Đảng Cộng hòa chỉ trích ‘lập trường yếu kém’ của ông Biden đối với Trung Quốc trong Thông điệp Liên bang

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những bình luận của Tổng thống Mỹ Joe Biden về Trung Quốc trong Thông điệp Liên bang hôm thứ Ba (7/2) đã thu hút nhiều phản ứng trái chiều từ Quốc hội Mỹ. Theo đó, Đảng Cộng hòa thì chỉ trích, còn Đảng Dân chủ thì hoan nghênh lập trường của ông.

Ông Biden đã đề cập ngắn gọn đến Trung Quốc trong bài phát biểu kéo dài một giờ của mình.

Ông bắt đầu bằng việc khẳng định rằng Hoa Kỳ đang "ở vị thế cạnh tranh tốt nhất với Trung Quốc cũng như bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới trong nhiều thập kỷ”. Nguyên nhân là do Hoa Kỳ đã đầu tư vào các ngành công nghiệp, đồng thời tăng cường liên minh, hợp tác với các đồng minh của mình và hiện đại hóa quân đội Mỹ, ông nói.

"Tôi cam kết hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực mà chúng tôi có thể gia tăng lợi ích của Mỹ đồng thời mang lại lợi ích cho toàn thế giới”, ông Biden tiếp tục.

Ông đã trích dẫn mệnh lệnh hôm 4/2 về việc yêu cầu Lực lượng Không quân Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay qua không phận Hoa Kỳ trong nhiều ngày như một dẫn chứng về việc bảo vệ chủ quyền của Hoa Kỳ.

“Nhưng đừng nhầm lẫn. Như chúng tôi đã nói rõ vào tuần trước, nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền của Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ đất nước mình. Và chúng tôi đã làm được điều đó", ông Biden nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp Liên bang tại Điện Capitol Hoa Kỳ ở Washington, DC, hôm 7/2/2023. (Ảnh: Jacquelyn Martin/Pool/AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã chất vấn về việc ông Biden không đề cập đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhiều hơn trong bài phát biểu của mình.

“Việc ông Biden thiếu tập trung vào mối đe dọa từ ĐCSTQ và những kẻ thù bất hảo khác trong Thông điệp Liên bang là điều đáng lo ngại”, Dân biểu Rob Wittman cho biết trên Twitter vào ngày 7/2.

Ông cho hay, trước những hành động gây hấn ngày càng gia tăng của ĐCSTQ, các phản ứng hời hợt của ông Biden trong bài phát biểu Liên bang cho thấy chính quyền này không mấy nghiêm túc trong việc ưu tiên phòng thủ đất nước.

Thượng nghị sĩ Deb Fischer cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Ông viết trên Twitter rằng, Tổng thống Biden “lẽ ra nên gọi Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu bằng luận điệu cứng rắn hơn”.

Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn đã chất vấn ông Biden về một bình luận mà ông mô tả rằng biến đổi khí hậu là một “mối đe dọa hiện hữu" đối với Hoa Kỳ.

“Không phải biến đổi khí hậu, mà chính ĐCSTQ mới là mối đe dọa đối với sự tồn tại của Hoa Kỳ”, bà Blackburn viết trên Twitter.

Một số đảng viên Đảng Dân chủ đã ủng hộ lập trường của ông Biden đối với Trung Quốc.

Dân biểu Abigail Spanberger đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ sự đồng tình của bà trước "sự thừa nhận của Tổng thống về các mối đe dọa nghiêm trọng mà Hoa Kỳ và các đồng minh đang phải đối mặt”.

Bà Spanberger viết: “Hành vi hiếu chiến của ĐCSTQ, sự tàn bạo không ngừng của Tổng thống Nga Vladimir Putin và sự trỗi dậy của các thế lực phản dân chủ ở các quốc gia phương Tây, tất cả đều làm nổi bật tầm quan trọng của vai trò lãnh đạo toàn cầu mạnh mẽ của Hoa Kỳ”.

Dân biểu Marcy Kaptur đã đăng một danh sách trên Twitter về những điều mà chính quyền ông Biden đã hoàn thành tốt, bao gồm cả việc “đứng lên chống lại Nga và Trung Quốc”.

Khinh khí cầu do thám Trung Quốc

Một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa khác đã chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Mỹ trong việc bảo vệ chủ quyền của Hoa Kỳ khi bắn hạ khinh khí cầu do thám Trung Quốc.

“Ông Biden nói rằng ông ấy sẽ hành động để bảo vệ chủ quyền của Hoa Kỳ trước Trung Quốc, nhưng ông ấy đã hoàn toàn thất bại trong việc thực hiện chính xác điều đó, khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay lơ lửng trên một khu vực rộng lớn trong nội địa Hoa Kỳ và trên không phận của các căn cứ quân sự trọng yếu [của nước Mỹ]”, Thượng nghị sĩ Eric Schmitt viết trên Twitter.

Dân biểu Ralph Norman cũng đặt câu hỏi trên Twitter về tuyên bố của ông Biden rằng, “tại sao ông Biden lại để cho ĐCSTQ về cơ bản hoàn thành sứ mệnh thu thập dữ liệu trên khắp nước Mỹ?”

Dân biểu Ralph Norman phát biểu tại một cuộc họp báo về dự luật cơ sở hạ tầng với các thành viên của nhóm chính trị House Freedom Caucus, bên ngoài Tòa nhà Quốc hội ở Washington, hôm 23/8/2021. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

Theo Lầu Năm Góc, khinh khí cầu do thám Trung Quốc đã đi vào vùng phòng không của Mỹ ở phía bắc Quần đảo Aleutian vào ngày 28/1, sau đó bay qua Alaska và Canada, trước khi quay lại không phận Mỹ ở tiểu bang Idaho vào ngày 31/1.

Khinh khí cầu sau đó bay qua tiểu bang Montana và một số tiểu bang miền Trung Tây, trước khi bị máy bay chiến đấu của Mỹ bắn hạ gần bờ biển Nam Carolina vào ngày 4/2.

Trước khi bị bắn hạ, khinh khí cầu này đã bay qua Căn cứ Không quân Malmstrom ở tiểu bang Montana, bay lơ lửng gần Căn cứ Không quân Offutt ở tiểu bang Nebraska, và lượn quanh Căn cứ Không quân Whiteman ở tiểu bang Missouri.

Quân đội Hoa Kỳ hiện đang tiến hành trục vớt các mảnh vỡ từ khinh khí cầu.

"Mặc dù tôi hoan nghênh việc Lực lượng Không quân Mỹ cuối cùng đã bắn hạ khinh khí cầu, nhưng lẽ ra ngay từ đầu nó không bao giờ được phép tiến vào không phận của chúng ta", Dân biểu Bob Latta cho biết trong một tuyên bố để phản hồi bài phát biểu của ông Biden.

"Chính quyền ông Biden phải giải thích về diễn biến của sự việc này, sau đó cần phải đưa ra các biện pháp tức thì để đảm bảo sự cố này sẽ không bao giờ tái diễn”.

Ông Latta nói thêm, “Vì lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, Tổng thống Biden phải đảo ngược lập trường yếu kém của mình trong việc chống lại sự xâm lược và khiêu khích của ĐCSTQ”.

“Chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn ĐCSTQ xâm nhập để gây bất ổn cho Hoa Kỳ bằng cách cắt giảm lực lượng lao động của chúng ta, mua đất nông nghiệp của chúng ta và do thám chúng ta thông qua các nền tảng trực tuyến, thậm chí là trên bầu trời xâm phạm không phận) của chính chúng ta”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đảng Cộng hòa chỉ trích ‘lập trường yếu kém’ của ông Biden đối với Trung Quốc trong Thông điệp Liên bang