Để đánh bại ĐCS Trung Quốc, cần có Quyền lực Mềm — Mỹ có còn sót lại gì không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ đã rớt hạng nhanh chóng trong quyền lực mềm trong năm 2021, và cần khôi phục quyền lực mềm này để có thêm nhiều đồng minh và sức ảnh hưởng trên thế giới.

Để Mỹ vẫn là một lực lượng thống trị — không, để Mỹ vẫn là lực lượng thống trị chính — về địa chính trị, thì các nhà lãnh đạo của quốc gia này phải làm gì? Từ chức, một số người nói thế.

Tuy nhiên, như nhiều người trong chúng ta biết quá rõ rồi, các chính trị gia là một đám kiêu căng, họ không được biết đến như những người tránh xa ánh đèn sân khấu.

Một câu hỏi thích hợp hơn cần đặt ra là: Để ngăn chặn sự trỗi dậy của chính quyền Trung Quốc, thì quyền lực cứng rắn hơn — một cách tiếp cận cưỡng chế đối với các mối quan hệ chính trị quốc tế thường dựa vào việc sử dụng sức mạnh quân sự — có cần thiết không?

Xét đến các tội ác chiến tranh đang diễn ra ở Ukraina, chúng ta không hy vọng thế. Thực tế, chiến tranh bằng vũ lực phải được tránh bằng mọi giá.

Thay vào đó, để tiếp tục là quốc gia hùng mạnh nhất, Mỹ phải tìm đến quyền lực mềm — một cách tiếp cận có tính thuyết phục trong quan hệ quốc tế, chủ yếu dựa vào việc sử dụng ảnh hưởng văn hóa. Nếu quyền lực cứng là cây gậy, thì quyền lực mềm chính là củ cà rốt. Nhưng liệu Mỹ có còn cà rốt không? Đây là một câu hỏi quan trọng cần được mổ xẻ cẩn thận.

Theo Joseph Nye, ba thành phần của quyền lực mềm bao gồm các giá trị chính trị, văn hóa, và chính sách đối ngoại. Ông Nye — để giới thiệu cho những người chưa biết ông là ai — chính là cha đẻ của quyền lực mềm. Ông là một trong những người được kính trọng nhất trong quan hệ quốc tế. Năm ngoái, ông đã đóng góp vào một bài viết của tôi, nhằm thảo luận về những mối đe dọa ít rõ ràng hơn do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra. Đối với ông Nye, quyền lực mềm là vô cùng quan trọng.

Xung đột quân sự có xu hướng là một cuộc chiến tranh tàn khốc, với việc kẻ chiến thắng bị ám ảnh bởi bóng đen của nợ nần và chết chóc. Hơn nữa, sau cuộc rút quân thảm hại khỏi Afghanistan, Mỹ không đủ khả năng để đi theo con đường quân phiệt. Có vẻ như Hòa bình của Mỹ (Pax Americana) đã trở thành dĩ vãng. Để đánh bại Trung Quốc, Mỹ phải giành thêm nhiều bạn bè hơn nữa. Điều này đến nhờ sự thuyết phục chứ không phải ép buộc.

Quang cảnh Căn cứ Không quân Bagram sau khi tất cả quân đội Mỹ và NATO rời đi, cách Kabul, Afghanistan khoảng 69 km về phía bắc, 02/07/2021. (Zakeria Hashimi / AFP qua Getty Images)

Mỹ có còn chút tiền nào trong Ngân hàng Quyền lực Mềm không?

Chà, còn không? Đáng buồn thay, câu trả lời dường như là còn rất ít.

Mỹ gần đây đã trở thành quốc gia rơi rớt nhanh nhất vào năm 2021, từ vị trí đứng đầu xuống vị trí thứ sáu, theo Chỉ số Quyền lực mềm Toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc — một quốc gia không nổi tiếng về quyền lực mềm — đã tụt từ vị trí thứ năm xuống thứ tám.

Chỉ số này hoạt động như thế nào? Theo các tác giả, "Chỉ số Quyền lực mềm Toàn cầu (GSI) dựa trên chương trình nghiên cứu toàn diện và trên phạm vi rộng nhất của loại hình này, với các câu trả lời được thu thập từ hơn 75.000 người tại hơn 100 quốc gia, khảo sát nhận thức về quyền lực mềm của 105 quốc gia vòng quanh thế giới".

Các tác giả lưu ý rằng Mỹ đạt điểm kém về "Ảnh hưởng, Danh tiếng, và Quản trị", phần lớn là do Mỹ không được coi là "an toàn và vững chắc" như trước đây. Họ có lý đấy. Tại Mỹ, từ Thành phố New York đến San Francisco, tỉ lệ tội phạm đang cao ngất ngưởng.

Không giống như ba trụ cột quyền lực mềm của ông Nye, các tác giả của Chỉ số Quyền lực mềm Toàn cầu đã xác định bảy "Trụ cột quyền lực mềm". Chúng ta được cho biết đây là "các lĩnh vực khác nhau mà quyền lực mềm được thực thi, từ văn hóa và chính sách đối ngoại đến các khía cạnh như tài nguyên khoa học và giáo dục của một quốc gia, phạm vi tiếp cận và ảnh hưởng của phương tiện truyền thông, cũng như môi trường kinh doanh thuận lợi".

Thay vì chỉ ngồi đây và than thở về sự "sụp đổ" của Mỹ, những câu hỏi quan trọng cần được đặt ra, bao gồm những câu hỏi sau: Làm thế nào để Mỹ có thể leo lên lại nấc thang quyền lực mềm? Những vấn đề nào phải được giải quyết để xúc tiến sự thăng thiên của nó đến đỉnh của cái thang này?

Đầu tiên, tội phạm. Một quốc gia không an toàn không phải là một quốc gia hấp dẫn — không phải trong nước, không phải trên trường quốc tế. Như tôi đã thảo luận ở bài khác, khi Thành phố New York và Los Angeles, những thủ đô văn hóa của Mỹ, tràn ngập tội phạm và tình trạng vô gia cư, rất khó để bán "thương hiệu" của một quốc gia.

Thứ hai, sự tiến bộ của một quốc gia (hoặc sự thiếu hụt) có liên quan chặt chẽ với những người chịu trách nhiệm điều hành đất nước. Đây không phải là tôi đang thóa mạ Tổng thống Joe Biden. Đó là việc của Elon Musk, có vẻ thế. Đây là tôi đang nêu một sự thật: Mỹ đang bị khủng hoảng uy tín. Mặc dù quốc gia này được đánh giá tích cực về công nghệ và giải trí, nhưng tầng lớp chính trị của nó lại bị nhìn nhận kém tích cực hơn rất nhiều. Thật dễ hiểu tại sao. Môi trường chính trị, theo một chuyên gia khảo sát dân ý nổi tiếng cho biết, là rất độc hại. Cực kỳ cần một quá trình thanh lọc.

Rất may, đối với Mỹ, Trung Quốc không thực sự là một mối đe dọa quyền lực mềm. Được biết đến nhiều hơn với ngoại giao "chiến lang" (ngoại giao hung hăng) hơn là ngoại giao thực sự, khá ngạc nhiên khi Trung Quốc thậm chí còn đứng trong 10 nước đứng đầu của Chỉ số Quyền lực mềm Toàn cầu.

Tuy nhiên, Mỹ nên cố gắng cải thiện xếp hạng quyền lực mềm của mình. Ngay lập tức. Để có được bạn bè và ảnh hưởng đến mọi người, thì cần có khả năng thuyết phục.

Theo ông Nye — phía trên đã đề cập đến là cha đẻ của quyền lực mềm — gần đây đã nói với tôi, để cải thiện thứ hạng của Mỹ, người dân Mỹ phải nhớ rằng phần lớn "quyền lực mềm của một quốc gia không đến từ chính phủ mà từ xã hội dân sự của chúng ta".

Điều này có được nhờ việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, những tiến bộ trong công nghệ, các phương pháp nuôi dạy con cái tốt hơn, và việc nuôi dưỡng tinh thần cộng đồng. Tất cả, như người ta nói, chưa bị mất đi. Mỹ có thể lấy lại một số tín nhiệm quyền lực mềm. Tuy nhiên, để làm được như vậy, cần phải có sự nỗ lực của cả tập thể.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả bài bình luận John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết tiểu luận. Tác phẩm của ông đã được đăng bởi tờ New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, và The Spectator US. Ông viết về tâm lý học và các mối quan hệ xã hội, và quan tâm sâu sắc đến các rối loạn chức năng xã hội và kỹ xảo vận động truyền thông.

Cao Dương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Để đánh bại ĐCS Trung Quốc, cần có Quyền lực Mềm — Mỹ có còn sót lại gì không?