Đề nghị của 16 nhà lập pháp Hoa Kỳ: WHO nên để Đài Loan tham gia vào các nỗ lực ngăn chặn coronavirus toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi các quốc gia trên thế giới đang tìm cách ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 thì Đài Loan bị loại khỏi các cuộc thảo luận quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức.

Trong bối cảnh này, Đại diện Hoa Kỳ, ông Brian Babin và 15 nhà lập pháp khác của tổ chức GOP Doctors Caucus gồm một nhóm các bác sĩ thuộc Quốc hội, đã viết thư cho Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, về việc kêu gọi Đài Loan tham gia vào WHO.

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ, và theo đó cho rằng họ là đại diện của Đài Loan. Tuy nhiên, trên thực tế, hòn đảo tự trị này có chính phủ được bầu cử dân chủ, tiền tệ và quân đội riêng.

Bắc Kinh đã gây sức ép buộc các tổ chức quốc tế phải chấp nhận những yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc, bao gồm cả WHO.

Những nguyên nhân đó khiến Đài Loan không được xem là quốc gia thành viên của WHO. Từ năm 2009 đến 2016, các Bộ trưởng y tế của Đài Loan đã tham gia vào Hội nghị Y tế Thế giới (WHA) (cơ quan ra quyết định của WHO) với tư cách là nhà quan sát. Nhưng từ năm 2017, Đài Loan bị Trung Quốc tước quyền tham gia vào các hội nghị và cuộc họp của WHO.

“Sức khỏe cộng đồng phải được tách biệt khỏi chính trị và việc loại trừ Đài Loan ra khỏi WHO lại mang tính chính trị. Quyết định này đe dọa đến an ninh sức khỏe của tất cả mọi người”, ông Babin đã đăng nội dung tweet trên vào ngày 9/3, đồng thời đính kèm các bản sao của bức thư được gửi cho Tổng giám đốc WHO.

Sự bùng phát dịch bệnh

Kể từ khi coronavirus chủng mới bắt đầu bùng phát, Đài Loan đã bị loại khỏi các cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp của WHO.

Bức thư của Hoa Kỳ ngày 6/3, tuyên bố rằng các nhà lập pháp Hòa Kỳ “quan ngại sâu sắc” về vấn đề WHO “tiếp tục đẩy Đài Loan ra ngoài lề” trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.

“Tiếp tục loại trừ Đài Loan khỏi WHO trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát này đã khiến người dân tại Đài Loan và khắp thế giới có nguy cơ rủi ro cao hơn, bên cạnh đó, gây tổn hại đến sự toàn vẹn của tổ chức WHO và sự an toàn của các quốc gia thành viên”.

Bức thư cũng đặt câu hỏi: phải chăng những ca tử vong vì Covid-19 của Đài Loan có thể đã được ngăn chặn nếu quốc đảo này không bị loại trừ khỏi danh sách thành viên của WHO? Khoảng cách liền kề của Đài Loan với Trung Quốc (Đài Loan nằm ngay bên kia eo biển từ tỉnh Phúc Kiến) là một lý do quan trọng khác để Đài Loan trở thành một phần của WHO.

“Chúng tôi khuyên các bạn nên vượt qua áp lực và sự chèn ép từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và cho phép Đài Loan tham gia vào cuộc chiến [chống lại coronavirus]” này, bức thư viết.

Các nhà lập pháp yêu cầu Tổng giám đốc WHO Ghebreyesus “nhanh chóng gửi thư mời Đài Loan tham gia trực tiếp vào tất cả các cuộc họp, quá trình và các hoạt động của WHO, bao gồm cả Hội nghị Y tế Thế giới lần thứ 73 sẽ diễn ra tại Geneva” trong tháng 5.

Bà Âu Giang An, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đài Loan, đã gửi lời cảm ơn tới 16 nhà lập pháp Hoa Kỳ trong cuộc họp thường nhật ngày 10/3, theo Thông tấn xã Trung ương của Chính phủ Đài Loan.

Bà Âu nói rằng trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh, Bắc Kinh vẫn tiếp tục đàn áp Đài Loan và hạn chế sự có mặt của Đài Loan trên trường quốc tế.

Nhà lập pháp Đài Loan Wang Ting-yu cũng cảm ơn các nhà lập pháp Hoa Kỳ trong một tweet ngày 10/3: “Như đã được các Nghị sĩ Hoa Kỳ chỉ ra sự thật, không những chỉ Đài Loan, mà cả cộng đồng quốc tế đều bị hạn chế quyền được chăm sóc sức khỏe bởi Đài Loan bị hạn chế quyền truy cập thông tin y tế cộng đồng kịp thời”.

Đài Loan đề nghị hỗ trợ các quốc gia khác ứng phó dịch bệnh

Tại thời điểm của bài viết, Đài Loan đã xác nhận có 47 ca nhiễm và 1 ca tử vong. Các chuyên gia cho rằng con số này tương đối thấp và cho thấy sự thành công của các biện pháp ngăn chặn của chính phủ. Đài Loan là một trong những nước đầu tiên ngăn chặn nhập cảnh đối với du khách đã đến thăm Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Theo số liệu của chính phủ Đài Loan, trong tổng số 23 triệu dân Đài Loan có hơn 400.000 công dân Đài Loan làm việc tại Trung Quốc đại lục.

Kể từ ngày 31/12/2019, sau khi chính quyền Vũ Hán xác nhận dịch bệnh bùng phát, các nhà chức trách Đài Loan lên các chuyến bay để đánh giá sức khỏe của nhóm hành khách đến từ Trung Quốc.

Mặc dù bị loại trừ khỏi WHO, chính phủ Đài Loan đã và đang hỗ trợ các quốc gia khác và bắt đầu phát triển công nghệ chẩn đoán virus.

Ngày 6/3, Thị trưởng thành phố Praha, thủ đô nước cộng hòa Séc, ông Zdenek Hrib đã gửi lời cảm ơn tới Đài Loan vì những thông tin về các biện pháp ngăn chặn virus được 1 đại diện của Đài Loan gửi đến Praha qua một lá thư đăng trên Twitter. Ông Hrib đã ký thỏa thuận kết nghĩa giữa Praha và thủ đô Đài Bắc của Đài Loan vào tháng 1.

Bức thư nói rằng Đài Loan đã gửi đến Praha một gói dữ liệu lớn bao gồm những phân tích, tài liệu giáo dục vệ sinh và kiểm tra virus.

“Mặc dù có liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc đại lục, họ đã kiểm soát được tình hình”, ông Hrib viết trong tweet.

Ngày 8/3, Viện Hàn Lâm Khoa học Đài Loan, một trong những viện nghiên cứu hàng đầu của quốc đảo này đã tuyên bố rằng nhóm các nhà khoa học của họ đã phát triển các kháng thể có thể xác định protein của virus, có tên chính thức là SARS-CoV-2. Điều này mở đường cho một xét nghiệm chẩn đoán mới có thể phát hiện virus trong vòng 15 phút, truyền thông của Đài Loan cho biết.

Ngày 9/3, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã viết trong một tweet rằng các mẫu xét nghiệm của bệnh nhân nghi nhiễm được gửi đến từ quốc đảo Palau đã cho kết quả âm tính. Palau là một quốc đảo Nam Thái Bình Dương và là một trong 14 đồng minh ngoại giao của Đài Loan.

“Chúng tôi rất sẵn lòng hợp tác với các đồng minh và đối tác của chúng tôi trên khắp thế giới”, bà Thái viết.

Tuần trước, Hạ viện Hoa Kỳ nhất trí thông qua Dự luật Đài Bắc, kêu gọi thế giới tăng cường quan hệ kinh tế với Đài Loan, và bày tỏ ý kiến của Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế tương xứng.

“Hoa Kỳ yêu cầu các đồng minh và đối tác thắt chặt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc, cũng như đảm bảo rằng Đài Loan phải có vị trí tại bàn ra quyết định của quốc tế, bao gồm Liên Hợp Quốc”, Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi tuyên bố trong thông cáo báo chí sau khi thông qua dự luật.

Thu Hà
- Theo The Epoch Times.

 



BÀI CHỌN LỌC

Đề nghị của 16 nhà lập pháp Hoa Kỳ: WHO nên để Đài Loan tham gia vào các nỗ lực ngăn chặn coronavirus toàn cầu