Dịch viêm phổi mới: Lo ngại nguy cơ đối với tăng trưởng toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dịch viêm phổi mới không chỉ lây lan nhanh chóng mà còn là mối nguy tiềm tàng và lớn mạnh đối với nền kinh tế toàn cầu, khiến các nhà hoạch định chính sách vốn đang vật lộn trước tác động của chiến tranh thương mại thì nay lại thêm đau đầu trước một bệnh dịch đang diễn biến phức tạp.

Tác động tiềm tàng của dịch bệnh đối với nền kinh tế thế giới chiếm vị trí trung tâm trong cuộc họp báo của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell vào thứ Tư.

Các cổ phiếu trên khắp thế giới đã sụt giảm vào thứ Năm khi số người chết vì sự lây lan của virus corona tiếp tục gia tăng, buộc các hãng hàng không phải hủy các chuyến bay và một số cửa hàng phải đóng cửa.

Trong một dấu hiệu báo động về thiệt hại có thể xảy ra, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Masayoshi Amamiya cho biết vào ngày 30 tháng 1, rằng sự hiện diện khổng lồ của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới phải được tính đến khi đánh giá tác động của dịch bệnh đối với tăng trưởng toàn cầu.

Nền kinh tế của Trung Quốc hiện nay là rất quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu và khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, chúng tôi cảm nhận được điều đó, dù không nhiều như các nước gần Trung Quốc, hoặc nước giao thương tích cực hơn với Trung Quốc như một số quốc gia Tây Âu, ông Powell nói.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tỏ ra quan ngại, rằng ông đang theo dõi chặt chẽ tác động đến nền kinh tế Nhật Bản, bao gồm cả du lịch nội địa đang xuống dốc.

Zhang Ming, một nhà kinh tế tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cố vấn hàng đầu của chính phủ, dự kiến dịch bệnh sẽ cắt giảm mức tăng trưởng quý đầu tiên của Trung Quốc xuống 1 đến 5% hoặc thấp hơn.

Trung Quốc đã áp lệnh hạn chế đi lại và đóng cửa các doanh nghiệp để ngăn chặn dịch bệnh, nhưng không đủ để dập tắt mối lo ngại đang ngày một gia tăng giữa các công ty và chính phủ trên toàn thế giới.

“Ngoài nguy cơ đối với tính mạng con người, virus có khả năng ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch và tiêu dùng. Trong bối cảnh lây nhiễm rộng, virus có thể làm suy yếu nghiêm trọng sự tăng trưởng kinh tế và vị thế tài chính của các chính phủ ở châu Á”, S&P cho biết..

Các nhà phân tích đang so sánh sự bùng phát của virus corona hiện nay với dịch SARS năm 2002-2003, dẫn đến khoảng 800 ca tử vong và làm chậm tăng trưởng kinh tế của Châu Á.

Tin tiêu cực từ dịch bệnh đã phủ bóng đen lên dự báo trước đó của Ngân hàng Nhật Bản, rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng trong khoảng giữa năm và giúp nền kinh tế Nhật Bản duy trì sự phục hồi vừa phải.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Nhật Bản. Người Trung Quốc chiếm 30% tổng số khách du lịch đến thăm Nhật Bản và gần 40% tổng số khách du lịch nước ngoài trong năm ngoái, theo một cuộc khảo sát.

Chúng tôi đang quan sát rất kỹ lưỡng diễn biến [dịch bệnh], bao gồm cả ảnh hưởng có thể lan rộng đến đâu, Mitch Amamiya nói trong một cuộc hội thảo tại Tokyo do hãng tin Jiji tổ chức.



BÀI CHỌN LỌC

Dịch viêm phổi mới: Lo ngại nguy cơ đối với tăng trưởng toàn cầu