Đảng Dân chủ chỉ quan tâm ngày 6/1, nhưng người dân Mỹ càng muốn điều tra bạo động vì BLM hơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kết quả từ một cuộc khảo sát mới nhất cho thấy, rất nhiều người Mỹ đều tin rằng, bà Pelosi và đảng Dân chủ nên tập trung điều tra hàng loạt vụ bạo động hồi năm ngoái sau cái chết của George Floyd, thay vì chỉ xoáy sâu vào vụ việc hôm 6/1.

Tuần trước, Chủ tịch Hạ viện Mỹ là bà Nancy Pelosi (California) thuộc đảng Dân chủ đã hoàn thành việc lựa chọn các thành viên tham gia vào Ủy ban Điều tra vụ đột nhập trái phép Điện Capitol Hoa Kỳ hôm 6/1. Tuy nhiên, kết quả từ một cuộc khảo sát mới nhất cho thấy, rất nhiều người Mỹ đều tin rằng, bà Pelosi và đảng Dân chủ đang đầu tư công sức điều tra "nhầm" vụ bạo động, báo Daily Wire đưa tin.

Cuộc khảo sát do Rasmussen Reports hợp tác với Hiệp hội Cảnh sát Quốc gia Mỹ (National Police Association) thực hiện thông qua hình thức gọi điện toàn quốc và khảo sát trực tuyến.

Thay vì chỉ chuyên chú xoáy sâu vào vụ việc diễn ra trong nguyên một ngày 6/1 vừa qua, khoảng hơn 1/3 người Mỹ tham gia khảo sát nhận định, đáng lý Quốc hội Mỹ nên tập trung điều tra và triệu tập phiên điều trần về "những cuộc biểu tình của phong trào Black Lives Matter dẫn đến bạo động" cướp bóc và đốt phá khắp các thành phố lớn trên toàn nước Mỹ suốt mùa hè năm 2020.

Về tổng quan, 66% cử tri Hoa Kỳ có xu hướng mong muốn Quốc hội Mỹ mở một cuộc điều tra chính thức về "các cuộc biểu tình bạo lực" đã làm đảo lộn nước Mỹ kể từ năm 2020. Trong các cuộc biểu tình này, đã có hơn 2.000 sĩ quan cảnh sát Hoa Kỳ bị thương khi đang làm nhiệm vụ, theo Rasmussen Reports.

Kết quả này cũng đồng thuận với những kêu gọi gần đây từ Hiệp hội Cảnh sát Quốc gia Mỹ. Theo The Epoch Times đưa tin, nhóm vận động hành lang của Hiệp hội Cảnh sát Quốc gia Hoa Kỳ đánh giá, phiên điều trần mới đây của Hạ viện Mỹ đối với sự kiện diễn ra ở Điện Capitol hôm ngày 6/1 có mang động cơ chính trị. Họ cũng thúc giục Quốc hội điều tra các cuộc bạo động của phe cánh tả đã khiến nhiều sĩ quan cảnh sát bị thương vào hồi năm ngoái.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, phát ngôn viên của hiệp hội là bà Betsy Brantner Smith cho biết, thay vì chỉ lấy lời khai từ các cảnh sát trong vụ ngày 6/1, Quốc hội Hoa Kỳ nên lấy lời khai từ hàng nghìn sĩ quan cảnh sát khác – những người đã bị thương trong các cuộc biểu tình, bạo loạn, đốt phá và các vụ bạo lực khác diễn ra vào hồi năm ngoái, sau cái chết của George Floyd.

Theo kết quả cuộc khảo sát, 49% người Mỹ ủng hộ việc bà Pelosi muốn điều tra về cuộc bạo động tại thủ đô Washington D.C của Mỹ, khi một đám đông nổi loạn lấy danh nghĩa là phản đối kết quả cuộc bầu cử 2020 để đột nhập bất hợp pháp vào Điện Capitol Hoa Kỳ và gây náo động tại đây. Mặc dù vậy, 42% số người tham gia lại có ý kiến trái chiều khi bày tỏ không ủng hộ cuộc điều tra ngày 6/1 này.

Đối với hàng loạt vụ bạo động diễn ra sau cái chết của George Floyd hồi hề năm ngoái, hầu hết phần lớn các nhóm sắc tộc và các tổ chức liên kết chính trị tại Mỹ đều có chung ý kiến rằng, Quốc hội Mỹ cần thực hiện một cuộc điều tra nghiêm túc vào phong trào bạo lực này.

Cụ thể, theo kết quả của Rasmussen Reports, "67% người da trắng, 64% cử tri da đen, 66% người gốc Tây Ban Nha và 62% người thiểu số khác nghĩ rằng Quốc hội [Mỹ] nên điều tra các cuộc bạo loạn năm 2020 ở các thành phố của Hoa Kỳ. 75% người ủng hộ đảng Cộng hòa, 60% người ủng hộ đảng viên Dân chủ và 63% cử tri không liên kết với một trong hai đảng lớn nhận định, Quốc hội [Mỹ] nên điều tra các cuộc biểu tình bạo lực năm ngoái".

Trích dẫn số liệu từ Property Claim Services, báo Daily Wire cho biết, phong trào bạo động hậu George Floyd hồi hè năm ngoái là những vụ bạo động gây tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ, khi mà các công ty bảo hiểm đã phải chi trả trong khoảng từ 1 tỷ đến 2 tỷ USD, và khoản tiền ước tính này mới chỉ bao gồm các khoản chi phí thiệt hại mà các công ty này đồng ý chi trả.

Thiệt hại về tài chính không phải là những hậu quả duy nhất từ những vụ việc cướp bóc đốt phá bạo lực này, nghiêm trọng hơn, nó khiến cho hàng trăm cảnh sát và nhân viên thi hành công vụ tại Mỹ bị thương, và có đến hàng chục người đã tử vong.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với Fox News, bà Smith cho biết, thương tích mà các sĩ quan cảnh sát phải chịu trong ngày 6/1 là nhẹ hơn nhiều so với với thương tích của nhiều sĩ quan cảnh sát khác – những người đã bị thương sau các cuộc bạo động của Black Lives Matter diễn ra vào hồi năm ngoái.

Bà nói với Fox News rằng: “Chúng tôi có một cảnh sát Las Vegas vẫn đang bị liệt vì các cuộc bạo loạn của Black Lives Matter. Chúng ta có hàng nghìn sĩ quan cảnh sát trên khắp cả nước đang phải nghỉ hưu vì chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) vì các cuộc bạo loạn”.

Nhắc đến những gì 4 sĩ quan cảnh sát đã nói trong phiên điều trần tại Hạ viện về ngày 6/1 vừa qua, bà Smith tỏ rõ quan điểm: “[Đối với] các cuộc bạo loạn trong năm 2020, chúng ta không thể nói rằng toàn thể sự việc của George Floyd chỉ là [điều] tồi tệ và đó là những gì mà cảnh sát nên đối mặt. Để rồi sau đó, xem 4 người đàn ông này đang khóc lóc nói về trải nghiệm của họ [trong sự kiện ngày 6/1], trong khi lại làm ngơ trước hàng nghìn hàng nghìn sĩ quan cảnh sát khác, làm ngơ trước cảm xúc của họ, làm ngơ trước những trải nghiệm và tổn thương của họ”.

Đối với những nỗ lực của bà Pelosi và đảng Dân chủ với quyết tâm "vạch trần sự thật" về sự hỗn loạn diễn ra vào ngày 6/1, bà Smith nhìn nhận rằng, "toàn bộ Ủy ban [điều tra] ngày 6/1 này là một vở kịch [chính trị] được dàn dựng quá mức".

Trước đó, bà Pelosi đã khiến đảng Cộng hòa phải lên tiếng chỉ trích khi bà từ chối tiếp nhận hai nhà lập pháp Cộng hòa mà Lãnh đạo phe Thiểu số Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy (California) đã lựa chọn, là các Dân biểu Cộng hòa Jim Banks (Indiana) và Jim Jordan (Ohio). Cả 2 người này đều đã phản đối kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 trong phiên họp chung của Quốc hội Mỹ diễn ra vào ngày 6/1.

Thay vào đó, bà Pelosi đã chọn ra 2 nhân vật khác từ đảng Cộng hòa, là Dân biểu Liz Cheney và Dân biểu Adam Kinzinger, vốn nổi tiếng là những người cánh hữu nhưng kịch liệt phản đối và luôn chỉ trích cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Newsmax hôm 19/7, Dân biểu Jordan đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình về cuộc điều tra ngày 6/1 khi tuyên bố, cuộc điều tra này "là vòng luận tội lần thứ 3... nhằm truy bắt cựu Tổng thống Trump".

Trên thực tế, một bài phân tích mới đây trên The Epoch Times đã chỉ ra rằng, toàn bộ các thành viên mà bà Pelosi lựa chọn tham gia vào Ủy ban Điều tra ngày 6/1 của Hạ viện Mỹ, đều từng bỏ phiếu ủng hộ việc luận tội ông Trump lần 2, sau vụ đột nhập bất hợp pháp vào Điện Capitol, bao gồm cả 2 Dân biểu Cộng hòa Cheney và Kinzinger, cùng với 7 thành viên còn lại từ đảng Dân chủ.

Du Miên

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Đảng Dân chủ chỉ quan tâm ngày 6/1, nhưng người dân Mỹ càng muốn điều tra bạo động vì BLM hơn