Điều tra truy vết về cách thức đại dịch Toàn cầu lây lan từ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tờ The Epoch Times đã thực hiện một cuộc điều tra truy vết về cách thức các đợt bùng phát virus Corona Vũ Hán ban đầu trên khắp thế giới bắt nguồn từ những du khách đến từ Vũ Hán.

Thành phố Vũ Hán của Trung Quốc là nơi xuất hiện virus Corona Vũ Hán đầu tiên, hay còn gọi là nơi bùng phát số 0.

Trong ít nhất 3 tuần, Bắc Kinh đã biết về mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát virus Corona ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã xem nhẹ cuộc khủng hoảng và dập tắt mọi thông tin trái ngược với thông tin chính thức từ chính phủ rằng, virus có thể được không chế. Sự che đậy này đã dẫn đến việc virus Corona Vũ Hán lây lan ra ngoài biên giới Trung Quốc, gây ra đại dịch toàn cầu.

Các tài liệu nội bộ của chính phủ Trung Quốc mà tờ The Epoch Times thu được cho thấy, những bệnh nhân có các triệu chứng giống nhiễm virus Corona Vũ Hán bắt đầu xuất hiện tại các bệnh viện Vũ Hán từ tháng 9 năm 2019. Do đó, căn bệnh này có thể đã âm thầm lây lan khắp thành phố Vũ Hán từ mùa thu năm 2019. Giới chức Trung Quốc đã biết về sự bùng phát ít nhất vào cuối tháng 12 và công khai xác nhận sự xuất hiện của virus Corona vào ngày 31 tháng 12 năm 2019.

Trong 19 ngày tiếp theo, giới chức Trung Quốc khẳng định, căn bệnh này “có thể phòng ngừa và kiểm soát được” và có rất ít hoặc không có nguy cơ virus này có thể lây lan sang người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lặp lại những tuyên bố đó của chính quyền Trung Quốc.

Trong khi đó, những bác sĩ mà tìm cách cảnh báo về sự bùng phát virus nguy hiểm này đã bị trừng phạt với tội danh tung "tin đồn bịa đặt". Vào ngày 30 tháng 12, bác sĩ Lý Văn Lượng, một bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, đã đăng một báo cáo về “7 trường hợp nhiễm bệnh giống như SARS” xuất hiện từ một chợ hải sản địa phương trong một nhóm trên ứng dụng mạng xã hội WeChat của Trung Quốc. Vào ngày 3 tháng 1, cảnh sát địa phương đã khiển trách bác sĩ này cùng với 7 chuyên gia y tế khác vì phát tán “tin đồn” trên mạng”.

Song song với các hành động từ phía chính quyền, các mạng xã hội của Trung Quốc đã loại bỏ những thông tin tham chiếu đến virus cũng như những bình luận chỉ trích cách xử lý của chính quyền đối với đợt bùng phát từ tháng 12.

Các cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ban hành ít nhất 18 chỉ thị cho các hãng thông tấn trong nước vào tháng 1 để yêu cầu họ hạn chế đưa tin về đợt bùng phát và đưa tin theo các tuyên bố chính thức của chính phủ.

Mãi cho đến ngày 20 tháng 1, chính quyền Trung Quốc mới xác nhận khả năng lây truyền từ người sang người của virus Corona Vũ Hán. Ba ngày sau, các biện pháp ngăn chặn đầu tiên được thực hiện với việc phong tỏa thành phố Vũ Hán.

Nhưng thời điểm này đã quá trễ. Trước khi phong tỏa thành phố Vũ Hán, khoảng 5 triệu cư dân đã rời khỏi thành phố, gieo rắc virus trên khắp Trung Quốc và thế giới.

Nếu ĐCSTQ ban hành các biện pháp ngăn chặn vào 3 tuần trước đó, thì tỷ lệ nhiễm virus Corona Vũ Hán có thể đã giảm 95%, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 3/2020.

Vào ngày 20/1/2020, khi chính quyền Trung Quốc thừa nhận virus Corona Vũ Hán có thể lây truyền từ người sang người, căn bệnh này đã lây lan ra ít nhất 18 quốc gia và khu vực trên thế giới. Vào thời điểm Vũ Hán bị đóng cửa vào ngày 23 tháng 1, các đợt bùng phát đã diễn ra ở ít nhất 24 quốc gia và khu vực — gần như tất cả đều bắt nguồn từ khách du lịch từ thành phố Vũ Hán.

Vào ngày 30 tháng 1, WHO tuyên bố đợt bùng phát là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, trong khi tổ chức này không khuyến nghị các quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại. Ngày hôm sau, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới đối với những du khách không phải người Mỹ đến từ Trung Quốc.

WHO đã không tuyên bố về đại dịch toàn cầu cho đến ngày 11 tháng 3 năm 2020. Tính đến thời điểm đó, đã có hơn 118.000 trường hợp nhiễm virus Corona Vũ Hán được ghi nhận trên 114 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Điều tra truy vết về cách thức đại dịch Toàn cầu lây lan từ Trung Quốc