Đảng Cộng hòa: Trung Quốc tận dụng công nghệ của Mỹ để phát triển tên lửa siêu thanh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một thành viên cấp cao của Đảng Cộng hòa cho biết, Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tận dụng công nghệ của Mỹ để phát triển các hệ thống vũ khí tối tân như tên lửa siêu thanh, đồng thời lợi dụng các thỏa thuận quốc tế để đảm bảo quyền tiếp cận cơ sở hạ tầng thương mại quan trọng của Washington.

Hạ nghị sĩ Michael McCaul (Cộng hòa-Texas) cho biết vũ khí của Trung Quốc, bao gồm cả tên lửa siêu thanh mà ĐCSTQ thử nghiệm hồi năm ngoái, được chế tạo bằng chính công nghệ của Mỹ.

“Ví dụ nổi bật nhất về phương diện này là gì? Tên lửa siêu thanh”, ông McCaul nói trong cuộc trò chuyện với Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ.

“Loại vũ khí mà chúng ta thấy Trung Quốc phóng với độ chính xác cao… và thực sự có khả năng mang đầu đạn hạt nhân”, ông nói

"Khi quý vị nghiên cứu về vấn đề này, quý vị sẽ nhận ra rằng nó thực sự được phát triển dựa trên nền tảng của công nghệ Mỹ".

Các bình luận của ông McCaul theo sát sau khi công ty tình báo chiến lược Strider Technologies công bố báo cáo, cho thấy ít nhất 162 nhà nghiên cứu từ cơ sở hạt nhân hàng đầu của Mỹ đã làm việc cho Trung Quốc trong 35 năm. Nhiều người trong số họ sở hữu năng lực phát triển công nghệ quân sự, bao gồm cả công nghệ siêu thanh.

Theo báo cáo, ĐCSTQ đã tận dụng “Chiến lược nhân tài siêu cường” (A Talent Superpower Strategy), trong đó khuyến khích các học giả, nhà nghiên cứu và nhà khoa học ra nước ngoài, đào sâu chuyên môn của họ và trở về Trung Quốc để thúc đẩy lợi ích chiến lược của quốc gia.

Nhiều nhà nghiên cứu đến Mỹ để học tập và làm việc trong các lĩnh vực quan trọng đối với an ninh quốc gia và đã tham gia vào các chương trình nhân tài của ĐCSTQ. Ít nhất 59 người trong số những người làm việc tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (Los Alamos National Laboratory - LANL) đã quay trở về Trung Quốc để nghiên cứu.

Tọa lạc tại New Mexico, LANL là một phần quan trọng trong nghiên cứu quốc phòng và an ninh của Mỹ và là địa điểm đầu tiên phát triển vũ khí hạt nhân của nước Mỹ. Đây là một trong những tổ chức khoa học và công nghệ lớn nhất trên thế giới. Tại đây, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trong các lĩnh vực an ninh quốc gia, khám phá không gian, phản ứng tổng hợp hạt nhân, công nghệ nano và siêu máy tính.

Báo cáo cho biết chương trình này và những chương trình tương tự, về cơ bản được thiết kế để hoạt động như một sự “khai thác” cam kết của phương Tây trong lĩnh vực hợp tác khoa học toàn cầu.

Xâm nhập phương Tây

Theo nhận định của ông McCaul, nhiều chương trình của ĐCSTQ, chẳng hạn như chương trình "Ngàn tài năng trẻ", được thiết kế để thu thập tài sản trí tuệ từ Mỹ.

Ông McCaul nói rằng, những gì ĐCSTQ làm là tận dụng các cam kết của phương Tây trong lĩnh vực hợp tác khoa học toàn cầu, từ đó thâm nhập vào các nhà nghiên cứu của Mỹ để "khai thác” những năng lực của họ. Và một số chuyên gia nằm trong chương trình "Ngàn tài năng trẻ" thông qua cách thức trên, sẽ trao lại những nghiên cứu có giá trị này cho các chuyên gia tại Trung Quốc.

Ông McCaul, hiện là thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói rằng lần đầu tiên ông quan tâm đến mối đe dọa của ĐCSTQ là vào năm 1996. Vào thời điểm đó, ông là một công tố viên liên bang làm việc về các chiến dịch vận động tài chính tranh cử.

Ông nêu ra một trường hợp trong số đó là ông Johnny Chung.

Theo đó, ông Johny Chung bị vướng vào một vụ bê bối sau khi tuồn hàng trăm nghìn USD cho Uỷ ban Toàn quốc Đảng Dân chủ (Democratic National Committee-DNC). Theo ông Chung, ít nhất 35.000 USD trong số tiền đó trực tiếp đến từ bộ máy tình báo quân sự của Trung Quốc nhằm tác động đến kết quả các cuộc bầu cử Mỹ. Ông Johny Chung là một doanh nhân Mỹ gốc Trung Quốc từng đóng vai trò trung tâm trong vụ bê bối tài chính của chiến dịch tranh cử của ông Bill Clinton năm 1996.

Ông McCaul nói rằng: “Điều đó thực sự cho thấy kế hoạch này có ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử của nước Mỹ".

Ông McCaul nói thêm, bằng cách can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ, ĐCSTQ đã tìm cách đảm bảo rằng các chính sách của Mỹ có lợi cho Trung Quốc, bất chấp cái giá phải trả là làm xói mòn an ninh quốc gia của nước Mỹ.

Một quy trình tương tự cũng được tái diễn ở Thành phố New York hồi năm ngoái. Theo nguồn tin được tiết lộ từ Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ), các nhân viên tình báo của ĐCSTQ đã âm mưu tấn công và bịt miệng một cựu binh Quân đội Mỹ đang vận động tranh cử ở nước này.

Mở rộng quy mô ra toàn cầu

Ông McCaul cho hay, ngoài Mỹ, ĐCSTQ còn vũ khí hóa hầu hết các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế, tạo ra sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở các quốc gia làm ăn với Bắc Kinh. Nhờ đó, ĐCSTQ có thể khai thác mối quan hệ và tiếp cận với các cảng biển cũng như sân bay của những nước này.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan vào tháng 4/2021, đã có nhiều bình luận về việc Trung Quốc có thể nắm bắt thời cơ để lấp đầy khoảng trống mà phương Tây bỏ lại, đồng thời mở rộng sự hiện diện cũng như ảnh hưởng của mình ở quốc gia Nam Á.

Ông McCaul cho rằng, Trung Quốc đã hiện diện ở Afghanistan và cố gắng tiếp quản căn cứ không quân Bagram của nước này.

Ảnh của Epoch Times
Các binh sĩ Quân đội Quốc gia Afghanistan (ANA) đi bộ bên trong căn cứ không quân Bagram của Mỹ sau khi tất cả quân đội Mỹ và NATO rời đi, cách Kabul khoảng 43 dặm về phía bắc vào ngày 5/7/2021. (Ảnh: Wakil Kohsar/AFP/Getty Images)

Ông nói thêm, Trung Quốc rất thông minh và là một đối thủ xứng tầm. Washington đang phải vật lộn để cạnh tranh với họ.

Ông cho hay, để chống lại những nỗ lực đó của ĐCSTQ, Mỹ cần phải khôi phục các giao dịch ngoại giao và kinh tế của mình với các quốc gia trên toàn thế giới, để đảm bảo rằng các quốc gia đó biết nước Mỹ quan tâm đến phúc lợi của họ nhiều hơn ĐCSTQ.

Ông cho biết thêm rằng, Washington đã để cho ĐCSTQ được quyền tự do làm theo ý mình trên trường quốc tế trong ba mươi năm qua, trong khi nước này không mấy khi đẩy mạnh duy trì các mối quan hệ trên toàn cầu, cho nên Trung Quốc mới có thể tận dụng lợi thế của hệ thống quốc tế như hiện nay.

Cuối cùng, ông McCaul nêu trích dẫn quan điểm mà một sĩ quan cấp cao của quân đội Mỹ từng nói với ông cách đây vài năm.

“Mỹ thực sự đã rất nỗ lực để đưa Trung Quốc trở thành gia đình các quốc gia ( family of nations), Mỹ muốn ĐCSTQ phát triển và trở thành một quốc gia dân chủ”, ông McCaul hồi tưởng lại.

"Nhưng nỗ lực đó cho đến nay không hiệu quả", ông kết luận.

Thanh Hải

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đảng Cộng hòa: Trung Quốc tận dụng công nghệ của Mỹ để phát triển tên lửa siêu thanh