Đảng Cộng hòa kêu gọi sa thải Fauci vì mối liên hệ với Viện Virus học Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã thúc đẩy lời kêu gọi sa thải Tiến sĩ Anthony Fauci, sau khi ông lên tiếng biện hộ cho khoản tiền tài trợ 600.000 USD từ Viện Y tế Quốc gia (NIH) của Mỹ cho Viện Virus học Vũ Hán ở Trung Quốc.

Phòng thí nghiệm này đang là tâm điệm của cuộc tranh cãi về nguồn gốc chưa thể giải thích được của virus Corona Vũ Hán.

Trong lời khai trước Tiểu ban Phân bổ của Hạ viện về Dịch vụ Y tế & Con người vào ngày 25/5, ông Fauci - với tư cách là giám đốc NIH - cho biết, sẽ “gần như là sự trễ nải nhiệm vụ của chúng tôi” nếu NIH không cộng tác với các nhà khoa học Trung Quốc để nghiên cứu cách vrius có thể lây nhiễm từ động vật sang người.

Ông nhấn mạnh rằng NIH không tài trợ cho việc nghiên cứu tăng chức năng, mà ông định nghĩa là "lấy một loại viruscó thể lây nhiễm sang người và làm cho nó dễ lây lan hơn và / hoặc gây bệnh cho con người", tại phòng thí nghiệm Vũ Hán. Vị tiến sĩ tuyên bố, mục đích của khoản tài trợ 600.000 USD "là để nghiên cứu sự chuyển giao giữa động vật-con người, giám sát và xác định xem những virus dơi này thậm chí có khả năng truyền bệnh cho người hay không".

Tiến sĩ Anthony Fauci làm chứng tại một tiểu ban chọn nhà trong phiên xét xử khủng hoảng Coronavirus vào ngày 15 tháng 4 năm 2021 trên Đồi Capitol ở Washington, DC. Nguồn ảnh: AMR Alfiky-Pool / Gettyimages

Ông Fauci tiếp tục bị chất vấn về vấn đề này trong phiên điều trần tại Thượng viện vào ngày 26/5, khi Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Kennedy (Luisianna) đặt câu hỏi về niềm tin của ông đối với các nhà khoa học của phòng thí nghiệm Vũ Hán, những người mà chỉ một ngày trước đó ông Fauci đã gọi là “rất đáng kính”.

Thượng nghị sĩ Kennedy hỏi Fauci: “Làm sao ông biết họ không nói dối ông và vẫn sử dụng tiền để thực hiện nghiên cứu chức năng?”.

Vị tiến sĩ thừa nhận không thể chắc chắn liệu số tiền đó có được sử dụng trái với mục đích của nó hay không.

Ông trả lời: “Ông không bao giờ biết được".

Sau nhận xét của Fauci, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Warren Davidson (Ohio) đã kêu gọi bãi nhiệm ông. Trong một lần xuất hiện trên chương trình “Fox and Friends” vào ngày 27/5, Dân biểu Davidson cáo buộc ông Fauci cung cấp “vỏ bọc cho Trung Quốc”, trong bối cảnh Bắc Kinh đang kháng cự với một cuộc điều tra minh bạch về nguồn gốc của đợt bùng phát.

Ông nhận định: “Những người như Tiến sĩ Fauci đã che chở cho họ. Tổ chức Y tế Thế giới [đang] bảo hộ cho họ. Và rất sốc, nhiều đồng hương của chúng ta đã tiếp tay cho Trung Quốc. Họ thà đổ lỗi cho đảng Cộng hòa hoặc Donald Trump. Và đó là lý do tại sao khoa học chính trị không thể vượt trội hơn khoa học. Và Tiến sĩ Fauci đã dẫn đầu cáo buộc đó. Ông ta cần bị sa thải".

Trước đó, Dân biểu Davidson đã ban hành Đạo luật Yêu cầu Sa thải sớm vì Fauci Thiếu Năng lực (Fauci Incompetence Requires Early Dismissal - FIRED). Đạo luật này đặt ra giới hạn thời hạn 12 năm cho những người được bổ nhiệm phục vụ với tư cách là giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Các bệnh Truyền nhiễm, là vị trí mà ông Fauci đã nắm giữ từ năm 1984.

Một nhà lập pháp khác của đảng Cộng hòa cũng lên tiếng kêu gọi sa thải ông Fauci là Hạ nghị sĩ Guy Reschenthaler (Pennsylvania). Trao đổi trên chương trình "Fox and Friends" hôm 27/5, Dân biểu Reschenthaler bày tỏ quan điểm, ông Fauci "hoàn toàn không đủ năng lực hoặc anhông ta đang nói dối người dân Mỹ", và rằng ông ta "nên bị sa thải hoặc từ chức".

Vị dân biểu đảng Cộng hòa cho rằng ông Fauci đã dối trá người dân Mỹ trong giai đoạn đầu của đại dịch liên quan đến hướng dẫn đeo khẩu trang.

Hồi tháng 3/2020, ông Fauci tuyên bố: “Hiện tại ở Hoa Kỳ, mọi người không nên đi lại với khẩu trang".

Sau đó, vị tiến sĩ giải thích, ý của ông là khẩu trang nên được ưu tiên dành cho nhân viên y tế, nhưng Dân biểu Reschenthaler khẳng định rằng Fauci đã nói dối.

Ông Reschenthaler nói: “Ông ta đã nói dối một cách trắng trợn trước Quốc hội về khẩu trang và người dân Mỹ, nói rằng họ không giúp được gì, và sau đó ông ta nói: ‘Ồ không, tôi đã nói dối để chúng tôi có thể tích trữ [thiết bị bảo hộ cá nhân]".

Đảng Cộng hòa tại tiểu bang Pennsylvania cũng phản đối việc ông Fauci ban đầu bác bỏ giả thuyết rằng virus Corona Vũ Hán khởi nguồn từ phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán và thoát ra ngoài từ đó.

Vào tháng 5/2020, Fauci đã bác bỏ phần lớn giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm khi nói với National Geographic rằng: “Nếu các bạn nhìn vào sự tiến hóa của virus ở dơi và những gì ở ngoài kia, [bằng chứng khoa học] rất rất rất nghiêng về việc virus này không thể bị thao túng nhân tạo hay cố ý".

Gần đây, vị tiến sĩ bày tỏ, bản thân không còn chắc chắn rằng COVID-19 đã phát triển một cách tự nhiên và kêu gọi một cuộc điều tra mở về nguồn gốc của chủng virus Corona Vũ Hán.

Ông cho biết: "Tôi không bị thuyết phục về điều đó. Tôi nghĩ chúng ta nên tiếp tục điều tra những gì đã xảy ra ở Trung Quốc với toàn bộ khả năng của mình cho đến khi chúng ta tìm hiểu được chuyện gì đã xảy ra".

Tiến sĩ Fauci tiếp tục: “Chắc chắn những người đang điều tra chủng virus này khẳng định rằng, nó có khả năng xuất hiện từ một kho chứa động vật, sau đó đã lây nhiễm cho các cá thể. Nhưng virus này có thể là một cái gì đó khác, và chúng ta cần tìm ra điều đó. Vì vậy, các bạn biết đấy, đó là lý do tại sao tôi tuyên bố tôi hoàn toàn ủng hộ bất kỳ cuộc điều tra nào nhằm tìm ra nguồn gốc của virus”.

Viện Virus học Vũ Hán là nơi có đặt phòng thí nghiệm P4 duy nhất của Trung Quốc - một loại phòng thí nghiệm có mức độ an toàn sinh học cao nhất, nơi tiến hành nghiên cứu về các bệnh nguy hiểm nhất trên thế giới. Phòng thí nghiệm này đang trở thành tâm điểm chú ý của toàn thế giới, trong bối cảnh lo ngại rằng virus Corona Vũ Hán có thể bắt nguồn từ đó, thay vì thông qua phương pháp lây truyền tự nhiên từ dơi sang người.

 

Một cảnh trên không cho thấy phòng thí nghiệm P4 tại Viện Virus học Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc vào ngày 17/4/2020. (Ảnh của HECTOR RETAMAL / AFP qua Getty Images)
Một cảnh trên không cho thấy phòng thí nghiệm P4 tại Viện Virus học Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc vào ngày 17/4/2020. (Ảnh của HECTOR RETAMAL / AFP qua Getty Images)

Trong một báo cáo hôm 19/5, các thành viên đảng Cộng hòa của Ủy ban Tình báo Hạ viện đã lập luận rằng, nhiều khả năng virus Corona Vũ Hán đã thoát ra từ phòng thí nghiệm này.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào giữa nguồn gốc của chủng virus chết người này và phòng thí nghiệm Vũ Hán. Chế độ độc tài này vẫn luôn đưa ra giả thuyết “lây truyền từ động vật tự nhiên” - rằng virus này được truyền sang người từ vật chủ là động vật. Tuy nhiên, cho đến nay, phía Bắc Kinh vẫn chưa xác định được loài động vật ban đầu được cho là đã truyền virus sang người.

Một nhân viên đeo tấm che mặt đi qua một trạm xe buýt ở Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc vào ngày 30/4/2020. (STR / AFP qua Getty Images)
Một nhân viên đeo tấm che mặt đi qua một trạm xe buýt ở Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc vào ngày 30/4/2020. (STR / AFP qua Getty Images)

Một báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được công bố vào tháng Ba cho biết, virus Corona Vũ Hán có khả năng truyền nhiễm sang người thông qua một loài động vật không xác định. Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, nhóm điều tra thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu nguồn gốc của virus Corona Vũ hán đã không phân tích đầy đủ các lý thuyết khác.

Ông Ghebreyesus cho biết: “Theo như những gì WHO biết, tất cả các giả thuyết vẫn còn nằm trên bàn… Chúng tôi vẫn chưa tìm ra nguồn gốc của virus".

Vào ngày 25/5, Hoa Kỳ đã thúc giục WHO khởi động một cuộc điều tra mới về nguồn gốc của chủng virus corona đang hoành hành, nhấn mạnh sự cần thiết của sự minh bạch.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 74, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dân sinh (HHS) của Mỹ cho biết: “Giai đoạn 2 của nghiên cứu về nguồn gốc COVID phải được đưa ra với các điều khoản tham khảo minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học và cung cấp cho các chuyên gia quốc tế sự độc lập để đánh giá đầy đủ về nguồn gốc của virus và những ngày đầu bùng phát”.

Hơn một chục quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, đã đưa ra lo ngại về nghiên cứu giai đoạn một của WHO về nguồn gốc của virus Corona Vũ Hán. Các nước này chỉ ra sự chậm trễ đáng kể của báo cáo và vấn đề Trung Quốc từ chối chia sẻ dữ liệu thô quan trọng.

Hôm 26/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo đã ra lệnh đánh giá thông tin tình báo chặt chẽ hơn về những gì mà ông cho là hai kịch bản hợp lý như nhau về nguồn gốc của virus - một là tự nhiên, còn lại là rò rỉ từ trong phòng thí nghiệm.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Đảng Cộng hòa kêu gọi sa thải Fauci vì mối liên hệ với Viện Virus học Vũ Hán