ĐCSTQ chỉ trích 'sự hỗn loạn' trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố rằng, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ là 'công việc nội bộ' của Mỹ và phía Trung Quốc sẽ không đưa ra bình luận nào. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông nhà nước của ĐCSTQ đã không ngừng chỉ trích cuộc bầu cử và hệ thống dân chủ kiểu Mỹ trong hai ngày qua. Cùng lúc đó, Weibo đã kiểm duyệt các chủ đề liên quan, khiến cư dân mạng phàn nàn: "Không bàn chuyện trong nước mà lại bàn chuyện nước Mỹ".

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đã thu hút đông đảo sự quan tâm và thảo luận của người dân Trung Quốc. Nhưng trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay, mạng internet của Trung Quốc trở nên "im hơi lặng tiếng", bởi vì chủ đề này đã bị kiểm duyệt trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.

ĐCSTQ chỉ trích các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ là 'trò hề chính trị'

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho biết tại cuộc họp báo ngày 11/9 rằng, cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ là câu chuyện nội bộ của Mỹ, vì vậy Trung Quốc sẽ không bình luận thêm. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã không ngừng chỉ trích cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và nền dân chủ kiểu Mỹ.

Vào ngày 9/11, tờ Global Times (Thời báo Hoàn Cầu), cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã đăng một bài xã luận về cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Đầu tiên, bài báo bày tỏ "không mấy quan tâm" đến tiến trình và kết quả bầu cử. Sau đó, bài báo chỉ trích tình trạng bất ổn trong nội bộ Mỹ đã gây tác động phá hoại đến chính trường quốc tế.

Kết quả bầu cử Mỹ giữa nhiệm kỳ 2022
Người dân Mỹ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ tại Wolverine Lake, Michigan, 08/11/2022. (Ảnh: Jeff Kowalsky/AFP/Getty Images)

Bài báo nhấn mạnh rằng, chất lượng của nền dân chủ Mỹ đã xuống cấp và cái giá phải trả cho cuộc bầu cử này là quá lớn. Tuy nhiên, ở phần cuối của bài báo lại có đoạn, "Chúng tôi luôn tránh bình luận về các chi tiết cụ thể của cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ".

Ngoài ra, chuyên mục Thời báo Quốc tế của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) gần đây cũng đăng ít nhất tám video ngắn trên Weibo chỉ trích cuộc bầu cử của Mỹ. Các video này tập trung vào sự phân cực của chính trị Mỹ cũng như ảnh hưởng của các khoản quyên góp cho các chiến dịch tranh cử, đồng thời nói rằng đây là "trò hề chính trị".

Bài xã luận của tờ Thời báo Hoàn Cầu và các video của CCTV chỉ nhận được những phản hồi thưa thớt trên Weibo. Một người bình luận rằng: “Tốt hơn là trở thành Triều Tiên. Chúng ta không cần phải tiêu tiền và thậm chí không cần phải bỏ phiếu".

Đã đến lúc gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc theo đúng bản chất lưu manh của họ, ĐCSTQ là chính quyền lưu manh, Trung Quốc hiếu chiến và hung hăng đe dọa xâm lược Đài Loan, bà Pelosi thăm Đài Loan, đại cách mạng văn hóa Trung Quốc, Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20,
Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cựu Tổng biên tập của Thời báo Toàn cầu nói về chiến tranh Trung Quốc - Đài Loan, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 25/09/2020 (Ảnh chụp màn hình/kênh YouTube của ông Hồ Tích Tiến)

Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cựu Tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn Cầu, cũng bình luận về cuộc bầu cử trên Weibo. Ông tin rằng, bất kể kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ có ra sao, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi.

Những bình luận của ông Hồ Tích Tiến về cuộc bầu cử của Mỹ đã nhận được hơn 1.000 lượt bình luận. Trong đó, một số cư dân mạng còn nói đùa rằng: “Tốt hơn hết là nước Mỹ nên suy nghĩ về điều đó, hãy cứ phản biện và phân tích”. Một cư dân mạng khác phàn nàn: “Chúng ta không nói về các vấn đề của quốc gia, nhưng chúng ta có thể nói về các vấn đề của Mỹ".

Trên thực tế, kết quả tìm kiếm cho chủ đề phổ biến trên Weibo "bầu cử giữa kỳ" đã được kiểm duyệt cẩn thận sao cho chỉ hiển thị các bài đăng trên blog từ những người dùng đã được xác minh và tài khoản chính thức.

Như chúng ta đã biết, lập trường ngoại giao "chiến lang" của ĐCSTQ ngày càng làm tổn hại đến mối quan hệ Mỹ - Trung. "Hãy cứng rắn với ĐCSTQ" đã trở thành chủ đề nổi bật của các ứng cử viên trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 của Mỹ.

Quỹ CHIPS của Mỹ cấm xây dựng cơ sở chip tiên tiến tại Trung Quốc trong 10 năm
Tổng thống Mỹ Joe Biden mỉm cười sau khi ký H.R. 4346, Đạo luật CHIPS và Khoa học năm 2022, tại Bãi cỏ phía Nam của Tòa Bạch Ốc ở Washington, DC, vào ngày 09/08/2022. - Đạo luật CHIPS và Khoa học nhằm hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn trong nước, việc làm công nghệ cao mới và nghiên cứu khoa học. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP/Getty Images)

Sự đoàn kết hiếm hoi của lưỡng đảng Mỹ

Ông Robert Ross là giáo sư về khoa học chính trị tại trường Boston và là hội viên tại Trung tâm John King Fairbank nghiên cứu Trung Quốc thuộc đại học Harvard cho biết, “Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ cần thông qua luật để bảo vệ lợi thế công nghệ và quốc phòng của Mỹ trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Tôi tin rằng sự đồng thuận hiện tại về quan hệ Mỹ - Trung sẽ được duy trì. Vì vậy các dự luật đang được xem xét, chẳng hạn như Dự luật Quốc phòng và Đạo luật Chính sách Đài Loan, đều sẽ không bị ảnh hưởng bởi kết quả cuộc bầu cử".

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin VOA, ông Dan Schnur cho biết: "Điều thú vị nhất về tình cảm đối với Trung Quốc trong nền chính trị của đất nước này, đó là một điểm thống nhất hiếm hoi của lưỡng đảng. Tôi không thể nghĩ đến bất kỳ vấn đề nào khác mà lưỡng đảng gạt bỏ sự khác biệt của họ, đặc biệt là trong một năm bầu cử".

Chip điện tử - một phần không thể thiếu trong nền khoa học kỹ thuật điện tử.
Việc Mỹ siết chặt biện pháp xuất khẩu chip có thể khiến Trung Quốc 'thụt lùi vài năm' (Ảnh: Pixabay)

Ông đã làm việc trong bốn chiến dịch tranh cử Tổng thống và ba chiến dịch tranh cử Thống đốc với tư cách là một trong những nhà chiến lược chính trị hàng đầu của bang California.

Chính quyền ông Biden đã thông qua một số dự luật quan trọng liên quan đến Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền.

Đạo luật CHIPS sẽ cung cấp 52,7 tỷ USD cho nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước để chống lại các khoản trợ cấp khổng lồ của Trung Quốc cho ngành công nghiệp chip của nước này.

Đạo luật Phòng vệ các Khả năng Tối quan trọng của Quốc gia nhằm tạo ra một quy trình kiểm tra đối với các công ty Mỹ đầu tư ra nước ngoài, nhằm ngăn chặn dòng vốn của Mỹ chảy sang các công ty công nghệ Trung Quốc.

Ngày 14/7, Thượng viện Mỹ thông qua “Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ”, cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm từ Tân Cương, Trung Quốc. (Ảnh Getty)
Ngày 14/7, Thượng viện Mỹ thông qua “Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ”, cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm từ Tân Cương, Trung Quốc. (Ảnh Getty Images)

Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ cấm các sản phẩm lao động cưỡng bức từ Tân Cương nhập cảnh vào Mỹ.

Cả ba đạo luật đều nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nhà lập pháp Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

ĐCSTQ chỉ trích 'sự hỗn loạn' trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ