Đang điều tra lỗ hổng tình báo, Mỹ lại lộ thêm 100 tài liệu mật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thêm một lô tài liệu về bí mật an ninh quốc gia Mỹ bị rò rỉ trên mạng, liên quan đến Trung Quốc, Ukraine và Trung Đông.

Hơn 100 tài liệu bị phát tán trên mạng xã hội Twitter và nhiều trang web khác hôm 7/4, một ngày sau khi Lầu Năm Góc thông báo đang điều tra vụ lộ những báo cáo tuyệt mật về kế hoạch hỗ trợ Kiev và đánh giá tình trạng quân đội Ukraine.

Một số tài liệu đánh giá năng lực phòng không của Ukraine đang ngày càng suy giảm, trong khi số khác được soạn thảo cuối tháng 2 và dán nhãn "bí mật, cấm chia sẻ với nước ngoài". Báo cáo về Trung Quốc, chiến lược quân sự Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tình hình Trung Đông và cuộc chiến chống khủng bố cũng nằm trong số thông tin bị phát tán.

Nhiều quan chức Mỹ giấu tên thừa nhận số lượng tài liệu bị lộ cùng mức độ nhạy cảm của những nội dung trong đó có thể gây hậu quả nặng nề. Một quan chức tình báo cấp cao Mỹ nói đây là "ác mộng với nhóm Ngũ Nhãn", đề cập liên minh tình báo gồm Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada.

Bộ Tư pháp Mỹ thông báo mở cuộc điều tra và đang duy trì liên lạc với Bộ Quốc phòng, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết.

"Vụ rò rỉ là lỗ hổng an ninh đáng kể, có thể cản trở kế hoạch hỗ trợ cho Ukraine. Hàng loạt ảnh chụp tài liệu cho thấy ai đó đã cố tình tuồn chúng ra ngoài, nhằm gây tổn hại cho Mỹ, NATO và Ukraine", Mick Mulroy, cựu quan chức cấp cao Lầu Năm Góc, nhận định.

Lô tài liệu bị rò rỉ trước đó gồm những văn bản được soạn hồi đầu tháng 3, một số đóng dấu tuyệt mật, xuất hiện trên mạng xã hội Twitter và Telegram tuần này. Chúng đề cập thời gian viện trợ vũ khí, sức mạnh các đơn vị quân đội Ukraine và tiến độ đào tạo 12 lữ đoàn mới với tổng quân số khoảng 50.000 - 60.000 người. Tài liệu không nêu cụ thể kế hoạch tác chiến, thời gian và địa điểm Ukraine mở chiến dịch phản công.

Tuy nhiên, giới chuyên gia phương Tây đánh giá chúng có thể cung cấp nhiều manh mối cho quân đội và tình báo Nga do chứa nhiều thông tin mà Mỹ chưa từng công bố, trong đó có tốc độ tiêu thụ đạn của pháo phản lực HIMARS trong biên chế quân đội Ukraine.

Một trong những tài liệu, được lưu hành trên các kênh của thân chính phủ Nga, đã tóm tắt lịch trình huấn luyện của 12 lữ đoàn chiến đấu Ukraine, và cho biết 9 trong số họ đang được huấn luyện bởi lực lượng Hoa Kỳ và NATO. Tài liệu đề ngày 1/3 cho biết các lữ đoàn của Kiev cần 253 xe tăng, hơn 380 xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân APC, 480 xe cơ giới, 147 khẩu pháo và 571 xe bọc thép HMMWV để thực hiện cuộc phản công.

Mykhailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, khẳng định những tài liệu này "chứa lượng lớn thông tin hư cấu", các bài đăng trên mạng xã hội giống hoạt động cung cấp thông tin sai lệch của Nga nhằm gieo rắc hoài nghi về đợt phản công sắp tới.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Ukraine đã có một cuộc họp để thảo luận về các biện pháp ngăn chặn việc rò rỉ các kế hoạch quân sự, văn phòng Tổng thống Ukraine thông báo hôm thứ Sáu (7/4).

Dù vậy, một số chi tiết "khó hiểu" trong bản kế hoạch bí mật bị rò rỉ về cuộc phản công của quân đội Ukraine đã khiến ngoại giới nghi ngờ.

Tài liệu rò rỉ đó có vẻ như là một nỗ lực nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của Nga khỏi những gì đang thực sự diễn ra - theo phân tích trên kênh Telegram "Military Chronicle" (Biên niên sử quân sự) được đài RT dẫn lại.

Trong khi giới lãnh đạo Ukraine đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn rò rỉ thông tin, các cỗ pháo của Ukraine đang khai hỏa rền vang khu rừng này ở phía bắc Donetsk.

Những người lính này chỉ cách trung tâm Bakhmut vài km. Bakhmut là một trong những trung tâm đô thị cuối cùng ở tỉnh phía đông chưa rơi vào tay lực lượng Nga.

Theo tình báo Anh, các lực lượng Nga đang đe dọa một tuyến đường tiếp tế quan trọng tới thành phố.

Ukraine nói rằng họ đang cầm cự trong một tình huống khó khăn.

Khi hàng triệu người Ukraine đã chạy trốn khỏi cuộc xung đột khiến hàng ngàn dân thường thiệt mạng, các nhà lãnh đạo thế giới đang cân nhắc họ sẽ làm gì để chấm dứt cuộc khủng hoảng.

Điện Kremlin cho biết sẽ không xem xét khả năng hòa bình trừ khi Kyiv chấp nhận "thực tế" về các phần lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow sẽ không bao giờ từ chối các đề xuất đối thoại nghiêm túc.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tại cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết một giải pháp chính trị là phương án đúng đắn duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.

Về phần mình, Ukraine khẳng định không thể có đàm phán cho đến khi Nga rút toàn bộ lực lượng.

Viên Minh (Tổng hợp)

 



BÀI CHỌN LỌC

Đang điều tra lỗ hổng tình báo, Mỹ lại lộ thêm 100 tài liệu mật