Bắc Kinh lợi dụng đại dịch viêm phổi Vũ Hán để đẩy mạnh ảnh hưởng ở nước ngoài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã “dụ dỗ” nhiều quốc gia rơi vào “bẫy nợ công” thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI). Đến nay, Washington đang lo ngại rằng Bắc Kinh có thể lợi dụng đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đang diễn ra để tiếp tục mở rộng ảnh hưởng chính trị địa lý của mình thông qua các “hoạt động săn mồi”.

Chiến lược BRI của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), còn được gọi là “ Một vành đai, một con đường” hoặc “Con đường tơ lụa mới”, là một trong những chương trình phát triển đầy tham vọng và gây tranh cãi nhất thế giới. Kể từ khi ra mắt vào năm 2013, chính quyền Bắc Kinh đã rót hàng tỷ USD vào các quốc gia với nền kinh tế mới nổi để giúp xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Những năm gần đây, sách lược BRI đã thu hút sự quan tâm của giới công luận, vì hầu hết các dự án được tài trợ này đều thông qua các quỹ đầu tư do nhà nước Trung Quốc kiểm soát, vốn bị che lấp thông tin và thiếu sự minh bạch, khiến các quốc gia vay nợ đau khổ vì gánh nặng nợ nần. ĐCSTQ đã bị chỉ trích nặng nề vì đã “đặt bẫy nợ công” để giành quyền kiểm soát tài sản chiến lược ở các nền kinh tế mới nổi.

Một ví dụ điển hình là cảng Hambantota của Sri Lanka: một công ty nhà nước Trung Quốc đã dùng hợp đồng thuê 99 năm để kiểm soát cảng này khi Sri Lanka không thanh toán được khoản nợ.

Chính quyền Tổng thống Trump đã mạnh mẽ lên tiếng chống lại tham vọng của ĐCSTQ khi chế độ này ra sức mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tại các thị trường mới nổi, và sự bùng phát virus ĐCSTQ (còn gọi là virus Corona Vũ Hán) càng nhấn mạnh thêm những lo ngại này.

The Epoch Times gọi virus Corona Vũ Hán là virus ĐCSTQ vì sự che đậy và quản lý sai lầm của ĐCSTQ đối với sự bùng phát của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Dịch bệnh này khởi phát từ thành phố Vũ Hán thuộc miền Trung Trung Quốc, lây lan khắp Trung Quốc và gây ra thảm họa đại dịch toàn cầu.

Một quan chức cấp cao nói với tờ The Epoch Times: “Các quốc gia có thị trường mới nổi này sẽ ở trong một thế giới đầy đau thương”.

Các quan chức cho biết cần phải giảm nợ ở các quốc gia này vì một nhu cầu cấp bách.

Lợi dụng tình thế khó khăn của các quốc gia Châu Âu, trong khi Mỹ đang vật lộn với dịch bệnh, ĐCSTQ đã thành công trong việc tỏ ra hào phóng, xây dựng 'tình bạn thân thiết' với những nước như Hy Lạp.
Lợi dụng tình thế khó khăn của các quốc gia Châu Âu, trong khi Mỹ đang vật lộn với dịch bệnh, ĐCSTQ đã thành công trong việc tỏ ra hào phóng, xây dựng 'tình bạn thân thiết' với những nước như Hy Lạp. (Ảnh: Getty)

Những năm vừa qua, ĐCSTQ đã thúc đẩy chính sách ngoại giao “bẫy nợ công” của họ với khái niệm “xây dựng một cộng đồng mang sứ mệnh chung” vì nhân loại, quan chức này lưu ý.

“Nếu Trung Quốc đang thực sự thúc đẩy một cộng đồng vì một sứ mệnh chung, thì họ nên ‘sẵn sàng ra tay’ để xóa nợ cho nhóm quốc gia này. Nhưng rất có thể họ sẽ cố gắng giành lấy từng chút một. Và chúng ta có thể hành động để cùng yêu cầu ĐCSTQ chịu trách nhiệm về các hành vi xấu của chế độ này tại các thị trường mới nổi”, quan chức này cho biết.

Một đại diện cho biết, các chính sách đối ngoại và hỗ trợ tài chính của Hoa Kỳ đang hướng tới việc giúp cho các nền kinh tế mới nổi có thể “tự lực”. Tuy nhiên, “Trung Quốc không quan tâm đến khả năng tự lực của các quốc gia này. Trung Quốc, đúng hơn là ĐCSTQ chỉ quan tâm đến việc duy trì sự phụ thuộc vĩnh viễn”.

Hồi tháng 3/2020, Nhóm Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã kêu gọi tất cả các chủ nợ song phương chính thức đình chỉ yêu cầu thanh toán nợ đối với 76 nước nghèo nhất thế giới và cho phép họ chuyển hướng sang việc sử dụng các quỹ để chống lại đại dịch.

Trong cuộc họp Hội nghị Bộ trưởng Tài chính của Nhóm G20 vào ngày 23/3, chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass đã nêu ra vấn đề này và yêu cầu các nền kinh tế thuộc Nhóm G20, bao gồm Trung Quốc, tiến hành giảm nợ ngay lập tức cho 76 quốc gia nói trên.

Ông Malpass cho biết: “Cuộc khủng hoảng này có thể sẽ tác động mạnh nhất đến các quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Nhiều quốc gia đã ở trong tình trạng nợ nần khó khăn, không còn chỗ cho các biện pháp ứng phó về kinh tế và sức khỏe phù hợp”.

Ngân hàng Thế giới có thể cung cấp tới 35 tỷ USD và xác định các nguồn lực bổ sung cho các quốc gia này. Tuy nhiên, những tài nguyên này không nên được thanh toán cho các chủ nợ, ông nói thêm.

Thay đổi chuỗi cung ứng

Công nhân đang sản xuất các bộ quần áo bảo hộ tại một nhà máy ở thành phố Tân Châu thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào ngày 13/2/2020.
Công nhân đang sản xuất các bộ quần áo bảo hộ tại một nhà máy ở thành phố Tân Châu thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào ngày 13/2/2020. (STR/AFP/Getty Images)

Đại dịch đã thức tỉnh nhiều nền kinh tế tiên tiến trước nguy cơ thực tế là họ bị phụ thuộc quá nhiều vào ĐCSTQ đối với các sản phẩm quan trọng như vật tư y tế và thuốc chữa trị.

Một quan chức chính quyền cấp cao đánh giá: “Hệ thống chuỗi cung ứng của Trung Quốc là điểm thất bại duy nhất trong chuỗi phản ứng toàn cầu đối với sự bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán”.

Vị quan chức này còn cho biết, chính phủ Hoa Kỳ hiện đang thảo luận với các đối tác trong Nhóm G7, cũng như các quốc gia khác như Mexico và Ấn Độ, về sự cần thiết của việc xem xét lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chính phủ Hoa Kỳ đã chỉ trích ĐCSTQ khi lợi dụng đại dịch để thúc đẩy chương trình nghị sự ở nước ngoài. Trung Quốc đã tham gia vào một nỗ lực tuyên truyền rộng rãi trên mạng xã hội, tự miêu tả mình là một siêu cường quốc của toàn cầu, “thiện chí” hỗ trợ các nước phương Tây.

Phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày 26/3, ông James Richardson, giám đốc Văn phòng Tài nguyên Hỗ trợ Nước ngoài của Hoa Kỳ, nhấn mạnh rằng ĐCSTQ không nên lợi dụng đại dịch.

“Tôi chỉ nói rằng ĐCSTQ có trách nhiệm đặc biệt trong việc cung cấp hỗ trợ không ràng buộc trên toàn thế giới, và phải chịu trách nhiệm về những hậu quả mà người dân toàn cầu đang phải hứng chịu chỉ vì ĐCSTQ đã che giấu thông tin khi dịch bệnh mới bùng phát ở Vũ Hán”, ông Richardson nói.

“Chúng ta không thể tạo thêm gánh nặng tài chính cho các quốc gia vốn đã khó khăn về điều kiện kinh tế, lại đang phải đối mặt với thảm họa đại dịch này. Chúng ta không nên yêu cầu họ nhận thêm nợ để đảm bảo cho sức khỏe người dân của họ”, ông nói thêm.

Theo phân tích của các chuyên gia và các báo cáo từ phương tiện truyền thông cho thấy, ĐCSTQ đã cố tình che giấu tổng số trường hợp nhiễm virus Corona Vũ Hán tại Trung Quốc, trong nỗ lực bảo vệ hình ảnh của mình cả trong nước và quốc tế.

Các quan chức Trung Quốc và các phương tiện truyền thông trực thuộc ĐCSTQ đã cố gắng ngụy biện cho việc chính quyền này thất bại trong việc ngăn chặn virus Corona Vũ Hán, bằng cách đẩy mạnh các thuyết âm mưu nhắm vào Hoa Kỳ như một phần của chiến dịch làm mất uy tín Hoa Kỳ trên toàn cầu.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh lợi dụng đại dịch viêm phổi Vũ Hán để đẩy mạnh ảnh hưởng ở nước ngoài