Định nghĩa về chủ nghĩa bảo thủ tại Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi được hỏi phe bảo thủ đại diện cho điều gì, quý vị hãy nói đó là tự do, đặc biệt là tự do ngôn luận. Đó cũng là nguyên nhân phe bảo thủ phản đối chính phủ lớn - thứ không thể đồng thời tồn tại với tự do cá nhân.

Có một số lý do khiến nhiều người trẻ tuổi tìm cách né tránh chủ nghĩa bảo thủ (conservatism).

Lý do rõ ràng nhất là họ chỉ được tiếp xúc với các giá trị cánh tả (the left) — từ tiểu học đến cao học, trên phim, trên truyền hình, trên mạng xã hội và bây giờ là ở Disneyland.

Lý do ít rõ ràng hơn nhưng không kém phần quan trọng là họ chưa bao giờ được tiếp xúc một cách đúng đắn với các giá trị bảo thủ. Ít nhất là từ thế hệ Thế chiến II [những người sinh ra trong giai đoạn sinh 1901-1927, đã trải qua Đại suy thoái (1929-1939) và Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 (1939-1945)], hầu hết các bậc cha mẹ - những người giữ trong mình các giá trị bảo thủ - hoặc không nghĩ rằng họ phải dạy con của họ những giá trị đó hoặc đơn giản là không biết cách dạy như thế nào. Hiện tại, đa số những người mang giá trị bảo thủ vẫn rơi vào tình huống như vậy. Nếu được yêu cầu xác định và định nghĩa các giá trị bảo thủ, thì hầu hết những người bảo thủ sẽ bị cứng họng.

Vì lý do đó, tôi sẽ trình bày ở đây và trong các bài báo tiếp theo, danh sách các đặc điểm của chủ nghĩa bảo thủ tại Mỹ.

Giá trị bảo thủ quan trọng nhất

Chúng ta sẽ bắt đầu với giá trị bảo thủ quan trọng nhất: tự do.

Những người bảo thủ tin vào tự do cá nhân (không có tự do nào khác ngoài tự do cá nhân). Nó là giá trị cơ bản của nước Mỹ. Trong khi nhiều quốc gia đưa từ “tự do” trong các câu khẩu hiệu quốc gia và quốc ca của họ, không có đất nước nào nhấn mạnh tự do ở mức độ như Mỹ.

Đó là lý do tại sao:

  • Các nhà thiết kế tượng Nữ thần Tự do của Pháp đã tặng bức tượng này cho Mỹ.
  • Biểu tượng của nước Mỹ là Chuông Tự do.
  • Một dòng chữ được khắc trên Chuông Tự do là một câu nói về tự do trong Sách Lê-vi (quyển sách thứ 3 trong Kinh thánh): "Và bạn sẽ công bố quyền tự do trên khắp đất nước cho tất cả cư dân".
  • Người Mỹ hát về đất nước của họ như là “vùng đất của những người tự do” và “vùng đất ngọt ngào của tự do”.
  • Cho đến gần đây, mọi học sinh Mỹ đều thuộc nằm lòng bài phát biểu của ông Patrick Henry: "Hãy cho tôi tự do, hoặc cho tôi cái chết!".
  • Những người trẻ tuổi Trung Quốc phản đối việc ĐCSTQ tiếp quản Hong Kong đã vẫy cờ Mỹ.

Và đó cũng là lý do tại sao những người sáng lập nước Mỹ kiên quyết rằng nhà nước — chính phủ quốc gia [chính phủ liên bang] — càng nhỏ, càng hạn chế, càng tốt. Chính phủ càng lớn thì quyền tự do càng nhỏ. Chính phủ lớn và tự do lớn loại trừ lẫn nhau.

Hơn nữa, tự do không phải là nạn nhân duy nhất của chính phủ lớn. Tính mạng con người cũng là nạn nhân. Mọi cuộc diệt chủng trong thế kỷ 20 - thế kỷ diệt chủng - đều do chính phủ lớn thực hiện. Nếu không có chính phủ lớn, 100 triệu người sẽ không bị và không thể bị tàn sát, trong khi 1 tỷ người khác sẽ không bị và không thể bị bắt làm nô lệ. (Có một ngoại lệ: cuộc diệt chủng mà người Hutu gây ra đối với người Tutsi ở Rwanda [châu Phi], vốn có bản chất bộ lạc. Văn hóa bộ lạc, giống như văn hóa cánh tả, đề cao nhóm hơn cá nhân).

Để hạn chế quy mô và quyền lực của chính phủ quốc gia, các vị cha lập quốc của nước Mỹ đã giao hầu hết quyền lực chính phủ cho các tiểu bang. Họ đã làm như vậy trong Hiến pháp bằng cách chỉ rõ chính phủ quốc gia có quyền hạn gì và khẳng định rằng tất cả các quyền lực khác đều được giao cho các tiểu bang. Ngoài ra, họ gia tăng quyền lực của các tiểu bang bằng cách trao cho các bang quyền quyết định cuộc bầu cử Tổng thống - thông qua Cử tri đoàn - thay vì bỏ phiếu phổ thông trên toàn quốc; và bằng cách cấu trúc Thượng viện - một trong hai nhánh của Quốc hội. Họ đã trao cho mọi tiểu bang quyền đại diện bình đẳng trong Thượng viện, bất kể dân số của tiểu bang đó nhỏ đến mức nào.

Định nghĩa về chủ nghĩa bảo thủ tại Mỹ, phe bảo thủ là gì, cánh hữu, chủ nghĩa tư bản
Tòa Quốc hội Mỹ ở Washington, D.C., ngày 09/11/2022. (Ảnh: Samuel Corum / Getty Images)

Sự phản đối của phe cánh tả đối với Cử tri đoàn và Thượng viện là hoàn toàn dễ hiểu. Chính quyền lực vốn có trong chính phủ lớn, chứ không phải quyền tự do, là thứ thúc đẩy cánh tả. Đặc điểm nổi bật của mọi phong trào và đảng phái cánh tả trên thế giới luôn là yêu cầu có được một chính phủ lớn hơn nữa và do đó nhiều quyền lực hơn.

Tự do là một giá trị của chủ nghĩa tự do, cũng là một giá trị bảo thủ, nhưng nó chưa bao giờ là một giá trị cánh tả. Tự do không thể là một giá trị của cánh tả bởi vì các cá nhân càng có nhiều tự do, thì chính phủ càng có ít quyền lực hơn. Trong khi đó, chính phủ càng yếu thì cánh tả càng yếu.

Điều này đặc biệt đúng đối với quyền tự do lớn nhất: tự do ngôn luận.

Tự do ngôn luận

Tự do ngôn luận là một giá trị bảo thủ cơ bản, và nó là một giá trị tự do cơ bản. Nhưng nó chưa bao giờ là một giá trị cánh tả. Vì lý do đó, ở khắp mọi nơi mà phe cánh tả chiếm ưu thế - chính phủ, truyền thông, các trường đại học - phe cánh tả luôn đàn áp bất đồng chính kiến. Lý do rất đơn giản: không có phong trào cánh tả nào có thể tồn tại khi ý kiến được trao đổi ​​cởi mở. Các hệ tư tưởng cánh tả được xây dựng dựa trên cảm xúc và quyền lực, không dựa trên lý trí hay đạo đức. Vì vậy, phe cánh tả không thể cho phép tranh luận trung thực. Họ không tranh luận với đối thủ; họ đàn áp đối thủ.

Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, quyền tự do ngôn luận đang bị đe dọa nghiêm trọng - nó thực sự đang bị hạn chế nghiêm trọng. Với sự đi lên của cánh tả, sự đàn áp không thể tránh khỏi đối với tự do ngôn luận đang diễn ra.

Việc những người theo chủ nghĩa tự do — những người luôn coi trọng tự do và tự do ngôn luận — bỏ phiếu cho kẻ đàn áp vĩ đại của tự do - phe cánh tả - là bi kịch của thời đại chúng ta. Lý do họ làm như vậy là vì những người theo chủ nghĩa tự do đã quên mất những gì họ đại diện; họ chỉ nhớ những gì họ tin rằng họ phải chống lại: những người bảo thủ.

Vì vậy, vào lần tới, khi một người bạn hoặc người thân theo chủ nghĩa tự do hoặc cánh tả hỏi quý vị rằng phe bảo thủ đại diện cho điều gì, hãy nói “tự do” - đặc biệt là tự do ngôn luận. Đồng thời, quý vị hãy giải thích rằng đó là lý do tại sao quý vị sợ hãi và phản đối chính phủ lớn - bởi vì chính phủ lớn và quyền tự do cá nhân không thể cùng tồn tại.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Dennis Prager - The Epoch Times

Tác giả Dennis Prager là một cây bút và là người dẫn chương trình trò chuyện radio được phát sóng trên toàn nước Mỹ.



BÀI CHỌN LỌC

Định nghĩa về chủ nghĩa bảo thủ tại Mỹ