Điện Kremlin cấm sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một quan chức hàng đầu của Điện Kremlin trong tuần này đã bác bỏ việc sử dụng vũ lực hạt nhân trong cuộc xung đột ở Ukraine và nhấn mạnh, rằng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine không nhắm tới nhà dân hay các cơ sở dân sự.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov, nói với kênh truyền hình PBS vào tối thứ Hai (28/3) rằng: “Không ai nghĩ đến việc sử dụng — thậm chí là ý tưởng sử dụng vũ khí hạt nhân".

Tuần trước, ông Peskov đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN rằng, Nga sẽ cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu đối mặt với “mối đe dọa đối với sự tồn vong” của đất nước.

Ông Peskov nhấn mạnh, trong trường hợp Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, nguyên nhân không phải do xung đột với Ukraine hiện nay. Người phát ngôn điện Kremlin khẳng định, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine không nhắm tới nhà dân hay các cơ sở dân sự.

Người phát ngôn Điện Kremlin nói với PBS hôm thứ Hai: "Kết quả chiến dịch ở Ukraine dù ra sao thì cũng không phải là lý do sử dụng vũ khí hạt nhân. Khái niệm an ninh của chúng tôi rất rõ ràng với bất kỳ một quốc gia nào. Chỉ khi nào có một mối đe dọa đối với sự tồn vong của đất nước, chúng tôi mới có thể thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân để loại bỏ mối đe dọa đó. Xin hãy tách biệt hai vấn đề: sự tồn vong của nước Nga và chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine".

“Hai điều này hoàn toàn tách biệt nhau”, ông tiếp tục và nói rằng “sự tồn tại của nhà nước và hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine – chúng không liên quan gì đến nhau".

Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào ngày 24/2, đã có những lo ngại rằng vũ khí hạt nhân có thể được triển khai khi các lực lượng Nga xâm lược Ukraine. Vài ngày sau khi xung đột bắt đầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo, ông đã ra lệnh lực lượng răn đe hạt nhân đặt trong tình trạng cảnh báo cao, đồng thời nhà lãnh đạo Nga vào ngày 24/2 đã cảnh báo về "hậu quả mà quý vị chưa từng thấy trong lịch sử" nếu một quốc gia khác can thiệp.

Giữa bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn và bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng có thể khiến xung đột leo thang với hệ quả khó lường, một số chuyên gia cho rằng, nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng, đó có thể là những vũ khí hạt nhân chiến thuật hay các vũ khí hạt nhân phi chiến lược.

Theo học thuyết quân sự Nga, nước này "sẽ có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm phản ứng trước việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các vũ khí phá hủy hàng loạt khác chống lại nước Nga hoặc các đồng minh của Nga, cũng như trước các hành vi gây hấn chống lại Nga sử dụng các vũ khí theo quy ước mà khi đó sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa".

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (P) ký các tài liệu khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự lễ ký kết ở Sochi, Nga, vào ngày 17/10/2018. (Ảnh Getty Images)

Tháng 2/2022, Tổng thống Putin nhận định với báo giới rằng, nếu Ukraine gia nhập NATO, việc này sẽ đẩy nước Nga phải sử dụng vũ khí hạt nhân.

"Sẽ không có bên chiến thắng nếu Ukraine cố gắng giành lại Crimea", nhà lãnh đạo Nga cho biết.

Trong khi đó, đã có báo cáo về giao tranh xung quanh hai địa điểm hạt nhân của Ukraine. Ngay từ đầu cuộc chiến, quân đội Nga đã kiểm soát khu vực Chernobyl, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân của Liên Xô năm 1986, và các cuộc pháo kích đã được báo cáo tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia vài tuần trước.

Người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, ông Rafael Grossi, đã viết rằng ông đã đến Ukraine vào hôm thứ Ba.

Ông viết: “Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để ngăn chặn nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân".

Hôm thứ Ba, các quan chức Nga thông báo họ sẽ "thu hẹp" về cơ bản các hoạt động quân sự gần thủ đô của Ukraine và một thành phố phía bắc, khi các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh đang mang lại những phác thảo về một thỏa thuận khả thi.

Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin cho biết, sự thay đổi trên chiến trường nhằm tăng cường sự tin cậy tại các cuộc đàm phán sau một số vòng đàm phán trước đó đã không thể ngăn chặn được một chiến dịch tiêu hao đẫm máu.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Điện Kremlin cấm sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh Ukraine