”.

Tờ Telegraph tiết lộ rằng “Đài Loan từ lâu đã sống với viễn cảnh đáng sợ về một cuộc xâm lược của Trung Quốc, nhưng một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của nước này nằm ở bên trong: tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới”. Đài Loan hiện có tỷ lệ sinh thấp nhất trên toàn cầu; đến năm 2050, quốc gia này sẽ chỉ có 20 triệu dân, độ tuổi trung bình tăng lên 57 tuổi (từ mức 39 tuổi hiện nay).

Điều tương tự dự kiến ​​sẽ xảy ra ở Ý, nơi dân số được cho là sẽ giảm một nửa trong 50 năm nữa. Năm 2022, số học sinh nhập học ở Ý ít hơn 121.000 em so với năm ngoái và 2.300 lớp học bị xóa sổ. Mỗi năm, Ý mất 1-2% số học sinh. Từ 7,4 triệu học sinh (theo dữ liệu mới nhất công bố năm 2021) giảm xuống còn 6 triệu vào năm 2034 với việc mất đi 110.000–120.000 học sinh mỗi năm. Trong 8 năm qua, 1.301 trường học ở Ý đã đóng cửa, chiếm 13,3% trong số 9.769 ngôi trường vẫn còn hoạt động.

Cuộc khủng hoảng dân số này không phải là một dự báo, nó đang xảy ra ngay lúc này. Đến năm 2050, 60% người Ý sẽ không có anh em, chị em, anh chị em họ, chú bác hay cô dì. Gia đình Ý, với người cha rót rượu và người mẹ phục vụ mì ống trên bàn ăn gồm có ông bà, cháu và chắt, sẽ không còn nữa. Hình ảnh ấy sẽ tuyệt chủng như loài khủng long.

Trong khi đó, cũng vào năm 2050, tại khu vực Sahel ở bắc - trung Phi, dân số dự kiến ​​đạt 330 triệu người, gấp 7 lần dân số năm 2000. Ai Cập sẽ có 190 triệu người. Algeria sẽ tăng từ 42 triệu lên 72 triệu (hầu hết trong số họ có thể sẽ đổ vào châu Âu). Vương quốc Ma-rốc sẽ tăng từ 36 triệu lên 43 triệu.

Có thể thấy, một "châu Âu già" sẽ phải đối mặt với một Bắc Phi có 318 triệu dân, không tính những người cư trú bên dưới cao nguyên cận Sahara bao la. Ở Pháp hiện nay, 29,6% dân số từ 0–4 tuổi không phải là người gốc châu Âu, con số đó là 17,1% trong độ tuổi 18–24. Những người không phải người châu Âu chiếm 18,8% ở độ tuổi 40–44; 7,6% ở độ tuổi 60-64 và 3,1% ở những người trên 80 tuổi, theo số liệu từ Viện Thống kê Quốc gia Insee của Pháp. Viện này cũng đã kiểm tra 3 thế hệ gần đây nhất ở Pháp: 16,2% tất cả trẻ em trong độ tuổi từ 0–4 là con hoặc cháu có nguồn gốc Bắc Phi; 7,3% đến từ phần còn lại của châu Phi và 4% đến từ châu Á.

Quỹ Xã hội Mở của tỷ phú George Soros, tổ chức hỗ trợ tài chính cho quá trình nhập cư đến các nước phương Tây, đã tiết lộ ngay từ năm 2011 rằng tại Marseille, thành phố lớn thứ hai ở Pháp, “từ 30% đến 40% dân số là người Hồi giáo”. Không khó để giả định rằng đến nay, con số này đã vượt quá 50%, ngay cả khi chưa có thống kê chính thức. Tờ Causeur đã nói thẳng thừng: “Hơn 50% dân số Marseille là người Bắc Phi và người Phi da đen”.

Tình trạng hiện tại ở Ceuta và Melilla là tương lai của châu Âu

Ceuta và Melilla, hai phần lãnh thổ tách rời của Tây Ban Nha nằm trên bờ biển Địa Trung Hải của Ma-rốc, đã tạo thành biên giới trên bộ duy nhất giữa Liên minh châu Âu (EU) và châu Phi. Ceuta có 2 hàng rào song song cao 6 mét được gắn dây thép gai, chạy dài 8 km dọc biên giới với Ma-rốc. Ở Melilla, những hàng rào tương tự chạy dọc biên giới 12 km. Nhiều tấm lưới, máy ghi hình, cảm biến tiếng ồn và chuyển động, đèn chiếu sáng và các trụ giám sát được thiết lập để trông coi và bảo vệ hàng rào. Mỗi năm, hàng chục nghìn người di cư, hàng trăm người tại mỗi thời điểm, cố gắng vượt qua các rào chắn ở Ceuta và Melilla.

Theo tờ El Pais của Tây Ban Nha, “năm 1887, chỉ có 1 người Hồi giáo sống tại Melilla, ông ấy có gốc Casablanca (Ma-rốc) và là người giúp việc; ngày nay những người theo đạo Hồi đã chiếm hơn 40% dân số” và đang trên đà vượt quá 50%.

Ông Jesús Vivas, Chủ tịch Hội đồng Ceuta [cơ quan hành chính và quản lý cấp cao nhất của thành phố tự trị Ceuta], cho biết: “Chúng tôi là đài quan sát đầu tiên về những gì đang xảy ra ở các thành phố khác của châu Âu”.

Một tờ báo địa phương đưa tin: “Chỉ ở Ceuta, từ tháng 04/1960 đến nay, 49% dân số theo đạo Hồi, thậm chí con số thực tế còn cao hơn đáng kể. Đây là một phép màu? Không, [nó đến từ] sự kém cỏi và ngu ngốc của quá trình quốc hữu hóa đầy giông bão từ năm 1985 đến 1990”.

Ceuta và Melilla là những gì mà hầu hết các thành phố của châu Âu sẽ trở thành trong 20-30 năm nữa. Melilla hiện là thành phố Tây Ban Nha đầu tiên có hơn 50% dân số theo đạo Hồi thông qua nhập cư, đoàn tụ gia đình và tỷ lệ sinh cao.

Xu hướng này từng được dự đoán trước đây bởi ông Boutros Boutros-Ghali, cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Ngày 22/05/2007, ông từng đưa ra nhận định về tương lai của châu Âu: “Sự sụt giảm dân số chưa từng có và tốc độ già hóa đang gia tăng ở châu Âu ngược với sự gia tăng dân số vô cùng nhanh chóng ở phía nam và đông Địa Trung Hải. Điều này sẽ dẫn đến mất cân bằng nghiêm trọng! … Nhập cư mà không có biện pháp quản lý sẽ khiến các xã hội phương Tây phải trả giá bằng những vấn đề nhức nhối (sốc văn hóa, các cấu trúc thực dân mới, thất nghiệp, v.v.)”.

Pakistan sẽ trở thành một chân vạc mới với 403 triệu dân, gần bằng dân số của toàn Liên minh châu Âu (448 triệu dân). Afghanistan, một trong những hố đen địa chính trị lớn nhất sau khi Mỹ rút quân vào mùa hè năm ngoái, sẽ tăng gấp đôi dân số lên 64 triệu người.

Ba Lan sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng nào để ngăn chặn số lượng khổng lồ những người sẽ gây áp lực lên các biên giới của EU? Đông Âu sẽ sụp đổ trong một bức tranh kinh hoàng. Romania sẽ mất 22% dân số, tiếp theo là Moldova (20%), Litva (17%), Croatia (16%) và Hungary (16%). Tờ Le Monde đã gào khóc rằng ngày nay Trung và Đông Âu đang “đối mặt với nỗi thống khổ của sự biến mất”.

Các số liệu của Liên hợp quốc rất ấn tượng: “Bulgaria, từ 9 triệu dân vào những năm 1990 xuống 6,8 triệu vào năm 2022, có thể chỉ còn 5,2 triệu vào năm 2050. Serbia, có 8 triệu dân khi bức màn sắt sụp đổ, hiện có 7,2 triệu và có thể giảm xuống 5,8 triệu trong 30 tới. Trong cùng thời kỳ, dân số Lithuania có thể giảm mạnh từ 3,8 triệu xuống 2,2 triệu; dân số Latvia từ 2,7 triệu xuống 1,4 triệu”.

Tờ Die Zeit nói rằng nước Đức mà chúng ta biết đang biến mất: "22 triệu người, tương đương hơn ¼ dân số, đến từ một quốc gia khác hoặc có cha mẹ sinh ra bên ngoài nước Đức". Theo Neue Zürcher Zeitung, Đức đã sẵn sàng trở thành “quốc gia của nhập cư hợp pháp” với những đột phá lớn về chính trị và lập pháp. Ông Christian Doleschal của Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đã cảnh báo về kế hoạch nhập cư mở của chính phủ Đức rằng: “Điều này sẽ phá hủy châu Âu trong dài hạn”.

Nhà văn nổi tiếng người Đức Uwe Tellkamp cũng chỉ trích chính sách nhập cư của đất nước ông. “Trong khi tôn trọng các nền văn hóa khác, tôi vẫn muốn giữ gìn nền văn hóa của đất nước mình. Tôi không muốn điều gì đó giống như Frankfurt”, ông nói với tờ Süddeutsche Zeitung. Tại Frankfurt, thành phố đầu tiên của Đức nơi người Đức trở thành thiểu số - tức là phần lớn dân số không còn là người Đức bản địa, 15% dân số là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Hồi giáo sẽ trở thành tôn giáo lớn nhất thế giới

Phương Tây đã mang đến sự giàu có và tiện lợi cho nhiều người hơn bất kỳ nền văn minh nào khác trong lịch sử. Trên thực tế, phương Tây đang tràn ngập các nguồn tài nguyên, nhưng đang cạn kiệt con người - nguồn tài nguyên duy nhất không thể thiếu.

Nga là ví dụ rõ ràng nhất: đây là quốc gia lớn nhất trên trái đất, có đầy đủ tài nguyên thiên nhiên, nhưng đang chết dần chết mòn. Dân số Nga đang giảm một cách thảm hại. Ông Vladimir Putin sẽ không còn là Tổng thống Nga khi đất nước của ông sẽ mất khoảng 15 triệu dân và ⅓ đến một nửa dân số còn lại sẽ là người Hồi giáo.

"Nga có sợ biến mất không?" là câu hỏi được đặt ra trên tờ Le Point bởi ông Bruno Tertrais, tác giả cuốn sách “Le choc démographique” và là Phó Chủ tịch của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược ở Paris. "Đằng sau cuộc xung đột tại Ukraine là sự lo lắng về mặt nhân khẩu học của Nga khi số người Hồi giáo nhập cư gia tăng”.

Ông Kamil Galeev, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington, D.C., gần đây đã đăng một bản đồ nước Nga: “Hãy nói về nhân khẩu học của Nga. Như quý vị thấy, nhiều vùng đất rộng lớn ở Siberia và ở phần lãnh thổ Nga thuộc châu Âu đang sụt giảm dân số. Có hai yếu tố đằng sau nó. Thứ nhất, tỷ lệ sinh thấp. Những nơi duy nhất tăng dân số là các khu vực Hồi giáo ở Caucasus, Idel-Ural và các nhóm người Siberia bản địa”.

Tờ báo lớn của Nga, Pravda, đã đặt câu hỏi tương tự: “Hồi giáo có trở thành tôn giáo chính của Nga vào năm 2050 không?”.

Ông Janis Garisons, Bộ trưởng Quốc phòng Latvia, vừa đưa ra cho tờ Politico một số kịch bản tiềm năng sau sự sụp đổ của ông Putin: “một cuộc nội chiến … sự tan rã và phân mảnh của nước Nga, với nhiều vùng lãnh thổ do dân quân và nhà cầm quyền quân sự kiểm soát”.

Trong tình huống đó, đạo Hồi sẽ có được cơ hội độc nhất vô nhị để hiện thực hóa ước mơ về nhà nước Hồi giáo bằng cách tạo ra một chuỗi liên tục các thực thể Hồi giáo từ Pakistan và Afghanistan đến Bắc Caucasus và sông Volga. Trong kịch bản xấu nhất, tình hình có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Sau khi Liên Xô sụp đổ, vũ khí hủy diệt hàng loạt bắt đầu phổ biến khắp thế giới, gây ra mối đe dọa cho chính sự tồn tại của con người. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra nếu các tên lửa và vũ khí công nghệ cao của Nga rơi vào tay lãnh đạo của các quốc gia Hồi giáo mới ở Nga.

Theo The Economist, đến năm 2050, hơn một nửa mức tăng dân số toàn cầu được dự báo sẽ chỉ tập trung ở 8 quốc gia, chủ yếu ở châu Phi: Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania. Nigeria sẽ có nhiều dân hơn châu Âu và Hoa Kỳ.

Ngoài ra, Hồi giáo sẽ vượt qua Cơ đốc giáo để trở thành tôn giáo lớn nhất trên thế giới. Dân số Hồi giáo của Liên minh châu Âu, tùy thuộc vào các luồng di cư, có thể đạt 75 triệu người trong vòng một thế hệ — tương đương toàn bộ nước Đức theo đạo Hồi hoặc tương đương Đan Mạch, Áo, Hungary, Hy Lạp, Bỉ, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Thụy Điển kết hợp lại.

Lãnh đạo Hồi giáo Mullah Krekar [một kẻ khủng bố] từng nói với tờ Dagbladet rằng: “Họ không thể thay đổi chúng ta. Chính chúng ta sẽ thay đổi họ”. “Hãy nhìn vào sự phát triển của dân số ở châu Âu, nơi mà số lượng người Hồi giáo tăng lên như muỗi. Mỗi phụ nữ phương Tây ở EU có trung bình 1,4 con. Mỗi phụ nữ Hồi giáo ở những quốc gia này sinh ra 3,5 người con. Đến năm 2050, 30% dân số châu Âu sẽ theo đạo Hồi … Lối suy nghĩ của người theo đạo Hồi đối lập với lối suy nghĩ của phương Tây. Ngày nay, lối suy nghĩ của chúng ta đã … mạnh mẽ hơn của họ…”.

Hiện nay, Hồi giáo là tôn giáo hàng đầu ở Brussels.

Học giả người Algeria, ông Boualem Sansal, gần đây đã nói trên đài phát thanh của Pháp rằng “Pháp đã có các thỏa thuận với người Hồi giáo: ở Pháp từng có 10 nhà thờ Hồi giáo, hiện nay có đến 3.000 nhà thờ như vậy; Ả Rập và Qatar đã tài trợ cho việc Hồi giáo hóa các vùng ngoại ô. Chính phủ Pháp cảm thấy bất lực”.

“Hồi giáo là lực lượng xã hội đang phát triển ở thành phố thứ hai của Anh” là tiêu đề của một bài viết trên The Economist. Bài báo này đề cập đến thành phố lớn thứ hai của Anh sau London: Birmingham. “Trong 200 nhà thờ Hồi giáo tại thành phố, người Hồi giáo không chỉ đến để cầu nguyện mà còn đến để mua sách, nhận hướng dẫn, kết hôn, ly hôn và chôn cất người chết”.

Khi Lễ hội Eid [một lễ hội của người theo đạo Hồi] được tổ chức vào năm 2012 tại Birmingham, nó đã thu hút sự tham dự của 20.000 tín đồ. Năm 2014 là 40.000. Năm 2015 là 70.000. Năm 2016 là 90.000. Năm 2017 là 100.000. Năm 2018 là 140.000. Sau đó, COVID khiến tất cả các cuộc tụ họp lớn bị ngưng trệ. Bây giờ họ đang khởi động lại mọi thứ.

Dân số của Birmingham sẽ sớm có một nửa là người Hồi giáo. “Người Hồi giáo ở Birmingham năm 2018 chiếm 27% dân số”, theo Birmingham Mail. Business Live tiết lộ rằng số trẻ em Hồi giáo trong thành phố đã vượt qua số trẻ em theo đạo Cơ đốc: “Ngoài Birmingham, Hồi giáo hiện là tôn giáo của trẻ em ở Leicester, Bradford, Luton, Slough và nhiều khu vực tại London như Newham, Redbridge và Tower Hamlets”.

Các cuộc đụng độ gần đây giữa người Hồi giáo và người theo Ấn Độ giáo ở Leicester đã di chuyển sang các thành phố khác của Anh, bao gồm cả Birmingham - nơi một ngôi đền Ấn Độ giáo bị tấn công với lời kêu gọi “Allahu Akbar” (“Thánh Allah là đấng vĩ đại nhất”). Sự căm ghét mang tính bè phái và tôn giáo "có thể lan rộng khắp nước Anh". Các cuộc đụng độ giữa người Hồi giáo và người theo Ấn Độ giáo đã lan tới các vùng đất đa văn hóa của châu Âu.

Nhà báo người Hungary Károly Lorán viết trên tờ Magyar Hirlap: “Liên hợp quốc ước tính rằng dân số thế giới sẽ đạt đỉnh 11 tỷ người vào năm 2100, nhiều hơn 3 tỷ so với hiện nay. Sự gia tăng sẽ đến từ khu vực cận Sahara. Dân số châu Á sẽ ít thay đổi. Dân số của Bắc Mỹ sẽ tăng 120 triệu và của Liên minh châu Âu sẽ giảm 60 triệu - do Ba Lan, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Nếu chúng ta không thay đổi tỷ lệ sinh 1,5 đặc trưng của Liên minh châu Âu, trong khi tỷ lệ nhập cư hiện tại ở mức 1 triệu người mỗi năm vẫn tiếp tục duy trì, thì vào cuối thế kỷ này, tỷ lệ dân số theo đạo Hồi sẽ đạt trung bình 40%. Một số quốc gia Tây Âu sẽ có đa số là người Hồi giáo. Nếu chúng ta muốn thay thế số dân bị sụt giảm bằng những người nhập cư, chúng ta sẽ cần 1,5 triệu người nhập cư mỗi năm và đến cuối thế kỷ này, 60% dân số của Liên minh châu Âu sẽ là người Hồi giáo”.

Châu Âu có đang mơ mộng rằng những người nhập cư sẽ hòa nhập một cách hạnh phúc vào các xã hội chủ nhà và sẽ trở nên giống như người châu Âu không? Châu Âu có hy vọng rằng không bao lâu nữa, người châu Âu sẽ quay trở lại sinh thêm con? Điều gì sẽ xảy ra nếu châu Âu sai lầm và những dự đoán trở thành hiện thực? Châu Âu có cam chịu với sự biến mất của nền văn minh không?

Năm 1996, tác gia nổi tiếng Samuel Huntington đã viết trong cuốn “Cuộc đụng độ giữa các nền văn minh” như sau: “Cán cân quyền lực giữa các nền văn minh đang thay đổi: ảnh hưởng của phương Tây ngày càng giảm; các nền văn minh châu Á gia tăng sức mạnh kinh tế, quân sự và chính trị; thế giới Hồi giáo đang chứng kiến một sự bùng nổ nhân khẩu học, hậu quả là điều này sẽ gây bất ổn cho các quốc gia Hồi giáo và các nước láng giềng của họ; các nền văn minh phi phương Tây nhìn chung tái khẳng định giá trị của các nền văn hóa riêng của họ”.

Ông Nicholas Eberstadt, nhà kinh tế chính trị học người Mỹ, đã có câu nói tổng kết trên tờ Foreign Affairs rằng: “Dân số đông, quyền lực lớn”. Dân số sụp đổ, quyền lực sụp đổ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Xuân Hoa

Theo Giulio Meotti - The Epoch Times

 

Tác giả Giulio Meotti là chủ bút mảng văn hóa của tờ Il Foglio. Ông cũng là một nhà báo và nhà viết sách người Ý.



BÀI CHỌN LỌC

Dân số thế giới biến động trái chiều - Kết quả cuối cùng sẽ định đoạt số phận các nền văn minh